Hàng trăm ha hoa màu ở Tiền Giang có nguy cơ mất mùa do khô hạn
VOV.VN - Hiện nay, nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu xảy ra thiệt hại về cây trồng do hạn mặn. Tại vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang có hàng trăm ha hoa màu trái vụ đang thiếu nguồn nước ngọt có nguy cơ mất mùa.
Ông Trần Văn Nhánh, cũng như nhiều nông dân ở ấp Bình Khương II, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, vụ rau màu sau tết trồng rất khó khăn phải mất nhiều chi phí cho khâu bơm tác. Hiện nay, nhiều ruộng rau tại địa phương này đang “khát nước ngọt”, bà con nông dân phải bơm chuyền vét nước từ kênh trục chính bắt đầu cạn đáy.
"Nước ngọt bây giờ đang cạn kiệt rồi, mà ngoài đồng vẫn còn một số bà con nông dân bơm tát tưới cầm chừng để cứu hoa màu. Giờ mong chờ trên cống Xuân Hòa xả xuống hoặc chờ trời mưa”, ông Trần Văn Nhánh cho hay.
Thật vậy, hiện nay vùng “ngọt hóa Gò Công” của tỉnh Tiền Giang gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và Thị xã Gò Công đang bước vào đỉnh điểm khô hạn. Nhiều kênh mương, ao đìa của người dân đã khô đáy, trên cánh đồng ở nhiều địa bàn đã “nứt nẻ dấu chân chim”. Kênh Xuân Hòa - dòng nước chính để đưa nước từ sông Tiền về cung cấp cho cả khu vực này mực nước chỉ còn -0.65 mét, mực nước giảm dần mỗi ngày từ 4-5 cm. Sông Tiền tại đầu cống Xuân Hòa (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) nhiễm mặn gần 5 phần nghìn nên cống này luôn đóng kín không có nguồn cấp bổ vào nội đồng.
Theo ngành nông nghiệp các địa phương vùng “ngọt hóa Gò Công”, sau tết cổ truyền lượng nước ngọt trong kênh mương thủy lợi dồi dào nên người dân chủ quan xuống giống rau màu tự phát để mong có thêm nguồn thu nhập mùa khô. Đối với các loại rau màu dài ngày như: Bắp (ngô) cải củ, bắp cải, dưa hấu… đang đứng trước nguy cơ chết trắng thì không còn nguồn nước ngọt. Theo thống kê ban đầu của ngành chức năng, khu vực này có trên 500 ha hoa màu có nguy cơ bị thiệt hại do thiếu nước ngọt gồm: huyện Chợ Gạo 125 ha, Gò Công Tây 158ha, Gò Công Đông 216 ha và thị xã Gò Công 26 ha.
Ông Đỗ Thành Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: “Lúc trước khi mình tích trữ nước, dân thấy nước rất nhiều nên dân nghĩ là nước dư dả nên xuống giống tiếp thôi. Nay mình đóng cống Xuân Hòa hụt nước ngay, nước đâu mà bơm, có những đám bắp nó trổ cờ, chuẩn bị lấy trái hết nước bất tử luôn. Bây giờ chỉ có biện pháp bơm chuyền, bơm tác từ trong các đìa ao gì đó chứ kênh thì chỉ còn nhiêu nước đó. Anh em công ty thì luôn quan sát cứ 2 giờ lấy mẫu 1 lần đo mặn suốt trên sông Tiền. Nếu độ mặn cho phép mình lấy nước vào. Cống Xuân Hòa thì phải giữa tháng 4 mới lấy được nước ngọt”.
Không chỉ ở vùng “Ngọt hóa Gò Công” mà tại một số khu vực khác của tỉnh Tiền Giang như: cù lao Tân Phú Đông, ngoại ô thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành có nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái đang thiếu nước ngọt. Chính quyền và người dân đang tìm phương án đưa nước ngọt về để giảm thiệt hại vì hạn mặn có thể còn kéo dài.