Hàng trăm toa xe, đầu máy đến ngày khai tử: Vì sao vẫn xin chạy tiếp?
Theo quy định về niên hạn sử dụng với đầu máy, toa tàu, ngành đường sắt sẽ phải đầu tư, đổi mới hàng loạt phương tiện để đảm bảo an toàn vận hành. Tuy nhiên, tới ngày phải “bán sắt vụn”, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) lại xin gia hạn với lý do hiện tại không có nguồn lực cho đầu tư mua sắm mới thay thế phương tiện cũ.
Thiếu toa bổ sung, phải cắt giảm tàu
VNR vừa kiến nghị Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước báo cáo Chính phủ cho phép lùi thực hiện Nghị định 65/2018 về niên hạn sử dụng đầu máy, toa tàu. Nếu không được chấp thuận, hàng nghìn toa tàu và đầu máy hết hạn theo quy định sẽ phải bán thanh lý. Theo Nghị định 65, đầu máy và toa tàu khách có niên hạn sử dụng 40 năm, toa tàu hàng có niên hạn 45 năm, áp dụng từ 31/12/2020. Với quy định hiện nay, đường sắt phải dừng khai thác tổng cộng 54 đầu máy, 705 toa tàu (128 toa khách, 577 toa hàng) hết niên hạn. Đến năm 2022, sẽ phải dừng khai thác khoảng 60 đầu máy, 1.200 toa tàu hàng và 266 toa khách. Tổng vốn mua sắm mới thay thế số đầu máy, toa tàu này lên đến hơn 6.800 tỷ đồng.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết, đã dừng kiểm định các đầu máy, toa tàu hết niên hạn sử dụng và thông báo cho các đơn vị sở hữu dừng khai thác. Hiện tại, Bộ GTVT đã giao Cục Đăng kiểm thực hiện đánh giá, đưa ra hướng xử lý để báo cáo Chính phủ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Nhân, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, hiện tại đơn vị có 480 toa tàu khách, 1.076 toa hàng. Trong đó, có 54 toa khách hết niên hạn từ tháng 12/2020 đã dừng khai thác, dự kiến có thêm 34 toa sẽ hết niên hạn vào cuối năm 2021.Với toa hàng, 156 toa đã hết niên hạn và đã bị dừng khai thác, sắp tới sẽ có thêm 169 toa khác sẽ hết niên hạn trong 2 năm tới. “Ngoài lý do ảnh hưởng dịch COVID-19, ảnh hưởng của dự án sửa chữa đường sắt, việc nhiều toa hết niên hạn phải dừng khai thác cũng làm giảm năng lực chạy tàu dịp Tết Nguyên đán của đơn vị”, ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, Bộ GTVT yêu cầu đường sắt phải thuê một đơn vị độc lập để thẩm định độ an toàn của các đầu máy, toa tàu hết niên hạn. Tuy nhiên, việc thẩm định này không dễ và mất nhiều thời gian. “Nếu không được gia hạn, chúng tôi chưa biết lấy nguồn nào để đóng mới toa thay thế. Toa hết niên hạn chỉ bán thanh lý với giá sắt vụn. Giờ chỉ biết giảm số toa tàu và chờ cơ quan quản lý quyết định”, ông Nhân nói thêm. Năm 2020, đường sắt Sài Gòn thanh lý 70-80 toa (cả toa khách và hàng) chỉ thu về 4 tỷ đồng.
Xin gia hạn thêm 3 năm
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, đã trình Bộ GTVT để báo cáo Thủ tướng xin lùi áp dụng Nghị định 65 đối với niên hạn đầu máy, toa tàu. Ông Minh nhìn nhận, quy định niên hạn sử dụng với đầu máy, toa tàu là cần thiết.Đường sắt chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19 nên năm 2020 lần đầu tiên lỗ, mức lỗ hơn 1.300 tỷ đồng. Trong khi thay mới đầu máy và toa tàu hết niên hạn trong 5 năm tới cần gần 7.000 tỷ đồng. Do đó, việc lùi thời hạn áp dụng Nghị định 65 sẽ hỗ trợ VNR vượt qua khó khăn trước mắt.
VNR kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ cho lùi áp dụng niên hạn đầu máy, toa tàu thêm 3 năm so với quy định của Nghị định 65. Riêng toa tàu khổ 1.435mm chuyển thành toa xe chuyên dùng và không áp dụng niên hạn (toa tàu khai thác tuyến Hà Nội - Lạng Sơn/Hạ Long). VNR cũng đề xuất, với đầu máy, toa tàu được gia hạn, có thể rút ngắn kỳ hạn đăng kiểm định kỳ từ 18 tháng xuống 12 tháng/lần, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, sửa chữa.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, khi xây dựng Luật Đường sắt và Nghị định 65 tất cả các cơ quan chức năng đều thống nhất quy định niên hạn đầu máy, toa tàu, vì muốn thúc đẩy quá trình đầu tư đổi mới phương tiện đường sắt. Qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ và an toàn của đường sắt. “Giờ nếu điều chỉnh quy định, gia hạn niên hạn phải quay lại quy trình đánh giá trước đây, các đề xuất mới phải có cơ sở”, ông Đông nói.
Trước đó, để thay thế đầu máy, toa xe hết niên hạn sử dụng, năm 2019, VNR đã hợp tác với một doanh nghiệp nước ngoài thí điểm chuyển giao công nghệ và đóng mới 1 số toa tàu, đầu máy tại Việt Nam (thực hiện tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm và Dĩ An). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chuyên gia và trang thiết bị, máy móc không thể đưa sang Việt Nam theo kế hoạch, nên phải lùi lại tới giữa năm 2021 mới có đoàn tàu đầu tiên chạy thử.
Hiện tại, VNR quản lý 282 đầu máy tàu, nhưng chỉ có 267 đầu máy đang khai thác, trong số đang hoạt động có 45 đầu máy từ 40 tuổi trở lên hết niên hạn, cần thay thế. VNR đang đầu tư 32 đầu máy mới, với số vốn hơn 2.100 tỷ đồng./.