Hạnh phúc gắn với ruộng đồng

Hai đại biểu: một nhà khoa học và một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là ví dụ tiêu biểu trong mối liên kết 3 nhà: khoa học – doanh nghiệp và nông dân. 

  • Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc lần thứ VIII

Sáng nay (27/12), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình khai mạc Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII. Trước thềm đại hội, VOVNews có dịp gặp gỡ 2 đại biểu dự đại hội. Đó là một nhà khoa học gắn bó cả đời để nghiên cứu, tìm tòi cho ra những giống lúa mới tốt nhất; và một là chủ doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao những thành quả nghiên cứu tới người nông dân.

Nhà khoa học tâm huyết

Trải qua nhiều vị trí công tác, nhưng ở bất kỳ vị trí nào PGS. TS, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Trâm cũng dành trọn đam mê, tâm huyết và hy sinh cho việc nghiên cứu, chọn tạo các giống lúa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều giống lúa mà bà nghiên cứu lai tạo đã được công nhận là giống lúa quốc gia.

Năm 1999, PGS Nguyễn Thị Trâm nhận quyết định nghỉ hưu. Lúc ấy, công trình nghiên cứu của bà mới tạo ra được một số vật liệu làm dòng bố, dòng mẹ để tạo giống lai, chưa tạo được thế hệ lai F1 nào có giá trị. Vẫn trăn trở với những công trình nghiên cứu dang dở, bà quyết định tiếp tục ở lại để hoàn thành những phần việc còn lại.

PGS Nguyễn Thị Trâm

Ban đầu, PGS Trâm tuyển các kỹ sư nông nghiệp mới tốt nghiệp không có điều kiện xin việc. Từ chỗ phải lo tiền trả lương cho thành viên đề tài chỉ sau một thời gian các sản phẩm của bà và các học trò đã có thể bán và dần có lãi. Từ 3 kỹ sư ban đầu, đến nay trong nhóm nghiên cứu của PGS Trâm đã có 2 TS, 6 thạc sĩ và 4 kỹ sư và 1 kỹ thuật viên.

Năm 2005, giống lúa lai hai dòng với tên gọi TH3-3, một giống lúa lai cho năng suất từ 6-7 tấn/ha, vụ xuân đạt 8 tấn/ha chính thức được công nhận và cấp bản quyền.

PGS Trâm cho biết: “Giống TH 3-3 có thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 110 ngày/vụ mùa và khoảng 120 ngày/vụ xuân), thích hợp trồng trên đất 3 vụ (hai lúa, một màu), là giống chịu được mọi loại đất, địa hình, khả năng chống chịu sâu bệnh cao. Chất lượng gạo khá, cơm ngon, dẻo, gạo trắng, trong, hạt thon dài”.

Tâm sự về việc thai nghén giống lúa lai TH 3-3, bà Trâm cho biết: Năm 1990 lúa lai ở Việt Nam chủ yếu nhập từ nước ngoài. “Mình làm chọn giống mà không tạo được giống lúa cho chính mình thì thật vô lý. Đầu tiên, phải tìm những hướng nào nhanh và thuận lợi nhất, vì thế tôi chọn những giống ngắn ngày. Hơn nữa, sản xuất hạt lai cũng dễ, doanh nghiệp thích mua, giá thành hạ” – PGS Trâm tâm sự.

GS Trâm rất quan tâm đến việc tạo ra công cụ di truyền mới phục vụ sản xuất giống lúa lai. Công cụ ấy là dòng bố, dòng mẹ. “Hiện nay, chúng tôi đã tạo được dòng bố, mẹ rất thuận lợi cho việc sản xuất hạt lai hai dòng, có ưu thế lai khá, có khả năng chống chịu sâu bệnh… Chúng tôi tiếp tục cải tiến các tính trạng của dòng bố mẹ để ưu thế lai vượt lên và khả năng chống chịu tốt hơn” – GS Trâm cho biết.

Ai cũng biết, làm khoa học rất vả, với lĩnh vực nông nghiệp lại đặc biệt gian truân. Thế nhưng, ở GS Trâm luôn toát lên long say mê, sự quyết tâm sắt đá. “Tôi cho rằng, làm khoa học phải cố gắng và say mê chứ đấy không phải là sự hy sinh, vì mỗi người có một nghề và phải “sinh nghề, tử nghiệp”. Bên ngoài có thể thấy đó là sự hy sinh nhưng khi có được một thành công nhỏ tôi lại thấy sung sướng, hạnh phúc. Sau mỗi lần đi lội ruộng về mình lại thấy ăn ngon, ngủ yên. Có khi một tuần không ra đồng ruộng, không ngắm cây cối thì lại thấy thiếu thiếu” – bà đã tâm sự như vậy khi nói về bản thân.

Điều trăn trở lớn nhất với GS Trâm là lúa lai chưa vào được vụ Đông Xuân (vụ có năng suất cao). “Tôi cũng luôn tự vấn mình là tại sao chưa thể tạo ra được giống lúa lai phục vụ ĐBSCL vì giống của chúng tôi chưa kháng rày. Chúng tôi đã liên kết với các đồng nghiệp làm chọn giống ở ĐBSC trao đổi dòng lúa kháng rày để nghiên cứu tìm dòng bố. Trong một vài năm tới, tôi hy vọng sẽ có một tổ hợp giống lúa phục vụ cho miền Nam” – GS Trâm đã bộc bạch như vậy khi nói về những dự định trong tương lai của mình.

Và doanh nghiệp năng động

Anh Đoàn Văn Sáu – Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân (Trực Hùng, Trực Ninh, Nam Định) đã mạnh dạn “mua đứt” bản quyền giống lúa lai TH 3-3.

Sở dĩ có quyết định táo bạo này vì anh Sáu đã bỏ nhiều công sức để tìm hiểu  thấy rằng lúa lai của Việt Nam có những ưu thế vượt trội so với các giống lai nhập ngoại: ngắn ngày, chất lượng gạo cao và không đòi hỏi phải đầu tư nhiều. Anh Sáu cũng dành nhiều thời gian để gặp các nhà khoa học và biết rõ hơn về ưu thế giống lúa lai trong nước. “Tôi đã đặt vấn đề chuyển giao và mua bản quyền giống TH 3-3” – anh Sáu cho biết.

Anh Đoàn Văn Sáu

Hàng năm, Công ty TNHH Cường Tân tung ra thị trường hàng nghìn tấn lúa lai, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ lúa lai phải nhập ngoại, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và bà con nông dân. Đến nay, Công ty liên tục phát triển, tiến hành tích tụ ruộng đất, qui hoạch lại ruộng đất để sản xuất giống.

Anh Đoàn Văn Sáu đã tạo được mối liên hệ khăng khít giữa nhà khoa học – doanh nghiệp và người nông dân. Qua mối liên kết này, hàng trăm nông dân có việc làm, thu nhập cao.

Được biết, doanh nghiệp của anh Sáu đã bỏ ra 10 tỷ đồng để mua bản quyền giống lúa TH 3-3. “Chúng tôi suy nghĩ, mua một sản phẩm nghiên cứu của nhà khoa học với giá 10 tỷ đồng thì quá đơn giản, nhưng với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì đây lại là số tiền lớn. Nhưng chúng tôi tìm hiểu sâu việc sản xuất lúa lai, nhu cầu của bà con trong nước thì thấy rằng, nếu kinh doanh mà bỏ 10 tỷ đồng ra thì không phải là số tiền quá sức mình” – anh Sáu nói.

PGS Trâm cũng đánh giá khá cao việc mua bản quyền giống của Cường Tân và cho biết, ở Việt Nam, những doanh nghiệp làm giống là những doanh nghiệp đi đầu trong mua bản quyền. Trong quá trình mua họ phải tính toán việc sản xuất như thế nào để thu hồi được số tiền ấy.

PGS Trâm cũng cho rằng, đối với lúa lai việc thu hồi vốn dễ hơn. Nhà khoa học quản giống bố, mẹ để duy trì độ thuần và hàng năm cấp cho doanh nghiệp hạt lúa mẹ. Doanh nghiệp phải tự tổ chức vùng sản xuất. Đây là sự liên kết khá chặt chẽ. Riêng giống TH 3-3 sản xuất lai khá dễ, có thể đạt trên 3 tấn/ha. 

Hiện nay, giống lúa của Công ty Cường Tân phục vụ bà con nông dân ở miền Bắc và miền Trung và đang thử nghiệm ở diện nhỏ khu vực miền Nam. Bình quân mỗi năm Công ty cung cấp khoảng 1.500 tấn giống lúa TH 3-3 và các giống khác (tổng số khoảng 3.000 tấn). Giá thành lúa lai của công ty sản xuất so với giá nhập ngoại rẻ gần một nửa 55.000-60.000 đồng/kg (trong khi lúa nhập khoảng 90.000 đồng/kg).

Anh Đoàn Văn Sáu cho biết, hiện Công ty còn tập trung sản xuất giống lúa lai 3 dòng cho vụ chiêm xuân. Còn vụ mùa thì tập trung vào giống 2 dòng, với ưu điểm ngắn ngày, tránh được thời tiết xấu, kháng được bạc lá và vì ngắn ngày nên có thể trồng được cây vụ Đông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên