Hành trình đạp xe vượt hơn 700km thăm Thủ đô của cậu bé 15 tuổi

VOV.VN - “Rất đã” là cảm xúc duy nhất của Hoàng Quốc Anh (sinh năm 2007, Đà Nẵng) khi chạm đất Thủ đô bằng xe đạp. Cậu bé 2k7 đã vượt quãng đường 700km từ Đà Nẵng ra Hà Nội trong 8 ngày.

Sáng 2/7, Quốc Anh cùng người “bạn” đồng hành của mình đã hoàn thành chuyến đi hơn 700km từ Đà Nẵng ra Thủ đô Hà Nội trong 8 ngày đạp xe ròng rã. Gương mặt “cháy đen” vì nắng nóng sau hành trình đầy mệt nhọc, nhưng Quốc Anh cảm thấy sảng khoái và tràn đầy sức lực.

Ý tưởng xuyên Việt xuất phát từ câu nói bâng quơ

Hoàng Quốc Anh (tên ở nhà là Bo) bắt đầu hành trình xuyên Việt với một câu nói tưởng để cho vui với bố mẹ rằng “con muốn đạp xe từ Đà Nẵng ra Hà Nội”. Ý tưởng này của Quốc Anh xuất phát từ việc cậu vừa hoàn thành hành trình đạp xe từ Đà Nẵng ra Hội An. Nào ngờ, bố mẹ của em lại “oke” liền.

“Em chỉ nói vậy thôi, không ngờ bố mẹ lại đồng ý luôn và giờ thì em đã có mặt tại Hà Nội”, Quốc Anh xúc động nói.

Người đồng hành cùng với Bo trong suốt hành trình là anh Đỗ Mạnh Cương (Gia Lai). Sau khi được sự mở lời của bố mẹ Bo, anh Cương đã đồng ý ngay. Và hành trình của 2 chú cháu bắt đầu từ sáng 24/6.

Hành trang của Quốc Anh mang theo là 1 chiếc xe đạp, 2 bộ đồ, 1 đôi găng tay, 1 đôi giầy và 1 đôi dép. Tất cả những món đồ này được em gói gọn trong chiếc balo đeo trên lưng. Khi xe hỏng hay mệt quá, 2 chú cháu ngồi nghỉ, đêm đến thì vào nhà nghỉ ngủ. Để bù năng lượng, 2 chú cháu thường chia nhiều bữa nhỏ để ăn.

6 lần xe hỏng và 3 lần muốn bỏ cuộc

Chặng đường hơn 700km dọc theo chiều dài đất nước đem đến cho Quốc Anh những trải nghiệm thú vị. Trên hành trình này, em đã từng muốn bỏ cuộc, đã trải qua nhiều nỗi sợ hãi… và rồi lại vững vàng “chinh chiến”, để cuối cùng là chạm đất Hà Nội như mục tiêu đã vạch ra.

“Với em, đây là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời mà bản thân mình đã chinh phục được. Hành trình này mang đến cho em rất nhiều trải nghiệm, nhiều cảm xúc và kiến thức”, Quốc Anh chia sẻ.

Theo Quốc Anh, ngay từ buổi sáng đầu tiên xuất phát, em đã không ngừng than thở với người đồng hành rằng em muốn bỏ cuộc bởi vì buổi sáng dậy sớm, rất mệt và bản thân em thấy quãng đường di chuyển quá xa. Chưa đi, nhưng em đã cảm thấy đuối sức và nhụt chí dần.

Anh Cương đã động viên Quốc Anh chỉ cần vượt qua đèo Hải Vân là được. “Và đúng là sau khi vượt qua đèo, Bo cảm thấy rất sảng khoái. Sau cú vượt đèo này, chiếc xe của Bo bị gãy 2 chiếc nan hoa, phải nghỉ mất nửa buổi sáng để sửa”, anh Cương cho biết.

Lần thứ hai Quốc Anh muốn từ bỏ là khi xe bị nổ lốp trên đường từ Quảng Trị đến Quảng Bình. Quốc Anh thấy hoang mang và không biết nên xử lý như thế nào, thì cuộc gặp gỡ với đoàn 3 người cùng đạp xe đạp từ Bắc Giang vào TP.HCM khiến em có thêm động lực. “Những người bạn” mới này cũng đã hỗ trợ Bo trong việc thay lốp xe mới.

“Em gặp một bạn nhỏ 11 tuổi trong đoàn và chia sẻ với em ấy rất nhiều điều. Em nghĩ bạn 11 tuổi mà đạp xe như vậy, mình từ bỏ thì thấy khá nhột và xấu hổ. Sau đó em đã đạp xe thật nhanh để đến TP. Đồng Hới”, Quốc Anh cho hay.

Từ Đồng Hới ra Hà Tĩnh, nhiệt độ lên tới 45 độ C. Thêm một lần nữa Bo cảm thấy chùn chân. Mặc dù nhìn thấy Bo phải đạp xe trong thời tiết nắng nóng, khiến anh cảm thấy rất “xót” nhưng anh Cương tiếp tục khuyến khích Bo cố gắng. Đến 2h chiều cả 2 chú cháu đã có mặt tại Hà Tĩnh.

Khi từ Hà Tĩnh đi Nghệ An, lúc đạp xe đến thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, gặp đoàn xe tang, Bo đã mếu máo gọi mẹ vì sợ. Lúc đó, Bo nói với chú Cương rằng muốn dừng chân ở đây và không tiếp tục di chuyển được nữa. Nhờ sự động viên của anh Cương, Bo đã chiến thắng nỗi sợ hãi và cậu lại tiếp tục hành trình đến Thanh Hóa lúc đã 12h đêm. Và rồi hành trình tiếp tục trải qua các tỉnh, thành cho đến ngày chạm đất Thủ đô.

Hành trình của Bo trải qua 6 lần xe hỏng. Từ hoang mang không biết giải quyết thế nào khi xe gặp sự cố, hiện Bo cũng đã biết sửa xe cơ bản, và trên hết cậu biết cách “cầu cứu” người đi đường, chủ động hỏi tiệm sửa xe… Nếu như trước đây, Bo chỉ đạp được 10km là dừng nghỉ, thì giờ thể lực của em có thể đạp được hơn 40-50km.

Với Bo, hành trình này thực sự có ý nghĩa khi được trải nghiệm nhiều việc lần đầu tiên trong đời, trong đó có việc được đặt chân đến quê hương của Bác Hồ ở xã Kim Liên, Nam Đàn, thắp hương ở mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay thăm thú các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng khác nữa.

Sau hành trình Quốc Anh đã có sự thay đổi mới

Anh Hoàng Quốc Quyền – bố của Quốc Anh có mặt tại Hà Nội cùng Bo khi chạm “đích” chia sẻ, trước khi Bo đi xuyên Việt, gia đình cũng đã cho con rèn luyện trước đó một tuần về việc đi lại, sửa chữa xe. Trước đây bạn ấy đi xe đạp mấy năm nhưng chưa biết cách sửa xe, nhưng giờ thì có thể làm được việc đó, hoặc biết cách chủ động nếu như gặp sự cố trên đường.

“Việc đạp xe đạp lần này cũng chính là mong bạn ấy chinh phục được bản thân. Bởi khi con cái ra khỏi nhà sẽ có rất nhiều thứ khó khăn như thời tiết, xe cộ và những rắc rối khác xảy ra trên đường. Đi là thử thách bản thân, giúp con vững vàng và trưởng thành hơn. Cuộc đời chỉ có đi ra ngoài mới có thể dạy cho con nhiều bài học, nên mình khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho con được đi”, anh Quyền bày tỏ.

Về phía người đồng hành của Bo, anh Đỗ Mạnh Cương đã nhận thấy ở Bo có sự thay đổi lớn sau mỗi hành trình vượt qua.

“Khi nhận lời mời tham gia hỗ trợ Bo trong hành trình này, tôi đã đồng ý ngay. Bởi bản thân tôi nhìn thấy trong ánh mắt của Bo chứa đầy khát vọng được chinh phục và bạn mong muốn có được người đồng hành cùng thực hiện điều này. Và rồi tôi thầm cảm ơn Bo vì cậu bé đã không bỏ cuộc. Cảm ơn gia đình Bo vì đã dám cho con của mình thực hiện một hành trình như thế”, anh Cương cho biết./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đi bộ xuyên Việt từ Làng Sen đến bến Nhà Rồng
Đi bộ xuyên Việt từ Làng Sen đến bến Nhà Rồng

Hơn 300 tình nguyện viên sẽ đi bộ từ Làng Sen (Nghệ An) và kết thúc tại bến Nhà Rồng (TP HCM) trong thời gian từ 2/7-12/8, đi qua 16 tỉnh, thành phố.  

Đi bộ xuyên Việt từ Làng Sen đến bến Nhà Rồng

Đi bộ xuyên Việt từ Làng Sen đến bến Nhà Rồng

Hơn 300 tình nguyện viên sẽ đi bộ từ Làng Sen (Nghệ An) và kết thúc tại bến Nhà Rồng (TP HCM) trong thời gian từ 2/7-12/8, đi qua 16 tỉnh, thành phố.  

Đi xe đạp xuyên Việt vì môi trường
Đi xe đạp xuyên Việt vì môi trường

Tham gia chuyến đi có 60 tình nguyện viên gồm 15 người cao tuổi và 45 thanh niên, sinh viên tình nguyện, trong đó người lớn tuổi nhất là hơn 70 tuổi, người trẻ nhất vừa tròn 16 tuổi.

Đi xe đạp xuyên Việt vì môi trường

Đi xe đạp xuyên Việt vì môi trường

Tham gia chuyến đi có 60 tình nguyện viên gồm 15 người cao tuổi và 45 thanh niên, sinh viên tình nguyện, trong đó người lớn tuổi nhất là hơn 70 tuổi, người trẻ nhất vừa tròn 16 tuổi.

Chuyến hành trình đi bộ xuyên Việt đầy ý nghĩa nhân đạo
Chuyến hành trình đi bộ xuyên Việt đầy ý nghĩa nhân đạo

Trong suốt hành trình, anh Nguyễn Tuấn Linh đã thu thập được hơn 31.000 chữ kí ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

Chuyến hành trình đi bộ xuyên Việt đầy ý nghĩa nhân đạo

Chuyến hành trình đi bộ xuyên Việt đầy ý nghĩa nhân đạo

Trong suốt hành trình, anh Nguyễn Tuấn Linh đã thu thập được hơn 31.000 chữ kí ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam