Hành trình những ca ghép tim “xuyên Việt” ly kỳ

VOV.VN -Thời quan qua, Bệnh viện TW Huế liên tục khẳng định trình độ chuyên môn qua những ca ghép tim xuyên Việt, tạo nên kỳ tích trong ngành ghép tạng Việt Nam

Từ ca ghép tim thành công đầu tiên vào ngày 01/3/2011, đến nay Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện 4 ca ghép tim cho những người suy tim giai đoạn cuối. Chỉ trong vòng gần 1 tháng, từ ngày 16/5 đến 14/6/2018, Bệnh viện này liên tiếp ghi dấu ấn đẹp qua 2 ca ghép tim xuyên Việt thành công hơn mong đợi, tạo nên kỳ tích trong ngành ghép tạng Việt Nam.

Ê kíp y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế ra Hà Nội để vận chuyển tim về Huế.
Ca ghép tim xuyên Việt đầu tiên mà Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện là ghép cho bệnh nhân Trần Tuấn, ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế vào ngày 16/5. Ca thứ 2 sau đó gần 1 tháng dành cho bệnh nhân Phạm Văn Cơ cũng là một câu chuyện ly kỳ. Cả 2 quả tim của người hiến tạng đều ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội. Hành trình vận chuyển quả tim vượt qua gần 900km từ Hà Nội vào Đà Nẵng bằng đường hàng không; sau đó trở ra Huế bằng ô tô. Hai ca ghép tim này đều là cuộc “chạy đua” đầy áp lực đối với các ê kip phẫu thuật.

Kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vận chuyển quả tim xuyên Việt trên máy bay.
Bác sĩ  Nguyễn Đức Dũng, phẫu thuật viên khoa Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng: Ca ghép tim xuyên Việt là hành trình chạy đua với thời gian của các ê-kíp phẫu thuật để cứu sống người bệnh. Hành trình này có sự “tiếp lửa” từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam và gia đình của người hiến tạng.

“Quả tim xuyên Việt đầu tiên ghép cho bệnh nhân Trần Tuấn là một cuộc chạy đua rất căng thẳng từ đầu tới cuối, bởi vì công việc khó, thời gian gấp rút. Quả tim từ bệnh viện Việt Đức về đây và vào ngay trong phòng mổ. Mình phải đảm bảo thời gian vàng của quả tim nên cả ê kíp rất khẩn trương và hoàn thành tốt nhiệm”- bác sĩ Nguyễn Đức Dũng cho biết.

Thách thức đặt ra trong việc ghép tim xuyên Việt chính là bảo đảm thời gian. Bởi “thời gian vàng” của quả tim khi lấy ra khỏi cơ thể người chỉ có thể bảo quản trong vòng 6 tiếng. Nếu quá trình vận chuyển quả tim gặp trục trặc thì nguồn tạng hiến trở nên vô nghĩa. Vì vậy, các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Việt Đức luôn có phương án dự phòng, đảm bảo đưa tạng về bệnh viện an toàn.

Anh Trần Mậu Đức- người đầu tiên được ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Bác sĩ Trương Tuấn Anh, Khoa Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế, người tham gia lấy và vận chuyển những quả tim xuyên Việt luôn lo lắng bảo quản tốt những trái tim cứu người.

“Tuấn Anh đi lấy quả tim thứ tư nhưng cảm giác vẫn hồi hộp, lo lắng giống như ban đầu vậy. Lo lắng làm thế nào để quả tim hay tạng mình lấy phải tốt, đó là áp lực mà ê kíp đi lấy phải như vậy. Khi mình lấy tạng về tâm trạng cứ lâng lâng trong người không thể ăn được, nhảy vào làm việc luôn. Giống như bác sĩ Ân lấy tạng từ Hà Nội về rồi vào ghép luôn, như vậy thời gian làm việc liên tục 10 tiếng đồng hồ. Đến khi hoàn chỉnh các công đoạn ghép, khi tạng làm việc lại đảm bảo chức năng, thay thế được là vỡ òa, sung sướng lắm”- bác sĩ Trương Tuấn Anh chia sẻ.

Bây giờ, Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện lớn và mạnh về ngoại khoa trong các lĩnh vực như phẫu thuật tim, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật ung thư, chân thương chỉnh hình… Bệnh viện thực hiện thành công hàng trăm trường hợp ghép tạng, trong đó có nhiều ca ghép tim rất đặc biệt. Đội ngũ y bác sĩ nơi đây cũng đã sẵn sàng cho những ca ghép tạng khó, tiến tới chinh phục và làm chủ nhiều kỹ thuật mới.

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nêu rõ quan điểm của Bệnh viện là hướng tới phục vụ tốt người bệnh.

 “Quan điểm của bệnh viện là luôn luôn hướng tới người bệnh. Luôn luôn nghĩ người bệnh là trung tâm, để làm sao mình đạt yêu cầu cao hơn. Trong quá trình làm việc, mình luôn nói với các bạn rằng “Ngày mai bao giờ cũng khó khăn hơn ngày hôm nay” để mà phấn đấu”- GS.TS Phạm Như Hiệp cho biết.

Gia đình anh Trần Mậu Đức.
Những “bàn tay vàng” và lòng nhân ái đã viết nên những câu chuyện “cổ tích giữa đời thường”.

“Trường hợp chồng tôi là một trong những ca mổ rất thành công. Ở đây các bác sĩ rất nhiệt tình, từ vấn đề tư vấn quá trình ghép như thế nào. Tôi rất biết ơn tất cả các bác sĩ. Vợ chồng tôi rất xúc động.”- bà Trần Thị Bích Ngọc, ở Tiền Hải, Thái Bình nói.

 Anh Trần Mậu Đức, ở thành phố Huế chia sẻ, sau 2 năm ghép tim thành công, hiện anh Đức đã đi làm đủ nghề từ bốc vác, chở hàng, phụ hồ. “GS.TS Bùi Đức Phú- nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi nên bác sĩ khuyên tôi lên đây làm được gì thì làm. Ban đầu tôi làm giữ xe, sau thấy sức khỏe ổn định, Bệnh viện cho làm bảo vệ. Đối với tôi được sống lại lần thứ 2, được bệnh viện cũng tạo cho công ăn việc làm để nuôi các con là niềm vinh hạnh”- anh Đức nói.

Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những trung tâm tim mạch rất lớn của cả nước. GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam khẳng định, nước ta đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực tim mạch, không thua kém các nước trong khuvực hay trên thế giới. Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, trong hơn 10 ca ghép tim của cả nước thì Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công 4 trường hợp, giành lại sự sống cho bệnh nhân.

 “Bệnh viện Trung ương Huế là trung tâm tim mạch khá lớn, có rất nhiều tiến bộ. Bệnh viện không chỉ thực hiện các ca ghép tim mà còn ghép tim phổi. Đội ngũ bác sỹ được đào tạo đồng đều nên Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những trung tâm rất mạnh của cả nước.”- GS.TS Nguyễn Lân Việt khẳng định.

Chăm sóc bệnh nhân ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Thành công từ các ca ghép tim xuyên Việt ở Bệnh viện Trung ương Huế minh chứng cho quy trình ghép tạng mô hình đa trung tâm mà bệnh viện đang thực hiện có ý nghĩa cao đẹp. Nó mang đến sự hồi sinh diệu kỳ cho những bệnh nhân “thập tử nhất sinh”. Đó cũng là cái tâm, cái đức của những người thầy thuốc. Tuy nhiên, khi tất cả những khoảng cách, không gian, thời gian và con người đều có thể tính toán để vượt lên thì khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn tạng từ người cho chết não thường ít đượcngười nhà đồng ý.

Điều mong mỏi của những người thường xuyên chứng kiến ranh giới sống- chết mong manh của bệnh nhân là mọi người hãy vượt qua quan niệm “cái chết toàn thây”, cùng chia sẻ việc hiến tạng, giúp hồi sinh cuộc đời một con người./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ghép tim cho trường hợp nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam
Ghép tim cho trường hợp nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam

VOV.VN - Bệnh nhân được ghép tim là N.T.H (10 tuổi). Đây cũng là trường hợp ghép tim nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam.

Ghép tim cho trường hợp nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam

Ghép tim cho trường hợp nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam

VOV.VN - Bệnh nhân được ghép tim là N.T.H (10 tuổi). Đây cũng là trường hợp ghép tim nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam.

Bệnh nhân ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam được xuất viện
Bệnh nhân ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam được xuất viện

VOV.VN - Bệnh nhi Nguyễn Thành Đạt, 10 tuổi, ở Sơn Tây (Hà Nội) người nhỏ tuổi nhất được ghép tim tại nước ta đã xuất viện.

Bệnh nhân ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam được xuất viện

Bệnh nhân ghép tim nhỏ tuổi nhất Việt Nam được xuất viện

VOV.VN - Bệnh nhi Nguyễn Thành Đạt, 10 tuổi, ở Sơn Tây (Hà Nội) người nhỏ tuổi nhất được ghép tim tại nước ta đã xuất viện.

Vượt qua cửa tử nhờ ghép tim "xuyên Việt"
Vượt qua cửa tử nhờ ghép tim "xuyên Việt"

VOV.VN - Những người suy tim giai đoạn cuối, sự sống mong manh tính từng giờ. Với họ, ghép tạng là giải pháp duy nhất vượt qua cửa tử. 

Vượt qua cửa tử nhờ ghép tim "xuyên Việt"

Vượt qua cửa tử nhờ ghép tim "xuyên Việt"

VOV.VN - Những người suy tim giai đoạn cuối, sự sống mong manh tính từng giờ. Với họ, ghép tạng là giải pháp duy nhất vượt qua cửa tử.