Hành trình trở thành chuyên gia cơ khí hàng đầu của người “từ sông Lam” đến “sông Hồng”

VOV.VN - Câu chuyện về một thanh niên “từ sông Lam” đến “sông Hồng” trở thành một công dân gương mẫu của Thủ đô.

Ngày 10/10/1954, bộ đội ta về  “tiếp quản Thủ đô”. Hà Nội bước sang trang sử mới. Nhiều thanh niên ưu tú từ mọi miền đất nước đến Hà Nội học tập, lao động… cống hiến cho sự phát triển kinh tế-xã hội-văn hoá của Thủ đô. Ngày một ngày hai, họ trở thành “công dân Thủ đô”. Một trong những thanh niên như thế là anh bộ đội Cụ Hồ người thành Vinh (Nghệ An) Trần Tuấn Thanh, năm đó 21 tuổi. Trần Tuấn Thanh học khoá 1 khoa Chế tạo máy Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp được giữ lại trường và bắt đầu con đường vừa tự học vừa vươn lên. Vừa giảng dạy bậc đại học, vừa tham gia các chương trình xây dựng và phát triển ngành cơ khí nước ta, kỹ sư Trần Tuấn Thanh trở thành một trong những chuyên gia có uy tín của ngành cơ khí Việt Nam.

Năm 1985, Phó Giáo sư- kỹ sư Trần Tuấn Thanh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu” Anh hùng Lao động”.

“Cơ khí chính xác…”

Dịp Quốc khánh năm nay, tôi vào thăm kỹ sư Trần Tuấn Thanh. Ông hiện ở chung cư trên phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội, gần nhà cậu con trai út. Gặp tôi, ông thông báo ngay: Nguyễn Xuân Huy, người đứng đầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) cơ khí chính xác-Dịch vụ và Thương mại Việt Nam (viết tắt là VPMS) vừa đăng ký được một lô đất để xây dựng nhà máy trong khu công nghiệp mới của thị xã Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Bữa nào anh em mình xuống.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Huy là một trong những kỹ sư tốt nghiệp khoa Chế tạo máy đại học Bách khoa Hà Nội, từ những năm 80 của thế kỷ trước, được Phó Giáo sư Trần Tuấn Thanh trực tiếp đào tạo trong một dự án liên doanh với một hãng cơ khí của Nhật. Vài năm gần đây, Huy cùng một số bạn bè thành lập công ty cơ khí, nằm trong chuỗi các nhà máy công nghiệp phụ trợ, cung cấp  sản phẩm cho các hãng lớn của Nhật.

Vào đầu tháng 10/2019, Kỹ sư Trần Tuấn Thanh đã mời tôi và Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Lương, nguyên Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, đến thăm cơ sở sản xuất của Huy tại  Khu công nghiệp Đông Phong, Bắc Ninh. Lý do thật đơn giản: thời gian đó dư luận rộ lên câu chuyện về các sản phẩm của “công nghiệp phụ trợ” Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 của Việt Nam và thế giới. Tuy về hưu đã lâu, nhưng kỹ sư Trần Tuấn Thanh vẫn nặng lòng với sự nghiệp “công nghiệp hoá đất nước”. Nên ông muốn mời mọi người xuống tận mắt chứng kiến các nhà máy “công nghiệp phụ trợ” của Việt Nam đã làm được những gì. Cũng là một kỹ sư chế tạo máy, cán bộ giảng dạy Đại học Bách khoa Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn An Lương đã xem xét kỹ dây chuyền sản xuất – máy móc thiết bị và các sản phẩm của Công ty. Ông vui vì  các máy công cụ của Công ty đều đạt trình độ tiên tiến của thế giới, và sản phẩm làm ra cũng vậy.

Câu chuyện của chúng tôi trở về những năm 70-80 của thế kỷ XX, khi nước ta vừa thống nhất, xây dựng lại đất nước trong hoàn cảnh bị cấm vận nhiều mặt, trong đó có cấm vận về “sở hữu trí tuệ”, về máy móc thiết bị, phụ tùng thay thế.  Một loạt các đề tài khoa học được triển khai để giải quyết những khó khăn đó.  Trong đó có đề tài “ Phục hồi và chế tạo bộ đôi bơm cao áp xe I-pha W 50” mã số 52.01giao cho đại học Bách khoa Hà Nội. Thoạt nhìn, tưởng đề tài chỉ hạn hẹp trong một chi tiết quan trọng của động cơ đi-ê-den, nhưng  thực ra liên quan đến hầu hết các thiết bị cơ khí thuỷ lực xuất hiện phổ biến trong cuộc sống.

Sau một hồi lãnh đạo Bách Khoa chạy vòng quanh tìm người chủ trì,  cuối cùng kỹ sư Trần Tuấn Thanh,  sinh viên khoá 1, cán bộ giảng dạy khoa Chế tạo máy được giao chủ trì đề tài. Cũng không ít người thắc mắc Bách khoa thiếu gì Tiến sĩ Khoa học Kỹ thuật, nhiều Phó Tiến sĩ, sao lại giao cho một Kỹ sư? Thực tế chứng minh đây là một sự lựa chọn sáng suốt. Thời gian đó, kỹ sư Trần Tuấn Thanh sau mấy lần lỡ dịp đi “nghiên cứu sinh”, đã được đi “ thực tập” tại mấy trung tâm công nghiệp cơ khí lớn của Liên Xô, Cộng hoà dân chủ Đức và sau này là Pháp. Trong các chuyến “lao động thực tế” này, ông đã “xắn tay áo” đứng máy cùng công nhân nước bạn, khảo sát các dây chuyền sản xuất, trao đổi cùng các kỹ sư, công nhân kỹ thuật và người quản lý…

Trong hoàn cảnh Việt Nam khi ấy, ông đề ra phương án: tận dụng các máy móc thiết bị sẵn có của các nhà máy cơ khí  ở Việt Nam, với những bộ đồ gá lắp thích hợp, chia nhỏ các phần việc, đơn giản hoá thao tác… để có thể hoàn thành những sản phẩm cơ khí đòi hỏi độ chính xác đến muy-cơ-rông mà bình thường, các máy công cụ hiện có của Việt Nam không đạt được. Ông đã nhiều lần lặn lội vào các bãi (thực chất là các kho) chất đống đến han rỉ các loại máy công cụ của Liên Xô và các nước viện trợ cho Việt Nam, để tìm những cỗ máy thích hợp về khôi phục lại, trang bị cho đề tài.

Một loạt các nhà máy cơ khí ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam Ninh, thành phố Hồ Chí Minh…và các nhà máy quốc phòng nhận tham gia vào đề tài. Dưới sự chủ trì của chủ nhiệm đề tài, các nhà máy tiến hành đào tạo công nhân, trang bị mới hoặc cải tiến những dây chuyền máy móc sẵn có… để trước hết phục hồi và chế tạo bộ đôi vòi phun bơm cao áp…

Một đề tài như đề tài 52.01, để thực hiện hiệu quả, lại phải có những đề tài khoa học khác góp vào: dùng thép gì làm vật liệu chế tạo bộ đôi vói phun bơm cao áp? Bột mài cao cấp… lấy ở đâu? Chế độ nhiệt luyện thế nào? Lò luyện ra sao? Dùng dụng cụ gì để đo độ chính xác đến từng muy-cơ-rông?... Từng vấn đề được gỡ dần. Bà chủ thương hiệu “sơn Cô-va” nổi tiếng ở VN hiện nay đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ về đề tài bột mài cao cấp trong đề tài 52.01. Nhà máy đồng hồ Hà Nội có thời là nơi sản xuất “đồng hồ so” cho đề tài. Học viện kỹ thuật quân sự là nơi tiến hành các ứng dụng kết quả của đề tài vào việc phục hồi động cơ xe tăng, tầu chiến… Khi đề tài “Phục hồi và chế tạo bộ đôi vòi phun bơm cao áp xe I-phaW50” hoàn thành, trên thực tế trong ngành cơ khí chế tạo máy nước ta đã hình thành một chuỗi các nhà máy cơ khí có thể làm ra các sản phẩm cơ khí đạt độ chính xác cao. Chấp hành chỉ thị của đồng chí Đỗ Mười, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Nguyễn Đình Tứ ký quyết định thành lập “Trung tâm cơ khí chính xác” trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, giao Phó Giáo sư Trần Tuấn Thanh làm giám đốc, tiếp tục nghiên cứu và xây dựng một dây chuyền sản xuất bơm cao áp. Trên đà phát triển, Trung tâm đã tiến tới sản xuất các sản phẩm theo sự phân công của Hội đồng tương trợ kinh tế (khối SEV) mà Việt Nam tham gia.

Năm 1985, kỹ sư Trần Tuấn Thanh được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”.

Trở thành “người Hà Nội”…

Kỹ sư Trần Tuấn Thanh sinh trong một gia đình giàu lòng yêu nước ở thành phố Vinh.  Ông cụ thân sinh đã từng tham gia hoạt động trong “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”.  Kháng chiến chống Pháp, Trần Tuấn Thanh học hết chương trình cấp III ở vùng tự do, là một trong những học sinh giỏi Toán nhất Liên khu 4 hồi đó. Cũng như bao thanh niên khác, ông vào bộ đội…

Trong một lần cùng ông về thăm Đô Lương (Nghệ An), tôi đã được nghe ông kể  kỷ niệm về những ngôi làng nhỏ ven sông Lam nơi ông đã ở , vui chuyện, tôi hỏi: - Anh ra Hà Nội khi nào?

Thì cũng như bao thanh niên học sinh liên khu 4 thời ấy, khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô, họ đi bộ từ miền Trung ra Hà Nội chuẩn bị thi vào Đại học. Anh bộ đội phục viên Trần Tuấn Thanh có mặt tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 15/10/1954. Biết bao lạ lẫm, biết bao e dè… nhất là nhìn các cô gái Hà Nội, nữ sinh thì tha thướt trong chiếc áo dài cách tân, thanh nữ bán hàng rong trên phố thì duyên dáng trong bộ áo dài nâu tứ thân… Nhưng anh cũng không được ở Hà Nội lâu. Bộ Quốc phòng lại gọi anh “tái ngũ”, về làm giáo viên văn hoá cho một trường bổ túc của bộ đội ở Kiến An, cấp tốc cung cấp kiến thức văn hoá... cho hàng loạt cán bộ quân đội, trong đó có những người đã nổi tiếng như Anh hùng Nguyễn Quốc Trị.

Mãi đến 1956, Trần Tuấn Thanh mới được quay lại Hà Nội, vào học khoá 1 Khoa Chế tạo máy, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp, anh được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy.

Trong câu chuyện bên sông Lam, tôi hỏi: “tiếng Nga anh rất khá. Anh học như thế nào?”- “Thực ra là tôi tự học. Có lẽ vì mình có vốn tiếng Pháp từ trước nên học tiếng Nga thuận lợi hơn. Sau này có dịp đi Đức, học tiếng Đức cũng nhanh”. Vẫn nụ cười hóm hỉnh, anh kể: “một lần Đại học Bách khoa mời gặp mặt, trò chuyện với các giảng viên cùng khoa,  mình hỏi: các bạn có biết bản tiếng Việt cuốn “Thiết kế nhà máy cơ khí” của chuyên gia Liên Xô Ê-gô-rôp trong thư viện của trường, ai dịch không? Mọi người nhìn nhau… Mình bảo: tớ dịch đấy…”

Lái xe đưa chúng tôi về Nghệ An hôm ấy là Trần Tuấn Dũng, sinh năm 1962, con trai đầu của kỹ sư Trần Tuấn Thanh, cũng là một kỹ sư cơ khí. Trong những câu chuyện với tôi, nhiều lần anh “nửa khen nửa than” cậu con cả: cháu có máu lãng tử giống họ mẹ. Tò mò, tôi hỏi chuyện vì sao anh trở thành con rể của một gia đình Hà Nội gốc?  Một thoáng thấy đọng trong mi mắt anh những giọt nước mắt. Anh tâm sự: dân xứ Nghệ có cách dạy con không giống ai. Kể từ khi tôi ra Hà Nội thì tự bươn chải mà sống.  Khi đang ở trọ tại một ngõ nhỏ trên phố Trần Hưng Đạo, có một người cháu gọi bố vợ tôi là “chú” quý tôi mà giới thiệu. Cụ gặp tôi, nhìn mặt tôi mà quý ... cho phép tôi đến nhà.  Nhưng điều quan trọng là phải để con gái cụ, nữ sinh Trưng Vương, “xiêu lòng”. Mình thân cô thế cô, chỉ có một tấm lòng ngay thẳng.  Cũng may, gia đình nhà vợ tôi là một gia đình nền nếp, gia giáo... lại rất hiểu đời... Anh cả hơn tôi mấy tuổi, 19 tuổi đi bộ đội, đánh trận Điện Biên. Chị thứ hai cũng tham gia hoạt động ở nội thành, nhưng lấy một anh du kích xã thời gia đình tản cư. Gia đình sinh  hoạt theo đúng nếp xưa nhưng cũng rất mới, không thích các thứ “hoa hoè hoa sói”, trọng người, quý người… Đám cưới chúng tôi tổ chức ngay tại nhà vợ, không ra phòng cưới…

Tôi đã nhiều lần gặp “phu nhân” của kỹ sư Trần Tuấn Thanh. Chị đã từng học tiếng Trung thuộc khóa đầu tiên mà Hà Nội mở, làm phiên dịch cho chuyên gia Trung Quốc vài năm, sau rồi xin về làm công nhân…Là con dâu một gia đình cụ “đồ Nghệ”, chị  đảm đang lo toan công việc nhà chồng, nuôi dạy hai đứa con cho chồng yên tâm làm việc. Một vài lần chồng đi nước ngoài, cũng như nhiều người vợ khác, chị chạy mua cái này, bán cái kia… gom góp lần hồi mua đất làm nhà cho chồng cho con. Có một lần tôi tò mò hỏi chị: lần đầu gặp anh Thanh, chị thế nào?  Chị cười, nói rằng may mà anh ấy nói tiếng Vinh nên còn hiểu được. Cũng là cái duyên số mà. Mình có bao nhiêu người theo đuổi, xe đạp xe máy đủ cả, lại “phải lòng” cái anh đi bộ đến nhà…

Cho đến hôm nay, nhiều đồng nghiệp của kỹ sư Trần Tuấn Thanh vẫn lắc đầu về cái tính “nói thẳng” của anh. Khen nhiều hơn chê nhưng nhiều người vẫn tiếc “giá mà anh mềm mỏng hơn”…Riêng tôi, tôi thích cái đoạn anh đối thoại với ông chủ một hãng chế tạo máy Nhật Bản. Sang Việt Nam tìm đối tác cho việc mở nhà máy ở Việt Nam, gặp ông Thanh, Giám đốc Trung tâm cơ khí chính xác Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông người Nhật hỏi: “Vì sao ông muốn làm với chúng tôi?”-“Vì chúng tôi nghèo!”- Anh Thanh trả lời. “Vậy nếu các ông giầu, thì làm với ai?”-“ Chúng tôi sẽ làm với người Mỹ”. Đối đáp như vậy lại thuyết phục được nhà tư bản Nhật. Công ty của ông kết hợp với Trung tâm tổ chức đào tạo mấy lứa kỹ sư Bách Khoa vừa ra trường, đưa đi Nhật thực tập…để là nguồn nhân lực cho các liên doanh với Nhật sau này. Đầu thập niên 1990, Trung tâm cơ khí chính xác Đại học Bách khoa Hà Nội có một dàn máy tính hiện đại vào loại nhất bấy giờ, trong đó có loại máy dùng để “thiết kế” các chi tiết máy, các sản phẩm cơ khí…thuộc loại “quý hiếm” lúc đó. Đấy là các thiết bị do người Nhật tặng.

Trò chuyện cũng đã lâu, tôi xin phép ra về vì sợ trời nắng.  Kỹ sư Trần Tuấn Thanh khăng khăng đòi tiễn tôi xuống đường với cái cớ là “có việc phải xuống”. Sinh năm 1933, năm nay ông cũng đã 87 tuổi rồi. Nhưng vốn là một cầu thủ bóng đá có hạng của Đại học Bách Khoa, sức vóc của ông còn khá. Thấy ông, người thợ sửa giày trước thềm nhà đon đả: “Giầy của ông cháu sửa xong rồi đây. Đôi giầy này còn tốt lắm…Chắc ông mua ở nước ngoài?”.  Cầm đôi giầy đã được đánh xi đen bóng, lật đi lật lại xem xét, kỹ sư Trần Tuấn Thanh có vẻ hài lòng và ngỏ lời khen. Tôi chờ cho ông đi lên sảnh nhà, bước vào thang máy, mới rời đi. Chợt nghĩ lời của một ông chủ hãng cơ khí người Pháp từng làm việc với kỹ sư Trần Tuấn Thanh:  người như ông ở nước tôi sẽ thành ông chủ lớn... Cái “ông chủ lớn” đó cư xử rất bình dân với một người thợ sửa giày...

Chủ nhật 4/10/2020, ông lặn lội ra thăm tôi, chỉ để thông báo rằng những người nặng lòng với ngành “cơ khí chính xác muốn tổ chức một buổi gặp mặt tại Hà Nội và mời ông giúp tổ chức. Ông vui vẻ nhận lời và mời tôi cùng tham dự. Tôi chia vui cùng ông.

Kỹ sư Trần Tuấn Thanh là một chuyên gia cơ khí có nhiều đóng góp cho đất nước. Bên cạnh vinh dự là một người Việt Nam, ông còn có niềm tự hào là đã trở thành “một người Hà Nội”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ nhận danh hiệu Anh hùng Lao động
Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

VOV.VN - Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ là người có công đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng và thành lập trường Đại học Dân lập Duy Tân.

Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

VOV.VN - Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ là người có công đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng và thành lập trường Đại học Dân lập Duy Tân.

Nhà văn Sơn Tùng nhận danh hiệu Anh hùng lao động
Nhà văn Sơn Tùng nhận danh hiệu Anh hùng lao động

Danh hiệu thể hiện sự ghi nhận của Đảng và nhân dân đối với công lao hoạt động cách mạng và sáng tạo văn học của nhà văn Sơn Tùng.

Nhà văn Sơn Tùng nhận danh hiệu Anh hùng lao động

Nhà văn Sơn Tùng nhận danh hiệu Anh hùng lao động

Danh hiệu thể hiện sự ghi nhận của Đảng và nhân dân đối với công lao hoạt động cách mạng và sáng tạo văn học của nhà văn Sơn Tùng.

10 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú"
10 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú"

VOV.VN - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Quyết định số 4414/QĐ-UBND về việc tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020.

10 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú"

10 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú"

VOV.VN - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Quyết định số 4414/QĐ-UBND về việc tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020.