Hãy để trẻ em lên tiếng

Là nội dung của Diễn đàn Trẻ em quốc gia năm 2009 vừa diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương gặp gỡ, trao đổi với các cháu về các mục tiêu vì trẻ em, về những vấn đề mà các em thấy bức xúc tại địa phương.

Trang thiết bị trường học còn thiếu, lạc hậu. Tình trạng học sinh bỏ học ở nông thôn và các vùng nghèo còn nhiều. Chất lượng y tế học đường thấp. Trẻ em lao động sớm và bị ngược đãi... Đây là những vấn đề được các em bày tỏ nhiều nhất tại Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2009 diễn ra tại Hà Nội ngày 4/8/2009.

“Trẻ em và các mục tiêu vì trẻ em” là chương trình giao lưu, đối thoại giữa 126 trẻ em đại diện cho 24 triệu trẻ em Việt Nam với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết: "Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010 đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy vậy, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đó là trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn có xu hướng gia tăng. Chăm sóc trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS vẫn là vấn đề bức xúc. Suy dinh dưỡng trẻ em vẫn thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ cao nhất thế giới... Vì vậy, diễn đàn này là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương gặp gỡ, trao đổi với các cháu về các mục tiêu vì trẻ em, về những vấn đề mà các em thấy bức xúc tại địa phương".

Với 20 câu hỏi các em đặt ra cho lãnh đạo bộ, ngành cũng chính là những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay. Đại diện tỉnh Đồng Tháp và nhiều nơi nêu thực tế, y tế học đường còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn nhiều, đặc biệt là ở nông thôn. Trong khi đó, giá sữa của Việt Nam hiện nay đang ở mức cao và có nhiều loại sữa chứa các chất độc hại. Có nhiều trẻ bị mắc bệnh hiểm nghèo nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có điều kiện chữa bệnh.

Trả lời vấn đề này, đại diện Bộ Y tế thừa nhận: "Đúng là chất lượng y tế học đường hiện nay còn yếu. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung hơn đến việc nâng cao chất lượng y tế trong học đường. Còn về khám chữa bệnh cho trẻ em, tất cả trẻ em dưới 6 tuổi được điều trị, khám bệnh miễn phí. Các bệnh hiểm nghèo của trẻ em, Bộ Y tế đã tổ chức các chương trình giao lưu vận động nguồn kinh phí chữa bệnh cho trẻ em và cố gắng hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước để có các hoạt động điều trị từ thiện. Ngoài ra, còn có các quỹ hỗ trợ trẻ em như: Quỹ Vì ngày mai tươi sáng, Quỹ chất độc da cam…".

Em Như Quỳnh, đại diện trẻ em tỉnh Thanh Hóa nêu tình trạng sử dụng lao động trẻ em làm việc nặng nhọc, trong môi trường nguy hiểm và bị ngược đãi là khá phổ biến. Một em ở TP. Hồ Chí Minh dẫn chứng, ngay ở gần nhà cháu có nhiều bạn làm việc mười mấy giờ mỗi ngày nhưng lương rất thấp và ăn uống kém. Về vấn đề này, Bộ trưởng LĐ-TB & XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: "Sử dụng trẻ em làm việc là vi phạm pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế. Để giải quyết vấn đề này, có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương, cộng đồng và báo chí cần tham gia phát hiện. Còn để giải quyết tình trạng trẻ bị xâm hại, trẻ em cần có ý thức tự bảo vệ mình trước các nguy cơ. Trẻ em cần lên tiếng khi phát hiện các trường hợp như vậy để các cơ quan, chính quyền kiểm tra, xử lý. Trẻ em cần biết số điện thoại 18001567 (miễn phí) để được tư vấn giúp đỡ khi cần thiết".

Về vấn đề giáo dục, em Nguyễn Thị Kim Lệ (Cà Mau) cho biết: "Chương trình học hiện nay vẫn còn nặng, chủ yếu học lý thuyết thiếu thực hành và đặc biệt là công tác hướng nghiệp còn hạn chế". Có em nêu, thực tế ở miền núi như Hà Giang, Lào Cai… tình trạng trẻ em nữ được đến trường còn hạn chế. Sau khi học hết THCS, do không được thầy cô hướng nghiệp nên nhiều em loay hoay không biết học tiếp lên trung học phổ thông hay học nghề để lập nghiệp. Vì thế, nhiều học sinh nữ bỏ học lấy chồng, học sinh nam thì đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Trước những kiến nghị trên của các em, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị: “Các cháu cũng cần tham gia nhiều hơn nữa để cùng Nhà nước giải quyết vấn đề các cháu nêu ra. Chúng ta cần phải quan tâm sâu sát tình hình trẻ em hơn nữa để các em có môi trường học tập, vui chơi tốt, không bị xâm hại. Đồng thời đẩy mạnh tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế. Thật đau lòng khi thấy ở đâu đó trẻ còn bị đối xử mất công bằng, bị ngược đãi. Tôi xin tiếp thu ý kiến và những thông điệp các cháu đưa ra tại diễn đàn “Lắng nghe trẻ em bằng trái tim - chăm sóc trẻ em bằng hành động”. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH, Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: "Những kiến nghị của trẻ em đối với các lãnh đạo bộ, ngành sẽ giúp thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001 - 2010 và các cơ sở để xây dựng các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020 cho phù hợp"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên