Henri Martin: Còn mãi tình yêu với Việt Nam

Dũng cảm lên tiếng phản đối cuộc chiến phi nghĩa của Pháp tại Việt Nam, người lính trẻ Henri Martin đã không màng đến tính mạng để đi theo con đường đúng đắn.

“Tôi là một trong những người Pháp thấy mình rất Việt Nam”. Đó là những lời rất ngắn gọn mà vô cùng xúc động ông Henri Martin đã từng nói. Căn bệnh ung thư vòm họng hoành hành từ hai năm qua làm ông rất khó khăn và đau đớn khi nói chuyện. Giọng nói khản đặc và phải chật vật thốt ra từng lời nhưng ông vẫn cười sảng khoái và ánh mắt rực sáng khi nhắc lại những kỷ niệm cuộc đời mình với Việt Nam.

Năm đó, người lính hải quân trẻ tuổi Henri Martin được cử đến Việt Nam với mệnh lệnh là giúp Việt Nam chống phát xít Nhật, nhưng ông đã sớm nhận ra đó thực chất là cuộc chiến phi nghĩa của quân đội Pháp. Là một chiến sỹ trẻ nên việc tìm cách ra khỏi quân ngũ không dễ dàng nhưng ông đã luôn có những hành động phản kháng. Ông kể lại rằng: “Tôi vẫn nhớ một lần, chỉ huy yêu cầu tôi xuống Hải Phòng sau một trận đánh bom để theo dõi tình hình và tiêu diệt những chiến sỹ Việt Nam còn ở đó nhưng tôi đã không làm. Tôi nhớ mình đã vui thế nào khi tìm thấy bộ đội Việt Nam và tôi đã chìa bàn tay với những người mà tôi coi là chiến hữu”.

Sau nhiều lần phản đối mệnh lệnh của cấp trên, Henri Martin phải chịu những hình phạt nặng nề nhưng ông đã không đầu hàng. Ông tìm cách trở về Pháp, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, dấy lên phong trào chống cuộc chiến phi nghĩa; bí mật hoạt động, rải truyền đơn kêu gọi nhân dân Pháp ủng hộ Việt Nam chống thực dân Pháp…

Sau một loạt các hoạt động đó, Henri Martin đã bị nhà cầm quyền Pháp xử tù. Vụ án xét xử ông cùng những gì người chiến sỹ cộng sản Henri Martin kiên trì thực hiện đã góp phần làm thức tỉnh nhân dân Pháp, thúc đẩy phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam lan rộng. Thêm vào đó, tại hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh Việt Nam, Henri Martin đã có những đóng góp to lớn, góp phần vào thắng lợi của nhân dân ta trên mặt trận ngoại giao.

Ông vẫn còn nhớ rõ lần được gặp Bác Hồ vào năm 1956, khi ông vinh dự sang Việt Nam trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp. Ông kể lại: “Điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi là được gặp Bác Hồ. Bác thực sự như một người cha, vị lãnh tụ vĩ đại nhưng rất gần gũi. Tôi không có may mắn sát cánh chiến đấu với các chiến sỹ Việt Nam trên chiến trường nhưng chỉ riêng cuộc gặp với Bác Hồ đã để cho tôi ấn tượng rất lớn, tôi hiểu được lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm của dân tộc Việt nam đấu tranh giành độc lập”.

Kỷ niệm tràn đầy về cả cuộc đời đấu tranh ủng hộ Việt Nam được ông kể lại với nhiều chi tiết nhỏ nhưng đầy ý nghĩa cho thấy trí nhớ của ông còn minh mẫn. Tình yêu với Việt Nam trong ông không một chút phai nhạt. Bà Martin cho biết: “Ông kể hàng ngày rất nhiều câu chuyện về Việt nam, nhất là trong thời kỳ chiến tranh. Rất nhiều người đã hỏi ông vì sao từ chối ở trong quân đội, phải chăng vì ông sợ chiến đấu, nhưng ông đã nói với từng người Pháp mà ông biết rằng: cuộc chiến là phi nghĩa và kêu gọi họ ủng hộ dân tộc Việt Nam. Ông nói rất nhiều về những người Việt Nam thân thiện, về tình yêu ông dành Việt Nam trong suốt cuộc đời”.

Cuộc sống sinh lão bệnh tử đang làm suy yếu những người bạn của Việt Nam nhưng tình yêu của họ là bất diệt, bởi nó đã được truyền tới những người thân, những người bạn của họ từng ngày, từng giờ. Đến nay, dù bệnh nặng không còn cho phép ông ra ngoài căn phòng chung cư nhỏ của mình, nhưng ông vẫn có tiếng nói đóng góp vào cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên