Hiểm họa chó, mèo thả rong tại các khu dân cư
VOV.VN - Thời gian qua, tại TP.HCM đã có không ít những ca nhập viện vì chó, mèo cắn. Trong đó loài vật gây thương tích cho người chủ yếu là chó chiếm 74,8%, tiếp đến là mèo 20,5%... Tại các khu dân cư, tình trạng chó thả rông không rọ mõm, quấy phá, phóng uế bừa bãi, đe dọa người dân xung quanh.
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT TP.HCM đã đề xuất việc chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó mèo, khuyến khích các hộ nuôi gắn chip trên chó mèo nhằm quản lý thông tin. Vậy ý kiến của người dân và các chuyên gia về vấn đề này như thế nào?
Ghi nhận của phóng viên tại khu dân cư Nam Hùng Vương và khu dân cư Nam Long, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM… những vật nuôi như chó, mèo được người dân thả rông ngoài đường mà không có biện pháp đảm bảo an toàn cho những người khác. Đàn chó có khi lên đến hàng chục con vô chủ lang thang trên phố gây hoang mang cho người dân sinh sống tại đây.
Bà Huỳnh Thị Nguyệt (Quận Bình Tân) chia sẻ: "Nếu mình nói là bị ganh tị ghen ghét, ngồi một chút tại khu vực này thôi là thấy cả chục con vật thả rông".
Những quy định về đăng ký, quản lý vật nuôi đã có, thế nhưng dường như vấn đề này đã bị bỏ lơi tại nhiều địa phương. Ông Nguyễn Thanh Hải (Quận 6, TP.HCM) từng bị chó dại cắn tỏ ra bức xúc vì đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương về việc chó mèo thả rông gây nguy hiểm cho người dân, thế nhưng vẫn không thấy lực lượng chức năng xử lý hay nhắc nhở.
"Mình phải đảm bảo được chuyện vệ sinh, thứ 2, phải kiểm soát được những hành vi của thú cưng. Chế tài thì đã có rồi nhưng bây giờ cơ quan quản lý nào sẽ thắt chặt chuyện đó? Rồi hình thức nào để răn đe chuyện ấy?".
Người dân càng lo lắng hơn khi số ca bệnh dại cả nước tăng cao trong những tháng đầu năm. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến ngày 24/3, cả nước xảy ra 26 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023 có 12 ca). Riêng tại TP.HCM, số ca mắc bệnh dại được chuyển đến điều trị tại bệnh viện trong hai tháng đầu năm 2024 là 7 ca, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái (2 ca). 100% ca mắc bệnh dại đều được người thân xin về và tử vong sau đó.
Trước thực tế trên, Sở NN&PTNT TP.HCM đã xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo và trình UBND TP.HCM xin chủ trương. Trong đó nhấn mạnh chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó mèo, khuyến khích các hộ nuôi gắn chip trên chó mèo nhằm quản lý thông tin.
Đồng tình trước đề xuất này, Ths. Lưu Đức Quang – Giảng viên đại học Kinh tế luật, Đại học quốc gia TP.HCM cho rằng, việc áp dụng quy định trên sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người chủ vật nuôi.
"Theo tôi nên triển khai ngay việc đăng ký ở 2 địa bàn trọng điểm là khu chung cư và nơi công cộng và sau đó là triển khai ở các hộ gia đình nhỏ lẻ. Đối với loài chó dữ có nguồn gốc từ nước ngoài thì nên triển khai ngay vì tính nguy hiểm của nó. Tôi rất đồng tình với đề xuất này".
Theo BS Võ Minh Công – Phó giám đốc bệnh viện nhân dân Gia Định TP.HCM, việc đăng ký nuôi chó mèo là hoàn toàn phù hợp ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, người dân cần phải tiêm phòng dại đầy đủ cho vật nuôi để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân chủ vật nuôi và những người khác.
"Nguyên tắc là khi chúng ta nuôi chó và mèo thì phải đăng ký với thú y địa phương và phải chích ngừa dại cho vật nuôi để hạn chế gây bệnh dại cho chó và đồng thời hạn chế lây nhiễm dại từ chó sang người".
Câu chuyện chó, mèo thả rông tưởng chừng là chuyện nhỏ nhưng xem ra lại rất nan giải ở những đô thị hiện nay. Đã tới lúc cần mạnh tay và quyết liệt xử phạt những người nuôi chó, mèo hay những vật nuôi khác thiếu trách nhiệm đảm bảo an toàn nơi công cộng. Đừng để thi thoảng lại phải chứng kiến hoặc có khi người thân hay chính chúng ta trở thành nạn nhân khi "thú cưng" hóa thành "thú dữ".