Hiến kế định vị thương hiệu du lịch Đà Nẵng
VOV.VN - Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã hiến nhiều kế sách giúp TP. Đà Nẵng định hướng phát triển ngành kinh tế du lịch.
Nằm ở cửa ngõ đi và đến các di sản thế giới trên địa bàn miền Trung, sở hữu 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh, thành phố Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Năm 2016, Đà Nẵng nhận được giải thưởng danh giá “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á”. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của thành phố này vẫn còn thiếu những hoạt động vui chơi về đêm.
Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng.
Tại buổi Tọa đàm mùa xuân 2018 giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã hiến nhiều kế sách giúp thành phố Đà Nẵng định hướng phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này.
10 năm qua, ngành du lịch thành phố có sự phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Năm 2008, Đà Nẵng chỉ có khoảng 1,2 triệu lượt khách đến tham quan. Đến năm 2017 con số này là 6,6 triệu lượt, doanh thu xấp xỉ 20 ngàn tỷ đồng. Số lượng khách sạn trong 10 năm qua cũng tăng 10 lần và du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố Đà Nẵng.
Điều đáng nói, du khách đến Đà Nẵng không phải để ngắm nhìn toà nhà, cao ốc tráng lệ mà vì vẻ đẹp của bãi biển dài cát mịn, dòng sông Hàn thơ mộng và văn hoá, ẩm thực đa dạng.
Đáng tiếc, chỉ trong thời gian ngắn, vì phát triển quá nóng, nhiều cao ốc khách sạn, các công trình bê tông mọc lên san sát làm mất vẻ đẹp hoang sơ. Bãi biển Đà Nẵng phải gánh chịu áp lực với lượng nước thải đổ ra ngày càng lớn và triều cường xâm thực thu hẹp dần bãi tắm.
Dòng sông Hàn thơ mộng ngày một thu hẹp do xây dựng nhiều công trình lấn sông. Rõ ràng, qui hoạch của Đà Nẵng bộc lộ những bất hợp lý, thiếu bền vững.
Ông Peter Ryder, Tổng giám đốc Công ty Indochina Cappital nhận định, ngành du lịch đóng góp 25% vào nền kinh tế của Đà Nẵng, nhưng gây hiệu ứng cấp số nhân bởi vì ngành này tác động vào các nền kinh tế khác. Ông mong muốn thành phố quan tâm phát triển du lịch thân thiện môi trường, phát triển bền vững.
"Chúng ta cần nước sạch, biển sạch, cát sạch… là những yếu tố quan trọng của ngành du lịch. Đà Nẵng cần có quy hoạch tổng thể toàn bộ, không nên xây dựng các tòa nhà cao tầng bên bãi biển làm mất vẻ đẹp bãi tắm. Thiết kế kiến trúc phù hợp vừa bảo vệ gìn giữ cảnh quan môi trường, phù hợp với văn hóa bản địa"-Ông Peter Ryder nói.
Một góc biển Sơn Trà. |
Vì vậy, thành phố cần bổ sung vào qui hoạch phát triển du lịch. Trước mắt đẩy mạnh qui hoạch không gian và kêu gọi sự đầu tư các phố đi bộ, chợ đêm, hình thành không gian hoạt động du lịch cộng đồng, khu vui chơi giải trí về đêm...
Theo ông Đặng Minh Trường, Đà Nẵng cần nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi và hỗ trợ xuyên suốt đối với dự án có vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, dư án mang tính cộng đồng, có tính động lực lan toả về du lịch, phù hợp với chủ trương của Chính phủ về phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn.
"Chúng tôi sẵn sàng đóng góp nguồn vốn làm Quỹ để thuê các chuyên gia nước ngoài mở chiến dịch truyền thông xây dựng và định vị thương hiệu, phổ biến cho cộng đồng, doanh nghiệp và người dân gìn giữ, phát huy danh hiệu Đà Nẵng"- Ông Đặng Minh Trường nói.
Quan tâm đến sản phẩm du lịch mới, ông Nguyễn Cảnh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ariyana Đà Nẵng cho rằng, từ thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cho thấy, du lịch hội thảo là lối đi mới đầy triển vọng của Đà Nẵng.
Loại hình du lịch hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng cũng đang phát triển mạnh trên thế giới. Đây là loại hình rất tiềm năng, có thể mang lại doanh thu cao hơn cả và đối tượng khách cũng yêu cầu cao hơn nhiều so với khác du lịch tham quan thông thường, lại không chịu tác động bởi yếu tố mùa vụ.
Hy vọng, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm hội thảo, hội nghị quốc gia, quốc tế hoàn hảo. Ông Sơn cho rằng, do phát triển quá nóng, quy hoạch thiếu tầm nhìn xa nên tuyến đường ven biển Đà Nẵng đã bắt đầu quá tải. Với tư cách là chủ đầu tư các khu du lịch lớn như Furama, Khu đô thị Du lịch Ariyana, ông Sơn đề nghị, Đà Nẵng cần rà soát lại quy hoạch, chỉnh trang các tuyến đường đã quá tải, giảm tiền thuê đất cho các nhà đầu tư.
Năm 2016, thành phố Đà Nẵng nhận được giải thưởng danh giá “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” đã góp phần định vị hình ảnh và từng bước khẳng định vị trí thương hiệu du lịch thành phố Đà Nẵng tầm quốc tế.
Ngắm vọoc chà và chân nâu Sơn Trà. |
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đề nghị các doanh nghiệp nhà đầu tư chung tay xây dựng thành phố này. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thành phố sẽ quyết tâm làm các phố ẩm thực, chợ đêm để phát triển du lịch. Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cũng đề nghị ưu tiên các dự án của các doanh nghiệp để cho ra đời thêm nhiều sản phẩm du lịch khác nhau, nhằm kéo dài thời gian ở thăm thú ngoài trời của du khách./.
Vì sao du lịch Đà Nẵng chưa thể “cất cánh”?