Tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII

"Hiền tiên tiến” trên đất rừng Yên Bái

Xuất hiện từ chiếc xe tải với cái đầu trọc hếu, anh Hiền hồ hởi tiếp đón chúng tôi bằng sự thân thiết và tình cảm như thể những người tri kỷ lâu rồi không gặp.

Chiếc xe của Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái dừng bánh tại Km33 đường 70 Yên Bái - Lào Cai, thuộc địa phận thôn Tân Phong, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình. Đứng trước ngôi nhà sàn đẹp, bề thế, có khuôn viên rộng và bể cá lớn, anh Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Yên Bái nói nhỏ: “Dinh cơ của hắn đấy!”.

Trước đó khoảng 1 giờ, tại Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh, anh Trung đã kể về “hắn” với chúng tôi bằng sự thán phục một con người đầy ý chí và nghị lực, vượt khó vươn lên làm giàu từ mảnh đất Tân Nguyên, Yên Bình ít người nhiều đồi núi. Anh đã bỏ biết bao nhiêu công sức, mồ hôi và nước mắt để biến nơi đồi cao khe sâu thành mô hình kinh tế VACR khang trang mà hiệu quả. Người ấy có cái tên bình dị: Lê Mai Hiền – Chủ trang trại, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hải Cường.

Xuất hiện từ chiếc xe tải với cái đầu trọc hếu, anh Hiền hồ hởi tiếp đón chúng tôi bằng sự thân thiết và tình cảm như thể những người tri kỷ lâu rồi không gặp. Nhìn ánh mắt ngạc nhiên của chúng tôi, anh Hiền cười nói: “các chú đừng có hoảng, đây là chiến tích của sương gió đồng rừng, nhìn gấu thế thôi chứ anh hiền lắm! nghe tên anh thì biết!”.

Ngồi giữa căn nhà sàn rộng thênh thang, anh Hiền trầm tĩnh đưa chúng tôi trở về quá khứ qua câu chuyện cuộc đời anh 17 năm về trước. Thời điểm người thanh niên bắt đầu có ý thức làm giàu trên mảnh đất quê hương…

Ấy là năm 1993, sau khi học xong lớp 12 và đã thử sức mình bằng con đường học vấn nhưng không mấy khả quan, anh Hiền xây dựng gia đình và được bố mẹ cho ra ở riêng với tài sản chỉ là một chút đất đai và số vốn ít ỏi. Trước sự khó khăn của cuộc sống, anh đã cùng vợ lập kế hoạch chi tiết cho việc phát triển kinh tế gia đình. Ngày ấy, vùng quê anh mới có điện, vợ chồng anh khởi nghiệp bằng việc mở cửa hàng kinh doanh đồ điện dân dụng và buôn bán hàng tạp hóa.

Sau mấy năm chịu khó làm ăn, hạch toán chi tiêu có lãi nhưng cuộc sống gia đình vẫn không thể phát triển, anh lại đổi mặt hàng kinh doanh. Để vợ ở nhà với cửa hàng may mặc, anh vào rừng buôn gỗ Bồ Đề ngược xuôi các tỉnh gom góp vốn liếng chờ cơ hội khá hơn. Và cơ hội cũng như thử thách đã đến khi năm 2000, anh quyết định vay mượn tiền mua 50 ha đất trồng rừng, cùng thời điểm với chủ trương của Nhà nước phủ xanh 5 triệu ha rừng. Kế hoạch này của anh được gia đình và người thân đồng tình giúp đỡ.

Quyết tâm với kế hoạch đã định, tư liệu sản xuất đã có, hướng đi đã được khai thông, anh Hiền cùng vợ gửi đứa con gái 7 tuổi ở nhà cho ông bà nội, bồng bế đứa con trai mới được 7 tháng tuổi vào rừng cách nhà 5 km để tập trung sản xuất. Anh thuê cùng lúc 15 nhân công đánh gốc bốc trà, đào hố trồng cây.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, giữa những tán rừng mới trồng keo, bồ đề, bạch đàn mô, anh Hiền trồng xen canh cây ngô, cây sắn, đậu đỗ các loại để lấy lương thực phục vụ sống và chăn nuôi. Dưới chân đồi, nơi có độ dốc anh trồng cây chè có năng suất và chất lượng cao như LDP1, LDP2. Nơi đất trũng anh đào ao nuôi cá, làm ruộng bậc thang theo mô hình VACR khép kín…

Nhấp ngụm nước chè, nét mặt của anh Hiền trở nên xa xăm hơn. Anh cảm nhận dư vị ngọt ngào của nước chè nhưng không hề quên những ngày đầu đầy gian khó ấy. Những đắng chát của ngày khó khăn vợ chồng anh vấp phải khi thiếu vốn trước quy mô rộng lớn của mô hình trang trại.

Anh kể rằng, vào những ngày giáp Tết năm 2000, tiền lương cho công nhân chưa có, công việc còn bề bộn, thiếu thốn mọi bề nơi núi rừng rét buốt. Anh đã phải hoãn lương công nhân đến ngày cận Tết, vợ anh vừa phải trông con vừa gói bánh chưng, đêm 30 Tết vợ chồng anh mới nhóm lửa luộc bánh, những chiếc bánh chưng khác thường bởi có sự “hợp tác” của đứa con nhỏ: nhân bánh và vỏ bánh đảo lộn vị trí. Ngồi luộc bánh một mình trong đêm, anh tự hỏi “mình đang làm ăn thế nào mà sao cuộc đời mình, vợ con mình lại khổ đến vậy?”.

Câu trả lời chỉ có được sau đó 5 năm, sau bao nhiêu nỗi khó khăn vất vả, sự kiên trì cùng quyết tâm nghị lực, năm 2005 vợ chồng anh Hiền bắt đầu có thu nhập cao từ chăn nuôi, cấy lúa, chè búp tươi, trồng rừng do thực hiện tốt công tác thâm canh, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Những cây rừng của lứa đầu tiên đã cho khai thác gỗ, anh thu được 1,425 tỉ đồng, trừ chi phí anh còn lãi 235 triệu đồng.

Sang năm 2006, vợ chồng anh Hiền thuê và mua thêm 50 ha đất rừng, nâng diện tích đất canh tác lên 100 ha. Bên cạnh việc trồng và bảo vệ rừng, anh cùng gia đình mở rộng chăn nuôi gia súc gia cầm với số gà thả vườn hơn 500 con, nuôi cá trên diện tích 1 ha. Tận dụng nguồn thức ăn dồi dào, anh đầu tư nuôi 25 con trâu làm sức kéo.

Bên cạnh đó, để gắn việc trồng, khai thác và chế biến gỗ tại chỗ, gia đình anh đã xây dựng 1 xưởng chế biến gỗ, mua xe vận tải phục vụ vận chuyển. Anh cũng tự tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm gỗ và đã ký hợp đồng với 3 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2009, tính riêng nguồn thu từ gỗ rừng trồng và chế biến gỗ được 2,482 tỷ đồng, lãi 450 triệu, nộp ngân sách 200 triệu đồng. Anh đã tạo việc làm cho gần 40 lao động với mức lương bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh Hiền còn tích cực trong công tác từ thiện, đóng góp cho các quỹ phúc lợi tại địa phương.

Trong 10 năm với việc phát triển kinh tế VACR, anh Hiền đã được nhận 6 Bằng khen của các cấp vì những thành tích trong phong trào thi đua, giúp đỡ nhau lập nghiệp và sản xuất kinh doanh giỏi. Anh là một trong 10 điển hình tiên tiến của tỉnh Yên Bái về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.

Leo lên chiếc xe tải, chúng tôi cùng anh Hiền vào rừng thăm mô hình trang trại của anh. Đi trên con đường anh tự đầu tư để phục vụ khai thác rừng và giúp nhân dân đi lại thuận tiện, Lê Mai Hiền tâm sự bằng một câu nói bình thường nhưng mang đầy ý nghĩa: “Đây chính là con đường đưa mình đến với thành công hôm nay”. Thật vậy, đứng dưới những tán rừng đang đùa vui trong gió, chúng tôi mới cảm nhận hết được những gì anh đã trải qua, đã làm được cho bản thân, cho vùng đất núi rừng nơi quê hương Yên Bái./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên