Hiệu quả giảm nghèo từ Nghị quyết 30a

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 4 - 7% so với mục tiêu

Sáng 1/3, tại tỉnh Sơn La, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc và HĐND tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng kinh tế - xã hội các huyện nghèo”. Ông Ksor Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội thảo.  

Theo kết quả khảo sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, sau 2 năm triển khai Nghị quyết 30a, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo đều giảm từ 4 - 7% so với mục tiêu giảm nghèo theo đề án. Tổng nguồn vốn hỗ trợ Trung ương cấp trong 2 năm cho các địa phương là 4.700 tỷ đồng, ngân hàng chính sách xã hội cho vay tín dụng ưu tiên cho 62 huyện nghèo được gần 5.800 tỷ đồng.

Công tác hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xóa nhà tạm, giao đất giao rừng, đào tạo nguồn nhân lực, xuất khẩu lao động cũng đã được triển khai đồng bộ. Cụ thể như chương trình xóa nhà tạm, nhiều tỉnh đạt tỷ lệ 100% như Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Thuận, Bình Định; về đầu tư cơ sở hạ tầng, đã có hàng trăm công trình như đường giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học, chợ trung tâm được hoàn thành đưa vào sử dụng.

Với những kết quả trên cho thấy, Nghị quyết 30a của Chính phủ là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc nói chung và các huyện nghèo nói riêng trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 30a vẫn còn một số tồn tại: Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều huyện vẫn còn cao như Mường Nhé, Tủa Chùa (Điện Biên) đều trên 77%, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) trên 76%; công tác giảm nghèo tại các huyện khó khăn thực chất vẫn chưa vững chắc, một bộ phận có nguy cơ tái nghèo cao; thu nhập thấp nên khó áp dụng chuẩn mới của giai đoạn 2011-2015. Công tác quy hoạch, kế hoạch, tiến độ thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng để thi công các công trình xây dựng cơ bản ở một số nơi còn chậm; vốn đầu tư từ ngân sách của Nhà nước thấp so với nhu cầu của đề án các huyện đã được duyệt làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện theo kế hoạch của địa phương; Việc huy động lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách để đầu tư phát triển trên địa bàn miền núi còn nhiều vướng mắc…

Trên thực tế này, các đại biểu tham gia hội thảo đã tập trung thảo luận, báo cáo thực tế quá trình triển khai Nghị quyết 30a và có những đề xuất, kiến nghị để việc triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ về xóa nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo trong cả nước được thực hiện một cách hiệu quả nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên