Hình thành thói quen đọc sách: Việc khó cần làm ngay
VOV.VN -Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ văn hóa đọc của người Việt còn thấp là vì nhiều người chưa coi trọng để hình thành thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ.
Con số trung bình mỗi người Việt Nam chỉ đọc khoảng 1 đầu sách trong một năm từ nguồn thống kê của Cục Xuất bản cho thấy, văn hóa đọc của chúng ta đang còn khoảng cách quá xa so với các quốc gia trong khu vực.
Việc hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ sẽ góp phần nâng cao văn hóa đọc trong tương lai |
Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ văn hóa đọc của người Việt còn thấp là vì nhiều người chưa coi trọng để hình thành thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ. Trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh mẽ với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các loại hình giải trí như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình hình thành thói quen đọc sách cho người dân là không hề đơn giản. Thế nhưng, khó mấy, muộn mấy cũng phải làm.
Số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam trong 3 năm gần đây cho thấy, bình quân mỗi năm Việt nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách. Điều đáng nói là 75% trong số đó đã là sách giáo khoa, giáo trình. Như vậy, chỉ còn chừng 100 triệu bản sách chia trên 90 triệu dân, con số quá hạn hẹp. Không cần đi đâu xa, chỉ cần làm phép so sánh với Malaysia đã thấy được độ vênh trong văn hóa đọc vì mỗi năm, một người dân ở quốc gia này đọc tầm 12 cuốn sách.
Chỉ thị 42 của Bộ Chính trị đã giao cho toàn ngành xuất bản phải hoàn thành chỉ tiêu 6 đầu sách/người/năm từ năm 2010 nhưng đến nay, sau gần 10 năm chúng ta vẫn “giậm chân tại chỗ” với 4 đầu sách/người dân. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, Tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM, vì không có thói quen đọc sách nên nhiều bạn trẻ bị cuốn vào mạng xã hội, game show nhảm nhí hay trò chơi điện tử dẫn đến xao nhãng chuyện học hành cũng là điều dễ hiểu. Muốn học sinh yêu sách, bản thân người giáo viên phải làm gương trong việc duy trì thói quen quan trọng này. Nhà trường phải tạo môi trường, điều kiện để học sinh tiếp cận nguồn sách tốt và kích thích các em đọc. Tuy nhiên, sự tác động từ phía gia đình mới là vấn đề mấu chốt. Trẻ không được tiếp cận với kiến thức từ nhiều nguồn sách sẽ hạn chế kỹ năng viết, diễn đạt ngôn ngữ và tư duy phản biện.
Phó giáo sư Nguyễn Kim Hồng phân tích: “Muốn đọc sách thì mỗi người phải hình thành thói quen này từ nhỏ. Nếu cha mẹ, ông bà không kể chuyện và không cầm cuốn sách đọc cho trẻ nghe thường xuyên thì tôi chắc chắn rằng trẻ sẽ không có thói quen cũng như hứng thú đọc sách. Các gia đình nên có một tủ sách hoặc ít ra chúng ta cũng mua sách online để đọc”.
Cùng suy nghĩ này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng nếu không thường xuyên thấy sách, nghe nói về lợi ích của sách thì đừng hy vọng một đứa trẻ tự tìm đến sách: “Trước tiên chúng ta phải làm sao để đông đảo trẻ em, thanh thiếu niên nhìn thấy sách, làm quen với sách. Từ đó các em mới thích và yêu sách được. Rồi sẽ có “cuộc hôn nhân” giữa trẻ em với sách. Điều đó là quá tốt. Như chúng ta đã biết việc hình thành thói quen đọc sách của trẻ em, thanh thiếu niên được tác động từ 3 phía là xã hội, gia đình và nhà trường” - Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói.
Là người rất quan tâm đến việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ, Thạc sĩ Lê Thị Liên, chuyên gia thuộc Công ty Cổ phần giáo dục Thành Thành Công cho rằng hiện nay nhiều cơ sở giáo dục tại Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm và hội đủ khả năng để làm tốt việc này. Thư viện trường nơi quá sơ sài, nơi ngồn ngộn sách thì nội dung nhàm chán, không phù hợp. Giáo viên, thậm chí thủ thư tại nhiều trường học vẫn còn chưa biết cách hướng dẫn trẻ đọc sách thế nào cho đúng nên không kích thích được trí tò mò, sáng tạo từ phía các em trong quá trình đòi hỏi tính tương tác cao này. Thạc sĩ Lê Thị Liên nhận định: “Bây giờ hầu như tất cả thư viện ở trường học, đặc biệt là ở các trường mầm non đều không phát huy tác dụng mặc dù chúng ta bỏ rất nhiều chi phí cho việc mua sách. Việc tổ chức những hoạt động thư viện như vậy mà không có chủ đích và không có phương pháp thì sẽ không có tác dụng.”
Chuyên gia này cho rằng, việc tạo không gian đọc hợp lý với sự hỗ trợ của giáo viên đã qua đào tạo bài bản sẽ giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách từ sớm. Từ nền tảng này, nhà trường phối hợp với gia đình để bồi dưỡng thêm. Khi cha mẹ, thầy cô cùng trẻ đọc và tương tác, việc tiếp thu kiến thức sẽ trở nên nhẹ nhàng, thú vị hơn.
Nhà trường, gia đình vào cuộc thôi chưa đủ mà theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ngành giáo dục – đào tạo cần có những đổi mới quyết liệt hơn để sớm đưa tiết đọc sách thành chương trình bắt buộc. Hiện nay, một số trường vẫn tự tổ chức hoặc biến tiết tự học của học sinh thành giờ đọc sách. Thế nhưng, về lâu về dài cần sự tác động đồng bộ thì mới đạt hiệu quả tối đa. Ở trường được đọc sách hay, được tạo điều kiện để trình bày về những kiến thức mình thu nhận từ sách, trẻ sẽ từng bước hình thành thói quen giàu tính văn hóa này.
Ông Lê Hoàng kiến nghị: “Bộ Giáo dục – Đào tạo nên nghiên cứu và sắp xếp chương trình dạy học, nhất là trong dịp đổi mới chương trình hiện nay để đưa tiết đọc sách vào nhà trường. Việc này không có gì mới lạ so với các nước xung quanh chúng ta và việc này không có gì là vô ích vì chúng tôi đã tìm thấy những điều cực kỳ tốt đẹp cho học sinh tại những ngôi trường tổ chức tiết đọc thường xuyên”.
Theo các chuyên gia, việc tạo thói quen đọc sách cho người dân từ nhỏ là vấn đề mấu chốt để phát triển văn hóa đọc của một quốc gia. Và quá trình đó, dù khó mấy cũng phải làm quyết liệt, làm bài bản vì nếu không có sách đồng nghĩa với việc quốc gia đó sẽ lạc hậu về kiến thức, tự đi lùi trong thời đại hội nhập, phát triển./. Giúp trẻ yêu đọc sách, phụ huynh cũng phải từ bỏ thói quen xấu