“Hộ chiếu vaccine” - Cần tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng và chặt chẽ
VOV.VN - Với việc áp dụng hộ chiếu vaccine, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu phương án bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch được đặt lên hàng đầu.
Hộ chiếu vaccine bản chất là giấy chứng nhận tiêm đủ số mũi vaccine ngừa COVID-19. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho rằng, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là rất cần thiết, làm sao vừa tháo gỡ được khó khăn vừa tránh rủi ro lây lan dịch bệnh. Hiện nhiều nước trên thế giới cũng đưa ra vấn đề “hộ chiếu vaccine” nhưng họ cũng chưa thực hiện.
“Ngoài Israel có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng họ cũng chỉ cho người dân đi lại trong nước của họ. Hoặc khi miễn dịch cộng đồng cao, họ cho người ngoài vào cũng đỡ sợ hơn. Nhưng Việt Nam vẫn chưa có miễn dịch, tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao nên nếu có vài trường hợp nhập cảnh mắc COVID-19 để lọt vào nước ta thì nguy cơ dịch bùng phát trở lại là không tránh khỏi”- ông Phu cho hay.
Theo PGS Phu, nên làm thấu đáo giữa hai việc không để dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng và phát triển kinh tế. Ông Phu cho rằng, trước mắt nước ta có thể áp dụng mô hình “du lịch ít tiếp xúc”. Tất cả những người có hộ chiếu vaccine, kể cả người Việt Nam ra người nước ngoài đều có thể đi đến mô hình du lịch mà ở khu vực đó có tỷ lệ tiêm vaccine cao, đồng thời cho những người có “hộ chiếu vaccine đến đó”. “Tôi nghĩ ngành du lịch và y tế nên có sự thống nhất. Bây giờ có hộ chiếu vaccine đi đến địa điểm mà người Việt Nam cũng bình thường đi du lịch, tiếp xúc nhiều thì nguy cơ chúng ta sẽ mất thành quả chống dịch bấy lâu nay”- ông Phu nêu ý kiến.
Ông Phu cũng cho rằng, vaccine ngừa COVID-19 vẫn còn quá mới, vai trò bảo vệ như thế nào còn chưa khẳng định. Trong khi số người được tiêm vaccine còn rất ít so với yêu cầu. Vì vậy an toàn với từng nước, từng khu vực sẽ phải có những chiến lược để giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 được công nhận lẫn nhau. Công nhận mức độ nào thì phải thí điểm mới biết được như thế nào là an toàn.
Theo PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chúng ta nên triển khai hộ chiếu vaccine vì hai năm qua, ảnh hưởng dịch COVID-19 gây thiệt hại kinh tế quá lớn. Chuyên gia y tế này cho rằng, với người tiêm vaccine đủ ngày, sau tiêm liều 2 từ 14 ngày trở ra mới được cấp hộ chiếu vaccine và cho nhập cảnh. Tuy nhiên, theo PGS Thiểm, không phải vaccine có hiệu lực 100%, trong số người tiêm vaccine vẫn có khả năng mắc bệnh. “Cần phải có biện pháp phòng, chống dịch cho nhóm người này, tuy nhiên có thể không chặt chẽ khắt khe bằng nhóm chưa có hộ chiếu vaccine. Nếu mình cứ chần chừ thì sẽ đi ngược thế giới”- PGS Thiểm nêu ý kiến.
Bộ Y tế cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19, việc xem xét triển khai hộ chiếu vaccine để giảm thời gian cách ly tập trung đối với người nhập cảnh vào Việt Nam cũng như tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài cũng rất cần thiết. Vấn đề triển khai hộ chiếu vaccine sẽ hỗ trợ từng bước việc mở lại đường bay thương mại quốc tế cần có sự kiểm soát, đồng thời tạo điều kiện các chuyên gia vào Việt Nam để giúp chúng ta phát triển kinh tế. Tuy nhiên cũng không phải là một sớm một chiều mà cần có sự trao đổi, thảo luận chặt chẽ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, vaccine ngừa COVID-19 đang tiếp tục được nghiên cứu và cũng đang được tranh luận tại nhiều nước trên thế giới. Theo đó, với việc áp dụng hộ chiếu vaccine, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu phương án vừa bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch bệnh cho người dân, vừa mở cửa nền kinh tế và nối lại đường bay quốc tế.
“Bộ Y tế vẫn đang nghiên cứu phương án để triển khai hộ chiếu vaccine. Trước hết, là các phương án cách ly phù hợp đối với những người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 theo quy định. Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch cho việc sử dụng hộ chiếu vaccine trong tương lai. Những phương án này đang được bàn thảo rất kỹ vì chúng ta phải cân bằng lợi ích và nguy cơ” - Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, trong mục tiêu kép vừa phòng dịch vừa mở cửa để phát triển kinh tế thì “an toàn” vẫn được đặt lên hàng đầu, vì luôn có nguy cơ lây lan dịch bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng./.
Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp tục siết chặt công tác kiểm soát người nhập cảnh trong khi đợi chính sách về “hộ chiếu vaccine” trước tình hình dịch bệnh trên thế giới đang tăng trở lại.
Các lực lượng tiếp tục thực hiện cơ chế tổ công tác của 5 bộ (Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải) trong việc điều phối các chuyến bay đưa đối tượng chuyên gia người nước ngoài, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam; xử lý nghiêm những trường hợp đưa người không đúng đối tượng ưu tiên vào nhập cảnh.