Hỗ trợ nạn nhân bom mìn: Còn nhiều khó khăn
VOV.VN -Nạn nhân bom mìn rất mong muốn được hỗ trợ để có việc làm phù hợp với điều kiện cũng như hoàn cảnh gia đình.
Sáng 4/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo trợ giúp nạn nhân bom mìn.
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng hậu quả mà nó để lại còn rất nặng nề. Hiện cả nước có khoảng 6,6 triệu ha đất (chiếm 21% diện tích cả nước) bị ô nhiễm bởi 800.000 tấn bom mìn các loại, chưa kể số còn sót lại trên biển. Hơn 40.000 người đã bị chết và hơn 60.000 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. Trung bình mỗi năm, bom mìn sót lại sau chiến tranh cướp đi tính mạng của trên 1.500 người và trên 2.200 người khác phải mang thương tật.
Theo kết quả khảo sát sơ bộ tại 6 tỉnh miền Trung là: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi đã có trên 22.700 người là nạn nhân bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504) nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân và giúp đỡ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Việc khắc phục hậu quả bom mìn được tập trung vào 3 lĩnh vực là rà phá, hỗ trợ nạn nhân tái định cư, hòa nhập cộng đồng và tuyên truyền giáo dục phòng, tránh. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 20% lượng bom, mìn được tháo gỡ, bình quân mỗi năm có khoảng 20.000 ha đất được rà phá. Việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn thông qua trợ giúp giáo dục, phát triển các mô hình phục hồi chức năng kết hợp với dạy nghề, tạo việc làm được triển khai tại các địa phương bước đầu mang lại hiệu quả, song khó khăn còn nhiều.
Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội Đà Nẵng cho biết: Nạn nhân bom mìn rất mong muốn được hỗ trợ để có việc làm phù hợp với điều kiện cũng như hoàn cảnh gia đình. Hiện nay, khảo sát ở Đà Nẵng có khoảng 350 người, trong đó mới có 25% có việc làm ổn định. Trong năm 2013, Đà Nẵng chỉ hỗ trợ được có 20 trường hợp, còn lại gần 300 người chưa được hỗ trợ việc làm.
Để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí trên 10 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng với tốc độ xử lý như hiện nay, khoảng 300 năm nữa mới có thể loại bỏ được hết số bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh./.