Hỗ trợ ngư dân vươn khơi

Không chỉ hoạt động nghề cá, ngư dân còn là lực lượng quan trọng góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

Với ngư trường trên 1 triệu km2, số lượng tàu cá hơn 134.000 chiếc, và khoảng 4 triệu lao động nghề cá, kinh tế biển đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước nhà và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với kim ngạch xuất khẩu thủy sản mỗi năm đạt gần 5 tỉ USD.

Đại tá Bùi Hữu Thái, Trưởng phòng Biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng: Tạo thế trận an ninh quốc phòng vững mạnh trên biển

** Trong năm 2010, Đề án Đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thông tin vô tuyến điện được bộ đội biên phòng triển khai tại 28 tỉnh, thành ven biển. Hệ thống thông tin này đã hỗ trợ cho bà con ngư dân như thế nào, thưa ông?

Khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, thông qua hệ thống thông tin của bộ đội biên phòng, cùng hệ thống thông tin của đài duyên hải, Cục Hàng hải kịp thời thông báo cho ngư dân biết để phòng tránh. Vì vậy, thời gian qua, số phương tiện bị thiệt hại do bão, áp thấp gây ra rất ít. Thông qua hệ thống thông tin liên lạc này, khi tàu thuyền của ngư dân gặp nạn, thông báo về bờ, chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng tổ chức cứu nạn, cứu hộ kịp thời. Khi ngư dân khai thác xa bờ phát hiện được những tin tức liên quan đến chủ quyền biển đảo, đến trật tự trị an trên biển, đã kịp thời thông báo cho chúng tôi để có biện pháp đấu tranh hiệu quả.

Ngành thủy sản Việt Nam đang xây dựng “Dự thảo kế hoạch 5 năm 2011-2015”. Theo đó, sẽ phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc trong nền kinh tế thế giới, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống của ngư dân.

** Thời gian gần đây, trên vùng biển chủ quyền Việt Nam có nhiều tàu cá nước ngoài vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta để đánh bắt hải sản. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Do đặc điểm của vùng biển nước ta có nguồn lợi hải sản phong phú và đa dạng, vùng biển lại rộng, với diện tích trên 1 triệu km2. Một số vùng biển nước ta tiếp giáp với một số nước chưa có vùng phân định cụ thể. Mặc dù trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Một số tàu thuyền nước ngoài đã vi phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, hoặc trà trộn với tàu cá được cấp phép trong vùng đánh cá chung ở vịnh Bắc bộ để khai thác hải sản trái phép. Đáng mừng là các phương tiện đánh cá của ngư dân Việt Nam, nhất là tàu đánh cá xa bờ ngày càng phát triển. Ngư dân cơ bản làm chủ các ngư trường trọng điểm, họ vừa tham gia đánh bắt, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền. Mặt khác, lực lượng tuần tra trên biển cũng được tăng cường, thường xuyên có mặt tại các vùng biển trọng điểm, đã kịp thời ngăn chặn, xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm.

** Hoạt động quản lý tàu thuyền trước khi ra khơi được bộ đội biên phòng thực hiện ra sao? Ông có khuyến cáo gì cho ngư dân trước khi ra khơi?

Chúng tôi thường xuyên rà soát, thống kê các phương tiện đường biển trong địa bàn quản lý để nắm rõ chủ tàu, thuyền trưởng, số thuyền viên (địa chỉ gia đình, điện thoại); nắm rõ đặc điểm phương tiện: giấy phép đăng ký, giấy phép hành nghề, tần số liên lạc, các trang thiết bị đảm bảo an toàn. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tuyên truyền hướng dẫn cho ngư dân biết cách xử lý những tình huống gặp phải trên biển. Qua theo dõi các vụ việc xảy ra cho thấy, về cơ bản ngư dân đã biết cách xử lý ban đầu như đã được hướng dẫn và tuyên truyền giáo dục. Điều này phục vụ rất tốt cho việc hỗ trợ ngư dân trên biển và công tác đấu tranh ngoại giao.

Tôi khuyến cáo ngư dân khi hoạt động trên biển, nhất là các vùng biển nhạy cảm về chủ quyền, ngư dân phải luôn cảnh giác, bình tĩnh xử lý các tình huống như đã được hướng dẫn. Chẳng hạn như khi không may gặp thiên tai, có thể chạy sang vùng biển các nước khác để tránh, trú nhưng phải thông báo kịp thời cho chúng tôi để chúng tôi thông qua đường ngoại giao đề nghị các nước có liên quan có biện pháp hỗ trợ. Hoặc khi bị lực lượng các nước khác tuần tra, kiểm soát bắt giữ thì bằng mọi cách thông báo cho lực lượng chức năng của Việt Nam ở gần nhất biết để hỗ trợ.

** Theo ông, việc thành lập các tổ, đội đánh cá có giúp cho hoạt động khai thác hiệu quả hơn, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo?

Việc thành lập tổ, đội tàu thuyền trên biển đã có từ lâu. Những năm 80 của thế kỷ trước, mô hình tổ, đội rất thành công ở Nam Định. Hàng năm, mô hình này thường xuyên được các địa phương sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Chính quyền địa phương các cấp đã hỗ trợ và vào cuộc. Nhiều tổ, đội tàu thuyền được thành lập bằng quyết định của chính quyền huyện, hoặc chính quyền xã và được chính quyền hỗ trợ. Ví dụ hỗ trợ về thông tin liên lạc, vay vốn hành nghề… Nhiều mô hình tổ, đội được thành lập, tạo thế trận an ninh quốc phòng vững mạnh trên biển.

Cả nước hiện có khoảng 130.000 tàu đánh cá, trong đó có khoảng hơn 20.000 tàu khai thác xa bờ. Tháng 4 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã tổ chức 3 đoàn công tác đi khảo sát, kiểm tra thực tế ở các địa phương ở cả ba miền. Kết quả, 30% lượng tàu cá nằm bờ, 40% hoạt động cầm chừng, chỉ có 30% hoạt động bình thường. Nguyên nhân là do giá dầu tăng 43%, nước đá tăng từ 25-30%, ngư cụ tăng từ 30-40%, trong khi giá cá chỉ tăng từ 15-30%.

Đại tá Đinh Gia Thật, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Tư lệnh hải quân: Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh trái tim

Hoạt động của tàu cá nước ta trên biển, ngoài lợi ích về kinh tế, còn là sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển; tạo thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển. Tôi rất tâm đắc với lời nói của bà con ngư dân ở Quảng Ngãi khi bị tàu nước ngoài bắt giữ, bà con đã tuyên bố: "Chúng tôi bị bắt thế chứ bắt nữa chúng tôi cũng vẫn đánh bắt cá, bởi vùng biển này đó là hương hỏa của tổ tiên để lại".

Hải quân Việt Nam thường xuyên duy trì lực lượng tàu trực trên các vùng biển, nhất là các vùng biển trọng điểm. Bên cạnh đó, hải quân cũng phối hợp với các lực lượng khác tổ chức tuần tra, kiểm soát duy trì việc thực thi pháp luật trên biển; ngăn chặn kịp thời và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm như buôn lậu, gian lận thương mại, cướp biển… Bằng mệnh lệnh từ trái tim, Hải quân làm công việc cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển, nhất là các vùng biển xa mà các lực lượng khác không thể vươn tới được. Chúng tôi còn tổ chức hậu cần nghề cá ở các khu vực biển xa như cung ứng nhiên liệu, cung cấp nước ngọt, sửa chữa tàu thuyền, hướng dẫn ngư dân vào các ô tàu để neo tránh bão; cấp cứu, cứu hộ trên biển.

Trước tình hình bất ổn gần đây trên biển Đông, hải quân xác định là lực lượng nòng cốt và sẽ phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hải quân sẽ tăng cường trang thiết bị để nâng cao năng lực quản lý, nắm bắt thông tin trên biển. Chúng tôi cũng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ chiến sĩ nâng cao năng lực tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển đảo, xác định ý chí quyết tâm sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Quốc Ánh, Phó trưởng Phòng Quản lý khai thác, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Sẽ thành lập lực lượng kiểm ngư

Trước thực trạng tàu nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước ta để đánh bắt hải sản, chúng tôi đã hướng dẫn ngư dân khai thác theo mô hình tổ, đội để có thể ứng cứu, giúp đỡ lẫn nhau. Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án quan sát tàu cá trên biển và dự báo ngư trường. Khi hoàn thành, Đề án này sẽ giúp chúng tôi biết được tàu thuyền nằm ở vị trí nào, hoạt động ở đâu để có hướng dẫn cho bà con phòng tránh, trú bão. Đề án này sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay và đến năm 2013 thì hoàn thành.

Khi tàu cá của ta bị nước ngoài bắt giữ, Cục sẽ phối hợp với Bộ đội biên phòng, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán của ta ở nước liên quan để can thiệp, giúp đỡ đưa ngư dân trở về nước sớm nhất. Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ đề án thành lập lực lượng kiểm ngư. Nhiệm vụ của lực lượng này là kiểm soát các tàu cá nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam và tàu cá Việt Nam vi phạm quy định pháp luật về khai thác thủy sản, đồng thời giúp đỡ tàu thuyền khi gặp thiên tai trên biển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên