Học 2 buổi/ngày, học sinh giảm bỏ học giữa chừng
(VOV) - Hơn 3 năm thực hiện chương trình, có gần 500 HS của 36 tỉnh khó khăn nhất nước đã được học cả ngày.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng học sinh (HS) ở những địa phương, vùng, miền có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn bỏ học hoặc nghỉ học giữa chừng là do địa hình, đường sá ở những nơi này còn hiểm trở, xa xôi, khó đi lại nhất là khi thời tiết khắc nghiệt. Có những địa phương, trường học cách xa nhà của HS từ 7-10km, nên các em phải đi bộ qua núi, qua suối, mất hàng giờ mới tới lớp.
Vận động HS đến trường, giảm tỷ lệ bỏ học, nghỉ học giữa chừng, lưu ban ở các cấp học được xem là nhiệm vụ quan trọng đối với ngành Giáo dục và các địa phương.
Với mục tiêu trên, Bộ GD-ĐT đang thực hiện chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) với mô hình dạy học 2 buổi/ngày”. Đây cũng là cơ sở để Bộ GD-ĐT cùng với các địa phương nghiên cứu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, phấn đấu đến năm 2015 có 70% HS Tiểu học được học 2 buổi/ngày, 30% HS THCS và 25% HS THPT được học 2 buổi/ngày.
Xung quanh vấn đề trên, phóng viên VOV online phỏng vấn TS Trần Đình Thuận, Giám đốc Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), Bộ GD-ĐT.
Lớp học ở vùng cao |
PV: Xin ông cho biết mục đích của chương trình SEQAP với mô hình dạy học 2 buổi/ngày?
TS Trần Đình Thuận: Chương trình SEQAP là mục tiêu quốc gia để chuẩn bị cho tất cả các trường từ cấp Tiểu học đến THPT trong cả nước tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày.
Trước tiên, chương trình thực hiện thí điểm tại 36 tỉnh khó khăn nhất cả nước từ tháng 10/2009-10/2015. Theo đó, có 279 huyện với khoảng 500.000 HS cấp Tiểu học được học theo chương trình này. Chương trình được thực hiện với tổng số vốn là trên 186 triệu USD, trong đó vốn đối ứng của Chính phủ là 26,9 triệu USD, còn lại là nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới, vốn viện trợ không hoàn lại từ Bỉ, Vương Quốc Anh.
Mục đích của chương trình là nhằm cải thiện chất lượng giáo dục Tiểu học ở Việt Nam, giảm chênh lệch chất lượng giảng dạy-học tập của giáo viên và HS ở thành thành thị với những địa phương khó khăn.
Ý nghĩa lớn lao nhất của chương trình là nhằm khắc phục tình trạng HS ở những vùng khó khăn bỏ học, nghỉ học giữa chừng hoặc vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo không đi học.
Gọi được hầu hết HS bỏ học trở lại trường
PV: Ông có thể đánh giá những kết quả nổi bật đã đạt được trong hơn 3 năm thực hiện chương trình?
TS Trần Đình Thuận: Có thể nói, khi mới thực hiện chương trình, những nhà quản lý giáo dục và các địa phương gặp rất khó khăn vì có tới 90% nguồn kinh phí do các địa phương phải thực hiện. Tuy nhiên, từ khi nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ và một số tổ chức nước ngoài, việc thực hiện chương trình đã thuận lợi hơn, nhiều trường học dễ tiếp cận với mô hình đào tạo chất lượng, tổ chức mô hình dạy học 2 buổi/ngày cho HS.
TS Trần Đình Thuận |
Chủ trương để cho những vùng, miền khó khăn đang giảng dạy 1 buổi/ngày sang 2 buổi/ngày cũng nhận được sự ủng hộ từ phía UBND các tỉnh, trường học và nhân dân nên đã thu hút được đông đảo phụ huynh đưa con đi học nhiều hơn.
Trong hơn 3 năm thực hiện chương trình, có gần 500 HS của 36 tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn nhất cả nước đã được học cả ngày, trong đó có 32,5% HS thuộc hộ nghèo được hỗ trợ bữa ăn trưa và một số trang thiết bị học tập; giúp gần 100% HS là người dân tộc thiểu số học ở trường được hỗ trợ bữa ăn trưa.
Đặc biệt, từ khi chuyển đổi sang mô hình học 2 buổi/ngày, nhiều địa phương đã khắc phục được tình trạng HS bỏ học, nghỉ học giữa chừng. Điều này đã được lãnh đạo Sở GD-ĐT các địa phương khẳng định. Nhiều địa phương như: Nghệ An, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông đã thuyết phục được hầu hết HS đã bỏ học quay trở lại trường học tiếp.
Vì được hỗ trợ bữa ăn trưa và một số chi phí khác, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã đưa con đến trường nên trẻ em đến tuổi đi học đều được tới lớp. Ví dụ như có những huyện nghèo ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, có tới 90% gia đình có con đến tuổi đi học lớp 1 đều được đến trường.
Ngoài ra, việc tổ chức học 2 buổi/ngày cho HS Tiểu học ở những nơi mà địa hình giao thông hiểm trở, nhà ở cách xa trường đã góp phần giúp cho các em không phải đi lại nhiều, đặc biệt là những khi thời tiết khắc nghiệt, mùa đông lạnh giá.
HS vùng khó được tiếp xúc với môi trường sư phạm nhiều hơn
PV: Ông có thể cho biết lợi ích của chương trình SEQAP với mô hình dạy học 2 buổi/ngày đối với các em HS ở những vùng khó khăn?
TS Trần Đình Thuận: Được học 2 buổi/ngày ở trường sẽ là cơ hội để các em HS cấp Tiểu học ở những địa phương, vùng, miền khó khăn phát triển toàn diện về trí tuệ lẫn thể lực. Các em HS sẽ có thời gian học tập, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí với thời gian dài ở ngay tại trường học, không bị gián đoạn chỉ trong có 1 buổi học nữa.
Việc học 2 buổi/ngày theo chương trình SEQAP cũng giúp cho HS tiếp xúc với môi trường sư phạm nhiều hơn, được giao lưu với các thầy cô giáo, bạn bè trong một không khí thân thiện, cởi mở hơn.
PV: Việc tổ chức học 2 buổi/ngày với chất lượng cao không dễ thực hiện ở những địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Vậy Bộ GD-ĐT đã có những lộ trình hướng dẫn như thế nào để cho từng trường học tự tổ chức mô hình này?
TS Trần Đình Thuận: Để giúp cho những vùng, miền khó khăn chuyển đổi sang mô hình học 2 buổi/ngày với chất lượng tốt, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Sở GD-ĐT các địa phương hướng dẫn từng trường cách thức giảng dạy-học tập, sinh hoạt theo mô hình mới. Theo đó, những trường thuộc 36 tỉnh khó khăn đã được đầu tư kinh phí để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường học. Các cán bộ quản lý và giáo viên được đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình SEQAP tại 36 địa phương khó khăn, hầu hết các cán bộ, giáo viên ở các trường đã tự tổ chức được mô hình học mới. Đây là cơ sở để ngành Giáo dục hướng tới từ nay đến năm 2015 có 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, 30% học sinh THCS và 25% học sinh THPT được học 2 buổi/ngày.
PV: Chương trình SEQAP là mục tiêu quốc gia để chuẩn bị cho tất cả các trường từ cấp Tiểu học đến THPT trong cả nước tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày. Để thực hiện được mục tiêu này không phải là dễ. Theo ông, ngành Giáo dục và từng địa phương cần có những thay đổi căn bản nào?
TS Trần Đình Thuận: Có thể khẳng định, chương trình SEQAP với mô hình dạy 2 buổi/ngày là chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện đối với HS. Tuy nhiên, để chương trình được nhân rộng ra cả nước thì chúng ta còn rất nhiều khó khăn.
Chương trình mới này đòi hỏi ngành Giáo dục cần có sự thay đổi về chương trình giảng dạy; yêu cầu các địa phương tăng nguồn nhân lực cán bộ, giáo viên và phải có sự phân bổ, bố trí công việc phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, tất cả các địa phương rất cần có cơ sở vật chất, hạ tầng và trang thiết bị trường học đồng bộ. Cách thức tổ chức lớp học, phương pháp dạy học cũng cần được đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của trẻ cũng như chất lượng giáo dục của các nước trong khu vực cũng như thế giới.
Để mở rộng chương trình SEQAP với mô hình dạy 2 buổi/ngày tới tất cả tỉnh, thành trong cả nước đòi hỏi cần phải có thời gian và đặc biệt là cần có thêm nguồn lực, sự hỗ trợ của Chính phủ, sự đồng thuận của các địa phương và nhân dân. Trong đó, công tác xã hội hóa giáo dục và chung tay đóng góp của phụ huynh HS có vai trò rất quan trọng.
PV: Xin cảm ơn ông!./.