Học giả quốc tế: Đâm chìm tàu cá Việt Nam là hành động vô nhân đạo

VOV.VN - Khi tận mắt nhìn thấy vết đâm lớn trên mạn tàu Đna-90152, nhiều học giả quốc tế bày tỏ sự bất bình về hành vi của Trung Quốc

Như chúng tôi đã đưa tin, trong khuôn khổ hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử”, các học giả và truyền thông quốc tế và Việt Nam chiều 21/6 đã đi thăm, gặp gỡ nhân chứng tàu cá Đna-90152 của ngư dân thành phố Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Các học giả và giới truyền thông quốc tế đã có dịp trực tiếp tìm hiểu thực tế trên thực địa điểm nóng Hoàng Sa thông qua cuộc trao đổi với chủ tàu cá Đna-90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa và thuyền trưởng Đặng Văn Nhân. Thuyền trưởng Nhân đã kể lại toàn bộ sự việc và khẳng định rằng Hoàng Sa là ngư trường truyền thống từ bao đời nay của ông cha mình. “Chúng tôi đâu có xâm phạm vùng biển của TQ mà họ lại chạy tới vùng biển của Việt Nam rồi đâm chìm tàu chúng tôi” , thuyền trưởng Nhân khẳng định.

 

Học giả và truyền thông quốc tế trực tiếp tìm hiểu vụ việc. (ảnh Etcetera Nguyễn)

Tàu cá Đna-90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa vào ngày 26/5 vừa qua. Hiện tàu cá này đang được bảo quản tại Xưởng đóng tàu Hợp tác xã trục vớt, đóng mới sửa chữa tàu thuyền Bắc Mỹ An, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Các đại biểu đã bày tỏ sự bất bình trước hành động thô bạo, vô nhân đạo của Trung Quốc đâm thủng mạn sườn của tàu cá ĐNa 90152 khi tận mắt nhìn thấy vết đâm lớn trên mạn tàu. Đặc biệt, các đại biểu hết sức phẫn nộ khi nghe các ngư dân đi trên con tàu này kể lại việc tàu Trung Quốc đã cố tình đâm nhiều lần, làm chìm tàu cá ĐNa 90152 và ngăn cản các tàu của Việt Nam cứu các ngư dân.

Giáo sư Renato DeCastro, trường Đại học De La Salle, Manila, Philippines đã nhận định: “Trung Quốc phải trả một cái giá đắt để có được sự kiểm soát và quyền lực. Nhìn vào phản ứng của Việt Nam khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam và khi Trung Quốc đâm một tàu cá nhỏ của Việt Nam, Việt Nam đã có sự ủng hộ của công luận quốc tế”.

Tiến sỹ Patrick Cronin, chuyên gia cố vấn cao cấp, Giám đốc Chương trình an ninh Châu Á, Thái Bình Dương cho biết: “Hành vi đâm tàu cá ĐNa-90152 của tàu Trung Quốc khiến tàu cá bị chìm là hành vi gây ra thảm kịch đối với con người. Hành vi này không chỉ gây lo ngại cho chính gia đình tàu cá này và ngư dân đánh bắt cá trên biển, mà còn gây lo ngại cho toàn bộ cộng đồng trên vùng biển Đông trước hành động của Trung Quốc”

Giáo sư Carl Thayer (Úc) nói với Thanh Niên: “Vì hành vi đâm tàu này là do tàu hải cảnh TQ gây ra, nên tôi coi đây là hành động cướp biển cấp quốc gia. Tàu tuần duyên TQ hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác và tự trao cho mình quyền thực thi pháp luật, trường hợp này là đánh chìm tàu. Cách đây 2 tuần tôi đã đến đảo Lý Sơn và ngư dân ở đó cũng đã bị tàu tuần duyên TQ cướp các thiết bị radio, GPS. Với những hành vi đó, không gọi là cướp biển thì gọi là gì?”

Ông Thayer kết luận: “Cái TQ thường hay ra rả tuyên truyền là “chúng tôi chỉ thực thi pháp luật bình thường”. Và hôm nay, với bằng chứng thực giới học giả có cơ hội mục sở thị, cộng với những video VN cung cấp chứng minh hành động vi phạm luật pháp quốc tế của TQ, cộng đồng thế giới sẽ biết thêm là TQ đã và đang đánh lừa công luận. Ai sẽ tin những gì TQ nói là tàu VN đâm tàu của họ trên 1.500 lần?”

Trước đó vào sáng 21/6/2014, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử”, sau Lễ khai mạc Triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”, các đại biểu đã tham dự hai phiên Tọa đàm về hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên