VOV.VN - Sáng nay (5/9), hàng triệu học sinh trên cả nước hân hoan đến trường khai giảng năm học mới. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2023 - 2024, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là việc triển khai Chương trình GDPT 2018.
Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng ngành Giáo dục nhân khai giảng năm học 2023-2024
VOV.VN - Nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa có thư gửi ngành Giáo dục. VOV trân trọng giới thiệu toàn văn thư của Chủ tịch nước.
Nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vừa có thư gửi ngành Giáo dục. Trong thư, Chủ tịch nước có viết: "Trong tiếng trống tựu trường hân hoan của mùa Thu năm nay, tôi thân ái chúc các em học sinh, sinh viên, các cô giáo, thầy giáo, cán bộ ngành Giáo dục và các bậc phụ huynh bước vào năm học mới với khí thế mới, cùng thi đua dạy tốt, học tập tốt, rèn luyện tốt, có nhiều tiến bộ và thành tựu mới".
Theo thống kê, sáng nay (5/9), hàng triệu học sinh trên cả nước hân hoan dự lễ khai giảng năm học mới 2023-2024. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2023 - 2024, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là việc triển khai Chương trình GDPT 2018. Hiện nay chương trình GDPT đã được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học và đã đi được hơn nửa chặng đường.
Năm học 2022 - 2023, Chương trình GDPT 2018 tiếp tục được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.
Sáng nay (5/9), hàng triệu học sinh cả nước hân hoan khai giảng năm học mới
VOV.VN - Sáng nay (5/9), hàng triệu học sinh trên cả nước hân hoan dự lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.
Phóng viên Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung phản ánh, sau thời gian dài nghỉ hè, nguy cơ tỷ lệ học sinh ở miền núi tỉnh Quảng Bình bỏ học đầu năm học rất cao. Đầu năm học mới, các giáo viên miền núi lại vượt suối, băng rừng, lặn lội tới khắp các bản làng heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn để vận động các em học sinh trở lại trường lớp. Không ít thầy cô phải đến đến tận nhà, kiên trì vận động, thuyết phục phụ huynh cho con em tới trường.

Những ngày qua, các thầy cô giáo cắm bản tại xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã trở lại trường. Năm nay, dịp lễ 2/9 thầy giáo Nguyễn Văn Thảo, dạy ở Điểm trường bản A Ky, Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch không về xuôi nghỉ lễ mà tranh thủ ở lại vệ sinh bàn ghế, phát cỏ quanh khuôn viên... chuẩn bị đón học sinh. Thầy Thảo cho biết, sau kỳ nghỉ hè, tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao, thầy phải lặn lội nửa ngày đường đến tận nhà các em vận động phụ huynh cho các em đi học. Ở miền núi, nhiều em theo cha mẹ đi làm nương rẫy xa, ở lại nhiều ngày có khi quên cả ngày khai giảng.
“Lên trường sớm chuẩn bị, làm vệ sinh, sửa sang lại trường lớp, chỗ ăn ở, hàng rào rồi đi đưa học sinh về trường. Tập văn nghệ cho các em, tập các bài hát chuẩn bị cho ngày khai giảng. Bố mẹ các em hay đi làm rẫy rồi đưa con em đi theo nên có khi thầy phải vào tận rẫy gọi về, đưa các em đến trường, còn phụ huynh vẫn chưa quan tâm đến việc học tập của các em.”

Đối với các thầy cô giáo công tác ở miền núi, khó khăn nhất trong việc vận động học sinh ra lớp là các bậc cha mẹ không hợp tác. Có những trường hợp, các thầy, cô phải tới nhà nhiều lần mà vẫn không thuyết phục được cha mẹ của các em. Cô Hồ Khánh Hòa, công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tâm sự, cứ đầu năm học, các thầy cô phân công nhau rong ruổi khắp các bản làng vận động học sinh đến trường. Mọi người đi vào bản từ sáng sớm, đến tối mịt mới về, đến nhà tìm không thấy học trò thì hỏi đường lên rẫy để tìm các em để vận động trở lại trường học tập. Cô giáo Hồ Khánh Hòa cho biết, đầu năm học, việc các em bỏ học, theo bố mẹ lên rừng, lên rẫy không còn là chuyện hiếm ở xã vùng cao Lâm Hoá này.
“Học sinh lười đi học, gia đình không quan tâm việc học tập của con em cho nên việc đốc thúc con em đến trường không có. Do vậy giáo viên đến từng nhà làm công tác tư tưởng, vận động dỗ dành và làm đủ mọi cách để các em có động lực đến trường.”
Thầy cô giáo vùng cao không chỉ vào bản vận động các em đi học, mà còn phải nắm được tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của từng em. Cuộc sống của bà con các bản làng biên giới Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn nên việc học của các em cũng gặp nhiều trắc trở. Thầy giáo Nguyễn Chí Dũng, công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, mỗi lần vào bản tìm học sinh, thầy cô luôn mang theo vở, bút mới để tặng các em. Nhiều gia đình không sắm nổi sách vở cho con em đến trường đầu năm học mới, nhà trường phải hỗ trợ để các em không thiệt thòi trong hành trình học chữ.
Đường vào bản mùa này trơn trượt, hay xảy ra sạt lở. Trước ngày khai giảng nửa tháng, các thầy cô giáo phải điều khiển xe máy vượt qua nhiều con dốc dựng đứng, mặt đường đá ngổn ngang để tới được những bản xa xôi cách trở như Bản Bạch Đàn, Eo Bù - Chút Mút, Tăng Ký... Theo thầy giáo Nguyễn Chí Dũng, đường xa là 1 chuyện, việc tìm thấy học sinh còn là chuyện khó hơn:
“Đầu năm học mới thầy cô phải đi vận động, triệu tập tất cả các em học sinh để các em đến trường đầy đủ. Rồi xem xét tình hình xem có gia đình nào, phụ huynh nào quá khó khăn để báo cáo nhà trường có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ thêm cho các em như sách vở, bút viết.”

Chuẩn bị tốt cho năm học mới 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Bình tập trung rà soát cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, điểm trường, lớp học, xây dựng phòng chức năng, mua sắm thiết bị dạy và học và đặc biệt quan tâm đến giáo dục miền núi. Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết, năm học mới ngành tiếp tục khắc phục khó khăn khi thiếu giáo viên, quyết tâm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế trong năm học vừa qua như cải thiện chất lượng giáo dục miền núi, ngăn chặn bạo lực học đường đưa nội dung giáo dục địa phương vào giảng dạy ngay từ đầu năm học.
“Đối với học sinh đồng bào dân tộc có đời sống kinh tế khó khăn, phần lớn người dân chủ yếu lo về kinh tế và không có điều kiện chăm lo việc học hành của con cái. Chất lượng giáo dục phổ thông không đồng đều và có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền trong tỉnh, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu vùng xa như huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa có chất lượng giáo dục đang còn thấp. Năm học mới này ngành xác định những việc trọng tâm để giải quyết trong việc thực hiện, phân tích và làm rõ nguyên nhân và bàn các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục", ông Tuấn cho biết.
Theo phóng viên Hà Khánh/VOV-TP. HCM, để chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh và 15 Đồn biên phòng trên toàn tuyến biên giới Tây Ninh đã chung tay cùng các cấp chính quyền, nhà trường trên 20 xã biên giới và các tổ chức chính trị, xã hội, dân sự tuyến sau tổ chức nhiều hoạt động tiếp sức mang đầy tính nhân văn để các em nhỏ vùng biên tự tin, vững bước đến trường.

Qua đó, đã có hơn 80 em học sinh trong diện “Nâng bước em đến trường”, chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” và các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới đã được tặng các phần quà là xe đạp, tập vở, đồ dùng học tập, học bổng…với tổng giá trị trên 300 triệu đồng.
Được biết, trong sáng nay 5/9, hơn 236.300 học sinh mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tại Tây Ninh chính thức bước vào năm học mới 2023 - 2024; trong đó, trẻ mầm non là hơn 33.000, cấp tiểu học có hơn 96.000 học sinh, THCS có hơn 71.000 học sinh và cấp THPT có hơn 31.600 học sinh…

Phóng viên Sỹ Đức/VOV1 phản ánh: Bước vào năm học mới 2023-2024, các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt khu vực miền núi, biên giới, thầy cô và bà con dân bản đã cùng nhau tu sửa phòng lớp học, đến từng nhà vận động học sinh ra lớp.
Năm học 2023 - 2024, tỉnh Thanh Hóa có 2.026 cơ sở giáo dục với gần 29.500 lớp, gần 900 nghìn học sinh các cấp. Mặc dù khó khăn đối với giáo dục miền núi còn nhiều, nhưng sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền các cấp, tình yêu nghề, nhiệt huyết của đội ngũ người thầy, khắc phục phần nào những khó khăn.
Thầy cô, dân bản tu sửa trường lớp, đón học sinh đến trường
VOV.VN - Bước vào năm học mới 2023-2024, các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt khu vực miền núi, biên giới, thầy cô và bà con dân bản đã cùng nhau tu sửa phòng lớp học, đến từng nhà vận động học sinh ra lớp.
Phóng viên Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên thông tin: Ngay trước thềm năm học mới 2023- 2024, tỉnh Kon Tum thực hiện nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng khó khăn, nhằm giúp các em đến trường.
Hoạt động hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng khó khăn của tỉnh Kon Tum trước thềm năm học mới 2023- 2024 được tổ chức với nhiều hình thức, hiệu quả và thực chất.
Kon Tum hỗ trợ học sinh khó khăn trước thềm năm học mới
VOV.VN - Ngay trước thềm năm học mới 2023- 2024, tỉnh Kon Tum thực hiện nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng khó khăn, nhằm giúp các em đến trường.
Phóng viên Nguyễn Trang/VOV.VN thông tin: Hòa chung không khí náo nức của cả nước, sáng nay 5/9, học sinh các cấp tại Hà Nội cũng chính thức khai giảng năm.học mới. Tại Trường THPT Trương Định, sân khấu chuẩn bị cho ngày khai giảng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Dù 8h mới bât đầu lễ khai giảng, song ngay từ hơn 6h sáng, nhiều học sinh đã có mặt sớm tại trường để cùng thầy cô chuẩn bị cho buổi lễ quan trọng, chính thức bắt đầu năm học mới 2023-2024.

Phóng viên Thiên Lý/VOV-TP.HCM phản ánh: Năm học 2023-2024, Bình Dương có hơn 548.000 học sinh, tăng 37.000 em so với năm học 2022-2023, trong đó nhiều nhất là học sinh khối công lập với 29.000 em. Địa phương có số học sinh tăng nhiều nhất là thành phố Thuận An, thành phố Tân Uyên, thị xã Bến Cát.
Do số lượng học sinh tăng cao dẫn tới tình trạng quá tải trường lớp. Để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh, các địa phương đã sắp xếp lại quy mô trường, lớp, tận dụng các phòng chức năng, thực hành... làm phòng học.

Năm học này, Bình Dương cũng đang xây dựng, cải tạo 19 trường học, với tổng mức đầu tư trên 2.101 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm nay, tất cả các trường sẽ hoàn thiện để học sinh được học trong môi trường khang trang hơn.
Ngoài thiếu cơ sở vật chất, Bình Dương còn thiếu rất nhiều giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và tiểu học. Để đủ giáo viên đứng lớp, các địa phương trong tỉnh Bình Dương đã điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, khẩn trương tổ chức thi tuyển mới, vận động giáo viên kiêm nhiệm, dạy tăng tiết... Ngành giáo dục cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cho phép hợp đồng giáo viên còn thiếu theo biên chế được giao để bảo đảm chất lượng dạy và học.
Sáng nay, cũng như các địa phương trong cả nước, học sinh ở Bình Dương háo hức bước vào năm học mới. Các thầy cô giáo sẵn sàng hướng tới một năm học mới thành công và hiệu quả.
Phóng viên Nguyễn Trang- Diệp Thảo/VOV.VN thông tin: Năm học 2023-2024, toàn Thành phố Hà Nội có 2.874 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội - tăng 34 trường mầm non và phổ thông so với cùng kỳ năm trước. Số lớp là 66.138 lớp - tăng 1.919 lớp so với cùng kỳ năm trước.

Năm học mới, Hà Nội có 2.222.246 học sinh - tăng 68.917 so với cùng kỳ năm trước; có 124.493 giáo viên - tăng 1.525 và 66.110 phòng học - tăng 846 phòng học so với cùng kỳ năm trước.
Theo phóng viên Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL: Là tỉnh có hơn 30% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chuẩn bị năm học mới 2023-2024 này, tại nhiều vùng đồng bào Khmer trong tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đưa thêm nhiều ngôi trường mới vào giảng dạy mang lại niềm vui, phấn khởi cho thầy và trò, các bậc phụ huynh học sinh là đồng bào dân tộc Khmer.

Bước vào năm học mới này (2023-2024), hơn 300 em học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer tại trường Tiểu học Thuận Hưng A, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú có niềm vui lớn khi được địa phương quan tâm đầu tư ngôi trường mới khang trang. Cô Sơn Thị Vành Đa, Hiệu trưởng trường chia sẻ, trường được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 7.000m2 với 12 phòng học, 13 phòng bộ môn, phòng làm việc… cùng tường rào bao xung quanh, sân chơi khang trang, kinh phí gần 15 tỷ đồng. Qua đó sẽ giúp trường đảm bảo phòng học 2 buổi/ngày.

Cùng được đầu tư xây dựng trường mới, đảm bảo đáp ứng tốt cho việc dạy và học, thầy Lâm Hùng, Phó hiệu Trưởng Trường Tiểu học Phú Mỹ C, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, cho biết: Trường có hơn 400 em học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer theo học. Với sự quan tâm đầu tư trường lớp khang trang, là niềm vui của giáo viên, học sinh và phụ huynh, tất cả đều kỳ vọng, chất lượng giáo dục tại trường sẽ tiếp tục được nâng lên. Thầy Hùng nhấn mạnh, có ngôi trường mới sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin, niềm vui cho cha mẹ học sinh cùng bà con tại địa phương, thầy và trò thúc đẩy cho việc dạy và học.
Phóng viên Nguyễn Trang/VOV.VN dẫn thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Năm học 2023-2024, ngành GD-ĐT Thủ đô tập trung triển khai một số nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm thực hiện chủ đề năm học 2023-2024 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo". Theo đó, tập trung triển khai 10 nhóm nhiệm vụ quan trọng.
Trong đó có một số nhiệm vụ nổi bật như: Quan tâm đến công tác cán bộ; làm tốt công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo để nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu quả công tác tham mưu, giải quyết công việc, công tác dạy và học.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tốt các hoạt động, vấn đề phát sinh trong lĩnh vực GD-ĐT. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại của những năm học trước, đặc biệt trong công tác thi, tuyển sinh đầu năm học; phương án phân luồng học sinh sau THCS, THPT. Cùng với đó, GD-ĐT Hà Nội tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018, coi đây là cơ hội, là chỗ dựa và là phương thức thay đổi về giáo dục.
Sắp xếp lại hệ thống các trường học; phát triển hệ thống trường chất lượng cao ở địa bàn có điều kiện. Tiếp tục thực hiện công tác đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn Thành phố.
Nghiên cứu, đổi mới cơ chế trong quản lý, xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông ở những địa bàn, khu vực có điều kiện; tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện lộ trình tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; các giải pháp thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các quận nội thành và các huyện, trọng tâm thực hiện phong trào: “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025”; “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo” đảm bảo thiết thực, hiệu quả….
Phóng viên Nguyễn Hà/VOV.VN phản ánh: Sáng nay, các con đường dẫn đến trường học ở Hà Nội đều ở trong tình trạng đông đúc, tắc nghẽn. Học sinh và các bậc phụ huynh đều tranh thủ đi sớm để tránh tắc đường, tuy nhiên, giao thông ở trước các cổng trường đều ở trong tình trạng tắc nghẽn kéo dài.


Phóng viên Hồng Phương/VOV-ĐBSCL thông tin: Sáng nay, tại trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều không khí chuẩn bị lễ khai giảng rộn ràng hơn vì vinh dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo năm học mới.

Năm học 2023-2024, thành phố Cần Thơ dự kiến có hơn 246.00 học sinh, trong đó có khoảng 94.000 học sinh cấp tiểu học, khoảng 102.000 học sinh trung học, còn lại là trẻ mầm non. Toàn ngành có 15.332 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học. Các cơ sở giáo dục (CSGD) phối hợp với địa phương tiên tục vận động trẻ, học sinh tiểu học ra lớp.

Ðể chuẩn bị năm học mới, Sở đã chỉ đạo các CSGD đẩy mạnh công tác truyền thông; khẩn trương rà soát các điều kiện đảm bảo cho ngày tựu trường, đặc biệt là về cơ sở vật chất trường lớp, phân công giáo viên, biên chế lớp học, tổ chức tổng vệ sinh trường học, đảm bảo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp và phù hợp với môi trường giáo dục; phối hợp với cơ quan y tế địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa các dịch bệnh trong trường học; kiểm tra các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các đơn vị có bếp ăn tập thể và căn tin; vận động xã hội hóa chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong năm học mới...
Phóng viên Diệp Thảo/VOV.VN cho biết: Tại trường THPT Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), lễ khai giảng được bắt đầu lúc 7h sáng nay. Các công đoạn chuẩn bị cho lễ khai giảng đang được hoàn tất. Học sinh các lớp không giấu được niềm vui khi được gặp lại bạn bè.


Phóng viên Lưu Sơn/VOV TP.HCM đưa tin: Năm học 2023-2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hơn 305.000 học sinh ở các cấp học dự khai giảng năm học mới, tăng 7.270 học sinh ở các cấp THCS, THPT, giáo dục thường xuyên và trẻ mầm non.
Số học sinh tăng cao, nhưng các địa phương và ngành Gíáo dục đã kịp thời sắp xếp, bổ sung thêm trường lớp đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh.
Năm học 2023-2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 3 trường được xây dựng mới đưa vào hoạt động gồm, trong đó có 2 trường THCS và THPT tại thành phố Vũng Tàu và một nhóm trẻ ngoài công lập, tuyển dụng thêm 265 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS.
Năm học 2023-2024, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chi ngân sách gần 329 tỷ đồng để sửa chữa chữa nhỏ, cải tạo, chống xuống cấp các trường học và đầu tư bổ sung cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho năm học mới.







Phóng viên Thành Long/VOV-Miền Trung thông tin: Tại thành phố Đà Nẵng sáng nay các trường học sinh đến từ rất sớm chuẩn bị cho lễ khai giảng. Năm nay lãnh đạo thành phố tiếp tục đi dự nhiều điểm trường để động viên các em.




Một số hình ảnh sớm tại trường Tiểu học Lý Tự Trọng và trường THCS Lương Thế Vinh (Đà Nẵng). Ảnh: Thành Long/VOV-Miền Trung
Phóng viên Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL thông tin: Buổi sáng ngày khai giảng tại TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau có mưa kéo dài. Các em học sinh đến trường gặp đôi chút khó khăn. Thời gian khai giảng các trường là 7h sáng, từ khoảng 6h30 các khối cấp Mầm non, Tiểu học, phụ huynh học sinh đội mưa đã đưa các em đến trường dự.



Cao Bằng: Xúc động hình ảnh bộ đội biên phòng chuẩn bị cho con nuôi đến trường
Phóng viên Công Luận/VOV-Đông Bắc cho biết: Tại Cao Bằng, các Đồn Biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đang nhận nuôi hơn 30 cháu là học sinh là trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Các cháu được cán bộ, chiến sỹ các đồn đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng ngay tại đơn vị. Trước ngày khai giảng, các bác, các bố, các chú Biên phòng đã giúp các con cắt tóc cho gọn gàng hơn, ân cần đưa các con ra chợ mua thêm sách, bút, đồ dùng học tập và đo cho những bộ quần áo để các con không cảm thấy thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa. Các chiến sỹ Đồn coi các con như những người con, người cháu trong nhà.

Trung tá Nông Văn Ích, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tổng Cọt, huyện Hà Quảng cho biết:“Với tinh thần lá lành đùm lá rách, chia sẻ lẫn nhau chúng tôi đón các cháu về đồn chăm sóc, cùng ăn, cùng ở. Cán bộ, chiến sỹ có gì ăn nấy, chia sẻ bữa cơm đơn vị cùng các cháu. Chúng tôi phân công cán bộ vận động quần chúng trực tiếp hướng dẫn các cháu ăn ở, học hành. Việc làm này không chỉ giúp các cháu bớt khó khăn mà còn giúp tạo sự gắn bó, gần gũi giữa Đồn Biên phòng với đồng bào biên giới”.
Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng còn hỗ trợ Nâng bước em đến trường cho hơn 80 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đồng thời, triển khai Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” giai đoạn 2021 – 2030 do Bộ Quốc phòng phát động, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã hỗ trợ thêm 250 cháu. Ngoài hỗ trợ kinh phí hàng tháng để các cháu được tiếp tục đến trường, trước thềm năm học mới, cán bộ, chiến sỹ đến thăm, tặng quà và động viên, tạo không khí, động lực cho các cháu trước thềm năm học mới.



Học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận háo hức trong ngày khai giảng
Phóng viên Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM phản ánh: Trong năm học mới 2023-2024 này, tỉnh Bình Thuận có hơn 311.100 học sinh (4 cấp học)/9.772 lớp. Trong đó, Mầm non là 62.950 học sinh/2.280 lớp; Tiểu học là 120.935 học sinh/4.261 lớp học; THCS là 87.294 học sinh/2.272 lớp; THPT là 39.924 học sinh/959 lớp. Ngành giáo dục cũng đã đầu tư xây mới 134 phòng học/30 điểm trường Mầm non; 255 phòng học/66 điểm trường Tiểu học; 108 phòng học/28 trường THCS và nâng cấp sửa chữa 40 phòng học/3 trường THPT.
Thời tiết sáng nay tại Bình Thuận trời râm mát, nên không khí buổi lễ khai giảng của các trường cũng dễ chịu.

Năm học mới 2023-2024 này, Trường Tiểu học và THCS Phan Dũng có tổng số học sinh 226 em cho cả 2 cấp học. Năm học này, đầu vào lớp 1 có 23 em và các em cũng đã tựu trường trong ngày 21/8 để làm quen. Còn đầu cấp lớp 6 có 29 em. Đến nay, phòng học, trang thiết bị tại 4 điểm trường cơ bản đáp ứng.
Phan Dũng là xã miền núi của huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, đại đa số người dân ở đây là đồng bào Raglei. Nên các em được hỗ trợ học phí 200.000/tháng trong 9 tháng học theo Nghị quyết 04 của HĐND tỉnh năm 2021.

Còn tại Trường Tiểu học và THCS Phan Điền, xã Phan Điền, huyện Bắc Bình, nơi cũng có hơn 230 học sinh là người dân tộc Raglei, từ sáng sớm, các em đã mặc đồng phục và có mặt tại sân trường với nụ cười hớn hở trên môi.
Cô Nguyễn Thị Kim Loan ở Trường Tiểu học và THCS Phan Điền, xã Phan Điền, huyện Bắc Bình cho biết: Trường mới có quyết định thành lập 2 cấp học từ ngày 29/8 vừa qua. Phụ huynh cũng rất quan tâm việc học của con em mình, nhưng do điều kiện kinh tế của phụ huynh ở đây không như ở những nơi khác nên chúng tôi cũng vận động thêm các mạnh thường quân để quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thêm cho các em đến trường. Với tâm thế năm học mới như vậy chúng tôi cũng rất là mừng.

Với Chủ đề năm học 2023-2024 là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, các trường học đã tổ chức chương trình buổi lễ khai giảng ngắn gọn, tươi vui, thân thiện, nhưng cũng tạo không khí của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Phóng viên Vinh Quang/VOV-TP.HCM thông tin: Chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 tỉnh Long An đầu tư hơn 466,506 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để xây mới, sửa chữa trường lớp và mua sắm các thiết bị dạy học. Trong đó: Mầm non là 47,320 tỷ đồng, Tiểu học là 229,986 tỷ đồng, THCS là 164,7 tỷ đồng, THPT là 24,5 tỷ đồng. Số phòng xây dựng và kinh phí đầu tư cho năm học mới đều tăng hơn so với năm học trước.

Học sinh Bến Tre nô nức ngày khai giảng năm học mới
Theo phóng viên Nhật Trường/VOV-ĐBSCL: Đúng 7h30' sáng nay, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2023-2024. Lễ khai giảng ở xứ dừa diễn ra trong không khí trang trọng, các điểm trường được trang trí cờ hoa đẹp mắt.

Năm học 2022-2023 ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bến Tre đã gặt hái nhiều kết quả đáng khích lệ: Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,48%, đứng thứ 4 khu vực ĐBSCL và thứ 24 cả nước. Toàn tỉnh có 27 cơ sở giáo dục có học sinh đỗ TN đạt 100%. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023, tỉnh Bến Tre đạt 10 giải, gồm: 1 giải nhì, 3 giải ba và 6 khuyến khích, đứng thứ 6 khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Mới đây, em Đào Khương Duy - học sinh lớp 7/1 Trường THCS Huỳnh Tấn Phát ( huyện Bình Đại) đạt giải Ba quốc tế Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 52 -năm 2023.
Phóng viên Vũ Hường/VOV-TP.HCM cho biết: Sáng nay, hơn 1,7 triệu học sinh TP.HCM cũng đến trường để khai giảng. Trong ngày 5/9, toàn thành phố có 27 dự án trường học đưa vào sử dụng với 441 phòng học mới. Sau ngày 5/9 đến hết tháng 12/2023, dự kiến thành phố đưa vào sử dụng thêm 21 dự án với 231 phòng học mới.


Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đến dự khai giảng tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.
Theo phóng viên Vinh Quang/VOV-TP.HCM: Dự kiến trong năm học 2023 - 2024, tỉnh Long An tiếp tục đầu tư mua sắm thiết bị dạy học cho các trường như: thiết bị tối thiểu cho các khối lớp; mua sắm thiết bị các phòng chức năng như: Ngoại ngữ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ,.. Tổng kinh phí dự kiến mua sắm là hơn 230 tỷ đồng.

Các cô giáo đi đội mũ, tiếp nước cho các em học sinh tại Đà Nẵng. Ảnh: Thành Long/VOV-Miền Trung



Phóng viên Nguyễn Hà/VOV.VN thông tin: Để chuẩn bị cho công tác khai giảng, Trường Tiểu học Văn Yên, phường Phúc La, quận Hà Đông (Hà Nội) đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tất cả mọi điều kiện đáp ứng công tác dạy và học trong nhà trường năm học 2023-2024. Đặc biệt là chú trọng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực là cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường. Năm học mới nhà trường không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên.



Năm học này có đổi mới chương trình sách giáo khoa lớp 4, đây là 1 trong những lớp khó, nhiều phân môn vì vậy nhà trường đã thực hiện đầy đủ quy trình từ khâu tham gia lựa chọn sách với phòng, với sở và sau đó là khâu bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, đặc biệt là giáo viên lớp 4. Nhà trường cũng đã lựa chọn chuyên đề dạy thử nghiệm cho học sinh lớp 4.
Theo phóng viên Vinh Quang/VOV-TP.HCM: Trong năm học trước, so với định mức giáo viên/lớp thì tỉnh Long An còn thiếu 1.375 giáo viên. Trong đó nhiều nhất là Tiểu học và Trung học cơ sở . Để khắc phục tình trạng này, trong năm học mới UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND cấp huyện thực hiện nhiều giải pháp khắc phục điều phối giáo viên cho năm học mới 2023-2024. Đặc biệt quan tâm đến công tác dạy học tại khu vực biên giới vùng sâu, vùng xa...

Phóng viên Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL phản ánh: Tại Trường Tiểu học B Tân Mỹ, huyện Trà Ôn sáng nay đã diễn ra lễ khai giảng năm học mới. Đây là trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh Vĩnh Long có khoảng 70% là học sinh người dân tộc Khmer. Ngoài học chương trình phổ thông do Bộ GD&ĐT quy định, các em học sinh còn được học tiếng Khmer nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.


Phóng viên Hồng Phương/VOV-ĐBSCL thông tin trực tiếp từ lễ khai giảng năm học mới tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều: Ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ đọc thư Chủ tịch nước mừng năm học mới. Qua đó, mong muốn Trường Đoàn Thị Điểm nói riêng, các cơ sở giáo dục toàn thành phố nói chung sẽ phát huy năng lực dạy và học, hoàn thành các mục tiêu đề ra.


Thầy Trương Vĩnh Khoa, Hiệu trưởng trường THCS nêu điểm nổi bật trong công tác giảng dạy thời gian qua. Đồng thời, thầy Khoa thông tin năm học này trường có 848 em học sinh lớp 6, để các em không bỡ ngỡ ở môi trường học tập mới, tập thể giáo viên sẽ quan tâm và động viên thường xuyên.
Phóng viên Nhật Trường/VOV-ĐBSCL cho biết: Sáng nay, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã dự khai giảng năm học mới tại cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang).

Cùng với các nơi trong cả nước, đúng 7h30' sáng nay tất cả các điểm trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đồng loạt khai giảng năm học mới 2023-2024. Tại các điểm khai giảng năm học mới đều có các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện đến dự, chúc mừng, động viên cán bộ, giáo viên và học sinh năm học mới này tiếp tục đạt thành tích cao hơn.
Riêng tại trường THCS Tân Phú, huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang sáng nay có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đến dự lễ khai giảng, tặng quà cho các em học sinh vào đầu năm học mới.


Năm học mới này toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 311.000 học sinh các cấp, theo học ở 527 trường; trong đó có 188 trường mầm non với trên 54.000 trẻ, 178 trường tiểu học với trên 130.000 học sinh, 123 trường THCS với trên 81.000 học sinh và 38 trường THPT với trên 46.000 học sinh.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của ngành trong năm học của tỉnh Tiền Giang vừa qua là kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt tỷ lệ 99,68%, điểm trung bình đạt 6,72, xếp 13/63 tỉnh, thành cả nước, thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; điểm trung bình 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh của học sinh Tiền Giang trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT nằm trong tốp 10 cả nước (16,09 điểm).
Kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia của tỉnh xếp 4/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh Tiền Giang nhập học vào các cơ sở đào tạo là 50,24%,xếp đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…
Phóng viên Thanh Nga/VOV-Đông Bắc cho biết: Cùng với học sinh cả nước, sáng nay (5/9), hơn 492.000 học sinh thành phố Hải Phòng tưng bừng dự Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.
Đúng 8 giờ sáng, Lễ Khai giảng được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, trở thành ngày hội khai trường của học sinh. Các nhà trường đã chuẩn bị chu đáo giúp các em học sinh hào hứng, phấn chấn bước vào năm học mới.


Phóng viên Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên thông tin: Sáng nay trên 166.000 học sinh các cấp tỉnh Kon Tum nô nức dự ngày khai giảng năm học mới 2023- 2024. Công tác chuẩn bị chu đáo và thời tiết tương đối thuận lợi tăng thêm niềm vui Ngày hội toàn dân đưa trẻ tới trường tại địa phương.
Lễ khai giảng năm học mới 2023- 2024 được 359 trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đồng loạt tổ chức từ 7 giờ 30 phút. Tất cả các trường đều tổ chức Lễ khai giảng với thời gian không quá 45 phút. Phần Lễ diễn ra trang trọng và phần Hội vui tươi, ý nghĩa.
Năm học mới 2023-2024 tỉnh Kon Tum có trên 166.000 học sinh các cấp học, trong đó chiếm hơn một nửa là học sinh dân tộc thiểu số. Số lượng học sinh năm nay của tỉnh tăng hơn 2.200 học sinh so với năm học trước.
Để chuẩn bị cho năm học mới chính quyền, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã ưu tiên nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp với tổng số tiền trên 285 tỷ đồng. Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cũng được triển khai thực hiện.



Theo phóng viên Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc: Sáng nay, cùng với hơn 230.000 học sinh của tỉnh, hơn 1.360 học sinh của Trường Mầm non Họa Mi và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cũng nô nức đến trường dự Lễ khai giảng năm học mới 2023 -2024.
Bản Mù là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái với đa số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hiện tại xã có nhiều điểm trường lẻ, trong đó có những điểm trường hiện nay vẫn chưa có điện chiếu sáng, sóng điện thoại như điểm Giàng La Pán. Do vậy, năm nay cả hai cấp học cùng tổ chức khai giảng chung tại điểm chính.



Phóng viên Trấn Long/VOV-Tây Bắc thông tin: Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, sáng nay 5/9, hòa chung không khí náo nức, rộn ràng của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, 609 trường học, với trên 370.000 học sinh các cấp của tỉnh Sơn La đã hân hoan dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2023-2024.
Dự Lễ khai giảng năm học mới có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh, các huyện, thành phố.
Năm học 2023-2024 với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, Lễ khai giảng tại các trường học diễn ra trang trọng, nghiêm túc.
Các thầy giáo, cô giáo và học sinh phấn khởi bước vào năm học mới với khí thế và niềm tin mới.





Phóng viên Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc phản ánh: Tại Lai Châu, trong sáng nay thời tiết tương đối thuận lợi khi có mưa nhỏ đầu giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 151.000 học sinh ở 337 đơn vị trường tham gia khai giảng.
Do đặc thù của một tỉnh vùng cao biên giới, ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương đã chỉ đạo các đơn vị phòng, ban và các nhà chủ động thời gian, phương án tổ chức khai giảng sao cho phù hợp với điều kiện của từng đơn vị.
Như vậy, trong ngày hôm nay tuỳ vào điều kiện thực tế về cơ sở vật chất và thời tiết trên địa bàn, các đơn vị trường trên địa bàn tỉnh biên giới Lai Châu sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học mới, với tinh thần trang trọng, tiết kiệm và phù hợp.


Phóng viên Hương Lý/VOV-Tây Nguyên thông tin: Cùng với học sinh cả nước, sáng nay (5/9), các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đồng loạt tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2023 -2024. Năm học này, toàn tỉnh có gần 500.000 học sinh các cấp học, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 56%.
Sau những ngày mưa, sáng nay thời tiết ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tạnh ráo, không khí mát mẻ thuận lợi cho ngày khai giảng.
Tại trường THPT Dân tộc nội trú Tây Nguyên thuộc Bộ Quốc phòng, lễ khai giảng diễn ra trong không khí tươi vui, phấn khởi của thầy cô giáo và học sinh.

Trường PT Dân tộc nội trú Tây Nguyên là mô hình giáo dục tại Đắk Lắk nói riêng và khu vực miền trung Tây Nguyên nói chung được tổ chức và hoạt động theo mô hình nhà trường trong quân đội, cùng chương trình đào tạo liên cấp từ THCS đến THPT. Với tiêu chí giáo dục “Kỷ cương, Tri thức, Trách nhiệm”, nhiều năm liền trường có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT là 100%. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trường là 1 trong 16 Trường có tỉ lệ học sinh đậu Tốt nghiệp 100%. Tất cả học sinh đủ điểm đậu đại học. Trong đó có 30% học sinh đậu vào những Trường đại học top đầu trên cả nước, nhiều em vào các trường quân đội và công an.trong đó trên 90% thi đỗ vào các học viện, trường đại học và cao đẳng trong cả nước.
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT dân tộc nội trú Tây Nguyên có hơn 1.300 học sinh. Trong đó có gần 180 học sinh nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào theo học.

Ông Nguyễn Ngọc Phan, Hiệu trưởng trường THPT Dân tộc nội trú Tây Nguyên cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, năm học mới thầy và trò nhà trường tiếp tục đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học đề ra, xây dựng tập thể nhà trường ngày càng vững mạnh. Đặc biệt là nhiệm vụ chăm sóc, đào tạo học sinh nước CHDCND Lào, đây là một trong những nhiệm vụ mà Nhà trường đặc biệt coi trọng nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào .
Theo Sở Giáo dục Đào tạo Đắk Lăk, năm học này toàn tỉnh có hơn 1.000 trường, với gần 500.000 học sinh ở các cấp học. Lễ khai giảng năm nay, Sở Giáo dục – Đào tạo Đắk Lắk mời các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự khai giảng ở các trường học vùng sâu, vùng xa, trường học chuyên biệt để động viên học sinh và thầy cô giáo trong năm học mới.


Cô trò Trường THPT Nguyễn Trung Trực tại ấp Tấn Long, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vui mừng khi được dạy và học trong ngôi trường mới khang trang vào năm học mới 2023 - 2024. Ảnh: Vinh Quang/VOV-TP.HCM
Phóng viên Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc phản ánh: Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ đầu tháng 8 vừa qua. Toàn bộ khuôn viên nhà trường ngập sâu trong đống bùn đất, đá tảng, cây cối chằng chịt, chất đống..., ước tới khoảng 7.000m3.
Phòng thư viện, các dãy nhà học bán kiên cố, nhiều bàn ghế, cùng hệ thống máy tính đã bị lũ quét phá hỏng hoàn toàn. Hệ thống máy lọc nước và đường ống dẫn nước cũng hư hỏng. Không những thế, nhiều thiết bị dạy học, 25 giường tầng và toàn bộ vật liệu xây dựng, chuẩn bị tu sửa cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới cũng bị lũ cuốn trôi...
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, ngày khai giảng hôm nay, trường học nơi tâm lũ Mù Cang Chải đã một diện mạo mới để đón học sinh tới lớp, hướng tới một năm học 2023-2024 đạt nhiều kết quả khả quan.



Theo phóng viên Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL: Toàn tỉnh Cà Mau có 497 cơ sở giáo dục từ Mẫu giáo đến THPT, với hơn 223.000 trẻ, học sinh, học viên. Trong đó, có khoảng 214.000 em dự khai giảng, chiếm khoảng 95%.
Do thời tiết mưa kéo dài, hầu hết các Trường phải bố trí cho học sinh khai giảng trong lớp học. Như tại Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, theo kế hoạch sẽ tổ chức cho các em khai giảng ngoài sân trường, tuy nhiên đã phải thay đổi phương án, khai giảng trong hội trường.
Toàn trường có 32 lớp, với 1.055 học sinh, chỉ có 32 học sinh đại diện 32 lớp tham gia khai giảng trực tiếp.
Ông Nguyễn Minh Luân, phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đến dự khai giảng và có những suất học bổng và quà trao đến một số em học sinh. Dịp này, nhà trường đã trao giải thưởng cho các em học sinh thủ khoa tuyển sinh đầu vào lớp 10. Ngoài ra, một số em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng được hỗ trợ sách giáo khoa dịp năm học mới.




Phóng viên Diệp Thảo/VOV.VN phản ánh: Thầy Nguyễn Văn Thọ - Hiệu trưởng trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu đánh trống khai giảng năm học mới 2023-2024. Năm học này, nhà trường đón 1.923 học sinh với 63 lớp, trong đó, có 508 tân sinh viên lớp 10 và 92 tân sinh viên lớp 1.
Trong năm học mới, thầy Hiệu trưởng hy vọng nhà trường sẽ tiếp tục phát huy các thành tích của năm học trước, tích cực nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên, năng lực quản lý của nhà trường.




Theo phóng viên Thái Bình/VOV-Miền Trung: Sáng nay (5/9), hơn 290.000 học sinh từ miền núi cao đến huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa bước vào năm học mới.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có gần 530 trường học, hơn 22.000 giáo viên- nhân viên. Để chuẩn bị năm học mới, ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học cho các trường với tổng kinh phí ước tính năm 2023 hơn 700 tỷ đồng.
Tỉnh Khánh Hòa đã bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh người dân tộc trong dịp hè. Tiếp tục duy trì học bổng, thực hiện dạy học 2 buổi, ăn trưa miễn phí đối với học sinh người dân tộc. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các trường học thuộc huyện đảo Trường Sa như: thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn, xã Song Tử Tây…đã được UBND tỉnh Khánh Hòa tuyển dụng, bồi dưỡng trước khi ra đảo công tác.
Lễ khai giảng tại các trường được tổ chức ngắn gọn với sự tham gia của lãnh đạo địa phương, thầy, cô giáo và đông đảo các em học sinh. Tại huyện đảo Trường Sa, lễ khai giảng còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị quân, dân trên các đảo.
Phóng viên Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL phản ánh: Sáng nay tại tỉnh Sóc Trăng, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ long trọng tổ chức khai giảng năm học mới 2023-2024.
Với nhiệm vụ, vừa dạy văn hóa, vừa dạy Ngữ văn Khmer và tiếng Pali cho học viên, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ từ lâu là nơi đã đào tạo nhiều nguồn nhân lực chất lượng là các sư sãi, người dân tộc Khmer Nam Bộ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số.
Năm học vừa qua (2022-2023), tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên nhà trường không ngừng nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Kết quả có 21 học viên đạt danh hiệu học viên giỏi, 69 học viên đạt danh hiệu học viên tiên tiến, có 3 học viên chuyên cần và học viên thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 là 31 học viên, đạt tỷ lệ 100%.
Dịp này, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng trao 20 suất học bổng “Lương Định Của” cho học viên vượt khó học tốt, mỗi suất 1 triệu đồng.


Phóng viên Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung thông tin: Sáng nay, tại tỉnh Quảng Bình trời nắng nhẹ. Cùng với học sinh cả nước, hơn 233.000 học sinh Quảng Bình hân hoan bước vào năm học 2023-2024.
Năm học này toàn tỉnh Quảng Bình có 575 cơ sở giáo dục, đây cũng là 1 trong 19 tỉnh đầu tiên của cả nước đưa nội dung giáo dục địa phương vào dạy học ngay từ đầu năm học.
Tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, lần đầu tiên chính quyền xã Lâm Thủy phối hợp với nhà trường đưa trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều làm đồng phục cho học sinh ngay trong lễ khai giảng.
Việc đưa trang phục đồng bào Bru Vân Kiều vào trường học là cách làm để dần dần khôi phục văn hóa đồng bào nơi đây đang có nguy cơ mai một.




Theo phóng viên Vũ Miền/VOV-Đông Bắc: Cùng với cả nước, học sinh Quảng Ninh dự lễ khai giảng đầy hân hoan chào đón năm học mới 2023 - 2024. Với tinh thần đổi mới sâu sắc và toàn diện, lễ khai giảng năm học này đã diễn ra trang trọng, thiết thực, đúng ý nghĩa và mang lại niềm vui cho tất cả các em học sinh.
Năm học 2023-2024, Quảng Ninh có 629 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, với 361.874 trẻ mầm non và học sinh các cấp học; tăng 1 trường và 8.374 học sinh so với năm học 2022-2023.
Bước vào năm học mới, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 90 %; Tỷ lệ trẻ em mầm non được học 2 buổi/ngày đạt 100%; học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 85%. Đáng chú ý, Quảng Ninh là địa phương thứ 17/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ (PCGDXMC) mức độ 2.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung, ưu tiên nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất trường học, củng cố mạng lưới trường lớp, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học… đáp ứng điều kiện tối thiểu đảm bảo theo lộ trình triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, địa phương đầu tư tổng kinh phí 565 tỷ đồng xây dựng trường chất lượng cao cho 8 trường THPT Ngô Quyền, THPT Quảng La (TP Hạ Long); THPT Uông Bí (TP Uông Bí); THPT Trần Phú (Móng Cái); THCS Hải Hà (huyện Hải Hà); Tiểu học Đông Ngũ I (huyện Tiên Yên) và Tiểu học Đồng Tiến (huyện Cô Tô). Xây mới 2 trường THPT Bình Liêu và thành phố Cẩm Phả.



Theo phóng viên Vũ Miền/VOV-Đông Bắc: Đảo Trần, thuộc huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh là đảo tiền tiêu của vùng biển Đông Bắc Tổ quốc có vị trí quan trọng đối với quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo. Đây cũng là đảo xa đất liền nhất của tỉnh Quảng Ninh.
Năm học 2023 - 2024, điểm trường thôn đảo Trần (Trường Mầm non – Tiểu học Thanh Lân) có 7 học sinh cấp Mầm non và Tiểu học. Các em đều là con em của các ngư dân tình nguyện ra sinh sống tại đảo Trần.


Phóng viên Nguyễn Trang/VOV.VN phản ánh: Cô và trò Trường mầm non AMG Kindergarten (Hà Nội) tưng bừng tổ chức khai giảng sớm năm học 2023 – 2024 với phương châm "lấy trẻ làm trung tâm", tạo bầu không khí phấn khởi, vui tươi để mỗi ngày đến trường của trẻ là 1 ngày vui.


Bình Dương: Nhiều trường không có bán trú do thiếu cơ sở và giáo viên
Theo phóng viên Thiên Lý/VOV-TP.HCM: Cùng với học sinh cả nước, sáng nay, hơn 548.000 học sinh các cấp của tỉnh Bình Dương cũng chính thức bước vào năm học mới 2023-2024. Tại các điểm trường, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đến dự lễ khai giảng với thầy cô giáo và các em học sinh.
Theo ghi nhận, các đơn vị tổ chức lễ khai giảng năm học mới ngắn gọn, trang trọng, vui tươi, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh và giáo viên. Tại buổi lễ khai giảng, nhiều cá nhân, tổ chức đã tặng quà, học bổng cho học sinh khó khăn.

Tại lễ khai giảng, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các địa phương chăm lo tốt cho học sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, con em công nhân lao động.
Đối với việc thiếu giáo viên, cần tăng cường tuyển dụng, hợp đồng để đảm bảo việc học tập cho học sinh. Những địa phương có học sinh tăng cần ưu tiên ngân sách, quỹ đất xây thêm trường học.
Được biết, năm học này, Bình Dương tăng thêm 37.000 học sinh so với năm học 2022-2023. Học sinh tăng cao nên nhiều trường không bố trí được bán trú. Điều này khiến công nhân lo lắng vì không có thời gian đưa đón con.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Bình Dương, để công nhân yên tâm, ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh Bình Dương đã cho phép các trường liên kết với trung tâm bên ngoài tiếp nhận dạy học, ăn uống 1 buổi và đưa đón học sinh đến trường. Việc liên kết này được quản lí bởi phòng Giáo dục-Đào tạo các địa phương để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Phóng viên Vinh Quang/VOV-TP.HCM phản ánh: Trong tình hình thiếu giáo viên Trường PTTH Nguyễn Hữu Thọ, Bến Lức Long An đã thực hiện điều phối 72 giáo viên cho các trường vừa xây dựng mới. Nhà trường nỗ lực trong tổ chức dạy học theo hướng phổ thông mới. Qua đó có điều chỉnh bổ sung cho phù hợp. Mục tiêu tạo nguồn khoảng 30 đến 40 học sinh giỏi cho tỉnh thực hiện mục tiêu đạt thành tích học sinh giỏi cấp Quốc gia.


Phóng viên Duy Phương/VOV-TP.HCM phản ánh: Ngày 5/9, hòa chung không khí với học sinh trong cả nước, trên 720.000 học sinh của tỉnh Đồng Nai hân hoan bước vào năm học mới 2023-2024

Năm nay, theo tinh thần chỉ đạo chung của ngành Giáo dục, các trường sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học trên tinh thần ngắn gọn không quá 60 phút để học sinh lên lớp học tiết học đầu tiên trong chương trình
Theo ghi nhận đúng 7 giờ sáng, ông Nguyễn Sơn Hùng, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự và chúc mừng thầy và trò Trường THPT Trấn Biên.

Năm học 2022-2023 tiếp tục là một năm học thành công của thầy và trò nhà trường khi mà tập thể sư phạm nhà trường đã được công nhận là đơn vị Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 4 năm học liên tục từ năm 2019-2020 đến năm 2022-2023. Trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh nhà trường luôn nằm trong nhóm có thành tích cao nhất với 72 giải, tỷ lệ đậu tốt nghiệp là 100% liên tục 7 năm liền. Trong đó 4 năm gần đây trường đều có thủ khoa khối trong kỳ thi THPT. Trong đó, gần nhất đó là em Đoàn Linh là thủ khoa khối D với 28,1 điểm trong kỳ thi vừa qua.
Tại buổi lễ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đã đọc thư chúc mừng của Chủ tịch nước và Tỉnh uỷ-HĐND-UBND-UBMTQ tỉnh Đồng Nai và trao phần thưởng cho học sinh là thủ khoa tỉnh khối D kỳ thi THPT năm học 2022-2023 và thủ khoa kỳ thi tuyển sinh 10 của nhà trường.


Theo phóng viên Thanh Thắng/VOV Miền Trung: Sáng nay (5/9), cùng với hàng triệu học sinh trên cả nước, hơn 338.000 học sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2023 - 2024.

Tại Bình Định, các trường tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, trang nghiêm, đồng loạt lúc 7 giờ sáng, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp. Các trường tổ chức lễ khai giảng năm học mới theo nghi thức truyền thống, các trường sẽ đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành giáo dục tại lễ khai giảng năm học mới.
Riêng với cấp mầm non tổ chức khai giảng theo hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo với nội dung phù hợp. Sau khi kết thúc lễ khai giảng, các trường học bước vào năm học mới 2023 - 2024. Sau khai giảng, các trường tổ chức dạy học từ tiết 3.

Đầu năm học 2023-2024, số biên chế giáo viên được giao là 16.892, đã tuyển dụng: 15.205. Số lượng biên chế giáo viên được giao đảm bảo nhu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2023-2024. Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố đang triển khai thực hiện công tác tuyển dụng giáo viên cho năm học 2023-2024 trong số biên chế được giao. Việc thiếu giáo viên do không tuyển đủ hoặc chưa tuyển dụng kịp thời sẽ được khắc phục, vì vậy, sẽ không ảnh hưởng đến công tác giáo dục và việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học 2023-2024.

Theo phóng viên Long Phi/VOV-Miền Trung: Sáng nay (5/9), gần 346.000 học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bước vào khai giảng năm học mới.

Năm học 2023-2024, hệ thống mạng lưới trường lớp, các trung tâm giáo dục thường xuyên tại địa phương được phân bố hợp lý, các trường học được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang, đội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Hiện toàn ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam có gần 727 trường học, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành hệ công lập là 23.500 và ngoài công lập gần 4.300 người.

Hiện, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam đối mặt với không ít khó khăn do thiếu giáo viên tại khu vực miền núi vẫn, nhiều trường học, khu nội trú đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, đe dọa tính mạng đối với hàng ngàn học sinh.
Phóng viên Sỹ Đức/VOV1 cho biết: Sáng nay (5/9), tại Thanh Hóa thời tiết khá đẹp đón gần 1 triệu học sinh phổ thông, trẻ mầm non của Thanh Hóa sẽ bước vào năm học mới.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn 27 huyện, thị thành phố của địa phương này đã vui mừng, rạng ngời trong những bộ trang phục đẹp nhất.

Tại các trường khu vực miền núi, biên giới, nhiều ngày qua đội ngũ thầy cô giáo và bà con dân bản đã dành thời gian tu sửa trường lớp, vận động học sinh ra lớp. Để có buổi khai giảng trang trọng, đầm ấm và 1 năm học đạt kết quả cao.

Theo phóng viên Lê Hiếu/VOV-Miền Trung: Sáng nay (5/9), cùng với cả nước, gần 600 trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đồng loạt khai giảng năm học mới. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 260.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn được đầu tư về cơ sở vật chất với tổng kinh phí hơn 406 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương.

Bước vào năm học mới, ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tập trung các giải pháp, thực hiện nhiệm vụ dạy và học theo hướng đổi mới; hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học. Năm học 2023-2024, ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Toàn tỉnh đã dành 406 tỷ đồng đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương. Các đơn vị cũng huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa mua tặng sách giáo khoa cho các em khó khăn tại địa phương, đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa phục vụ học tập cho năm học mới.

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng nâng cao chất lượng chương trình giáo dục hiện hành, triển khai hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên mới; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp…

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Chúng tôi triển khai nhiệm vụ năm học cho toàn tỉnh và trong đó xác định những cái mục tiêu về đổi mới giáo dục phổ thông đảm bảo chương trình sách giáo khoa, đội ngũ thầy cô giáo, cũng như cơ sở vật chất phải đáp ứng được việc triển khai thực hiện tốt chương trình của lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Theo đó, chúng tôi đã tổ chức tập huấn các đội ngũ thầy cô giáo từ việc sử dụng thiết bị đến việc đổi mới phương pháp và sử dụng sách giáo khoa xem như là tài liệu tham khảo để thực hiện chương trình nhiều sách giao khoa”.

Phóng viên Duy Thái/VOV-Đông Bắc phản ánh: Sáng 5/9, hoà trong không khí từng bừng cả nước đón chào năm học mới, hơn 250 học sinh Trường THCS xã biên giới Cao Lâu tham gia lễ khai giảng năm học mới 2023-2024. Đây là địa bàn khó khăn vùng biên giới Lạng Sơn.
7 giờ sáng, dọc theo tuyến đường từ trung tâm huyện Cao Lộc lên biên giới xã Cao Lâu, những điểm trường ngập tràn sắc cờ đỏ. Trên những con đường đất gồ ghề, bong tróc, từng tốp học sinh trên vai cặp sách, xúng xính trong bộ áo dân tộc đặc trưng cửa người Tày, Nùng hào hào hứng đến trường tham dự Lễ khai giảng.

Khác với những trường học khác, Trường THCS Cao Lâu là trường học đặc biệt khó khăn vì ở vùng biên giới. Năm học này, học sinh ở đây vui hơn khi chính quyền, nhà trường đã xây mới 3 phòng học, cải tạo, sữa chữa nhiều điểm trường.
Cô giáo Nông Minh Thy, Hiệu trưởng trường THCS Cao Lâu cho biết: Để chuẩn bị cho năm học mới, trường cũng tiến hành tu bổ lại cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan môi trường để tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập. Đồng thời trang bị sách giáo khoa và đồ dùng học tập, đảm bảo 100% các em đều được trang bị.
“Ngay từ đầu năm học nhà trường cũng quán triệt tới tất cả đội ngũ cán bộ giáo viên thực hiện tốt những quy chế, nội quy, chuẩn bị cho việc nâng cao chất lượng giáo dục ngay từ đầu năm học. Những em có hoàn cảnh khó khăn nhà trường cũng trao tặng các em những phần quà để chia sẻ, đồng thời có sự hỗ trợ những suất học bổng cho các em. Mong ước trồng người không có gì là mong các em bước vào năm học mới đều học thật giỏi, chăm ngoan và cố gắng để có tỉ lệ học sinh khá giỏi ngày càng cao và chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng nâng cao hơn”, cô Thy cho biết.

Với phương châm “Ngắn gọn, vui tươi và có ý nghĩa để các em có niềm hứng khởi, nhiều hoài bão về tương lai trước thềm năm học mới”, tại Lễ khai giảng sáng nay, Trường THCS Cao Lâu đã rút ngắn thời gian phát biểu của hiệu trưởng, không có phần phát biểu của lãnh đạo ngành và lãnh đạo địa phương. Phần thời gian còn lại hướng về các em học sinh như: Trao học bổng cho các học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt các em có hoành cảnh khó khăn; tuyên dương những giáo viên dạy giỏi, văn nghệ chào mừng năm học mới. Ngày tựu trường, những tiếng hát trong trẻo, điệu múa xòe của các em học sinh như khiến bản làng nơi biên giới nhộn nhịp hơn, tràn đầy kỳ vọng vào một năm học mới thành công.

Em Tô Kim Liễu, học sinh lớp 9A1 THCS Cao Lâu cho biết: “Bước vào năm học mới em tự nhủ sẽ phải cố gắng hơn, chú ý vào bài tập hơn, sẽ không được lơ là bởi chuẩn bị vào lớp 10, em cần phải ôn tập và làm bài chăm chỉ hơn. Các thầy cô ở trường đều rất vui vẻ, rất thương học sinh và rất hiền. Em mong rằng kết quả học tập của em sẽ tốt hơn và sẽ đỗ vào trường cấp 3 mà mình mong muốn".
CTV Tuấn Anh/VOV-Đông Bắc thông tin: Theo tổng hợp của các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, năm học 2022-2023 số lượng học sinh vào lớp 1 ở Hải Dương giảm mạnh so với năm học 2021-2022.
Năm học này, Trường Tiểu học Phú Thái (Kim Thành, Hải Dương) đón 127 học sinh vào lớp 1 với 4 lớp. Theo ghi nhận, các bạn nhỏ đều rất sôi nổi, hào hứng với ngày khai trường đầu tiên.




Phóng viên Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên cho biết: Mặc dù thời tiết không thuận lợi, có mưa rải rác trên diện rộng, nhưng các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới 2023-2024.
Năm học mới này, tỉnh Lâm Đồng có hơn 334.000 học sinh các cấp, thuộc 682 đơn vị trường học. Do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên nhiều trường học phải bố trí chương trình lễ khai giảng diễn ra trong hội trường và khu vực có mái che. Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”, năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục Lâm Đồng đặt ra mục tiêu phấn đấu 83% trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia; 82% thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình trung học phổ thông và tương đương.
Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo theo hướng phân cấp, phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Đồng thời, tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp gương mẫu, là tấm gương cho học sinh, sinh viên noi theo.




Phóng viên Sa Oanh/VOV-ĐBSCL cho biết: Hiện tỉnh Trà Vinh có 8 Trường Phổ thông dân tộc nội trú và 1 Trường đặc thù Trung cấp Pali – Khmer. Những học sinh được tuyển vào học các trường này đều nhận được học bổng 80% lương cơ sở, sách giáo khoa, phí tàu xe.
Riêng Đại học Trà Vinh có Khoa Ngôn ngữ-Văn hóa-Nghệ thuật Khmer Nam bộ cũng có nhiều chính sách ưu đãi về học phí, ký túc xá…
Ngoài ra, bước vào năm học mới trên địa bàn còn có hàng ngàn em học sinh nghèo được cấp sách giáo khoa miễn phí, trong này phần lớn là con em đồng bào Khmer. Nhờ đó, hàng năm số học sinh của tỉnh tốt nghiệp THPT vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đạt tỷ lệ trên 70%.





Phóng viên Hồng Phương/VOV-ĐBSCL thông tin: Đến dự và phát biểu chỉ đạo Lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều, Cần Thơ, Phó Thủ Tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chia sẻ có cảm xúc thật đặc biệt khi lần đầu tiên được chung vui với thầy cô và các em học sinh trong lễ khai giảng năm học mới ở miền đất phương Nam, tại ngôi trường giàu truyền thống với bề dày lịch sử hơn 100 năm mang tên nữ sỹ Đoàn Thị Điểm.

Phó Thủ tướng khuyến khích các em học sinh phát huy cao độ tinh thần tự học, tự khám phá, sáng tạo để từ nơi này sẽ trở thành công dân toàn cầu, có lối sống công nghiệp, văn minh, hiện đại, luôn nỗ lực cao nhất đóng góp sức mình cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển và bảo vệ tổ quốc.

Song song đó, Phó Thủ tướng mong muốn các thầy cô giáo luôn phấn đấu, tu dưỡng, hoàn thiện, trở thành tấm gương về lòng nhân ái và những giá trị cao quý. Mỗi thầy cô hãy thắp lên trong các thế hệ học sinh Việt Nam ngọn lửa trí tuệ, yêu nước, tinh thần trách nhiệm, khát vọng vươn lên xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.
Dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã gửi tặng món quà khuyến khích tinh thần dạy và học của thầy trò trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều, Cần Thơ.

Phóng viên Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL cho biết: Hàng năm trường Dân tộc nội trú (DTNT) Vĩnh Long có khoảng 200 học sinh theo học từ lớp 10 đến lớp 12.
Năm học 2023-2024 này, Trường Phổ thông DTNT Vĩnh Long tuyển sinh 2 lớp 10 với 70 chỉ tiêu bằng hình thức xét tuyển, dựa trên kết quả học tập, rèn luyện 4 năm học THCS của đối tượng tuyển sinh. Kết quả hạnh kiểm cuối năm của các lớp 6, 7, 8, 9 được quy đổi thành điểm, cộng với điểm trung bình chung học tập của cả năm các lớp 6, 7, 8, 9. Điểm xét tuyển là tổng điểm rèn luyện và học tập của 4 năm học THCS chia hai, cộng điểm ưu tiên nếu có.
Học sinh học tại Trường Phổ thông DTNT được miễn hoàn toàn học phí 3 năm học THPT; được nhận học bổng theo chế độ chính sách. Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ dụng cụ học tập, cho mượn sách giáo khoa, hỗ trợ điện nước, tặng BHYT và nhiều chính sách ưu tiên khác. Đối tượng tuyển sinh là học sinh dân tộc thiểu số rất ít người. Học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.


Theo phóng viên Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc: Như chưa từng có cơn lũ dữ quét qua, 818 học sinh ở 24 lớp của Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiều học và THCS Hồ Bố, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái về dự khai giảng năm học mới trong niềm vui, sự phấn khởi. Nhiều em nhà ở xa trường, bắt đầu từ hôm nay sẽ ở bán trú tại trường, dưới sự chăm sóc của các thầy cô giáo, người mẹ hiền thứ 2 của các em.




Năm học mới, Bình Phước có hơn 257.500 học sinh
Phóng viên Thiên Lý/VOV-TP.HCM thông tin: Cùng với hơn 22 triệu học sinh cả nước, sáng nay, 257.500 học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Bình Phước nô nức dự lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.
Lễ khai giảng năm nay ở Bình Phước được tổ chức với tinh thần ngắn gọn, tập trung chào mừng các em học sinh đến trường, nhất là học sinh đầu cấp. Các đơn vị tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
So với năm học 2022-2023, năm học này, Bình Phước tăng gần 3.000 học sinh. Cũng như các địa phương trong cả nước, Bình Phước cũng đang đề nghị bổ sung thêm 1.620 viên chức, giáo viên cho ngành Giáo dục.
Trước thềm năm học mới, đối với học sinh khó khăn con em đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh vùng biên giới cũng đã được cấp cấp, các ngành, đơn vị, địa phương hỗ dụng cụ học tập.


Phóng viên Vũ Hường/VOV-TP.HCM thông tin: Năm nay, lễ khai giảng ở hầu hết các trường tại TP.HCM đều diễn ra nhanh gọn, gói gọn chưa đầy 1 tiếng đồng hồ. Một số trường sau lễ khai giảng vẫn tổ chức cho học sinh học bình thường


Phóng viên Nhật Trường/VOV-ĐBSCL phản ánh: Nhân dịp dự lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng quà cho tập thể CBGV nhà trường và học sinh nghèo vượt khó của trường.
Dịp này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa dự lễ khánh thành công trình cấp nước sạch cho người dân tại xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông. Kinh phí thực hiện công trình này do ông Nguyễn Trọng Nghĩa vận động doanh nghiệp tài trợ.



CTV Linh Giang/VOV-Đông Bắc đưa tin: Sáng nay, gần 500.000 học sinh các cấp của tỉnh Hải Dương chính thức bước vào năm học mới 2023-2024. Tại các điểm trường, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã đến dự lễ khai giảng và tặng quà; nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã tặng quà, học bổng cho học sinh và nhà trường. Lễ khai giảng được tổ chức gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, bảo đảm thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.
Năm học 2023-2024, nhiều trường xây dựng, sửa chữa và đưa vào sử dụng hàng trăm phòng học mới.



Phóng viên Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc thông tin: Do khó khăn về cơ sở vật chất nên sáng nay 2 nhà trường Mầm non và Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã biên giới Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ tổ chức khai giảng ghép.
Năm học này 2 nhà trường có hơn 500 học sinh, với hơn 95% học sinh người dân tộc Dao; trong đó Trường Mầm non có 7 điểm bản lẻ. Với mục tiêu duy trì tỷ lệ chuyên cần, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, ngay từ đầu năm học các nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và khắc phục tình trạng thiếu học sinh bằng việc dồn lớp, ghép lớp.
Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: Năm học này, toàn tỉnh Lai Châu có gần 151.500 học sinh, ở 337 đơn vị trường. Mục tiêu của ngành giáo dục địa phương năm học này vẫn là tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cũng như triển khai chương trình giáo dục mầm non mới. Hiện toàn ngành đang thiếu gần 1.000 giáo viên và để đáp ứng yêu cầu năm học, ngành đang phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, để tăng cường, biệt phái, điều động. Cùng với đó, ngành đã chỉ đạo các đơn vị, phòng giáo dục dồn dịch học sinh những điểm trường nhỏ lẻ về các điểm trung tâm, những nơi có điều kiện đảm bảo để giảm số lớp.




Gia Lai: 368.000 học sinh tưng bừng khai giảng năm học mới
Phóng viên Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên phản ánh:
Sáng nay, ngày 5/9, 759 trường học thuộc các bậc mầm non và phổ thông của 17 huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Gia Lai tưng bừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới.
Sáng sớm nay, một số địa phương trong tỉnh có mưa, nhưng tới 7 giờ sáng, thời tiết đã tạnh ráo, rất mát mẻ, thuận lợi cho việc tổ chức lễ khai giảng. Năm học này, toàn tỉnh có trên 386.000 học sinh ở tất cả các bậc học. Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, trước khai giảng, tỉnh Gia Lai đã đầu tư hơn 372 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa cơ sở vật chất và trên 780 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học. Như vậy, địa phương đã đảm bảo 100% cơ sở giáo dục đủ các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đủ số giáo viên để bố trí dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, 100% học sinh lớp 3, lớp 4 được học môn Tiếng Anh, Tin học.
Tại thành phố Pleiku, có mưa nhẹ vào sáng sớm, nhưng khoảng 7 giờ sáng, thời tiết đã tạnh ráo, rất mát mẻ, thuận lợi. Đặc biệt, sáng nay, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai vinh dự đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự lễ khai giảng tại nhà trường.
Tại đây, Chủ tịch nước đề nghị địa phương tiếp tục giành sự quan tâm, đầu tư thiết thực cho giáo dục tại tỉnh nói chung, và các trường dân tộc nội trú nói riêng; xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, an toàn để các thầy cô giáo và học sinh được giảng dạy, học tập trong niềm vui và hạnh phúc, phát huy tối đa năng lực sáng tạo cá nhân, góp phần trong thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục nước nhà.
Cũng trong sáng nay, ông Nguyễn Kim Sơn- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh. Tại đây, ông Nguyễn Kim Sơn đề nghị ngành giáo dục tỉnh quan tâm đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục, chú trọng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên của tỉnh yên tâm, tự tin, hào hứng trong giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Khâu hỗ trợ cho các thầy, các cô được xem là yếu tố then chốt để làm sao yên tâm với công việc, tự tin đổi mới, tự tin điều chỉnh hoạt động dạy và học. Tôi mong ngành chia sẻ, hỗ trợ, động viên để làm sao các thầy cô hoàn thành tốt với sự hào hứng. Các thầy các cô có đổi mới được thì chất lượng giáo dục mới được đổi mới và nâng cao”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Tại buổi làm việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tặng 100 bộ sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục tài trợ, cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh. Trước năm học, Nhà xuất bản Giáo dục cũng tặng tỉnh hơn 18.000 bộ sách cho các thư viện và các tủ sách dùng chung trên toàn tỉnh.








Hậu Giang nỗ lực thi đua “Dạy tốt - Học tốt”
Phóng viên Tấn Phong/VOV- ĐBSCL đưa tin: Sáng nay 5/9, hơn 158.000 học sinh ở tỉnh Hậu Giang náo nức bước vào năm học mới 2023-2024. Năm học mới này, ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang quyết tâm dù khó khăn đến đâu, toàn ngành cũng phải ra sức thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

Những năm qua, dù Hậu Giang còn nhiều khó khăn, nhưng công tác chăm lo cho giáo dục rất được chú trọng. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể đều dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời để ngành giáo dục của tỉnh vượt khó, vươn tầm chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 317 trường từ mầm non đến THPT. Trong đó, có 23 trường THPT, 62 trường THCS, 149 trường tiểu học và 83 trường mầm non, mẫu giáo. Trong năm học vừa qua, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học là 82,96%, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3…
Trong năm học mới 2023-2024 này, bên cạnh việc nỗ lực để không có điểm trường nào bị quá tải do thiếu phòng học, do thiếu giáo viên và đảm bảo các chính sách hỗ trợ cho giáo viên hợp đồng, Ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang còn tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn, nhân rộng các mô hình hay, thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp học..

Ông Lâm Thanh Vũ- Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết: "Ngành cũng trang bị các thiết bị hỗ trợ như là các màn hình lớn, các thiết bị phục vụ cho lĩnh vực công nghệ thông tin.. để cho thầy cô có thể khai thác các dữ liệu số. Bây giờ theo Chương trình mới thì thầy cô giáo chủ yếu là tổ chức hướng dẫn cho học sinh học tập khác với trước đây là mình truyền đạt kiến thức một chiều. Do vậy cái việc khai thác, sử dụng các dữ liệu số, các phần mềm…phục vụ cho từng môn học thì sẽ đem lại hiệu quả rất cao và học sinh sẽ yêu thích hơn và chất lượng giáo dục sẽ từng bước được cải thiện tốt hơn so với trước đây”.
Phóng viên Thạch Hồng VOV/ĐBSCL thông tin: Hòa chung không khí hân hoan của hàng triệu giáo viên, học sinh trong cả nước, sáng nay 5/9, thầy và trò Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.

Năm học 2023-2024, trường có quy mô 18 lớp, với 618 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào Khmer và 62 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong năm học mới này, thầy và trò Trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương quyết tâm phấn đấu tiếp tục thực hiện có hiệu quả nội dung các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành. Xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học các chủ đề tích hợp; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, đặc biệt là việc dạy học hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng nâng cao phẩm chất, phát triển năng lực cho học sinh.

Trường quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục. Theo đó, phấn đấu tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi cao hơn năm học trước; hạnh kiểm khá, tốt đạt 100%. Giữ vững tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2024 là 100%; tỉ lệ học sinh bỏ học dưới 0,5%, ít nhất 15́ học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh…
Phóng viên Công Luận/VOV-Đông Bắc phản ánh: Sáng nay, hơn 130.000 học sinh tỉnh biên giới Cao Bằng náo nức trong ngày khai giảng.
Theo thông tin từ sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có trên 130.000 học sinh, theo học tại 516 trường mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập, 01 trường mầm non ngoài công lập, 1 Trường Cao đẳng Sư phạm, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; Cao Bằng hiện có trên 10.900 cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo cơ cấu độ tuổi, trình độ chuyên môn đào tạo và vị trí việc làm phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Năm học này, Cao Bằng thiếu khoảng 700 giáo viên theo định biên, tuy nhiên, ngành giáo dục đã nỗ lực khắc phục bằng cách cho giáo viên dạy liên trường, liên cấp đồng thời sử dụng đội ngũ giáo viên hợp đồng cho các môn còn thiếu. Đến thời điểm này, các trường đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên cho năm học mới.




Lá cờ đầu ngành giáo dục- đào tạo tỉnh Tiền Giang bước vào năm học mới.
Theo phóng viên Nhật Trường/VOV-ĐBSCL: Sáng nay Trường THPT Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cũng hân hoan bước vào năm học mới. Đây là lá cờ đầu trong ngành giáo dục- ĐT tỉnh Tiền Giang, hơn 20 năm liền có tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp 100%.
Hàng năm trường có nhiều học sinh thi đỗ các kỳ thi cấp tỉnh, cấp Quốc Gia. Qua 59 năm thành lập, phát triển và trưởng thành trường THPT Chợ Gạo đã vinh dự được tặng thưởng với nhiều danh hiệu cao quí: nhiều Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ Giáo dục- Đào tạo, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động các hạng 1,2,3 và cờ thi đua của UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ.


Kiên Giang không để cho bất cứ học sinh nghèo nào bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn
Phóng viên Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL thông tin: Sáng nay (5/9), hơn 345.000 học sinh trong tỉnh Kiên Giang đến trường tham dự lễ khai giảng năm học mới 2023-2024. Trong năm học này, ngoài việc tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục thì ngành giáo dục Kiên Giang quyết không để bất cứ học sinh nghèo nào bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Trong dịp khai giảng năm học mới, Sở giáo dục – đào tạo tỉnh Kiên Giang đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân được gần 400 triệu đồng tiền mặt; tập sách, đồng phục và các trang thiết bị phục vụ cho việc học trị giá 800 triệu đồng để hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết: Trong những năm qua, ngành GDĐT Kiên Giang đã hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng sách, tập, học bổng, miễn giảm học phí… để các em có thể cắp sách đến trường. Nhờ vậy số lượng học sinh bỏ học hằng năm tại các địa phương trên từng địa bàn trong tỉnh đã giảm đáng kể, đáng chú ý là có rất ít học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, hàng nghìn học sinh nghèo thoát khỏi nguy cơ bỏ học, được đến trường với bạn bè.
Những năm qua, Giáo dục Kiên Giang đã có bước phát triển, đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, chất lượng giáo dục được nâng lên, nhất là giáo dục mũi nhọn. Ba năm liền tỉnh đạt nhiều giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông, năm 2020 được xếp thứ hạng 6/13 các tỉnh ĐBSCL, năm 2021 xếp thứ hạng 5/13 và năm 2022 được xếp hạng 4/13 khu vực ĐBSCL. Đặc biệt trong năm học 2022-2023, lần đầu tiên tỉnh đạt một giải nhất và một giải ba trong Cuộc thi Khoa học, Kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, trong đó có 01 giải nhất được đại diện Việt Nam tham gia Cuộc thi Khoa học, Kỹ thuật quốc tế được tổ chức vào tháng 5 năm 2023 tại Hoa Kỳ.



Khai giảng ở điểm trường bản Mông – Bắc Kạn
Theo phóng viên Công Luận/VOV-Đông Bắc: Từ khi trời còn mờ sương, hơn 80 cháu học sinh bậc học Mầm non tại 3 bản Pù Lùng 1, Pù Lùng 2 và Bản Hỏ đã được bố mẹ đưa đến điểm trường Pù Lùng 2 để dự lễ khai giảng cho năm học mới.

Các bản này cách trung tâm xã Xuân Lạc, xã đặc biệt khó khăn của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn hơn 7km. Đây là nơi tập trung sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông với hầu hết người dân đều thuộc diện nghèo và cận nghèo.
Dù đã được khai giảng ở điểm trường, nhưng vẫn có những em phải vượt quãng đường đồi núi đến hơn 5km để đến lớp. Dù xa, dù vất vả nhưng năm nay, học sinh của 3 điểm trường đã được bố mẹ đưa đến dự lễ khai giảng đầy đủ.
Mỗi điểm trường có 2 cô giáo đứng lớp trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Riêng điểm Pù Lùng 2, vẫn có một phòng học là căn nhà lắp ghép, nguồn nước sinh hoạt thiếu thốn do bản ở trên đồi cao. Vậy nhưng các cô giáo vẫn cố gắng bám bản, bám lớp và lo cho các con có được bữa ăn bán trú đầy đủ dinh dưỡng.

Cô giáo Nông Thị Kiều Trang, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn cho biết, hiện nhà trường có 1 trường chính và tới 7 điểm trường lẻ với gần 380 học sinh.
“Do điều kiện đường xa, nên để tất cả các em đều được dự lễ khai giảng, nhà trường quyết định tổ chức khai giảng đồng loạt tại 3 điểm, gồm trường chính và 2 cụm điểm lẻ. Năm nay, tỉ lệ trẻ trong độ tuổi mầm non được đến lớp của Xuân Lạc đạt 100%. Các thầy cô đã phối hợp cùng các bác Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn đến từng nhà để vận động cha mẹ các em. Các bậc phụ huynh cũng rất nhiệt tình để đưa các con đến khai giảng, dù có gia đình phải đi xa đến 5,6 km”, cô Trang cho hay

Ông Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn cho biết thêm: “Ở đây cũng đã tuyển sinh thông qua online nhưng thực tế bố mẹ các cháu rất khó để áp dụng nên chủ yếu là thầy cô đến tận nhà vận động. Chính quyền địa phương đã phối hợp cùng nhà trường rà soát, lên danh sách để vận động các cháu đến lớp. Để một địa phương khó khăn với chủ yếu là đồng bào thiểu số có được kết quả 100% học sinh trong độ tuổi mầm non đến lớp là sự cố gắng, nỗ lực rất đáng ghi nhận của các thầy, cô giáo”.


Năm học 2023-2024, tỉnh Bắc Kạn có khoảng 80.000 học sinh ở cả 3 cấp học. Địa phương này đã chỉ đạo các trường chủ động rà soát, lên phương án bổ sung hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo trước này khai giảng. Đồng thời, với việc thiếu gần 400 giáo viên theo định biên, Bắc Kạn đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp như tuyển giáo viên hợp đồng, bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp trước khi tuyển đủ biên chế. Cho đến thời điểm này, tất cả các trường đã bố trí đủ giáo viên đứng lớp theo chương trình năm học mới.
Phóng viên Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL đưa tin: Sáng nay, Bí thư Trung ương Đoàn, Nguyễn Minh Triết đến giữ lễ khai giảng năm học mới tại trường THPT Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, anh Nguyễn Minh Triết đã trao học bổng, dụng cụ học tập, balo cho các em học sinh nghèo.



Tiền Giang: Một doanh nghiệp tặng 400 triệu đồng cho học sinh nghèo vùng cù lao
Phóng viên Nhật Trường/VOV-ĐBSCL thông tin: Nhân dịp khai giảng năm học mới 2023-2024, sáng nay ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xây Dựng Thiên Thuận tại xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã đến trao tặng học bổng là 400 triệu đồng cho học sinh trường THCS và THPT Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông ( Tiền Giang).
Nguồn kinh phí này trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp. Là doanh nghiệp chuyên xây dựng cầu đường, thời gian qua, công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xây Dựng Thiên Thuận rất tích cực với công tác an sinh, xã trên địa bàn tỉnh; đặc biệt đối với huyện cù lao Tân Phú Đông, doanh nghiệp này đã nhiều lần đóng góp nguồn kinh phí lớn để giúp học sinh nghèo.




Viết bình luận