Học sinh cả nước hân hoan dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025

VOV.VN - Sáng nay (5/9), học sinh cả nước hân hoan dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025. Đây cũng là năm đầu tiên khi Chương trình GDPT 2018 được thực hiện đồng bộ từ lớp 1 đến lớp 12.

11:15

Khai giảng tại vùng lũ Cao Bằng

Phóng viên Công Luận, VOV Đông Bắc thông tin: Sau hơn 1 tuần ngập sâu trong cơn lũ lịch sử từ 23/8, sáng nay 3 trường bậc học từ Mầm non đến THCS tại xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thành công Lễ khai giảng năm học mới.

Mặc dù xã Quang Vinh vẫn còn một số vị trí nước lũ chưa rút hết, nhưng giao thông đã không còn chia cắt giúp việc đến trường của học sinh trong ngày khai giảng được thuận lợi. Trên các tuyến đường, bùn đất sau lũ vẫn còn ngổn ngang nhưng địa phương và các nhà trường đã tập trung tối đa nguồn lực để những học sinh ở xã thuộc diện đặc biệt khó khăn có ngày khai giảng trọn vẹn.

Thầy giáo Hoàng Văn Việt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Vinh, huyện Trùng Khánh cho biết: Ngay sau khi nước rút, các thầy cô giáo và chính quyền địa phương, các đội tình nguyện đã triển khai hót dọn bùn đất, sửa sang lại trường lớp, kịp thời bổ sung các trang, thiết bị, bàn ghế, đồ dùng giảng dạy bị hư hại hoặc lũ cuốn trôi.

Để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, 2 trường Mầm non và Tiểu học Quang Vinh cùng tổ chức chung lễ khai giảng. Dù còn khó khăn sau lũ, nhưng để các con không cảm thấy thiệt thòi, các thầy cô và các nhóm thiện nguyện đã cùng nhau trang trí lớp học, bố trí cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu…Ngoài ra, những đôi dép, sách bút, đồ dùng học tập và nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu… cũng đã được gửi đến những học sinh vùng lũ, giúp các em vững tin bước vào năm học mới.

 

11:11

Theo phóng viên Vũ Hường/VOV-TP.HCM: Sáng nay, 257 học sinh của trường Tiểu học Thạnh An, thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM cũng tham gia lễ khai giảng năm học mới trong thời tiết tạnh ráo, mát mẻ.

11:10

Khai giảng năm học mới ở điểm trường đảo Trần

Phóng viên Vũ Miền/VOV-Đông Bắc đưa tin: Với sĩ số chỉ 8 học sinh, 3 giáo viên ở cấp tiểu học và mầm non, không khí khai giảng tại điểm trường đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, Quảng Ninh diễn ra trong không khí ấm áp, nghĩa tình và xúc động.

Đảo Trần có địa giới hành chính thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, là đảo xa đất liền nhất của tỉnh Quảng Ninh, có vị trí quan trọng đối với quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo Quốc gia. Hòa chung với không khí hân hoan trong ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, sáng nay (5/9), cô và trò xã đảo tiền tiêu Đông Bắc đã cùng nhau bước vào năm học mới. Không cờ hoa rợp trời, không văn nghệ chào mừng, lễ khai giảng của điểm trường đảo Trần diễn ra nhanh gọn, được tổ chức trang trọng trong một lớp học với sự tham gia của lãnh đạo huyện Cô Tô, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn. Đây là niềm động viên, khích lệ lớn với cô và trò điểm trường đảo Trần bước vào năm học mới với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.

Năm học 2024-2025, điểm trường đảo Trần có 8 học sinh trong đó 5 học sinh tiểu học ở các lớp 2,3,4,5 và 3 cháu cấp mầm non. Trường có 02 giáo viên tiểu học và 01 giáo viên mầm non. Học sinh trên đảo đều là con của các ngư dân tình nguyện ra đảo Trần sinh sống và được miễn học phí theo chính sách hỗ trợ học phí của tỉnh Quảng Ninh.

Anh Phạm Văn Lý - người dân đảo Trần chia sẻ: "Nhân dịp khai giảng mới, là phụ huynh của các con rất mong các con chăm ngoan học giỏi. Mong các thầy cô giáo giúp đỡ để các học bắt kịp việc học và các cháu trong đất liền".

 

11:04

Bạc Liêu: Hơn 160.000 học sinh bước vào năm học mới 

Phóng viên Tấn Phong/VOV-ĐBSCL thông tin: Sáng nay 5/9, cùng với cả nước hơn 160.000 học sinh các cấp ở tỉnh Bạc Liêu cũng đã hân hoan chào đón ngày khai giảng năm học mới 2024 – 2025.

Phần lễ khai giảng năm học mới tại các trường ở tỉnh Bạc Liêu diễn ra trang trọng, ngắn gọn, học sinh thấy vui và ý nghĩa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Chí Nguyện đến dự và đánh trống khai giảng năm học mới tại trường THPT Phan Ngọc Hiển, thành phố Bạc Liêu.

Bước vào năm học mới này, trường THPT Phan Ngọc Hiển có tổng số hơn 1.400 học sinh ở 3 khối lớp. Trong đó, khối lớp 10 có 520 học sinh.

Tại Lễ khai giảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Chí Nguyện đã trao tặng 20 suất học bổng; Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tặng 20 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực trong học tập. Nhà trường cũng đã khen thưởng cho 6 học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm học 2023 – 2024.

Năm học mới 2024-2025 này, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu tập trung thực hiện tốt việc đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” ngành Giáo dục giai đoạn 2020 – 2025 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, nhất là tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách và có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em được đến trường học tập. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng có nhiều đồng bào dân tộc, nhằm nâng cao dân trí, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa các vùng.

10:59
10:59

Theo phóng viên Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL: Năm học mới này tỉnh Vĩnh Long có 378 trường học các cấp cùng với hơn 200.000 học sinh. Sáng nay, các trường học trong tỉnh đã đồng loạt làm lễ khai giảng năm học mới. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UB MTTQ VN tỉnh Vĩnh Long đã đến các điểm trường dự lễ đánh trống khai giảng năm học mới.

Nhiều điểm trường cũng đã phát học bổng cho các em học sinh nghèo học giỏi, học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh là con gia đình chính sách nhằm động viên các em học sinh phấn đấu học tập đạt thành tích cao.

10:56

Phóng viên Công Luận/VOV-Đông Bắc thông tin: Sáng nay, hơn 81.000 học sinh từ bậc mẫu giáo đến trung học phổ thông tại tỉnh Bắc Kạn cũng nô nức tham gia ngày khai giảng năm học mới 2024-2025.

Sau thời gian dài ảnh hưởng của mưa, hôm nay tại Bắc Kạn có nắng dịu, thời tiết khô ráo nên các đơn vị tổ chức khai giảng thuận lợi, không có trường nào bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi. Năm học này, Bắc Kạn có gần 5.400 học sinh lớp 1, hơn 6.000 học sinh lớp 6 và hơn 3.000 học sinh lớp 10.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Bắc Kạn, cho đến trước thềm năm học mới, địa phương vẫn thiếu khoảng hơn 500 giáo viên theo định biên. Hiện nay, ngành giáo dục và chính quyền các địa phương đã lên kế hoạch thi tuyển bổ sung ngay trong năm 2024. Trước mắt, các trường thực hiện ký hợp đồng tạm thời với các giáo viên bộ môn còn thiếu, nhất là các môn Tin học, Tiếng Anh. Một số địa phương đã bố trí giáo viên tham gia dạy liên cấp, liên lớp, liên trường nhằm đảm bảo số tiết cũng như khối lượng kiến thức cho học sinh...

 

10:54

Phóng viên Hương Lý/VOV-Tây Nguyên phản ánh: Tại trường THPT Dân tộc nội trú Tây Nguyên thuộc Học viện khoa học quân sự, Bộ Quốc Phòng, lễ khai giảng diễn ra trong không khí tươi vui, phấn khởi của thầy cô giáo và học sinh.

Trường THPT Dân tộc nội trú Tây Nguyên là mô hình giáo dục đầu tiên tại Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung được tổ chức và hoạt động theo mô hình nhà trường trong quân đội, cùng chương trình đào tạo liên cấp từ THCS đến THPT. Với tiêu chí giáo dục “Kỷ cương, Tri thức, Trách nhiệm”, nhiều năm liền trường có tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT là 100%. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trường là 1 trong 10 trường của tỉnh có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100%. Tất cả học sinh đủ điểm đậu đại học. Trong đó có 30% học sinh đậu vào những trường đại học top đầu cả nước, nhiều em vào các trường quân đội và công an.

Năm học 2024 - 2025, Trường THPT Dân tộc nội trú Tây Nguyên có hơn 1.300 học sinh. Trong đó có gần 180 học sinh nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào theo học.

10:52

Theo phóng viên Chu Trinh/VOV-ĐBSCL: Sáng 5/9, gần 250.000 học sinh mầm non, phổ thông tại Bến Tre dự khai giảng năm học mới 2024-2025. Trong năm học này, ngành GD&ĐT tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao để lập thành tích chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp vào năm 2025. Đẩy mạnh cao điểm thi đua “Đồng khởi mới”, đặc biệt phong trào thi đua sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, trong dạy và học.  

Với chủ đề năm học “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng GD&ĐT”, ngành GD&ĐT tập trung triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho con em công nhân lao động được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng. Phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật.

 

10:46

Phóng viên Quang Bách/VOV thông tin: Hôm nay 2048 em học sinh trường THCS Việt Nam - Angiêri hòa mình cùng học sinh cả nước náo nức bước vào năm học mới với nhiều niềm vui, vui vì gặp lại thầy cô, bạn bè và ngôi trường thân yêu sau bao ngày xa cách, vui vì được tiếp tục khám phá những chân trời tri thức, vui vì năm học mới với bao điều hứa hẹn đang chào đón.

10:40

Theo phóng viên Thanh Thắng/VOV-Miền Trung: Sáng nay (5/9), Trường THPT Nguyễn Hữu Quang, thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định tổ chức khai giảng năm học 2024-2025. Trường THPT Nguyễn Hữu Quang được di dời, xây dựng mới thuộc dự án Đầu tư, xây dựng các trường THPT được di chuyển, sắp xếp theo quy hoạch giai đoạn 2021-2025 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư. Trường THPT Nguyễn Hữu Quang được xây dựng tại phân khu phía Bắc thuộc Khu đất ở, dịch vụ thương mại tại Km0+280 đường trục Khu kinh tế nối dài, thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát với diện tích khoảng 18.000 m2. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định và nhà thầu đã kịp bàn giao Trường THPT Nguyễn Hữu Quang, thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát vào dạy và học trong năm nay.

Sáng ngày 5/9, trước khi bước vào khai giảng năm học mới, Nhà trường đã chào 285 em học dinh khối lớp 10 thuộc diện tuyển sinh mới năm học 2024 - 2025. Các em học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Quang chủ yếu ở các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn và các xã vùng đông huyện Phù Cát, Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Nguyễn Hữu Quang diễn ra trang trọng, ngắn gọn.

Em Đỗ Nguyễn Yến Nhi, Lớp 10A1, Trường THPT Nguyễn Hữu Quang cho biết: “Trường được xây dựng mới, không gian đẹp rất thỏa mái. Em sẽ cố gắng học tập tập và phấn đấu đạt kết quả tốt nhất ở năm học mới”.

Ông Trần Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Quang cho biết, năm học 2024-2025, Trường THPT Nguyễn Hữu Quang có 776 em học sinh. Trường này có 30 phòng học đảm bảo mỗi lớp 45 em. Tất cả thầy và trò Trường THPT Nguyễn Hữu Quang vui mừng, phấn khởi được ngồi khai giảng trong một ngôi trường mới rộng lớn, khang trang; cơ sở vật chất đầy đủ đáp ứng cho nhu cầu dạy và học; các em được đi học gần hơn, thuận lợi hơn. Tại lễ khai giảng năm học mới.

Ông Trần Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Quang chia sẻ và gửi gắm tình cảm đến các em học sinh khối lớp 12, bởi đây là buổi lễ khai giảng cuối cùng trong quãng đời học sinh phổ thông. Các em học sinh lớp 12 phải chuẩn bị thật tốt nền tảng kiến thức và hành trang để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 đạt 100% và tiến tới những dự định, hoài bão trong tương lai: “Năm học 2024-2025, Nhà trường tiếp tục đổi mới các phương pháp dạy học, sử dụng hiệu quả các công nghệ, thông tin cho học sinh. Nhà trường thường xuyên tổ chức hội thảo để tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả cho các em”.

10:36

Phóng viên Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc phản ánh: Dù không đón khai giảng tại sân trường như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng gần 200 học sinh trường THCS Tạ Khoa, xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, Sơn La vẫn được đón một Lễ khai giảng trang trọng, đặc biệt và ý nghĩa tại trụ sở UBND xã Tạ Khoa.

Buổi lễ được tổ chức trang trọng, ấm áp, với sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo huyện uỷ Bắc Yên, các cấp, các ngành địa phương.

Trường THCS Tạ Khoa là một trong những ngôi trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ. Từ tháng 5 đến nay, nhà trường đã chịu 4 trận lũ lớn. Sau mỗi trận lũ, bùn đất từ suối Nhạn đổ vào sân trường, khiến toàn bộ tầng 1, khu nhà đa năng, nhà công vụ, nhà bán trú, bếp ăn của nhà trường bị bùn đất vùi lấp. Đến thời điểm này, ngôi trường vẫn đang ngập trong bùn đất.

Để khắc phục và chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ sắp tới, năm học này, toàn bộ học sinh được bố trí học ở tầng 2, tầng 3. Số phòng học đủ nhưng môn thể chất và các hoạt động ngoài trời khác phải nhờ nhà văn hóa của bản. Đối với gần 100 học sinh thuộc diện ăn ở bán trú, phương án nhà trường đưa ra là vận động gia đình hỗ trợ đưa đón những em học sinh có thể đi về trong ngày. Còn đối với các em nhà ở xa thì ở trọ tại nhà dân gần trường; chi phí ở trọ nhà trường chi trả theo quy định. Một số thầy cô giáo xa nhà cũng phải thuê trọ bên ngoài.

Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã thông qua nghị quyết phê duyệt đầu tư xây mới cho Trường THCS Tạ Khoa; thời gian thực hiện dự án trong 2 năm 2024 -2025, cuối năm nay sẽ khởi công xây dựng. Đây là nghị quyết đáp ứng lòng mong mỏi của thầy cô, học sinh và phụ huynh trong vùng.

10:34

Theo phóng viên Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL, năm học này, trường PT Dan tộc nội trú Vĩnh Long có 3 khối lớp: 10, 11 và 12 với 210 em học sinh là người dân tộc thiểu số.

Học tập tại đây các em học sinh được Nhà trường chăm lo mọi mặt như ăn ở sách vở và đồ dùng học tập. Sự phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh đã đem lại cho Trường những thành tích cao. Chất lượng giáo dục được nâng lên hàng năm, nhiều giáo viên, học sinh đã đạt những giải cao tại các kỳ thi như 07 lần đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%, 27 lần giải khuyến khích cấp tỉnh, 03 lần giải ba cấp tỉnh và 01 lần giải nhì cấp tỉnh. Ngoài ra học sinh của trường tham dự hội thi thể thao, đại hội thể thao các cấp luôn đạt nhiều thành giải cao.

10:31

Tặng 526 bản đồ Việt Nam trong lễ khai giảng ở Gia Lai
 

Theo phóng viên Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên: Sáng 5/9, dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Hội đồng Đội Trung ương (thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đã phát động chủ đề công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2024-2025 và trao tặng 526 bản đồ Việt Nam cùng nhiều phần quà ý nghĩa cho học sinh nhà trường.

Phát động chủ đề công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2024-2025, chị Nguyễn Phạm Duy Trang- Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương kêu gọi các em học sinh tích cực tham gia các phong trào thi đua, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết và sáng tạo trong các hoạt động của Đội và thiếu nhi. Trong buổi lễ khai giảng, Hội đồng Đội đã tặng nhà trường còn vinh dự được nhận các công trình và quà tặng 526 bản đồ Việt Nam, 1.000 khăn quàng đỏ, 13 cờ Đội, cùng nhiều trang thiết bị học tập và khu vui chơi cho thiếu nhi với tổng giá trị hơn 256 triệu đồng. Đặc biệt, 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tặng 30 suất học bổng tiếp sức đến trường, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, để động viên tinh thần học tập trong năm học mới.

10:30

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự khai giảng tại Cao Bằng
 

Phóng viên Công Luận/VOV-Đông Bắc thông tin: Sáng nay, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến dự lễ khánh thành và Khai giảng năm học mới tại trường Mầm non Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Công trình Trường mầm non Pác Bó được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự lễ khởi công vào ngày 10/6/2024. Đây là công trình có diện tích 1.800m2, với quy mô 6 phòng học, 1 nhà hiệu bộ, 1 nhà đa năng cùng một số hạng mục phụ trợ khác, tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Mặc dù thời tiết bất lợi, mưa nhiều nhưng chỉ sau gần 3 tháng triển khai thi công, công trình đã được hoàn thành để đảm bảo kịp thời công tác dạy và học của trường ngay từ đầu năm học mới. Đây là sự động viên rất lớn đối với các thầy cô, học sinh và nhân dân xã biên giới Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và cũng là điều kiện để trường Mầm non Pác Bó phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới.

10:28

Chính thúc hơn 235.000 học sinh tỉnh Yên Bái đã bước vào năm học mới.

Theo phóng viên Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc, Lễ khai giảng tại tất cả các trường trên địa bàn tỉnh vào sang nay (5/9) đều gồm 2 phần: phần lễ ngắn gọn và phần hội đảm bảo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh trong ngày đầu năm học mới.

Năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục xác định chủ đề là "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương", đồng thời đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành…

 

10:25

Phóng viên Long Phi/VOV-Miền Trung phản ánh: Sáng nay 5/9, tại 2 huyện miền núi cao Nam Giang và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, học sinh tại các bản làng khu vực biên giới Việt – Lào, mừng vui, rạng rỡ đến các điểm trường để dự khai giảng năm học mới. 

Lễ Khai giảng năm học mới 2024 - 2025 nơi vùng biên diễn ra đơn sơ nhưng ấm áp. Hai huyện miền núi cao biên giới Nam Giang và Tây Giang có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh chủ yếu là người đồng bào Cơ tu, Tà Riêng… Năm học này, các đồn biên phòng trên tuyến biên giới Việt - Lào qua địa phận tỉnh Quảng Nam nhận nuôi 22 em học sinh và tổ chức chương trình “Nâng bước em đến trường” cho 189 học sinh. Các chương trình góp phần chia sẻ khó khăn với các hộ gia đình, giúp các học sinh có điều kiện học tập, vươn lên trong cuộc sống.

10:23

Phóng viên Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung cho biết, tại các trường học miền núi huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, các thầy cô và học sinh đã tổ chức lễ khai giảng với những nghi thức ngắn gọn, trang trọng, mang ý nghĩa ngày hội của các em học sinh. Tại các trường học, hiệu trưởng nhà trường đánh trống khai giảng, đọc thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước. Sau lễ khai giảng, các em học sinh sẽ về tại các lớp, tổ chức sinh hoạt, vui chơi tập thể lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng. 

Năm học mới này, các trường học miền núi tỉnh Quảng Bình tiếp tục gặp khó khăn vì tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt ở cấp tiểu học, trung học cơ sở. Nhiều trường không tuyển chọn được một số vị trí việc làm theo nhu cầu, khó khăn trong bố trí giáo viên giảng dạy, đặc biệt là môn Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học, môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp Trung học phổ thông.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học tại một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ. Tỉ lệ kiên cố hóa trường, lớp học còn thấp so với nhu cầu nhất là trường mầm non. Các trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn phòng học tạm, phòng học đã xuống cấp.

Đồng hành, hỗ trợ học sinh vùng khó, miền núi, biên giới trong năm học mới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng. Các đồn biên phòng đã nuôi dưỡng, hỗ trợ gần 100 em hoàn cảnh khó khăn, mồ côi tại các xã miền núi, biên giới, ven biển. Sự quan tâm, hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng không chỉ góp phần ươm mầm xanh cho tương lai đất nước mà còn tiếp thêm niềm tin, nghị lực để các em học sinh ở khu vực biên giới tự tin, phấn đấu giành thành tích tốt trong năm học mới.

 

10:20

Phóng viên Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc đưa tin: Thời tiết tại tỉnh biên giới Lai Châu sáng nay (5/9) dù có mưa nhỏ tại một số nơi, nhưng không vì thế ảnh hưởng tới lễ khai giảng năm học mới của các đơn vị trường. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như chính quyền tỉnh Lai Châu trong việc tổ chức khai giảng theo hướng tinh giảm, gọn nhẹ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, sau khi rà soát các điều kiện, nhiều đơn vị trường ở Lai Châu đã tổ chức khai giảng liên trường.

Năm học này dự kiến toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Lai Châu có 336 đơn vị trường (1 trường mầm non tư thục), hơn 5.000 lớp và hơn 150 nghìn học sinh. Dù gặp nhiều khó khăn trong năm học mới về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy và học, nhưng các cấp, các ngành và các đơn vị trường trên địa bàn cũng đã chủ động chuẩn bị hoàn tất các điều kiện, sẵn sàng cho năm học mới. 

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, năm học này địa phương thiếu gần 1.000 giáo viên. Sau khi chỉ đạo rà soát, tỉnh Lai Châu đã giao chỉ tiêu tuyển dụng bổ sung thêm hơn 400 giáo viên, trong đó ưu tiên cho nhóm giáo viên các môn học chuyên ngành phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 và hiện đang được các huyện, thành phố chủ động tuyển dụng.

Bà Nghiêm Thị Kim Huê, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: Do điều kiện đầu năm học vẫn là cuối mùa mưa ở Tây Bắc, nên các đơn vị trường đã bố trí lịch tựu trường của giáo viên sớm, vì vậy công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới cũng được chuẩn bị kỹ hơn. Ngành cũng đã phối hợp với các cấp và các ngành liên quan tổ chức công tác bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cả về lý luận chính trị cũng như chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ dạy và học trong các nhà trường.

Để hoàn thành nhiệm vụ năm học, ngay trong buổi khai giảng, các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý trong đơn vị trường tại Lai Châu quyết tâm thể hiện hết mình khả năng sáng tạo, khả năng sư phạm, tình yêu nghề nghiệp, cống hiến công sức trí tuệ; nguyện đem hết lòng nhiệt tình, lòng yêu nghề mến trẻ, trách nhiệm và lương tâm, đạo đức nhà giáo để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của các đơn vị trường và sự phát triển của địa phương.

10:18

Phóng viên Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL thông tin: Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 228.000 học sinh. Trong đó, khối tiểu học nhiều nhất, với gần 97.000 em; THCS hơn 69.000; THPT hơn 36.000; Mầm non hơn 25.000 em. Trên tinh thần chỉ đạo của Cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau, tổ chức khai giảng năm học gắn gọn, buổi lễ khai giảng của toàn bộ 491 Trường học trên địa bàn tỉnh chỉ diễn ra trong khoảng 1 giờ.

 

10:14

Phóng viên Phạm Hải/VOV-ĐBSCL đưa tin: Hòa chung không khí đón năm học mới cùng với cả nước, tại Đồng Tháp đúng 7h30 phút, đồng loạt các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn Đồng Tháp đã tổ chức khai giảng năm học 2024 – 2025.

Ghi nhận tại trường tiểu học Chu Văn An, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp các em học sinh phấn khởi khi tham dự lễ khai giảng năm học mới. Năm nay thời gian tổ lễ khai giảng không quá 60 phút và sau khai giảng học sinh, học viên nhập học theo lịch của nhà trường. Để đáp ứng cơ sở vật chất trong dạy học, Đồng Tháp đã đầu tư hơn 826 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học, tỷ lệ phòng học kiên cố trên 80%, không còn phòng học tạm.

 

10:09

Trưởng Ban Tuyên giáo TW dự lễ khai giảng năm học mới tại Tiền Giang.

Phóng viên Chu Trinh/VOV-ĐBSCL phản ánh: Sáng 5/9, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đoàn công tác của TW đã đến dự khai giảng năm học mới 2024-2025 tại Trường THCS Trừ Văn Thố (phường 1, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). 

Năm học mới, thầy trò Trường Trung học cơ sở Trừ Văn Thố rất phấn khởi khi được ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng,  Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa về dự và phát biểu với lời căn dặn chân tình, động viên cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường tiếp tục gặt hái thành tích cao hơn. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo, đầu tư, ưu tiên cho phát triển giáo dục và đào tạo, coi “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”, đặt giáo dục và đào tạo ở vị trí quan trọng hàng đầu trong tiến trình phát triển của đất nước.  Trong năm học 2023 - 2024 vừa qua, ngành giáo dục nước ta có nhiều điểm sáng: quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngày càng phát triển mạnh, bảo đảm tốt hơn quyền lợi học tập của trẻ em, học sinh; thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bước đầu đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra.

Chất lượng dạy và học của ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang từng bước được nâng lên: điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 của tỉnh Tiền Giang xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; có 32/38 trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 100%. Tiền Giang xếp thứ Nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông. Trong đó, Trường Trung học cơ sở Trừ Văn Thố luôn là một điểm sáng của ngành giáo dục Tiền Giang. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những nỗ lực, thành tích đáng trân trọng, tự hào của Trường Trung học cơ sở Trừ Văn Thố nói riêng và của ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang nói chung trong năm học vừa qua và nêu ra 05 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong năm học mới. Ông đề nghị các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể của tỉnh Tiền Giang cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chăm lo, đầu tư, ưu tiên cho phát triển giáo dục.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ: “Tiếng trống khai trường đã điểm, năm học mới đã bắt đầu với nhiều kì vọng về sự đổi thay và tiến bộ. Một lần nữa tôi chúc các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh Trường Trung học cơ sở Trừ Văn Thố có một năm học mới với nhiều thắng lợi mới. Chúc sự nghiệp trồng người của tỉnh Tiền Giang ngày càng phát triển vững mạnh”.

Nhân dịp khai giảng năm học mới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đã tặng 50 suất học bổng cho 50 học sinh nghèo vượt khó của trường; đến thăm, tặng quà gia đình liệt sĩ Trừ Văn Thố tại phường 2, Thị xã Cai Lậy và gặp gỡ với cán bộ chủ chốt của thị xã Cai Lậy.

10:04

 

09:58

Phóng viên Thanh Nga/VOV-Đông Bắc thông tin: Để động viên các em học sinh trên địa bàn thành phố Hải Phòng bước vào năm học mới, lãnh đạo Thành uỷ, UBND và các ban ngành TP Hải Phòng dự lễ khai giảng và chung vui với các em tại một số trường. Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng dự lễ khai giảng tại trường THPT Cát Hải (huyện Cát Hải).

09:56

Phóng viên Nguyễn Ngân/VOV.VN thông tin, đầu giờ sáng nay trước khi diễn ra lễ khai giảng năm học mới, tình trạng ùn ứ giao thông đã xuất hiện tại khu vực quanh cổng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).

 

09:54

Phóng viên Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM thông tin: Tại Trường THCS Bình Trị Đông B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM ngày hội đến trường của các em học sinh thêm vui tươi, tưng bừng, rộn ràng hơn. Bởi bước vào năm học mới 2024 - 2025, hàng trăm em học sinh của trường được học tập trong ngôi trường mới khang trang.

Lễ khai giảng sáng nay đồng thời cũng là lễ khánh thành trường, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã dự chúc mừng thầy trò nhà trường và cắt băng khánh thành. Trường THCS Bình Trị Đông B là một trong 7 ngôi trường mới được quận Bình Tân đưa vào sử dụng trong năm học 2024-2025, gồm 5 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường mầm non.

09:52

Phóng viên Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên phản ánh: Trong lễ khai giảng năm học 2024-2025, Hội đồng Đội Trung ương tặng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Thành phố Pleiku, Gia Lai) 526 bản đồ Việt Nam, 1.000 khăn quàng đỏ, 13 cờ đội, cùng nhiều trang thiết bị học tập và khu vui chơi cho thiếu nhi với tổng giá trị hơn 256 triệu đồng. Đặc biệt, 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tặng 30 suất học bổng tiếp sức đến trường, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng để động viên tinh thần học tập của các em trong năm học mới.

09:51

Phóng viên Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên thông tin: Tại vùng dân tộc thiểu số thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, do ảnh hưởng bão số 3 nên thời tiết không thuận lợi, có mưa lớn, trường THPT Lang Biang tổ chức khai giảng năm học mới 2024-2025 bên trong hội trường.

Năm học mới này, trường THPT Lang Biang có 14 lớp với hơn 600 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần một nửa. Để đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học, ngoài đảm bảo tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học… trường THPT Lang Biang đã chú trọng nâng cấp khu nội trú, đảm bảo chỗ ăn, ở cho gần 100 học sinh người dân tộc thiểu số ở xa trường.

 

09:49

Phóng viên Thừa Xuân -VOV Tây Bắc phản ánh: Sáng nay 5/9, cũng như 466 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái đã long trọng tổ chức khai giảng năm học mới 2024 – 2025.

Mở đầu phần lễ khai giảng là nghi thức đón học sinh vào lớp 1, nhà trường tặng quà cho các em học sinh vào lớp 1, các em có hoàn cảnh khó khăn; thầy và trò cùng nghe thư Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm gửi năm học mới…

Ở phần hội, các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do chính các thầy cô giáo và các em học sinh trong trường biểu diễn đã mang đến bầu không khí khai giảng thêm vui tươi, phấn khởi.

Năm học 2024 – 2025 này, trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái có 25 lớp, 941 học sinh và gần 40 cán bộ, giáo viên. Để đáp ứng tốt nhất các điều kiện cho năm học mới, trong thời gian nghỉ hè nhà trường đã được nhà nước đầu tư nâng cấp và sửa chữa một số hạng mục trường, lớp học.

09:42

Phóng viên Công Luận/VOV-Đông Bắc thông tin: Sáng nay, hơn 81.000 học sinh từ bậc mẫu giáo đến trung học phổ thông tại tỉnh Bắc Kạn cũng nô nức tham gia ngày khai giảng năm học mới 2024-2025.

Sau thời gian dài ảnh hưởng của mưa, hôm nay tại Bắc Kạn có nắng dịu, thời tiết khô ráo nên các đơn vị tổ chức khai giảng thuận lợi, không có trường nào bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi.

Năm học này, Bắc Kạn có gần 5.400 học sinh lớp 1, hơn 6.000 học sinh lớp 6 và hơn 3.000 học sinh lớp 10. Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Bắc Kạn, cho đến trước thềm năm học mới, địa phương vẫn thiếu khoảng hơn 500 giáo viên theo định biên. Hiện nay, ngành giáo dục và chính quyền các địa phương đã lên kế hoạch thi tuyển bổ sung ngay trong năm 2024. Trước mắt, các trường thực hiện ký hợp đồng tạm thời với các giáo viên bộ môn còn thiếu, nhất là các môn Tin học, Tiếng Anh. Một số địa phương đã bố trí giáo viên tham gia dạy liên cấp, liên lớp, liên trường nhằm đảm bảo số tiết cũng như khối lượng kiến thức cho học sinh...

 

09:37

Phóng viên Đinh Tuấn/VOV Tây Bắc phản ánh: Trong lễ khai giảng năm nay, nhiều trường học ở vùng cao Yên Bái vinh dự đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia, kết quả rất đáng tự hào của thầy và trò vùng khó. Một trong số đó là Trường PTDTBT THCS xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chảo.

Sáng nay trong lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 nhà trường tổ chức đón bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Chung vui với thầy và trò có các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và ngành giáo dục. Trường PTDTBT THCS xã Khao Mang có tổng số 628 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông, trong đó 540 học sinh được ăn ở bán trú.

 Để đáp ứng Trường chuẩn quốc gia mức độ 1, từ năm 2019 đến năm 2021 trường đã được đầu tư lại cơ sở vật chất khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Cùng với đó, nhà trường đã phát huy tinh thần đoàn kết, làm tốt công tác nâng cao chất lượng giáo dục cũng như công tác nuôi dưỡng các em học sinh. Sau nhiều nỗ lực, năm học 2024 - 2025 đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn mức độ 1. Đây là niềm vinh dự lớn, thôi thúc, động viên thầy và trò nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp "trồng người" nơi non cao.

09:29

Phóng viên Hồng Phương/VOV-ĐBSCL đưa tin: Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu sáng nay dự Lễ Khai giảng năm học mới ở Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, quận Cái Răng. 

Với chủ đề “đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, ngành Giáo dục Cần Thơ trong năm học 2023-2024 đã khắc phục khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra. Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được giữ vững và phát triển.

Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục Cần Thơ tiếp tục thực hiện đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông.

09:27

Phóng viên Vũ Lợi - VOV Tây Bắc thông tin từ Điện Biên: Sáng 5/9, trên 208.000 học sinh với 7.300 lớp thuộc 480 trường trong toàn tỉnh Điện Biên đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới 2024-2025 an toàn, vui tươi.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết: Có được điều này là nhờ sự chuẩn bị chu đáo, gửi gắm nhiều tâm huyết của các thầy cô giáo toàn tỉnh vào ngày khai giảng nhằm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tâm lý phấn khởi, hào hứng tốt nhất cho học sinh trước năm học mới và thực sự trở thành “Ngày hội” của học sinh với nhiều niềm vui, trải nghiệm cùng những điều mới mẻ, bổ ích.

Trước đó, để chuẩn bị cho năm học mới, từ mùng 1/8 các thầy cô giáo đã trả phép tập trung tại các điểm trường, điểm bản làm công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, chiêu sinh, dọn dẹp tinh tươm trường lớp. Đối với học sinh, do đặc thù vùng cao đường xá khó khăn, học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học… đều tới trường sớm, song mỗi cấp, mỗi vùng có những đặc thù riêng. Đối với các cấp học có nội trú, phụ huynh  cùng học sinh cũng chủ động mang các vật dụng xuống trường sớm, nhận phòng bán trú trước khi khai giảng năm học mới.

09:24

Phóng viên Tuyết Lê tại miền Trung đưa tin: Sáng nay, thời tiết tại Đà Nẵng mát mẻ, hơn 290.000 học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT trên địa bàn thành phố đến trường từ sớm dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng phân công dự Lễ khai giảng năm học mới tại các trường học. Lãnh đạo thành phố đến dự, tặng hoa mà không phát biểu và không đánh trống khai giảng. Tất cả các trường tổ chức lễ khai giảng với tinh thần ngắn gọn, trang trọng và ý nghĩa.

Bước vào năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Đà Nẵng triển khai các giải pháp tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước để thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi ngay từ đầu năm học; về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo.

09:22

Phóng viên Hà Khánh/VOV TP.HCM thông tin: Cùng với cả nước, tại Tây Ninh, hôm nay, khoảng 200.000 học sinh các cấp tại Tây Ninh nô nức dự khai giảng năm học mới. 

Lễ khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường, gồm hai phần: Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức như Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước,...; Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng. 

Để chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, ngành Giáo dục và các trường học trên địa bàn Tây Ninh đã tiến hành sắp xếp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, bảo đảm môi trường học tập tốt nhất cho học sinh. 

Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành giáo dục đã tuyển thêm 152 giáo viên các cấp để khắc phục tình trạng, thiếu giáo viên; chi 7,5 tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất.

Đặc biệt, công tác chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm.

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Tây Ninh Nguyễn Văn Phước cho biết, tổng số học sinh các cấp năm học 2024 - 2025 trên địa bàn là 233.000 học sinh.

09:20

Phóng viên Thạch Hồng VOV/ĐBSCL thông tin: Sáng nay 5/9, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 cùng hơn 600 em học sinh dân tộc thiểu số, chủ yếu là con em đồng bào Khmer và 61 cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường THPT DTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng.

Năm học 2023-2024, trường THPT DTNT Huỳnh Cương có 1,14% học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, hơn 26% học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, gần 60% học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học vừa qua đạt 100%. Đây còn là một trong những ngôi trường có tỷ lệ học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1 vào các trường đại học chiếm tỷ lệ khá cao với trên 73%, trong đó có nhiều em trúng tuyển vào các trường đại học danh tiếng. Trong tham gia các phong trào thi đua như học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 13 giải, ngoài ra còn học sinh nơi đây còn đạt các giải thưởng trong các cuộc thi cấp tỉnh khác như giải toán trên máy tính cầm tay, hội khỏe Phù Đổng, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng.

Năm học 2024-2025 này, trường THPT DTNT Huỳnh Cương có 18 lớp với hơn 600 em học sinh và 61 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học mới này là năm đầu tiên thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, phát huy những thành tích đạt được, thầy và trò trường THPT DTNT Huỳnh Cương quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, phấn đấu đạt 100% tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, có ít nhất 15 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, phấn đấu có học sinh được vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.

09:19

Theo phóng viên Nguyễn Trang/VOV.VN, hòa chung không khí ngày hội đến trường trên cả nước, cô và trò Trường Mầm non Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) rộn ràng tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Tại khu vực cổng trường, các cô giáo hóa thân thành những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh chào mừng trẻ trở lại trường.

09:17

Phóng viên Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM cho biết: Dịp này, tỉnh Long An cũng khánh thành đưa vào sử dụng nhiều trường học mới, khang trang phục vụ dạy và học. Trong đó Trường THPT Võ Văn Tần tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa do nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang vận động tài trợ với quy mô đầu tư gồm 28 phòng học, khối phòng chức năng và các công trình phụ trợ khá phục vụ 2.000 học sinh. 

Tại huyện Đức Hòa, Quỹ học bổng Võ Văn Tần, tỉnh Long An cũng đã khen thưởng 171 học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và sinh viên giỏi (trong đó, sinh viên giỏi là 28 em với 2 triệu đồng/suất và 143 học sinh TH, THCS, THPT giỏi với 1 triệu đồng/suất); trao học bổng khuyến học cho 100 học sinh THPT, mỗi suất 1 triệu đồng và 36 sinh viên đại học, cao đẳng từ năm thứ 2 trở lên có hoàn cảnh khó khăn với học bổng đại học là 5 triệu đồng/suất và cao đẳng 3 triệu đồng/suất….

09:16

Phóng viên Vũ Miền/VOV - Đông Bắc đưa tin: Sáng nay, cùng với cả nước, gần 359.000 học sinh các cấp học của tỉnh Quảng Ninh hân hoan chào đón năm học mới. Địa phương này đồng loạt tổ chức khai giảng vào 8h sáng với chương trình khai giảng ngắn gọn, đảm bảo an toàn trước diễn biến của bão số 3. 

Vào thời điểm này, thời tiết thành phố Hạ Long hay các xã đảo như Thanh Lân, Cô Tô khá oi bức, chưa có dấu hiệu ảnh hưởng của bão số 3. Trước đó, Để chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi) theo tinh thần tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Lễ Khai giảng năm học mới và Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố không tổ chức khai giảng tại những nơi mưa lớn, có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng... Tổ chức buổi lễ khai giảng ngắn gọn, vui vẻ để bắt đầu một năm học mới.

Năm học 2024-2025, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 637 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông với gần 359.000 học sinh ở các bậc học, tăng trên 5.800 học sinh so với năm học 2023-2024. Bước vào năm học mới, Quảng Ninh có thêm 7 trường được đầu tư mới theo tiêu chí chất lượng cao đưa vào sử dụng đúng dịp năm học mới, tiếp tục khẳng định những quan tâm đặc biệt của địa phương cho thế hệ tương lai của đất nước.

 

 

09:13

Phóng viên Thiên Lý/VOV-TP.HCM phản ánh: Sáng ngày 5/9, hơn 260.000 học sinh trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng đã chính thức bước vào năm học mới. Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường dự lễ khai giảng tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Phước.

Năm học 2023-2024, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Phước đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi của trường đạt 92,46%, trong đó có 41,16% học sinh giỏi và 51,30% học sinh khá. 

Đặc biệt, tỷ lệ tốt nghiệp của trường đạt 100% và điểm trung bình môn xếp thứ 3 toàn tỉnh, chỉ sau hai trường chuyên. Bên cạnh đó, 100% giáo viên của trường đã đạt chuẩn trình độ. Nhà trường cũng luôn tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao.

Năm học 2024-2025, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Bình Phước đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào việc tăng cường giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống nhằm đào tạo và hỗ trợ học sinh trở thành những công dân có bản lĩnh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

09:12

Phóng viên Trấn Long/VOV-Tây Bắc thông tin: Hòa chung không khí hân hoan đón chào năm học mới, sáng này 5/9, trong điều kiện thời tiết nắng nhẹ, các cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng các em học sinh  của 610 đơn vị trường học của tỉnh Sơn La đã đến trường từ rất sớm dự Lễ khai giảng năm học 2024-2025.

Tại trường tiểu học Quyết Thắng, thành phố Sơn La, gần 700 em học sinh cùng thầy cô nhà trường đã tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của nhà trường.

Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước… Phần hội là các trò chơi dân gian, vòng xòe đoàn kết tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào đón năm học mới.

Thầy Trần Quốc Bình, Hiệu trưởng trường tiểu học Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho hay: Năm học 2024-2025 là năm học có ý nghĩa rất đặc biệt, là năm đánh dấu kết thúc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thức XV của Đảng bộ tỉnh Sơn La, nhiệm vụ rất vinh quang, quan trọng, đòi hỏi quyết tâm cao và tinh thần chủ động, sáng tạo với mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường:

Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng các em học sinh nhà trường bước vào năm học mới với khí thế vui tươi, phấn khởi, quyết tâm hoàn thành và vượt các mục tiêu nhà trường đã đề ra.

Năm học 2024-2025, nhà trường tiếp tục xây dựng môi trường làm việc, học tập năng động, nghiêm túc, không tiêu cực, thái độ phục vụ thân thiện, yêu thương, hướng tới xây dựng tiêu chí trường học Hạnh phúc.

09:08

Phóng viên Thanh Nga/VOV-Đông Bắc đưa tin: Năm học 2024-2025, thành phố Hải Phòng có hơn 750 trường học với hơn 500.000 học sinh. Trước đó, chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương trên địa bàn thành phố đã ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp ngày càng khang trang, hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Sáng nay (5/9), Lễ khai giảng năm học mới đồng loạt diễn ra trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tạo không khí sôi nổi, giúp các em bước vào năm học vui tươi, phấn khởi, đạt kết quả cao.

09:06

Phóng viên Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc đưa tin: Năm học 2024 – 2025, 3 đơn vị trường Mầm non, Tiểu học và THCS tại xã vùng cao Tả Lèng, huyện Tam Đường có gần 49 lớp, hơn 1.800 học sinh, thuộc 9 bản trong đó có hơn 99% học sinh là người dân tộc Mông, Dao và gần 320 học sinh tiểu học và THCS được hưởng chế độ bán trú.

Theo diễn văn tại lễ khai giảng, kết thúc năm học 2023 – 2024, các đơn vị trường trên địa bàn đã duy trì đạt chuẩn Phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, Phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2. Ngoài ra, các đơn vị trường đã thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng học sinh bán trú, công tác xã hội hóa giáo dục. 

Với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, năm học 2024 – 2025, các đơn vị trường tại Tả Lèng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác quản lý, quản trị trong nhà trường; triển khai và thực hiện nhiệm vụ năm học, kế hoạch chăm sóc, giáo dục nhà trường linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường, nhất là Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”…

Để hoàn thành nhiệm vụ năm học, ngay trong buổi khai giảng, các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý trong đơn vị trường quyết tâm thể hiện hết mình khả năng sáng tạo, khả năng sư phạm, tình yêu nghề nghiệp, cống hiến công sức trí tuệ; nguyện đem hết lòng nhiệt tình, lòng yêu nghề mến trẻ, trách nhiệm và lương tâm, đạo đức nhà giáo để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của các đơn vị trường và sự phát triển của địa phương.

 

09:04

Phóng viên Tấn Phong/VOV-ĐBSCL phản ánh: Sáng nay (5/9), các trường học ở tỉnh Hậu Giang đã đồng loạt khai giảng năm học mới 2024-2025.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh Hậu Giang có 317 trường học từ mầm non đến THPT, dự kiến sẽ huy động khoảng 155.000 học sinh. Trong đó, mầm non, mẫu giáo là 27.700 trẻ; tiểu học là 62.800 học sinh; THCS là 44.620 học sinh và THPT là 19.870 học sinh.

Trong năm học này, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang đặt ra 11 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, tiếp tục rà soát, tham mưu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo nhằm thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29; Củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục; Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo…

Chú trọng chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ năm học mới, tỉnh Hậu giang đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa tại hơn 110 điểm trường. Những ngày qua, các cơ sở giáo dục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cũng đã thực hiện tốt công tác huy động học sinh ra lớp; vận động chăm lo, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo không để em học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn không thể đến trường.

Ông Trần Mê Ly- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp cho biết: “Về phía ngành Giáo dục cũng đã tham mưu với UBND huyện dành một khoản kinh phí hơn 7 tỷ đồng để sửa chữa các công trình. Tới thời điểm này các công trình cũng đã nâng cấp , sửa chữa bàn giao xong. Phòng Giáo dục cũng có ý kiến chỉ đạo các trường rà soát các em học sinh để vận động tối đa đảm bảo chỉ tiêu của tỉnh giao trong năm học 2024-2025”.

 

09:01
08:59

Phóng viên Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên cho biết: Ảnh hưởng cơn bão số 3, tỉnh Lâm Đồng có mưa trên diện rộng, song 654 trường học trên địa bàn đều đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới 2024-2025.

Năm học mới này, tỉnh Lâm Đồng có 340.580 học sinh các cấp từ mần non đếm Trung học Phổ thôn. Do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên nhiều trường học phải bố trí chương trình lễ khai giảng diễn ra trong hội trường và khu vực có mái che.

Cùng với tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động dạy và học, triển khai hồ sơ, sổ sách điện tử trên hệ thống phần mềm vnEdu, tăng cường phân cấp quản lý giao quyền cho các cơ sở giáo dục, năm học mới này, ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng đầu tư trên 894 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học.

08:55

Phóng viên An Kiên/VOV-Tây Bắc thông tin: Đúng 7h30 sáng 5/9, gần 600 học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã tề tựu đông đủ dự Lễ Khai giảng năm học. 95% học sinh của Trung tâm là con em đồng bào thiểu số, chủ yếu ở các nhóm Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì..., đến từ các xã vùng cao của huyện nghèo Bát Xát, đa phần điều kiện gia đình của các em còn khó khăn.

Trung tâm mới tiếp nhận lại trụ sở của Hội Nông dân cũ từ cuối năm 2023. Năm nay, các học sinh được khai giảng ở cơ sở mới khang trang hơn. Một số hạng mục công trình vẫn đang khẩn trương hoàn tất phục vụ dạy và học. Đây là cơ sở giáo dục thường xuyên duy nhất trong số 18 nhà trường được đoàn đại biểu của tỉnh tới dự.

Cùng trong sáng 5/9, 60 cơ sở giáo dục khác trong toàn huyện nghèo Bát Xát cũng đồng loạt tổ chức Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025.

 

08:53

Theo phóng viên Hương Lý/VOV-Tây Nguyên: Tại Trường Tiểu học Y Jut, xã Krông Na, huyện biên giới Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk sáng nay hơn 700 học sinh hân hoan đến trường dự lễ khai giảng năm học mới. Phần lớn học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn khó khăn, song nhà trường, phụ huynh rất nỗ lực để các em có lễ khai giảng năm học tốt nhất.

08:51

Phóng viên Duy Thái/VOV-Đông Bắc thông tin, sáng nay 5/9, cùng với học sinh cả nước, hơn 200.000 học sinh tại tỉnh Lạng Sơn chính thức bước vào Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025. 

Bảo Lâm là xã biên giới còn nhiều khó khăn thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, năm học mới này hơn 500 em học sinh tại trường Tiểu học và THCS Bảo Lâm đã được đi học trên con đường mới được trải bê tông, không còn cảnh con đường đất lầy lội, bụi bẩn mỗi khi mưa gió. Đặc biệt hơn cả, ngôi trường các em theo học đã được xây dựng khang trang, hiện đại và đưa vào sử dụng trong năm học mới, đem lại niềm vui cho thầy và trò. 

Hiện toàn tỉnh Lạng sơn có hơn 640 trường học từ mầm non đến phổ thông, trong đó có 295 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm khoảng 45%). Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học trong toàn ngành giáo dục tỉnh hiện nay đã đạt được khoảng 80%. Thực hiện nhiệm vụ ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, Sở GD&ĐT Lạng sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án cơ sở vật chất đảm bảo cho các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn, trong đó có mục tiêu là 100% các trường học trên địa bàn đều được kiên cố hóa. Ngoài việc triển khai đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, nâng cao trình độ, quan tâm đến đội ngũ giáo viên, Lạng Sơn cũng có nhiều chính sách để hỗ trợ cho các thầy cô giáo trong quá trình đi học nâng cao trình độ, chuyển đổi văn bằng….

08:44

Phóng viên Long Phi/VOV-Miền Trung phản ánh: Với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, trong năm học 2024 – 2025, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó điểm nhấn là phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới Giáo dục - Đào tạo. 

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện miền núi cao. Những năm qua, tình trạng học sinh bỏ học tuy có giảm nhưng tỷ lệ vẫn còn cao, đi học thiếu chuyên cần còn xảy ra; vẫn còn tình trạng tảo hôn... 

Ông Võ Đăng Thuận – Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, năm học 2024 - 2025, toàn huyện có khoảng 10.500 học sinh cả 3 cấp học, 373 lớp (tăng thêm 6 lớp so với năm học trước). Đến nay, phần lớn các trường học trên địa bàn đã được kiên cố hóa, còn khoảng 6 điểm trường lẻ xây tạm tường gỗ, mái tôn, nền xi măng, tập trung ở xã Trà Vinh (giáp ranh Kon Tum), xã Trà Tập và xã Trà Dơn. Hầu hết các điểm trường lẻ này nằm ở các thôn bản xa, do giao thông cách trở không thể vận chuyển vật liệu xây dựng được. 

“Về đội ngũ cán bộ, giáo viên trong biên chế còn thiếu hơn 300 người, đã được bổ sung bằng giáo viên hợp đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy năm học mới. Thời gian qua, các địa phương đã kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, xây trường, trao nhiều phần quà cho trẻ em nhân dịp năm học mới, qua đó tiếp thêm động lực cho các thầy trò vùng cao huyện Nam Trà My vượt khó gieo chữ trên núi”- ông Thuận chia sẻ.

 

08:40

Phóng viên Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc đưa tin từ Điện Biên: Năm học này, huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên có 42 trường, 754 lớp, hơn 21.000 học sinh. Trong lễ khai giảng sáng nay 5/9, điều kiện thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động. Điều ý nghĩa ngay trong đầu của năm học mới, các nhà trường sẽ cùng nhau "mổ lợn" tiết kiệm và tiếp tục phát động phong trào "Hai nghìn đồng mỗi ngày cho giáo dục” nhằm tạo nguồn quỹ xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học và hỗ trợ giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Phong trào “Hai nghìn đồng mỗi ngày cho giáo dục” được huyện Nậm Pồ phát động từ ngày 21/11/2022. Sau gần 2 năm triển khai, phong trào đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tham gia, hưởng ứng với hàng nghìn con lợn đất tiết kiệm.

Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ cho biết, trong Ngày hội “Mổ lợn tiết kiệm” từ phong trào “Hai nghìn đồng mỗi ngày cho giáo dục” năm đầu tiên (5/9/2023), huyện Nậm Pồ đã thu về số tiền 1,3 tỷ đồng từ hơn 1.000 chú lợn đất. Từ số tiền trên, Hội Khuyến học huyện đã kết hợp cùng các nguồn xã hội hóa để xây mới và sửa chữa 2 nhà ăn, 23 phòng tắm, 58 phòng vệ sinh, 4 thư viện, 2 phòng làm việc, 1 nhà xe trong các nhà trường. Cùng với đó là xây mới, sửa chữa nhiều công trình sân chơi, hàng rào, giếng khoan, kè tại các trường học trên địa bàn.

08:36

Phóng viên Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM phản ánh: Tại trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Quận 1, TP.HCM) Lễ khai giảng được tổ chức ngắn gọn với không khí sôi nổi, vui tươi với các hoạt động đón học sinh đầu cấp, văn nghệ. Ngay từ cổng trường, trong sáng nay các em học sinh được các các robot do các thầy hoá thân chào đón khiến các em nhỏ thích thú.

08:34

Phóng viên Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung thông tin: Sáng nay (2/9) hơn 246.000 học sinh tại tỉnh Quảng Bình bước vào năm học mới.

Trước đó 2 tuần, hơn 18.000 học sinh lớp 1 tại Quảng Bình đã tựu trường, để làm quen với trường lớp, chương trình học trước khi bước vào năm học mới. Để tạo không khí gần gũi, vui tươi, giúp trẻ sớm hòa nhập, các trường tiểu học tổ chức đón học sinh với nhiều hình thức khác nhau như biểu diễn văn nghệ, tổ chức hoạt động tham quan, trò chơi, tặng quà. Để các em không bỡ ngỡ, nhiều nhà trường tạo điều kiện cho phụ huynh được đồng hành cùng con vào trường, vào lớp. 

Năm học 2024-2025, tỉnh Quảng Bình có 541 trường học với 7.935 lớp tăng 50 lớp, số lượng học sinh tăng gần 2.900 học sinh so với năm học 2023-2024.

08:32

Theo phóng viên Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM: Sáng nay 5/9, Bí thư Tỉnh ủy Long An - Nguyễn Văn Được (thứ 3 bên phải sang); Ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An (thứ 2 bên phải sang), cùng lãnh đạo sở ngành và địa phương dự khai giảng năm học mới tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức.

08:29

Phóng viên Công Bắc- VOV Tây Nguyên phản ánh không khí Lễ chào cờ của Trường THCS Quảng Hoà, xã vùng 3 Quảng Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Trường có hơn 600 học sinh, 95% các cháu là người dân tộc thiểu số.

 

08:25

Phóng viên Nguyễn Hà/VOV.VN phản ánh: Năm nay Trường THCS,THPT Khương Hạ tổ chức Lễ Khai giảng với tiêu chí nhanh, gọn. Sau phần chào cờ là phần đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; cô Nguyễn Phương Liên - Hiệu trưởng nhà trường đọc diễn văn khai giảng năm học mới. Sau đó thầy Đỗ Hoài Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường gióng 1 hồi trống bắt đầu  năm học lới 2024-2025.

 

08:21

Phóng viên Hồng Phương/VOV-ĐBSCL đưa tin: Cùng với học sinh cả nước, hôm nay, gần 256.000 trẻ em, học sinh, học viên các cấp học từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên ở TP. Cần Thơ náo nức bước vào năm học mới 2024-2025. Các điều kiện về trường lớp, đội ngũ giáo viên, huy động học sinh ra lớp học... trên địa bàn thành phố cơ bản hoàn tất. Điểm nổi bật là nhiều cơ sở giáo dục đã xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất nhằm phục vụ dạy và học ngày một tốt hơn. 

Ghi nhận tại một số trường trên địa bàn quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy hầu hết học sinh đến khai giảng đúng giờ; đội ngũ giáo viên đón các em từ cổng trường. Cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) cho biết, trước khai giảng, nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất 10 phòng học để đảm bảo tốt nhất cho các em vào học với 2 buổi/ngày. Trong năm học mới 2024-2025, Trường đón 323 học sinh vào lớp 1, đảm bảo số lượng học sinh trên lớp đúng quy định của Bộ GD&ĐT không quá 35 học sinh/lớp.

Năm nay, toàn TP. Cần Thơ có gần 13.770 cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó có 11.908 giáo viên). Nhằm tránh tình trạng thiếu nghiêm trọng giáo viên tiếng Anh và Tin học. Ngành giáo dục Cần Thơ đã có phương án phân bổ giáo viên phù hợp; đồng thời, phối hợp với một số đơn vị tổ chức tập huấn bồi dưỡng chương trình môn Tiếng Anh cho cán bộ, giáo viên trước thềm năm học mới.

08:19

CTV Nguyễn Ngọc/VOV.VN phản ánh: Tại Trường PTCS Xã Đàn là một trong số ít những trường chuyên biệt nhận dạy học sinh khuyết tật tại thành phố Hà Nội. Học sinh theo học nơi đây là những người khiếm thính, hoặc bị câm, điếc bẩm sinh hoặc vì bệnh tật nào đó mà không thể nghe, nói bình thường và thầy cô giao tiếp với học sinh phần lớn bằng ngôn ngữ ký hiệu.

 

08:17

 

08:15

Phóng viên Vũ Lợi/VOV Tây Bắc thông tin từ Điện Biên: Tại vùng lũ xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên sáng nay có mưa nhỏ đầu giờ song không ảnh hưởng đến việc tổ chức khai giảng năm học mới của các nhà trường.

Thầy giáo Hà Văn Minh, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Mường Pồn cho biết: Năm học này trường có 16 lớp với hơn 370 học sinh. Trận lũ quét vừa qua làm hư hại một số cơ sở vật chất của nhà trường, 74 học sinh có gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, 1 học sinh vẫn mất tích.

Để đảm bảo cho các em học sinh tới trường đúng dịp khai giảng, nhiều học sinh tại các bản xa hơn 10km như: bản Pá Chả, Huổi Un, Cò Chạy đã được huy động tới trường từ chiều qua 4/9. Toàn bộ cơ sở vật chất đã được các giáo viên nhà trường nỗ lực dọn dẹp từ hơn 1 tuần trước. 

Trong sáng 5/9, các em học sinh cũng đã dậy sớm sửa soạn trang phục, cùng các thầy cô dọn dẹp trường lớp trong không khí vui tươi, phấn khởi. 

Lễ khai giảng sẽ được tổ chức với tinh thần vui vẻ, ngắn gọn, tạo khí thế thi đua ngay từ đầu năm học mới. Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của mưa lũ, song toàn bộ giáo viên và học sinh đều rất phấn khởi, quyết tâm bước vào một năm học mới nhiều thành công.

08:13

Theo phóng viên Lê Hiếu-Vinh Thông/VOV-Miền Trung: Sáng nay (5/9), cùng với cả nước, 570 trường học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đồng loạt khai giảng năm học mới.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 250.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Bước vào năm học mới, ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tập trung các giải pháp, thực hiện nhiệm vụ dạy và học theo hướng đổi mới; hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học.

Năm học 2024-2025, ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học. Năm học 2024-2025 được xác định là năm học quan trọng khi triển khai đồng bộ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các lớp. Lần đầu tiên, các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học mới nay, toàn ngành Giáo dục Thừa Thiên Huế đã được đầu tư xây dựng mới 247 phòng học, cải tạo sửa chữa 431 phòng học; đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo 145 phòng bộ môn và phòng chức năng; đầu tư mới… với tổng kinh phí xây dựng, sửa chữa hơn 472 tỷ đồng.

08:10

Phóng viên Vũ Hường/VOV-TP.HCM phản ánh: Học sinh trường THCS Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) hào hứng được học ở trường mới. Đây là trường cấp 2 đầu tiên của phường được xây dựng. Từ năm học này, học sinh của phường không còn phải đi sang khu vực khác để theo học.

Ông Hồ Thanh Danh, Hiệu trưởng trường THCS Bình Trị Đông B cho biết, năm nay trường có 16 lớp với hơn 660 học sinh. Thầy và trò sẽ được học tập trong cơ sở vật chất mới.

08:08

Theo phóng viên Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên: Đúng 7h30 phút sáng nay 5/9, đồng loạt 348 trường học ở 10 huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025. Lễ khai giảng được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum chỉ đạo tổ chức vui tươi, ý nghĩa và ngắn gọn trong khoảng thời gian 45 phút. Năm học mới tỉnh Kon Tum có hơn 170.000 học sinh các cấp từ bậc học mầm non đến THPT, trong đó có hơn 45.000 học sinh đầu cấp.

08:05

 

08:03

Phóng viên Vân Anh/VOV.VN phản ánh: Tại Trường Mầm non Ngã Tư Sở với tinh thần ấm cúng, tiết kiệm và hướng tới học sinh, tại mỗi lớp các cô sẽ trang trí một góc nhỏ đáng yêu để các bé cảm thấy yên tâm và vui tươi hơn khi tới trường. Năm nay, trường có gần 700 trẻ, hoạt động đủ 17 lớp ở đủ lứa tuổi mầm non.

08:01

Phóng viên Công Bắc/VOV-Tây Nguyên phản ánh: Xã vùng 3 Quảng Hoà, huyện nghèo 30a Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông năm nay có hơn 2.200 học sinh tựu trường. Hơn 90% các cháu là người dân tộc thiểu số. Các chính sách hỗ trợ gạo, tiền ăn, tiền ở, đi lại, đồ dùng học tập cho học sinh theo Nghị định định 116 năm 2016 và Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ đang phát huy hiệu quả rất tốt tại đặc biệt khó khăn này.

Cùng với các chính sách hỗ trợ, các thầy cô giáo ở xã vùng 3 Quảng Hoà cũng nỗ lực bám bon, bám làng, vận động học sinh đến lớp. Tỷ lệ vận động học sinh đến lớp nơi đây đạt gần 100%. Buổi sáng nay, thời tiết đang khá thuận lợi cho lễ khai giảng tại xã Quảng Hoà. Các em học sinh đều háo hức trở lại trường.

07:59

Phóng viên Thái Bình/VOV-Miền Trung thông tin, hôm nay (5/9), cùng với hàng triệu học sinh trên cả nước, hơn 290.000 học sinh và hơn 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn tỉnh bước vào năm học mới 2024 - 2025.

Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 521 trường mầm non, phổ thông và trung tâm. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường với tổng kinh phí gần 680 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy gần 62 tỷ đồng, đồng thời sẽ tiếp tục mua sắm, bổ sung trong thời gian tới.

Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ miễn toàn bộ học phí cho HS từ cấp mầm non đến THPT công lập trong toàn tỉnh trong năm học 2024 - 2025 (thời gian thực hiện 9 tháng).

07:51

Phóng viên Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc đưa tin: Đầu giờ sáng nay (5/9), khu vực xã vùng cao Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu) không có mưa, thời tiết tương đối thuận lợi cho buổi khai giảng liên cấp lần đầu tiên được tổ chức giữa trường Mầm non, Tiểu học và THCS Tả Lèng. 

Mặc dù 8 giờ sáng buổi lễ khai giảng mới diễn ra, nhưng 7 giờ các phụ huynh ở bản gần không có con em được hưởng chế độ bán trú đã chủ động đưa học sinh về trường dự khai giảng. Không khí tại sân trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tả Lèng, nơi sẽ diễn ra lễ khai giảng sôi động, rực rỡ cờ hoa. Trên mỗi gương mặt giáo viên, học sinh và phụ huynh đều rạng ngời niềm vui và kỳ vọng vào một năm học chất lượng.

Trước giờ khai giảng, thầy giáo Nguyễn Đình Trung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tả Lèng cho biết: Năm học này nhà trường có gần 600 học sinh, tại trường trung tâm và 3 đơn vị trường bản và 35 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Ngoài định hướng giáo dục theo chỉ tiêu của ngành, năm học này nhà trường đưa môn học văn hóa dân tộc vào giảng dạy, nhằm giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc cho học sinh, để các em hiểu biết về vốn văn hoá truyền thống của các dân tộc mình.

07:47

Phóng viên Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc thông tin, tại Yên Bái ngay từ sáng sớm 5/9, thầy và trò của huyện vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái - một trong những huyện khó khăn nhất của cả nước đã nô nức tới trường khai giảng năm học mới.

Năm học 2024 -2025 này, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái có 27 trường, 396 lớp, với hơn 11.800 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông. Là một địa bàn khó khăn, để có được buổi lễ khai giảng ngắn gọn nhưng trang trọng với đầy đủ cả phần lễ và phần hội. Trước thềm năm học mới, huyện đã chỉ đạo các nhà trường bám sát yêu cầu nhiệm vụ năm học của ngành để xây dựng kế hoạch năm học đảm bảo thời gian và nội dung, chương trình giảng dạy.

Trạm Tấu cũng bố trí kinh phí từ huyện, xã hội hóa bổ sung cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh; huy động ngày công của giáo viên, phụ huynh cùng tham gia sửa chữa, vệ sinh trường lớp; hỗ trợ, cấp phát đồ dùng học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

07:45

Phóng viên Lê Hiếu - Vinh Thông/VOV-Miền Trung phản ánh: Sáng nay (5/9), cùng với cả nước các trường học trên địa bàn huyện miền núi A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế đồng loạt khai giảng năm học mới.

Tại trường THCS Dân tộc Nội trú huyện A Lưới, gần 500 học sinh của 16 lớp học, đến từ sớm chuẩn bị lễ khai giảng. Không khí khai giảng năm học mới đã rộn ràng trên khắp thôn bản vùng cao A Lưới.

Huyện A Lưới hiện có 45 cơ sở giáo dục với hơn 13.000 học sinh các cấp, trong đó, hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số. Năm học mới này, nhiều trường đã quyên góp cho quỹ “Giúp bạn nghèo”, giúp các học sinh hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, nhiều trường đã quyên góp cho quỹ “Giúp bạn nghèo”, giúp các học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Ông Hồ Văn Khởi, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho biết: Phòng chủ động chỉ đạo các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai tốt công tác huy động trẻ đến trường. Nhờ làm tốt công tác vận động, những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học giảm đáng kể.

07:41

Phóng viên Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM phản ánh: Sáng nay (5/9) cùng với cả nước, hơn 300.000 học sinh tại 532 điểm trường ở Bình Thuận làm lễ khai giảng năm học mới. Sáng nay, do trời âm u và vài nơi có mưa, nên hầu hết các trường đều căng bạt để cho học sinh và thầy cô ngồi phòng trời mưa. 

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, nhiều điểm trường đã được tu sửa, nhiều phòng học được xây mới, đảm bảo công tác dạy và học. Bên cạnh đó nhiều điểm trường đã tu sữa lại một số bàn ghế ở các phòng học để chuẩn bị cho năm học mới.

07:37

Phóng viên Hương Lý/VOV-Tây Nguyên phản ánh: Cùng với học sinh cả nước, sáng nay (5/9), các trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đồng loạt tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024 -2025. Năm học này, toàn tỉnh có gần 500.000 học sinh các cấp học, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 35%. 

Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 tại trường THPT nội trú Nơ Trang Lơng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk diễn ra trong không khí tươi vui, phấn khởi của thầy cô giáo và học sinh. Ông Bùi Xuân Lễ, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này toàn trường hơn 550 học sinh. Với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, thầy và trò Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng tiếp tục đẩy mạnh cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập. Đặc biệt nhà trường chú trọng và tìm giải pháp hiệu quả cho giáo dục chuyên biệt đối với trường dân tộc nội trú đó là giáo dục dân tộc và giáo dục văn hoá dân tộc trong nhà trường.

Năm học này toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 1.000 trường, với gần 500.000 học sinh ở các cấp học. Lễ khai giảng năm học 2024-2025, ở các trường học từ khu vực trung tâm đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã diễn ra ngắn gọn, ý nghĩa và tạo không khí phấn khởi cho thầy và trò tỉnh Đắk Lắk trong năm học mới.

07:35

Phóng viên Thanh Thắng/VOV-Miền Trung thông tin: Hôm nay (5.9), hơn 331.000 học sinh các cấp trong tỉnh Bình Định tham dự lễ khai giảng năm học 2024 - 2025.

Sáng nay, thời tiết tại tỉnh Bình Định mát mẻ, không mưa. Đến nay, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt 91,9% (trong đó Mầm non đạt 89,8%; Tiểu học đạt 87,6%; THCS đạt 98,3%; THPT đạt tỷ lệ 100%). Thiết bị dạy học tối thiểu ở cấp Mầm non đạt 65%, Tiểu học đạt 96,8%, THCS đạt 92,9% và THPT đạt 84,1%.

Toàn tỉnh hiện có 17.800 giáo viên các cấp học có trình độ chuyên môn, năng lực, có kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm; có ý thức tự giác nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; tiếp cận được các nội dung mới, phát triển giáo dục và phát huy được sở trường; sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, đảm bảo nhu cầu tối thiểu để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

07:33

Phóng viên Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM phản ánh: Tại TP.HCM sáng nay thời tiết thuận lợi, không mưa, trời quang; tình hình giao thông tại các tuyến đường cũng thông thoáng, phần lớn người đi đường chủ yếu là phụ huynh đưa con em và học sinh đến trường.  Lễ khai giảng năm học mới của các trường dự kiến sẽ diễn ra suôn sẻ, an toàn. 

Trước đó, Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM có công văn gửi các trường về việc xây dựng các phương tổ chức lễ khai giảng đảm bảo an toàn trước diễn biến thất thường của thời tiết do ảnh hưởng của cơn bão Yagi. Theo đó, các cơ sở giao dục tổ chức Lễ Khai giảng ngắn gọn, đảm bảo an toàn tuyệt đối và ý nghĩa. Trường hợp không tổ chức được cho toàn thể học sinh dưới sân cờ thì có phương án tổ chức truyền hình trực tuyến đến từng phòng học để đảm bảo học sinh có lễ khai giảng ý nghĩa và trang trọng. Trong ảnh học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tay bắt mặt mừng gặp lại bạn bè sau thời gian nghỉ hè.

07:31

Ghi nhận của PV Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL,  tại Trường Tiểu học 3 Khánh Hải (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) - một trường thuộc vùng xa ven biển của tỉnh Cà Mau, khoảng 6h30, các em học sinh đã bắt đầu tập trung đến trường để làm lễ khai giảng. Trên gương mặt các em tỏ vẻ phấn khởi khi gặp lại bạn bè, thầy cô sau thời gian nghỉ hè. Trường Tiểu học 3 Khánh Hải năm nay có 230 học sinh.

07:30

Phóng viên Thiên Lý/VOV-TP.HCM phản ánh: Sáng nay (5/9), cùng với cả nước, hơn 521.000 học sinh ở các bậc học từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh Bình Dương nô nức đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025.

Năm nay, Bình Dương tăng thêm 26.000 em so với năm học trước, trong đó, khối công lập tăng hơn 17.200 học sinh và khối ngoài công lập tăng gần 8.700 học sinh. Đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh, năm học này, Bình Dương đã đầu tư xây mới, nâng cấp và cải tạo thêm 12 trường học, tăng thêm 266 phòng học, nâng tổng số trường học của tỉnh lên 713 cơ sở, bao gồm 375 trường công lập và 338 trường ngoài công lập. Tuy nhiên, số lượng học sinh đông nên các địa phương như TP.Thủ Dầu Một, Bến Cát, Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An, số lượng học sinh trong lớp luôn vượt quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mặt khác, việc học sinh đông cũng gây khó khăn về cơ sở vật chất để tổ chức bán trú cho học sinh. Bên cạnh đó, năm học này, Bình Dương cũng đang đối mặt với khó khăn khi thiếu khoảng 3.222 giáo viên theo định mức, trong đó nhiều nhất là giáo viên âm nhạc, tin học, mầm non. Để gỡ khó, Sở Giáo dục-Đào tạo đã tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục, đồng thời đổi mới hình thức dạy vừa trực tiếp vừa trực tuyến đối với các môn thiếu giáo viên.

07:28

Theo phóng viên Nguyễn Hà/VOV.VN, ngồi trên chiếc xe lăn nhìn con từ xa, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) không khỏi xúc động khi chứng kiến những bước đi của các con. Chị Hiền cho biết, nhà chị có 2 cháu đều là học sinh đầu cấp Trường TH, THCS và THpT Khương Hạ (1 cháu học lớp 1, 1 cháu học lớp 6). 

"Hôm nay là ngày đặc biệt của con, tôi cũng gác lại công việc để cùng con đến trường. Sáng sớm tôi bắt taxi để 3 mẹ con đến đây, lúc đến đường Khương Hạ tắc quá, xe taxi không vào được, bạn lớn nhà tôi đã đẩy xe lăn đưa mẹ vào trường".

07:24

Phóng viên Long Phi/VOV-Miền Trung thông tin: Hàng ngàn học sinh miền núi tỉnh Quảng Nam từ các thôn nóc, bản làng đã có mặt tại những điểm trường để dự lễ khai giảng năm học mới 2024 -2025. Nhiều em học sinh ở xa đã có mặt tại các trường từ chiều qua 4/9.

Năm học 2024 - 2025 toàn tỉnh Quảng Nam có 795 trường (725 trường công lập và 90 trường ngoài công lập) với tổng số hơn 372 ngàn học sinh, giảm gần 5.000 học sinh so với năm học trước. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành Giáo dục hệ công lập là 23.788 người và ngoài công lập là 3.400 người.

Bước vào năm học mới, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam đối mặt với nhiều khó khăn do đang thiếu 2.387 giáo viên, chủ yếu tại các huyện miền núi. Ông Thái Viết Tường Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tỉnh Quảng Nam lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nguồn nhân lực tại chỗ, ban hành chính sách thu hút, tuyển dụng giáo viên lên vùng cao dạy học. 

“Ngành Giáo dục sẽ tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên cho phù hợp, cả khu vực đồng bằng và miền núi. Đối với khu vực miền núi, vừa qua chúng tôi đã tổ chức thi tuyển đối với nguồn nhân lực tại chỗ để tăng dần số lượng giáo viên là người địa phương. Điều này giúp hạn chế việc luân chuyển giáo viên từ đồng bằng lên miền núi. Ngoài ra, ngành Giáo dục sẽ tận dụng các cơ chế chính sách đối với khu vực miền núi, biên giới, các chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ cho ngành giáo dục và các trường nằm trong khu vực này”, ông Thái Viết Tường Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho biết thêm.

07:20

Phóng viên Nguyễn Trang/VOV.VN phàn ánh, trong không khí náo nức của ngày khai giảng, trường Mầm non Thành Công (Ba Đình) đã hoàn thiện mọi cơ sở vật  chất, điều kiện cần thiết để đón trẻ. Từ những công đoạn nhỏ nhất như vệ sinh, trang trí khuôn viên trường, môi trường lớp thật đẹp mắt với các hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc tươi sáng, tất cả đều được thực hiện một cách cẩn thận và chu đáo; các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các cô và các con biểu diễn và những phần quà nhỏ để tặng cho các bé đều đã sẵn sàng.

07:16

Phóng viên Nguyễn Hà/VOV.VN thông tin, năm nay Trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) có 1503 học sinh, trong đó cấp tiểu học có 9 lớp, thcs 6 lớp, thpt 22 lớp. Năm nay nhà trường đón 80 bạn học sinh lớp 1, 30 bạn lớp 6, 375 bạn lớp 10.

07:14

Phóng viên Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM phản ánh: Năm học 2024-2025, tỉnh Long An cũng đã tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp, sách giáo khoa… Tỉnh cũng tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường an ninh, an toàn trường học, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.

Song song với đó, Long An đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, thay đổi nhận thức của học sinh, phụ huynh về công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề; tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, phấn đấu đạt tỷ lệ theo kế hoạch của tỉnh đề ra. Tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học.

07:12

Phóng viên Thái Bình/VOV-Miền Trung thông tin, hòa chung với không khí sôi nổi đón chào năm học mới trên cả nước, sáng nay (5/9), các trường học trên huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa tưng bừng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025.  Giữa biển khơi mênh mông, lễ khai giảng được các Trường tổ chức nhanh, gọn, trang nghiêm.

Trước ngày khai giảng, chính quyền, các đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ giáo viên, phụ huynh, học sinh trên các xã đảo và thị trấn Trường Sa đã tổ chức dọn vệ sinh, củng cố cảnh quan môi trường, chỉnh trang lớp học, tất cả đã sẵn sàng cho ngày tựu trường. UBND tỉnh Khánh Hòa đã vận chuyển đầy đủ sách, vở, đồ dùng học tập, quần áo đến các em học sinh. Tỉnh Khánh Hòa cũng kịp thời bổ sung, tập huấn đội ngũ giáo viên cho các xã, thị trấn thuộc huyện Trường Sa.
Từ rất sớm, các bậc phụ huynh cùng học sinh đã có mặt tại các trường: Tiểu học trên thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn, và đảo Đá Tây để tham dự lễ khai giảng. 

Trong không khí trang nghiêm, rực rỡ cờ hoa, với những bộ quần áo mới, niềm vui trên những khuôn mặt trẻ thơ, niềm tự hào của những bậc phụ huynh học sinh, sự có mặt của lãnh đạo, chính quyền địa phương. Quân và dân trên đảo đã thể hiện sự quan tâm, động viên các giáo viên và học sinh khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thi đua “Dạy tốt- học tốt” ngay từ những buổi học đầu tiên. Phấn đấu 100% học sinh đạt học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt.

 

07:07

Phóng viên Vân Anh/VOV.VN phản ánh, sáng sớm nay (5/9), khu vực đường Khương Trung, Khương Hạ, đặc biệt nút Vũ Tông Phan và Khương Hạ, mật độ giao thông tăng cao.

Từ 6h30 học sinh một số trường đã tập trung để tránh ùn tắc. Tuy nhiên, đây là nơi tập trung của 4 trường: THCS Khương Trung, THPT Khương Trung, THPT Hồ Tùng Mậu, Tiểu học, THCS & THPT Khương Hạ nên mật độ giao thông tăng mạnh. Lực lượng công an đã có mặt từ sớm làm công tác phân luồng, tránh để bị ùn tắc giao thông.

07:05

Phóng viên Công Bắc/VOV-Tây Nguyên phản ánh: Sáng nay (5/9), cùng với học sinh cả nước, hơn 183.000 học sinh tỉnh Đắk Nông khai giảng năm học mới 2024-2025.

Năm học này, tỉnh Đắk Nông có 370 cơ sở giáo dục các cấp với hơn 183.000 học sinh. Nhằm đáp ứng nhu cầu năm học mới, ngành Giáo dục đã có sự chuẩn bị mọi mặt từ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Các địa phương trong tỉnh đã ưu tiên bố trí kinh phí để tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa các phòng học, phòng chức năng và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổng số tiền xây dựng mới, cải tạo sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường học phục vụ năm học 2024-2025 là 332,76 tỷ đồng.

07:04

Theo phóng viên Lưu Sơn/VOV-TP.HCM: Năm học 2024-2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 463 trường và 6 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Dịp hè vừa qua, tỉnh đã sửa chữa, cải tạo các hạng mục bị xuống cấp cho các trường học với tổng kinh phí gần 330 tỷ đồng. Đầu tư hơn 68 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị bổ sung cho năm học mới.

Hiện toàn tỉnh có 308/460 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 67%. Cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học được đầu tư, hoàn thiện, giúp ngành giáo dục Bà Rịa – Vũng Tàu bảo đảm các điều kiện thiết yếu để triển khai các hoạt động giáo dục cả đại trà lẫn giáo dục mũi nhọn. Hiện biên chế ngành giáo dục tỉnh còn thiếu hơn 1.500 biên chế.

Để đảm bảo nguồn lực thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, các địa phương, ngành giáo dục tiếp tục tuyển dụng giáo viên; bố trí giáo viên dạy tăng giờ, hợp đồng với các giáo viên nghỉ hưu. Cũng trong năm nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo ngành giáo dục-đào tạo và các địa phương không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường; tập trung thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới gắn với định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS; tổ chức Kỳ thi THPT theo chương trình mới bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.

Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 1 số ít địa phương trong cả nước có chính sách miễn giảm toàn phần học phí cho trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo, học sinh THPT công lập và ngoài công lập, học viên đang học chương trình giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí khoảng 327 tỷ đồng.

06:52

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có thư gửi ngành giáo dục. Báo Điện tử VOV trân trọng giới thiệu toàn văn thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

06:50

Theo phóng viên Thành Long/VOV-Miền Trung phản ánh tại Quảng Ngãi: Hôm nay, cùng với cả nước, trên 271.000 học sinh tỉnh Quảng Ngãi sẽ bước vào năm học mới.

Học sinh khối lớp 1 được tựu trường trước 2 tuần để làm quen với trường, lớp mới. Học sinh các khối lớp khác cũng sẵn sàng cho ngày khai giảng. Tất cả đều phấn khởi, chào đón một năm học mới với nhiều niềm vui mới và đạt thành tích cao trong học tập.

Năm học 2024 - 2025, Quảng Ngãi có 584 đơn vị, trường học ở các cấp học. Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Nhiều phòng học được xây mới, đáp ứng đủ chỗ cho các khối lớp học, kể cả lớp học 2 buổi/ngày. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ học tậpphục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới là 55 tỷ đồng. Đội ngũ giáo viên được bổ sung. Toàn ngành có hơn 18.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Ngành giáo dục và Đào tạo cũng chú trọng đến công tác tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm về số lượng lẫn chất lượng để thực hiện nhiệm vụ năm học mới.
 
Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quyết tâm thực hiện 08 nhóm giải pháp trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh. Khắc phục bệnh thành tích trong đánh giá, xếp loại học sinh.

Với sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm gặt hái thành công trong năm học mới này.

Trước đó,sáng hôm qua tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai giảng sớm ở trường THCS Ba Vì,huyện miền núi Ba Tơ.khu vực này giáp ranh tới tỉnh Kon Tum.

06:47

Phóng viên Nguyễn Hà/VOV.VN phản ánh, tại Hà Nội ngay từ sáng sớm nay, tuyến đường dẫn tới trường THPT Khương Đình và THCS Khương Đình tắc nghẽn từ sáng sớm. lực lượng dân quân tự vệ có mặt trên đường Khương Hạ để phân luồng giao thông.

06:43

Phóng viên Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL thông tin, hòa chung không khí hân hoan của hàng triệu giáo viên, học sinh trong cả nước, sáng nay (5/9), thầy và trò của 475 trường (458 trường công lập, 17 trường ngoài công lập) tại tỉnh Sóc Trăng sẽ long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025. 

Theo Sở GD và ĐT tỉnh Sóc Trăng, đối với cấp trung học phổ thông tỉnh có 40 trường (39 trường công lập, 1 trường ngoài công lập); cấp trung học cơ sở có 108 trường (106 trường công lập, 2 trường ngoài công lập); cấp tiểu học có 197 trường (195 trường công lập, 2 trường ngoài công lập); bậc học mầm non - mẫu giáo có 130 trường (118 trường công lập, 12 trường ngoài công lập). So với năm học 2023 - 2024, năm học này giảm 4 trường.

Chuẩn bị cho năm học mới này, tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm xây dựng mạng lưới trường, lớp từng bước đảm bảo đáp ứng điều kiện học tập của học sinh. Ngành đã sắp xếp xóa dần các điểm lẻ, các phòng học tạm bợ, giảm các điểm trường mà điều kiện chưa đảm bảo để tập trung học sinh ở những nơi có điều kiện thuận lợi, cơ sở vật chất được nâng cấp. Từ đó, cho học sinh được thụ hưởng sự công bằng trong giáo dục, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Ông Trịnh Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, cho biết, tính đến nay, toàn huyện có 41/46 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ trên 89%. Trước thềm năm học mới 2024-2025, công tác chuẩn bị tại huyện Trần Đề được triển khai tích cực. Huyện đã chỉ đạo các trường rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo điều kiện tốt nhất để khai giảng năm học mới. Theo đó, đã thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất tại 24 trường với tổng kinh phí hơn 23,2 tỷ đồng; mua sắm bổ sung bàn ghế, bảng, thiết bị… cho các trường với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. Với việc đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị như trên, cơ bản đã đảm bảo các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 9.

Ngoài ra, công tác vận động, chăm lo học sinh đến trường, đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang được đẩy mạnh với mục tiêu đảm bảo tất cả học sinh trong độ tuổi được đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại địa phương.

06:40

Theo phóng viên Long Phi/VOV-Miền Trung, sáng nay (5/9), hơn 372.000 học sinh Quảng Nam bước vào khai giảng năm học mới 2024 - 2025.

Tin vui cho học sinh và phụ huynh tại tỉnh Quảng Nam khi tỉnh này đang xem xét chủ trương miễn 100% học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn ngay trong năm học 2024 - 2025.

Thống kê hiện nay cho thấy, tổng thu học phí giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2024 ước tính gần 540 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thu hơn 67 tỷ đồng. Số tiền thu từ học phí toàn tỉnh Quảng Nam mỗi năm chiếm từ 1,4% đến 1,7% tổng chi thường xuyên cho công tác giáo dục của tỉnh. Nguồn thu học phí được dùng để chi trả lương cho giáo viên mầm non, THCS, THPT theo quy định của Chính phủ; phần còn lại dùng để bổ sung chi cho các hoạt động giáo dục.

Dự kiến, tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ 100% học phí theo mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn năm học 2024 - 2025 và học kỳ I năm học 2025-2026, sau đó tiếp tục ban hành nghị quyết khác để hỗ trợ miễn 100% học phí. Chính sách này sẽ không áp dụng hỗ trợ cho trẻ em mầm non, học sinh các trường ngoài công lập, các trường phổ thông được miễn học phí theo chính sách của Trung ương.

06:37

Phóng viên Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM cho biết: Sáng nay, 935 học sinh với 28 lớp của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bình Thuận gồm các dân tộc:  Chăm, K'ho, Raglai, Tầy, Nùng... sẽ làm lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025.

06:35

Phóng viên Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM thông tin: Tại Long An, mọi điều kiện để bước vào năm học mới 2024-2025 đã sẵn sàng.

Những năm qua, sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của tỉnh Long An không ngừng được đổi mới và nâng cao; qua đó đóng góp quan trọng trong việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, trí tuệ cho thế hệ trẻ, giúp phát triển con người, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp chung vào phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa Long An từng bước vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm học 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, như: nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo;…

06:32

Trước thềm khai giảng năm học mới, ngành giáo dục Đắk Nông đã nỗ lực triển khai các giải pháp để vận động học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đến lớp. Cùng với sự nỗ lực của các thầy cô giáo, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước cũng đang hỗ trợ tích cực cho các trường vùng sâu duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng dạy và học.

Về bon làng vận động học sinh đến lớp

VOV.VN - Những ngày này, ngành giáo dục Đắk Nông đang nỗ lực triển khai các giải pháp để vận động học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đến lớp. Cùng với sự nỗ lực của các thầy cô giáo, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước cũng đang hỗ trợ tích cực cho các trường vùng sâu duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng dạy và học.

06:24

Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã gấp rút củng cố trường lớp, cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, ổn định đội ngũ giáo viên, vệ sinh trường lớp và vận động học sinh chuẩn bị bước vào khai giảng năm học mới 2024-2025. Mọi công tác đã sẵn sàng đón học sinh bước vào năm học mới trong môi trường thân thiện, trường lớp sạch sẽ, khang trang.

Các huyện miền núi Quảng Ngãi chuẩn bị cho năm học mới

VOV.VN - Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đang gấp rút củng cố trường lớp, cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, ổn định đội ngũ giáo viên, vệ sinh trường lớp và vận động học sinh chuẩn bị bước vào khai giảng năm học mới 2024-2025. Mọi công tác đã sẵn sàng đón học sinh bước vào năm học mới trong môi trường thân thiện, trường lớp sạch sẽ, khang trang.

06:19

Nhắn nhủ đến học sinh, giáo viên trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, kinh tế - xã hội của đất nước càng phát triển, càng đặt ra yêu cầu ngày càng cao với GD-ĐT. Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

"Năm học 2023-2024 đã kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp, năm học mới sắp bắt đầu, thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, của các các em học sinh, sinh viên trong năm học vừa qua.

Trước thềm năm học mới, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Chúc các thầy cô sẽ thêm niềm vui, động lực để công tác và cống hiến. Chúc cho các em học sinh, sinh viên sẽ có một năm học mới với nhiều sáng tạo và tiến bộ", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

06:19

Cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian học sinh tựu trường và tổ chức lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 thống nhất trên cả nước vào sáng 5/9. Tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường, gồm hai phần.

Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng bản nhạc có lời bài hát được ghi sẵn), đọc thư của Chủ tịch nước... Phần hội tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể tuyệt đối an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới.

06:19

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các Sở GD-ĐT, đề nghị lưu ý hướng dẫn cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học, trong đó đặc biệt quan tâm đối tượng học sinh lớp 1; tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống và các hoạt động của nhà trường; phổ biến nội quy, quy định của nhà trường; giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ GDĐT: Tuyệt đối không khai giảng ở những nơi có mưa lớn, nguy cơ sạt lở
Bộ GDĐT: Tuyệt đối không khai giảng ở những nơi có mưa lớn, nguy cơ sạt lở

VOV.VN - Ngày 4/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có Công điện số 1170/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh/thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra về việc chủ động ứng phó bão số 3.

Bộ GDĐT: Tuyệt đối không khai giảng ở những nơi có mưa lớn, nguy cơ sạt lở

Bộ GDĐT: Tuyệt đối không khai giảng ở những nơi có mưa lớn, nguy cơ sạt lở

VOV.VN - Ngày 4/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có Công điện số 1170/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh/thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra về việc chủ động ứng phó bão số 3.

Niềm vui trong những lớp học mới
Niềm vui trong những lớp học mới

VOV.VN - Trước thềm năm học mới, trong niềm hân hoan được đến trường, giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh Đắk Lắk có thêm niềm vui khi học tập trong những ngôi trường, lớp học mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Niềm vui trong những lớp học mới

Niềm vui trong những lớp học mới

VOV.VN - Trước thềm năm học mới, trong niềm hân hoan được đến trường, giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh Đắk Lắk có thêm niềm vui khi học tập trong những ngôi trường, lớp học mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Các trường miền núi Thanh Hóa vượt khó đầu năm học
Các trường miền núi Thanh Hóa vượt khó đầu năm học

VOV.VN - Mặc dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các điểm trường lẻ, xa trung tâm, thiếu thốn trang thiết bị dạy học. Thế nhưng, những ngày này không khí tựu trường, bắt đầu khai giảng năm học mới ở khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa trở nên rộn ràng.

Các trường miền núi Thanh Hóa vượt khó đầu năm học

Các trường miền núi Thanh Hóa vượt khó đầu năm học

VOV.VN - Mặc dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các điểm trường lẻ, xa trung tâm, thiếu thốn trang thiết bị dạy học. Thế nhưng, những ngày này không khí tựu trường, bắt đầu khai giảng năm học mới ở khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa trở nên rộn ràng.