Học sinh cuối cấp Hà Nội “lên dây cót” ôn thi ngay ngày đầu đi học lại
VOV.VN - Nhiều học sinh cuối cấp háo hức khi được đến trường sau thời gian dài nghỉ tránh dịch, kèm theo những niềm vui là nỗi lo về những kỳ thi sắp diễn ra.
“Nghỉ học vài ngày là niềm ao ước của học sinh, nhưng nghỉ học dài ngày vì dịch, thì lại trở thành nỗi sợ với chúng em, nhất là vào thời điểm cuối cấp, khi kỳ thi đại học ngày càng gần, bài vở vẫn bộn bề”, Phạm Thục Anh (lớp 12, THPT Việt Đức) chia sẻ.
Ngày đầu tiên trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài ngày, Thục Anh và nhiều bạn bè khác đều rất háo hức, song kèm theo đó là những lo lắng về việc học, ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học sắp diễn ra.
“Theo lịch, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bắt đầu từ giữa tháng 8. Như vậy, chúng em chỉ còn khoảng 3 tháng để ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Việc học online đã được các trường tiến hành từ lâu, nhưng nếu so sánh với việc học trực tiếp thì không thể hiệu quả bằng. Hơn nữa ở nhà nhiều, em cũng cảm thấy khá bí bách”, Thục Anh chia sẻ.
Nữ sinh cho biết, trước những thay đổi của kỳ thi năm nay, bản thân em cũng như nhiều học sinh khác không khỏi hoang mang, lo lắng. “Thế nhưng em nghĩ có lo lắng cũng không giải quyết gì nên bình tĩnh để ngồi lập kế hoạch học tập”, Thục Anh nói.
Chia sẻ về phương pháp học tập, Thục Anh cho hay, hiện tại em đang tập trung vào ôn tập những môn sẽ thi đại học như Toán, Ngữ văn, Tiếng Nhật. Ngoài việc học online theo lịch của trường, nữ sinh vẫn tham gia vào các lớp học thêm online khác, tự tìm tài liệu để luyện đề.
Lê Long Vũ (lớp 12, THPT Việt Đức) cũng cùng chung cảm xúc: “Em cảm thấy rất vui, háo hức khi được đi học lại. Những ngày nghỉ dịch, nhiều khi em vẫn bật dậy lúc 6h, chuẩn bị sách vở, quần áo để đến trường rồi mới nhớ ra đang nghỉ học. Với những học sinh lớp 12, nghỉ học dài ngày khiến chúng em thực sự lo lắng, kế hoạch học tập bị ảnh hưởng. Hơn nữa, trong bối cảnh thi cử liên tục thay đổi, những áp lực ngày càng gia tăng”.
Có nguyện vọng thi vào ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội, là những trường có mức điểm trúng tuyển hàng năm cao top đầu cả nước, Vũ cho biết, đây là thời điểm ôn tập chạy đua nước rút có tính chất quyết định. Nam sinh tự tìm cho mình những phương pháp học riêng. Ngoài việc tham gia vào các lớp luyện thi, ôn tập online trên mạng, nam sinh tự phân bổ thời gian trong ngày thành các khung giờ khác nhau để việc học giảm bớt những áp lực.
“Hiện tại sẽ có rất nhiều thứ cần học, nếu không phân bổ thời gian hợp lý, sẽ rất khó để học. Em thường chia thời gian trong ngày thành những khung giờ nhất định cho từng môn. Việc học quá nhiều 1 môn sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, và việc tiếp thu kiến thức cũng không hiệu quả, dễ sinh ra cảm giác chán và mệt mỏi. Với môn Toán, em thường ôn tập theo các đề thi thử, đề mẫu của các năm trước. Riêng môn Văn em chia nhỏ ra thành từng phần nhỏ để học và cố gắng học thuộc thơ để có thể phân tích tác phẩm.
Ngoài ra, giảng bài cho những bạn khác cũng là cách hiệu quả để học tốt hơn. Mỗi lần giảng bài sẽ là một lần em tự củng cố lại kiến thức và nhớ lâu hơn. Với những công thức cần ghi nhớ, em thường viết ra giấy nhớ dán ở góc học tập, sách vở để tăng tần suất tiếp xúc, từ đó việc nhớ bài tốt hơn nhiều”, Vũ cho biết.
Thùy Hương (lớp 12, THPT Thực nghiệm Hà Nội) cũng miệt mài ôn tập, làm bài ngay ngày đầu tiên đến trường. Hương tranh thủ thời gian đầu giờ để trao đổi bài vở, kế hoạch thi đại học, chọn trường cùng các bạn trong lớp. Có nguyện vọng thi vào ĐH Dược Hà Nội, ĐH Thương mại, Hương cho biết, bản thân phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện ước mơ. “Đến thời điểm này, còn rất nhiều phần kiến thức em chưa chắc chắn. Song song với việc học thêm những kiến thức mới, em tập trung ôn lại những kiến thức đã học, học đến đâu chắc đến đó. Với những phần lý thuyết chưa nhớ, em phải làm đi làm lại bài tập nhiều lần để hiểu rõ vấn đề. May mắn là dù học online nhưng em vẫn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy cô”.
Không tham gia vào các lò luyện thi online, Hương lại dành nhiều thời gian hơn cho việc tự học tại nhà. Nữ sinh cho rằng, trong giai đoạn nước rút, việc tự học và lên kế hoạch học tập là quan trọng nhất. Với những kiến thức chưa hiểu, em không ngần ngại hỏi lại thầy cô để được giải đáp.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho rằng, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của các trường. Trong bối cảnh có những thay đổi về chính sách thi cử, việc học sinh, phụ huynh lo lắng là điều dễ hiểu. Cô Quỳnh khuyên học sinh, đặc biệt là các em học sinh cuối cấp cần bình tĩnh, tập trung ôn tập tốt, chắc các kiến thức đã học, bám sát các đề minh họa mà Bộ GD-ĐT đã đưa ra.
“Hiện nay khi thực hiện quy định đảm bảo an toàn, các trường học đều chia nhỏ các lớp học, số lượng học sinh mỗi lớp ít hơn, các em học sinh nên tận dụng cơ hội này để học, trao đổi những phần kiến thức chưa rõ với thầy cô và bạn bè. Thời điểm này, các nhà trường cũng sẽ có kế hoạch học tập riêng với học sinh lớp 12. Điều quan trọng là các em cần bình tĩnh, tự lập kế hoạch học tập để việc học hiệu quả nhất”./.