Học sinh được nói nhiều, làm nhiều hơn với chương trình mới
VOV.VN - Nhiều giáo viên cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông mới tăng tính thực hành, tăng cường hoạt động trải nghiệm, giúp học trò hứng thú học tập, hoạt bát, tự tin trong giao tiếp hơn.
Sau 2 tháng dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Bàn Thị Hương - giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh) nhận thấy, học sinh trong lớp mình chủ nhiệm (100% là người Dao) vui vẻ, tự tin trong giao tiếp hơn. Đây là thay đổi rõ rệt mà bước đầu chương trình mới đã mang lại cho người học.
Giờ học môn Tiếng Việt của học sinh lớp 1 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh), cô giáo chiếu lên màn hình hình ảnh một số loài vật. Tương ứng với mỗi vần mà học sinh vừa được học, cô “đố” trò tìm được con vật nào mà tên gọi có chứa vần đó. Phía dưới lớp, hàng loạt cánh tay học sinh giơ lên. Nhiều em còn đứng hẳn dậy giơ tay để cô chú ý và gọi lên bảng giải đố.
Sự hào hứng, vui vẻ, tự tin, thích được phát biểu ý kiến này là điều mà trước đây cô giáo Bàn Thị Hương ít thấy ở học trò trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đồng Lâm 2 trong những tháng đầu vào học lớp 1. 100% học sinh ở đây là người dân tộc Dao; các em thường rụt rè, nhút nhát, ít thể hiện bản thân.
“Chương trình giáo dục phổ thông mới tăng tính thực hành, tăng cường hoạt động trải nghiệm, giúp học trò hứng thú học tập, hoạt bát, tự tin trong giao tiếp hơn. Đó là điểm rất tích cực mà chương trình bước đầu đã mang lại cho học sinh người dân tộc thiểu số”, giáo viên Bàn Thị Hường nói.
Tại một trường tiểu học vùng nông thôn của xã An Lư, huyện Thủy Nguyên (tỉnh Hải Phòng), các tiết học của học sinh lớp 1 cũng diễn ra sôi nổi. Cô giáo cho sinh chơi trò tìm hình vuông, tròn, chữ nhật, tam giác để ôn lại bài “Làm quen với một số hình phẳng”. Một học sinh lên bảng trả lời rồi tự điều khiển lớp, mời các bạn phía dưới nhận xét về đáp án của mình. Các học sinh hào hứng tham gia.
Cũng với tiết ôn bài “Làm quen với một số hình phẳng” này, học sinh của trường Tiểu học Ngọc Sơn (quận Kiến An, TP Hải Phòng) được tham gia chơi trò “Tiếp sức”. Cô giáo đặt những mẫu hình (tròn, vuông, chữ nhật, tam giác) lẫn lộn trên bảng và chia lớp học thành 2 đội. Ở mỗi lượt chơi, học sinh của 2 dãy sẽ liên tục thay phiên nhau chạy lên bảng để tìm hình theo yêu cầu của giáo viên. Học sinh nào quên hoặc chưa chọn hình được chính xác, các bạn cùng nhóm có thể nhắc hoặc cử bạn khác lên tiếp sức. Kết thúc, nhóm nào cài được nhiều hình đúng và nhanh hơn sẽ giành chiến thắng.
Giáo viên Vũ Thanh Phương - người tổ chức cho học sinh chơi trò “tiếp sức” cho biết, mục tiêu của hoạt động này là giúp học sinh củng cố lại kiến thức đã học và rèn thêm kỹ năng quan sát nhanh, phản xạ nhanh, tinh thần đoàn kết, đồng đội hỗ trợ nhau cùng giải quyết vấn đề.
Qua 2 tháng học tập với nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh của chương trình giáo dục phổ thông mới, các học trò lớp 1 của cô Phương tiếp thu bài rất tốt. “Các em nhanh nhẹn, tự tin hơn, đặc biệt khả năng giao tiếp, tương tác với bạn bè, thầy cô của các em tốt hơn rõ rệt”, nữ giáo viên nói.
Các hoạt động học tập được tổ chức cho học sinh nói trên, dễ nhận thấy là không có trong bất cứ sách giáo khoa nào. Các giáo viên bằng quyền chủ động chuyên môn đã linh hoạt, sáng tạo xây dựng và tổ chức bài dạy để phù hợp với học sinh và đạt được hiệu quả giáo dục tốt nhất.
Không cần dạy học đúng y chang yêu cầu trong sách giáo khoa, được chủ động, tự do sáng tạo cho tiết dạy của mình, chính là điểm tích cực ở chương trình giáo dục phổ thông mới mà nhiều giáo viên tâm đắc.
“Tôi thích nhất ở chương trình giáo dục phổ thông mới là trao quyền cho giáo viên được chủ động chuyên môn, sách giáo khoa không còn là pháp lệnh. Theo đó, giáo viên chúng tôi được linh hoạt sử dụng các phương pháp dạy học, điều tiết các bài giảng sao cho phù hợp với đối tượng học sinh. Điều này, có ý nghĩa và tác dụng lớn cho giáo viên khi dạy học sinh người dân tộc thiểu số có những khác biệt trong nhận thức và giao tiếp”, cô giáo Bàn Thị Hương, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Đồng Lâm 2 (Quảng Ninh) nói.
Giáo viên Đinh Duyên Thịnh - trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) cũng cho biết, chương trình mới với yêu cầu mở và trao quyền chủ động chuyên môn cho người dạy đã giúp cô tạo ra những bài giảng gần gũi hơn với học sinh, giúp học trò hứng thú hơn trong mỗi tiết học.
Các bài giảng thường được giáo viên tổ chức theo 3 nguyên tắc: huy động vốn hiểu biết của học sinh; hướng dẫn các kỹ năng học tập qua các trò chơi; học phải có sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, để học sinh được “sống” nhiều hơn trong bài học của mình./.