Hồi ký Nguyễn Thị Bình: Bí mật về sức mạnh một con người

Hồi ký Nguyễn Thị Bình “Gia đình - Bạn bè và Đất nước” - một cuốn sách rất nên đọc, đặc biệt với những người trẻ tuổi. Mỗi người trẻ có thể tìm cho mình được lời gửi gắm mà đôi khi, bản thân tác giả không có ý định ấy.

Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: “Khi cầm cuốn sách, người đọc sẽ muốn biết những tình tiết éo le phức tạp về cuộc đấu trí, đối đầu giữa đại diện Việt Nam và đại diện chính quyền Mỹ tại các hội nghị quốc tế. Nếu cuốn sách chỉ cung cấp những điều đó thôi thì cũng dễ và cũng đáp ứng được sự tò mò của độc giả… Nhưng điều cuốn hút ở cuốn sách lại chính bởi bí mật về sức mạnh của một con người…”.

Nói về lý do thực hiện cuốn hồi ký, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Tôi muốn thay mặt cho bao người không còn nữa và cả những người còn sống nói lên suy nghĩ, suy tư, cảm xúc mạnh mẽ, sâu sắc của lớp thanh niên ở thế hệ tôi trong giai đoạn đấu tranh cách mạng, qua hai cuộc kháng chiến hết sức gian khổ nhưng cũng vô cùng quang vinh... Thế hệ chúng tôi đều thống nhất với nhau đó là thời kỳ đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình với ý nghĩa chúng tôi đã sống có mục đích, có lý tưởng và trọn lòng tin vào tương lai của đất nước…”.

Nhiều cuốn hồi ký khác do người khác chấp bút, nhưng toàn bộ ngôn ngữ trong cuốn hồi ký này đều là của bà Nguyễn Thị Bình. Bà viết ngắn, nói ngắn, dồn nén trong từng câu chữ, không cầu kỳ, rườm rà. Tất cả được truyền tải giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Văn là người. Đó chính là con người của Nguyễn Thị Bình.

Cuốn hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình với tên gọi “Gia đình - Bạn bè và Đất nước”, chân dung bà Nguyễn Thị Bình nằm trong mối quan hệ biện chứng đó.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký tặng quyển hồi ký

Gia đình, bạn bè hay đất nước?

Một bạn trẻ hỏi: Gia đình, bạn bè và đất nước, nếu phải lựa chọn thì bà sẽ chọn như thế nào? Bà Nguyễn Thị Bình trả lời: “Tất cả chúng ta ai cũng có gia đình, ai cũng có bạn bè và ai cũng có đất nước để hình thành một con người. Tất nhiên trong hoàn cảnh khó khăn phải có sự lựa chọn đất nước, gia đình hay bạn bè. Chúng ta đều phải cố gắng làm tốt 3 nhiệm vụ đó. Nhiệm vụ này nếu làm tốt lại tạo điều kiện, cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ kia. Tất nhiên không phải lúc nào chúng ta đều phải cùng lúc xử lý 3 nhiệm vụ đó, mà lúc nào cần phải tập trung vào nhiệm vụ gì”.

Và trong cuốn hồi ký, có trang viết đã khiến độc giả vô cùng xúc động: “Khó khăn thì không ít, nhiệm vụ được giao luôn cao hơn sức mình… Nhưng có một khó khăn mà tôi không vượt qua được, và tôi cho là một sự hy sinh của mình: đó là việc chăm sóc hai con tôi. Từ hai tuổi chúng phải đi nhà trẻ, một tuần mới về nhà một lần, khi mẹ vắng nhà có các cậu đưa đón, các cậu bận thì không được về. Khi các con tôi lớn hơn, tôi phải đi vắng hàng năm, phải gửi Thắng và Mai cho trường nội trú. Chiến tranh ác liệt, các cháu lại đi sơ tán với dì. Ba ở quân đội nên cũng không lo được cho các con. Đi công tác xa, nghe bom đạn rơi gần chỗ con ở, tôi lo lắng đến thắt lòng, thương các con vô cùng…”. (Tr.29).

Cuốn hồi ký "Gia đình - Bạn bè và Đất nước"

Nguyễn Thị Bình đã chọn được người đàn ông của mình năm bà 16 tuổi nhưng vì chiến tranh và trách nhiệm đối với đất nước mà 9 năm sau, hai người mới có cơ hội gặp lại nhau và kết thúc cuộc tình 9 năm xa cách ấy bằng một đám cưới giản dị, ấm cúng tại số 2 phố Đinh Lễ - Hà Nội. Nhưng điều kỳ lạ, để có được niềm tin duy trì một tình yêu suốt 9 năm đằng đẵng, chỉ là vẻn vẹn một dòng chữ mà bà Nguyễn Thị Bình nhận được từ người mình yêu - ông Đinh Khang: “Chúc em và gia đình an toàn, khỏe mạnh”.

Một người bạn Đức đến văn phòng NXB Tri thức - nơi thực hiện cuốn sách, khi nhìn thấy ảnh bà Nguyễn Thị Bình trên bìa cuốn hồi ký đã reo lên: “ồ, madam Bình, tôi biết bà ấy vì toàn bộ tuổi trẻ của tôi hướng về Việt Nam”. Nhà văn Nguyên Ngọc bày tỏ sự khâm phục: “Có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất thế giới… Những năm tháng ấy, bà có mặt ở khắp hành tinh; và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện bằng một vẻ thong dong đầy tự tin...”.

Người tự trọng luôn biết tự phê bình

Trả lời một độc giả trong buổi ra mắt cuốn sách rằng, trong khoảng thời gian trẻ làm được nhiều việc, cho đến bây giờ có điều gì khiến bà nuối tiếc hay không? Bà Nguyễn Thị Bình ân cần: “Nếu nói nuối tiếc không thì có, vì có những điều đáng lẽ mình làm tốt hơn, nhưng do trình độ còn hạn chế hay hoàn cảnh chưa thuận lợi mà làm chưa tốt. Nhưng nuối tiếc đến mức ân hận thì không.

Và bà lấy ví dụ về Hội nghị đàm phán Paris: “Tiếng Pháp tôi còn tương đối, tiếng Anh tôi có học nhưng học không giỏi lắm. Giá như tôi giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh như nhiều đồng chí, với vị trí của tôi lúc bấy giờ thì có lẽ tôi sẽ làm được nhiều việc tốt hơn. Còn thời kỳ sau này, 10 năm tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Lúc đó khi được giao nhiệm vụ, có đồng chí nói: Bây giờ trong hòa bình nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng nên chị phải làm. Khi được yêu cầu tôi cũng chấp nhận và tôi cố gắng. Nhìn lại một số khuyết điểm của ngành giáo dục ngày hôm nay, có lẽ có từ thời kỳ tôi mà tôi chưa làm được tốt”.

Bà nhấn mạnh: “Là người biết tự trọng thì luôn phải biết tự phê bình, không cần phải báo cáo với ai là mình đã tự phê bình như thế nào, mà là để thấy được những gì mình làm chưa tốt để lần sau làm tốt hơn”.

Nhà văn Nguyên Ngọc chia sẻ: “Nguyễn Thị Bình là người kiên định trong những tư tưởng lớn, đồng thời luôn linh hoạt thay đổi để tiếp nhận cái mới… Làm việc với bà luôn thấy bà có sự mới mẻ trong trí tuệ và tâm hồn”.

Chân lý từ những điều giản dị

Thân phụ bà Nguyễn Thị Bình từng dạy: đánh giá con người trước hết là đánh giá qua lao động… “Cụ là người yêu lao động nên đánh giá con người qua thái độ lao động của họ: người nào siêng là người tốt, người nào lười cụ không ưa… Về sau trong suốt đời hoạt động và công tác, tôi luôn gắn bó và cũng dễ gần gũi với người dân lao động, thường nhìn con người qua thái độ lao động và cách họ quan hệ với người lao động. Nghĩ lại, tôi rất biết ơn ông cụ về ảnh hưởng đó”. (Tr.18-19). Khi mẹ mất sớm, Nguyễn Thị Bình trở về Sài Gòn, đi buôn trứng vịt ở chợ Tân Định vừa để hoạt động bí mật, vừa để nuôi các em.

Biên tập viên Nguyễn Phương Loan, người biên tập cuốn sách, chia sẻ: "Tôi là người may mắn được gần gũi và làm việc với bà Nguyễn Thị Bình. Bà là người làm việc chuyên nghiệp và công nghiệp, luôn đúng giờ giấc. Những ngày trước khi bản thảo được đưa in, bà còn gọi tôi đến để bổ sung những chi tiết, sửa những câu chữ cho đầy đủ và hoàn chỉnh".

Chị Nguyễn Phương Loan tâm sự: Một câu nói của bà Nguyễn Thị Bình trong cuốn sách dù đơn giản nhưng giàu ý nghĩa khiến chị sáng tỏ được nhiều điều, và đó cũng là câu nói mà chị chia sẻ với các du học sinh Việt Nam trong một chuyến công tác tại Singapore, nơi mà nhiều người trong họ còn đang mơ hồ về lý tưởng sống: “Anh chị xem điều gì có lợi cho kháng chiến thì nên làm, điều gì có hại thì không nên…”.

Hồi ký Nguyễn Thị Bình “Gia đình - Bạn bè và Đất nước” - một cuốn sách rất nên đọc, đặc biệt với những người trẻ tuổi. Mỗi người trẻ có thể tìm cho mình được lời gửi gắm mà đôi khi, bản thân tác giả không có ý định ấy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên