Hồi môn cho con- cha mẹ cõng nợ:

Hồi môn cho con: "Đưa dâu, đón nợ”

VOV.VN - Hồi môn cho con gái về nhà chồng, đó là tập tục rất đẹp từ xa xưa của đồng bào Thái. Nhưng theo đà phát triển của xã hội, ở không ít bản làng đồng bào Thái tỉnh miền núi Sơn La, tập tục này đã ít nhiều bị biến tướng, dẫn đến tình trạng "khóc dở, mếu dở" của không ít gia đình.

LTS: Không chỉ là những của hồi môn theo nghi thức truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc như khăn piêu, chăn đệm được làm từ chính đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ , nhiều gia đình thậm chí rất nghèo cũng phải cố lo cho con ti vi, xe máy, tủ lạnh…để bằng chị, bằng em. Điều này dẫn đến tình trạng "khóc dở, mếu dở" của không ít gia đình, bởi sau ngày cưới, gánh nặng trả nợ của hồi môn cho con gái về nhà chồng lại đè lên đôi vai của cha mẹ.

Hệ lụy của sự biến tướng ấy như thế nào? Giải pháp nào cho tình trạng này? là những câu hỏi được phóng viên đề cập và đi tìm lời giải đáp qua loạt bài “Hồi môn cho con- cha mẹ cõng nợ”.

Người dân ở bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La còn nhớ câu chuyện cách đây 2 năm, khi cô dâu Cà Thị Lắm, ở bản Piệng, xã Nậm Păm, huyện Mường La về nhà chồng ở bản Hua Ít. Khi đó, cả bản ai cũng trầm trồ vì hồi môn cha mẹ cô dâu cho con mang về nhà chồng 2 xe tải đầy chở không hết. Không chỉ mấy chục bộ quà cho nhà chồng là các bộ chăn, đệm, gối theo nghi lễ của đồng bào Thái, hồi môn của cô dâu còn đầy đủ tiện nghi và đồ sinh hoạt gia đình như: giường, tủ, bàn, ghế, ti vi, tủ lạnh, xe máy… trị giá đến 70-80 triệu đồng. Cô dâu Cà Thị Lắm chia sẻ: Bố mẹ cô cũng chỉ làm nông nghiệp, nhưng vì đây là phong trảo của các gia đình trong bản, trong xã rồi nên bố mẹ cũng cố cắm nợ trước  cho con, rồi lại gồng gánh trả nợ mấy năm giờ còn chưa hết. " Bố mẹ cũng không có đâu, nhưng con gái đi nhà chồng thì cũng phải đi vay mượn về lo cho con trước. Có khi bây giờ bố mẹ em còn chưa trả xong nợ”, Cà Thị Lắm nói.

Tương tự, nhà anh Cà Văn Sơn, ở bản Nẹ Tở, xã Hua La, thành phố Sơn La có 2 cô con gái đã đi lấy chồng. Đứa nào cũng được bố mẹ chuẩn bị hồi môn lên tới hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, không chỉ giường tủ, tivi, xe máy, tủ lạnh, mà gia đình anh Sơn còn sắm cho con cả máy cắt cỏ, két sắt, máy lọc nước…

Anh Sơn còn một cô con gái nữa  đang đến tuổi cặp kè, anh khá lo lắng, vì đã cho 2 con đầu thế nào, thì cũng phải lo nốt cho cô con gái út như thế. Nếu so với mặt bằng kinh tế của dân bản, nhà anh Sơn cũng là hộ có nguồn thu ổn định từ trồng cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng vì nhà đông con gái, mỗi lần con về nhà chồng là anh chị vẫn phải đi vay nợ anh em họ hàng trước, mua đủ hồi môn cho con, rồi lo liệu trả dần.“ Nhà có nhiều con gái khổ thật. Cho chúng nó ăn học đã vất vả rồi, giờ lớn lên lấy chồng, đi nhà chồng lo của hồi môn cho con còn vất vả hơn nữa. Người ta có một con gái thì còn đỡ, nhưng đây có 3 con gái thì càng vất vả hơn”- anh Cà Văn Sơn cho biết.

Vài năm lại đây, lo của hồi môn với các món đồ có giá trị cho con gái về nhà chồng đã trở thành phong trào ở không ít xã, bản đồng bào Thái  Sơn La.

Đơn cử như Hua La, xã vùng ven thành phố Sơn La, với 15 bản, trên 1.900 hộ, phần lớn đồng bào Thái sinh sống, cũng không ngoại lệ. Tính trong 3 năm lại đây, cả xã có 141 cặp kết hôn, thì hầu hết các cặp vợ chồng trẻ người Thái kết hôn đều được cha mẹ lo của cải hồi môn. Theo ông Lèo Văn Tình, phó Chủ tịch UBND xã Hua La: Nhà có điều kiện thì không sao, nhưng nhà khó khăn thì thực sự là khổ sở vì lo của hồi môn cho con, thậm chí là lâm vào nợ nần. “Trường hợp gia đình có 2 hoặc 3 đứa con gái. Khi con gái cả đi nhà chồng được sắm cho nhiều thứ vào thời điểm kinh tế còn ổn định thì không sao. Nhưng đến lúc con thứ 2, thứ 3 đi nhà chồng  lúc đó kinh tế gia đình khó khăn, hay gặp ốm đau bệnh tật thì sẽ gây ra sự ganh tỵ giữa các thành viên trong gia đình”- ông Lèo Văn Tình cho biết thêm.

Tại huyện Mường La, theo ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng văn hóa huyện: Bắt đầu từ các bản Thái ở xã Ngọc Chiến, xã có điều kiện kinh tế nhờ nguồn thu từ du lịch khoáng nóng, sau đó phong trào lo hồi môn thiên về giá trị vật chất đã lan rộng sang nhiều bản Thái khác ở huyện, như Chiềng Lao, Pi Toong, Nậm Păm và một số xã di dân tái định cư thủy điện. Điều này dẫn tới tình trạng ganh đua giữa các gia đình trong bản về số lượng, giá trị của hồi môn, sự ỷ lại, đòi hỏi của con cái với cha mẹ.

“Tình trạng nhà gái chuẩn bị của hồi môn cho con gái về nhà chồng hiện nay đang có những mặt không phù hợp. Đã có những sự ganh đua, so sánh nên đã tạo ra những áp lực và nó trở thành phản văn hóa. Có những gia đình thậm chí phải vay mượn để cho con gái những tài sản. Chính những đôi nam nữ kết hôn cũng nảy sinh những đòi hỏi,  ép buộc cha mẹ phải đáp ứng những yêu cầu về vật chất”- ông Nguyễn Văn Sáng nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sơn La cho phép tổ chức đám cưới trở lại bình thường
Sơn La cho phép tổ chức đám cưới trở lại bình thường

VOV.VN - Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La cho biết như vậy tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tổ chức sáng 6/7.

Sơn La cho phép tổ chức đám cưới trở lại bình thường

Sơn La cho phép tổ chức đám cưới trở lại bình thường

VOV.VN - Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La cho biết như vậy tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tổ chức sáng 6/7.

Lễ rước dâu đậm sắc màu văn hóa của người Dao Khâu
Lễ rước dâu đậm sắc màu văn hóa của người Dao Khâu

VOV.VN - Với đồng bào Dao khâu ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, lễ rước dâu là nghi lễ quan trọng, được tổ chức vào ngày chính thức của lễ cưới.

Lễ rước dâu đậm sắc màu văn hóa của người Dao Khâu

Lễ rước dâu đậm sắc màu văn hóa của người Dao Khâu

VOV.VN - Với đồng bào Dao khâu ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, lễ rước dâu là nghi lễ quan trọng, được tổ chức vào ngày chính thức của lễ cưới.