Hội thảo “Khủng hoảng toàn cầu và giải pháp của cánh tả”

Các diễn giả thảo luận nhiều nội dung liên quan tới khủng hoảng toàn cầu hiện nay và giải pháp tương lai.

Hội thảo “Khủng hoảng toàn cầu và giải pháp của cánh tả” do Liên hiệp các tổ chức hũu nghị Việt Nam phối hợp với Văn phòng đại diện Viện Rosa Luxemburg tại Việt Nam tổ chức, khai mạc sáng 10/11 tại Hà Nội. Hội thảo do ông Trần Đắc Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và bà Nadja Charaby, trưởng đại diện Viện Rosa Luxemburg tại Việt Nam chủ trì.

Toàn cảnh cuộc Hội thảo

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày với 6 phiên thảo luận. Trong ngày đầu tiên, các đại biểu tập trung thảo luận các chủ đề gồm: Khủng hoảng tài chính và giải pháp chiến lược thay thế của Cánh tả trên thế giới; Khủng hoảng toàn cầu và các mối quan hệ lao động - thế giới lao động; Khủng hoảng toàn cầu và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Đắc Lợi, Phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết, cuộc hội thảo diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khủng hoảng nợ công châu Âu đang tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Ông Trần Đắc Lợi cho biết: “Cuộc khủng hoảng tài chính đang tiếp tục diễn ra trên thế giới và tác động sâu rộng đến kinh tế cũng như cuộc sống người dân nhiều nước trên thế giới. Đây là hội thảo lần thứ 2 sau 3 năm để chúng ta tìm hiểu nguyên nhân và dự báo về những diễn biến, tác động của cuộc khủng hoảng ở quy mô thế giới, nhất là các nước đang phát triển. Chúng tôi mời đến hội thảo các nhà nghiên cứu cánh tả để cùng chia sẻ quan điểm, bởi vì chúng ta cần những quan điểm, cách nhìn mang tính khách quan, độc lập với những cách nhìn tiến bộ để đánh giá thực chất tình hình, đưa ra các đề xuất vì lợi ích nhân dân, vì mục tiêu phát triển con người”.

Về phần mình, bà Nadja Charaby, Trưởng đại diện Viện Rosa Luxemburg tại Việt Nam cho biết, hội thảo lần này là cơ hội để các chyên gia, học giả các đảng cánh tả trao đổi sâu rộng về tình hình kinh tế thế giới, nguyên nhân và bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, đặc biệt là khủng hoảng nợ công châu Âu.

Tại hội thảo, các học giả cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là khủng hoảng chu kỳ của chủ nghĩa tư bản, nhưng trầm trọng hóa hơn nhiều do việc áp dụng các chính tự do mới của chủ nghĩa tư bản.

Đây không chỉ đơn thuần khủng hoảng tài chính mà còn là khủng hoảng năng lượng, môi trường…. Đó là khủng hoảng mô thức phát triển, mô hình phát triển dựa vào sự chiếm hữu, dựa vào phát triển vì lợi nhuận là trên hết.

Các học giả cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu từ đầu năm 2010 đã đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới và nguy hiểm hơn của khủng hoảng tài chính thế giới.

Cuộc khủng hoảng này cho thấy những mâu thuẫn trong lòng chủ nghĩa tư bản. Đó là sự phản ứng yếu ớt của các nước tư bản chủ nghĩa, đặt biệt là Mỹ trước một loạt các gói kích cầu khổng lồ liên quan tỷ lệ lãi suất thấp kỷ lục.

Trong phản ứng với khủng hoảng nợ công Hy Lạp, các chính phủ chạy đua thay thế các gói kích cầu bằng các biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu công. Tình trạng này đang diễn ra trên khắp thế giới.

Mặc dù biết rằng các biện pháp thắt chặt chi tiêu tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể sẽ dẫn đến cuộc suy thoái kinh tế thứ hai, song các nước tư bản lo ngại nếu không đi theo hướng này sẽ gặp rủi ro hơn. Hiện tâm bão tài chính thế giới đang nằm ở châu Âu, nơi đang hứng chịu các khủng hoảng nợ ngân hàng và nợ công.

Ông Pedro Perez, nguyên Bộ trưởng Tài chính Ecuador cho biết, trước tình hình khủng hoảng tài chính có nguy cơ lan rộng trên thế giới, các nước Mỹ Latinh đang tăng cường hợp tác nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của khủng hoảng. Đó là sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương trong khu vực, bên cạnh đó khu vực Mỹ Latinh có kế hoạch thiết lập một đồng tiền chung của khu vực, hạn chế ảnh hưởng của đồng USD.

Ông Perez cho rằng, các nước cần tập trung giải quyết các vấn đề như tham nhũng, bất công trong phân phối của cải trong xã hội, sự độc quyền của các tập đoàn, các công ty lớn. Chính phủ các nước cần tập trung hướng đến một nền sản xuất bền vững, hướng đến tương lai, dựa vào nội lực để hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài.

Bà Daiber Brigide Trude, Trưởng đại diện Văn phòng Viện Rosa Lucxemburg tại Bỉ cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay, cần tăng cường sự hợp tác giữa các nước, đặt biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam và Mỹ Latinh.

Trong các phần thảo luận, các chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam đề cập thực trạng và nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng, những biện pháp mà các nước đã và đang triển khai, đồng thời đưa ra những nhận định, dự báo quan trọng, những hướng đi, giải pháp trong khắc phục khủng hoảng kinh tế, nhất là đối với những nước đang phát triển và những quốc gia mới nổi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên