Hội thảo quốc tế lần 10 vùng châu Á- Thái Bình Dương về kỹ thuật biển
VOV.VN -Hội thảo nhằm thúc đẩy việc trao đổi học thuật về các nghiên cứu liên quan đến bờ biển, bao gồm kỹ thuật ven biển và các vấn đề môi trường ven biển
Sáng 26/9, tại Hà Nội diễn ra lễ khai mac và phiên toàn thể của hội thảo quốc tế lần thứ 10 vùng châu Á- Thái Bình Dương về kỹ thuật biển (APAC- 2019). Sự kiện do Trường Đại học Thủy lợi đăng cai tổ chức. Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ, cùng lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và hơn 300 đại biểu nước ngoài từ 18 quốc gia vùng lãnh thổ.
Các nhà khoa học chia sẻ những kinh nghiệm kiến thức, kỹ thuật mới liên quan đến bờ sông cửa biển, vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề nước biển dâng. |
Hội thảo nhằm thúc đẩy việc trao đổi học thuật về các nghiên cứu liên quan đến bờ biển, bao gồm kỹ thuật ven biển và các vấn đề môi trường ven biển tại các quốc gia khu vực châu Á và Thái Bình Dương.
Hội thảo được tổ chức 2 năm một lần bởi các nước thành viên trong khu vực. Với chủ đề “Sống cùng thiên nhiên, đối phó với những thay đổi của vùng bờ biển” hội thảo bao gồm 9 nhóm chuyên môn chính và 1 tiểu ban về đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, Trưởng Ban tổ chức hội thảo cho biết: “Trong hội thảo APAC lần này có rất nhiều nhà khoa học ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương đến cùng chia sẻ những kinh nghiệm kiến thức, kỹ thuật mới về vấn đề liên quan đến bờ sông cửa biển, vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề nước biển dâng. Vì vậy tôi kỳ vọng, hội thảo APAC này, các nhà khoa học sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong nước đặc biệt là những kinh nghiêm, công nghệ của các quốc gia tiên tiến ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và thế giới để làm thế nào đó chúng ta có giải pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta bền vững trước mắt cũng như về lâu dài”.
Dự kiến hội thảo diễn ra trong 3 ngày với 6 bài giảng chính và 199 bài thuyết trình được chia thành 10 phiên song song./. Hà Nội và TP HCM vào top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới