Hơn 100 hồ chứa ở Hà Tĩnh hư hỏng, xuống cấp nguy cơ mất an toàn
VOV.VN - Theo đánh giá của cơ quan chức năng hiện Hà Tĩnh đang có hơn 200 hồ chứa và công trình thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng gây nguy cơ mất an toàn hồ đập. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều công trình đã được xây dựng từ lâu và vấn đề thiếu kinh phí để sửa chữa, nâng cấp.
“Đập cao Thắng bắt đầu xuất hiện tình trạng thẩm thấu cách đây 5-7 năm. Việc này tôi là thôn trưởng đã báo cáo Ủy ban xã, huyện cơ quan chức năng”.
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Quốc Anh, trưởng thôn 6, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh về tình trạng thẩm thấu tại hồ thủy lợi Cao Thắng đã kéo dài nhiều năm qua. Đứng trước tình trạng này ông và người dân trong thôn không khỏi lo lắng về an toàn nếu hồ này xảy ra sự cố.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang, hồ Cao Thắng đã được làm từ 23 năm trước, đến nay đã xuống cấp và tình trạng nước thấm ra ngoài thân đập. Chính quyền địa phương đã có báo cáo với cơ quan cấp trên và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý đập để chủ động các phương án ứng phó.
“Quá trình nắm bắt của địa phương đối với thân đập hiện nay cũng có một số vị trí bị thẩm thấu. Nếu an toàn hồ chứa đảm bảo thì cần sớm được khắc phục vì vùng hạ du của đập có người dân ở xung quanh. Hàng năm lại thấy chỗ thẩm thấu lớn dần. Đập thì đóng trên địa bàn xã, trong quá trình làm đơn vị trực tiếp quản lý cũng trao đổi với địa phương. Mùa mưa bão, trực 24/24, sẵn sàng các phương án xử lý, xả tràn theo quy định để đảm bảo an toàn thân đê”, ông Nguyễn Đức Thắng nói.
Trên địa bàn huyện Hương Sơn hiện có 110 hồ chứa và 4 đập dâng, trong đó có 1 hồ dung tích trên 3 triệu m3, 6 hồ có dung tích từ 1 - 3 triệu m3, 11 hồ dung tích từ 0,5 - 1 triệu m3, còn lại là các hồ chứa nhỏ.
“Do lâu năm nó bị lầy thụt, tức là hệ thống tầng lọc ngược phía sau bị tắc, ứ nước lên, gây lầy thụt ở chân đập, làm chân đập nặng đè xuống, có thể gây vỡ đập, rất nguy hiểm cho hộ dân xung quanh”,
Hồ Vực Rồng nằm trên địa bàn xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn. Đến nay, thân đập của hồ này đã có dấu hiệu bị thấm mạnh, kéo dài khoảng hơn 100m theo chiều dài đập. Tại chân đập chảy thành dòng, gây sình lầy tại nhiều vị trí.
Ông Hoàng Huy Hiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn thừa nhận: không chỉ hồ Vực Rồng mà các hồ đập tại địa bàn xã đều bị sạt lở, thẩm thấu nước, thân đập bị xuống cấp. Để khắc phục tình trạng này chính quyền xã cùng với đơn vị quản lý hàng năm đều huy động nguồn lực tại chỗ gia cố thân đập bằng phương pháp đơn giản để hạn chế bớt nguy cơ mất an toàn.
“Việc thẩm thấu xảy ra lâu rồi và nước mạch nhỏ nên chảy ra. Chính quyền địa phương nắm bắt thông tin phối hợp với công ty có biện pháp khắc phục tạm thời. Ví dụ khi có ảnh hưởng mưa bão thì cùng công ty quản lý sẵn sàng các phương án ứng cứu”, ông Hoàng Huy Hiệu cho hay.
Ông Trần Quang Thạch, Trạm trưởng trạm Thủy lợi Hương Sơn, phụ trách quản lý hồ Vực Rồng cho biết: hồ này được xây dựng từ năm 1991 với dung tích hơn 3 triệu m3 nước. Tình trạng nước thẩm thấu thân đập đã diễn ra trong nhiều năm và ngày càng nghiêm trọng. Để xử lý dứt điểm tình trạng này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn nên đơn vị hiện vẫn đang chủ yếu sử dụng các phương pháp khắc phục tạm thời
“Hiện nay, hiện tượng bùn nhão và nước sình lầy đã xuất hiện rất nhiều dọc theo tuyến đập có một vài điểm đến cao trình 13. Đối với quản lý hồ đập, anh em thường xuyên kiểm tra. Xử lý thẩm thấu gặp khó trong kinh phí. Nếu muốn xử lý con đập này phải mất khoảng 5 tỷ đồng trở lên”, ông Trần Quang Trạch cho hay.
Báo cáo của Chi cục thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện đang có 348 hồ chứa thủy lợi. Qua kiểm tra, đang có 85 hồ đập bị thấm, trong đó, 20 công trình bị thấm nặng. 93 hồ đập bị sạt trượt mái thượng lưu, hạ lưu; 8 công trình bị nứt ngang thân đập. Tình trạng hư hỏng, xuống cấp tập trung chủ yếu ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh. Tuy vậy hiện nay nguồn kinh phí cho việc sửa chữa các hồ này vẫn đang rất thiếu.
Ông Hồ Duy Phiệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “Kinh phí nâng cấp sửa chữa hồ đập khó khăn. Hệ thống hồ đập thủy lợi đã được xây lâu rồi, từ những năm 60-70, đến nay đã xuống cấp. Mặc dù những năm qua nhà nước quan tâm đầu tư nhưng qua rà soát của anh em có khoảng 51 hồ chứa xuống cấp ảnh hưởng an toàn đập. Đề nghị có các chương trình hỗ trợ về vốn để tỉnh sửa chữa hệ thống hồ đập đã bị xuống cấp hư hỏng, mất an toàn. Có chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thủy lợi và hỗ trợ cho tỉnh một phần kinh phí để xây dựng bản đồ ngập lụt, quan trắc”.
Hàng loạt hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng chưa được khắc phục, sửa chữa tại tỉnh Hà Tĩnh đang trở thành vấn đề lo ngại trong mùa mưa lũ. Thực tế tại địa phương này cũng đã từng xảy ra vỡ, sạt lở đập như: Sự cố vỡ đập Cố Châu tại xã Gia Hanh, huyện Can Lộc vào năm 2017. Mới đây nhất là sự cố sạt lở đập Khe Xai, xã Hương Minh, huyện Vũ Quang vào năm 2022. Trước thực trạng này, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có chỉ đạo các địa phương, cơ quan quản lý chủ động các biện pháp ứng phó với nguy cơ mất an toàn hồ đập. Chính quyền các cấp có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn, lực lượng phòng chống lụt bão ứng trực tại các điểm xung yếu, chuẩn bị các vật tư thiết bị để xử lý khi có sự cố bất thường xảy ra tại các hồ đập.