Hơn 1.400 ha lúa ở Cà Mau đổ ngã, đê biển bị uy hiếp do mưa lớn
VOV.VN - Mưa lớn kèm thời tiết cực đoan mấy ngày qua đã gây nhiều thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hơn 1.400 ha lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch đã bị đổ ngã. Đê biển Tây tiếp tục bị uy hiếp do sạt lở.
Tại vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, Cà Mau mưa lớn làm mực nước trong nội đồng dâng cao. Nhiều diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch bị ngập ngang cổ bông. Đặc biệt, hàng trăm ha lúa ở các xã Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình Đông... đang chuẩn bị thu hoạch bị đổ, sập. Thực trạng này dẫn đến nguy cơ giảm năng suất lúa.
Số liệu tổng hợp từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cà Mau cho thấy, mưa lớn những ngày qua đã đổ ngã hơn 1.400 ha lúa. Tập trung chủ yếu ở huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời. Để cứu lúa, người dân phải tiến hành bơm nước ra ngoài sông, kênh rạch. Tuy nhiên, nhiều đoạn bờ bao bị ngập nên công tác bơm nước không thể thực hiện. Việc tháo nước ra các cống thủy lợi hiện cũng đang gặp khó do thủy triều cũng đang dâng cao.
Ông Nguyễn Trung Việt (ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) cho biết: "Bây giờ máy gặt đến, nước lớn như thế này thì cũng không cắt được. Phải bơm ra, hoặc xổ cống như thế nào đó. Máy cắt đùa thì sẽ bị giảm năng suất, bị thiệt hại. Rất khó khăn".
Ngoài gây thiệt hại cho trà lúa Hè Thu, thời tiết cực đoan còn làm thủy triều dâng cao, nước mặt tràn qua đập ngăn mặn tại vị trí Cống Trùm Thuật Nam (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời). Đặc biệt, nhiều đoạn đê biển Cà Mau đã bị sạt lở nghiêm trọng trước đó tiếp tục bị đe dọa. Tại các đoạn sạt lở đê biển dài hơn 3km trước đó tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống sạt lở khẩn cấp, tiếp tục xuất hiện thêm khoảng 300 m bị sóng đánh sạt lở hết rừng phòng hộ bên ngoài.
Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp, Phát triển nông thôn Cà Mau cho biết, nguy cơ sóng biển đánh vỡ đê tại các đoạn này có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nguy cấp nhất là đoạn Đá Bạc - Kênh Mới. Việc gia cố đê đang gặp những khó khăn do thời tiết xấu diễn ra liên tục. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đang khẩn trương, bằng mọi giải pháp bảo vệ đê. Đặc biệt, công tác gia cố đoạn đê đã bị sụt lún trước đó sẽ được khắc phục nhanh, tránh vỡ đê.
"Với tuyến đê sụt lún, chúng tôi đã có giải pháp bảo vệ bên ngoài. Tuy nhiên, nếu triều cường, nước dân cao như hồi tháng 8 năm trước thì sẽ không chống lại được, sẽ vỡ đê. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu phải khắc phục ngay đoạn đê sụt lún này để những cơn bão cuối năm không ảnh hưởng", ông Nam nói.
Thời tiết cực đoan mấy ngày qua cũng đã làm sập 1 căn và tốc mái 2 căn nhà của người dân Cà Mau. Thủy triều dâng cao cũng đã làm hơn 1.200 ha bờ vuông tôm bị tràn, gây thiệt hại nặng cho người nuôi trồng trồng thủy sản./.