Hơn 2 tỷ người trên thế giới chưa được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh

VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, vẫn còn hơn 2 tỷ người trên thế giới chưa được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh.

Quyền sử dụng nước sạch là của mọi người

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày nước thế giới và Khai mạc Tuần lễ nước quốc tế tại Việt Nam –VACI 2019. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà dự và chủ trì buổi lễ.

Ngày Nước thế giới 2019 với chủ đề: “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” với các mục tiêu cụ thể như: Nước cho phụ nữ, Nước cho nơi làm việc, sản xuất, Nước cho nông thôn, Nước cho người tị nạn, Nước cho các bà mẹ, Nước cho trẻ em, Nước cho học sinh, sinh viên, Nước cho những người bản địa, thiểu số, Nước cho người khuyết tật,...

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi mít tinh.
Theo thống kê hiện nay, trên toàn thế giới, khoảng 1,9 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước; hơn 2,1 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn. Dự kiến, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng thêm khoảng 2 tỷ người và nhu cầu về nước toàn cầu có thể tăng lên tới 30% so với hiện nay. Trên toàn cầu, ước tính trên 80% lượng nước thải xả ra môi trường tự nhiên mà không được xử lý hoặc không được tái sử dụng,…
Để đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm đưa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến quản lý tài nguyên nước vào cuộc sống.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đặt ra năm 1992 thì mục tiêu số 6 là Nước sạch và vệ sinh, điều này có nghĩa là không có ai không được sử dụng đủ nước và an toàn. Nhưng thực tế hiện nay, vẫn còn hơn 2 tỷ người trên thế giới chưa được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh, trong đó bao gồm các hộ gia đình, trường học, nơi làm việc, trang trại và các nhà máy. Đặc biệt, việc thiếu nước sạch có tác động bất lợi đến các nhóm cộng đồng nghèo, nhạy cảm, dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người tị nạn, người thiểu số, người khuyết tật… 

Thông điệp của Ngày Nước thế giới 2019, “Nước cho tất cả để không ai bị bỏ lại phía sau” hướng đến việc các cộng đồng đều được tiếp cận nước đẩy đủ và hợp vệ sinh, đồng thời mong muốn đưa ra giải pháp giải quyết nguyên nhân tại sao hiện nay vẫn còn nhiều người còn bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận nguồn nước.

Các đại biểu thực hiện nghi thức Khai mạc Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam – VACI 2019.

Các mục tiêu cụ thể của chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2019 bao gồm: Nước cho phụ nữ, Nước cho nơi làm việc, sản xuất, Nước cho nông thôn, Nước cho người tị nạn, Nước cho các bà mẹ, Nước cho trẻ em, Nước cho học sinh, sinh viên, Nước cho những người bản địa, thiểu số, Nước cho người khuyết tật, v.v... Cùng với việc được tiếp cận đủ nước, thì tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng; điều này là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. Chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi còn nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn.

Phát biểu tại buổi lễ, ngài Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, nước là sự sống, ngày càng trở nên khan hiếm, vai trò của nước ngày càng quan trọng trong sự phát triển con người.

“Dân số thế giới đang đối mặt với nguy cơ sức khỏe khi nước ngày càng ô nhiễm là nguyên nhân tử vong của 840.000 trường hợp 1 năm. Thiên tai do nước khiến cho chúng ta gặp nhiều thách thức, nếu đủ nước sạch sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Tài nguyên nước góp phần phát triển an ninh lương thực, duy trì phát triển bền vững, thể hiện quan trọng ngày càng lớn của nước,... Thời đại chúng ta phụ thuộc vào sự bảo vệ quản lý tài nguyên nước đặc biệt là nước ngọt”, ngài Kamal Malhotra nói.

Ngài Kamal Malhotra cho biết thêm, nước đóng vai trọng tại Việt Nam nhưng đang gặp nhiều nguy cơ như nông nghiệp và kinh tế,...Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực to lớn nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. 4,5 triệu người ở Việt Nam đang chưa tiếp cận được nước sạch nên cần phải nỗ lực hơn nữa để không ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị bất bình đẳng.

Cải thiện nước sạch ở khu vực nông thôn

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, Việt Nam là quốc gia có số dân đông thứ 15 trên thế giới, trong đó gần 2/3 sống dọc theo ba lưu vực sông chính là sông Hồng, sông Cửu Long và sông Đồng Nai. Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã tích cực cải thiện tình hình cung cấp nước, trong đó tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho cả khu vực đô thị và nông thôn, tăng cường sự tham gia của người dân và tăng cường kiến thức quản lý lưu vực sông.

Trong chương trình có nhiều hoạt động được đồng hành tổ chức.
Cụ thể: công tác điều tra tài nguyên nước mặt, nước ngầm được chú trọng và tăng cường; việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước được đẩy mạnh nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu; các giải pháp “thông minh” nhằm quản trị và bảo vệ nguồn nước đã được đưa ra và từng bước cho thấy vai trò quan trọng; qua đó giúp duy trì và nâng cao hiệu quả phát triển bền vững trong ngành tài nguyên nước.

“Trong thời gian tới chúng tôi cũng đề nghị các tổ chức trong nước và quốc tế, các cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước cùng đồng hành với Chính phủ và Bộ TN&MT, đề xuất những sáng kiến, hành động cụ thể nhằm xử lý ô nhiễm, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn tài nguyên nước; cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ các nguồn nước”, Bộ trường Trần Hồng Hà nói.

Cùng với chương trình mít tinh, Tuần lễ nước quốc tế VACI 2019 với chủ đề “Giải pháp nước thông minh, không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng được tổ chức nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và trong nước về quản trị nước thông minh; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, hướng đến quản lý, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên nước; Tăng cường khả năng, cơ hội hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường nước và ngành công nghiệp nước tại Việt Nam; Tranh thủ cơ hội quảng bá hình ảnh, thế mạnh và tiềm năng, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ sự kiện, Bộ TN&MT đã bàn giao bộ sản phẩm tài nguyên nước cho các Bộ, ngành và địa phương; triển lãm ảnh về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; giới thiệu các sản phẩm trong lĩnh vực tài nguyên nước, công bố Hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân là Đại sứ Ngày nước thế giới năm 2019.

Chia sẻ tại buổi mít tinh, bà Madhu Raghunath, Điều phối viên chương trình phát triển bền vững của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, không có nước thì chúng ta không thể sống được, 1,8 tỷ người dùng nước uống không hợp vệ sinh, hơn 1 tỷ người đi vệ sinh không hợp vệ sinh,...nước như Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc nâng cao nước sạch và vệ sinh, cần làm nhiều hơn nữa nhất là vùng nôn thôn.

Nghiên cứu của ngân hàng thế giới, điều kiện vệ sinh không tốt dẫn tới thu nhập bị mất đi, chiếm 0,5 GDP hàng năm, phụ nữ trẻ em đặc biệt ở nông thôn vẫn còn bị bỏ lại phía sau về nước sạch và vệ sinh. Trẻ em còi cọc là vấn đề cao ở việt nam nhất là dân tộc thiểu số ở vùng hẻo lánh. Ngân hàng thế giới đã hỗ trợ việt Nam, tiếp cận trên 30 tỉnh thành từ thành thị và nông thôn, tăng đầu tư về cung cấp nước sạch từ TP HCM đến Quảng Bình,...Một số thách thức của Việt Nam và các nước là ô nhiễm nước, thiên tai ảnh hưởng đến 70% dân số, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng nghiêm trọng thì phải nâng cao hiệu quả và sự thích ứng. Việt Nam cần giảm nguy cơ nước bẩn, thiếu nước và ô nhiễm, chúng tôi sẽ cùng quý vị để đảm bảo nguồn nước an toàn và đảm bảo nhu cầu của người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nước cho tất cả - Không ai bị bỏ lại phía sau
Nước cho tất cả - Không ai bị bỏ lại phía sau

VOV.VN - Làm thế nào để quản lý tài nguyên nước có hiệu quả để mọi người đều có thể tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh?

Nước cho tất cả - Không ai bị bỏ lại phía sau

Nước cho tất cả - Không ai bị bỏ lại phía sau

VOV.VN - Làm thế nào để quản lý tài nguyên nước có hiệu quả để mọi người đều có thể tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh?