Hơn 20 năm gắn bó với vùng cao, thầy giáo kết nối xây dựng gần 60 điểm trường

VOV.VN - Hơn 20 năm gắn bó với những điểm trường xa xôi nhất ở vùng cao tỉnh Quảng Nam, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ không chỉ là người mang con chữ đến học sinh miền núi mà còn là cầu nối để các em có thêm những bữa cơm no, những tấm áo ấm. Từ nỗ lực vận động của thầy Vỹ và các cộng sự, đã có thêm khoảng 60 điểm trường được xây mới tại huyện miền núi khó khăn Nam Trà My.

 

- “Thầy Vỹ là người tốt, thầy hay cho con và các bạn của con nhiều quà. Con cảm ơn thầy Vỹ đã quan tâm nhiều đến tụi con”.

- "Thầy là một người tốt, thầy hiền lành và bao dung, con cũng muốn con học thật tốt để sau này trưởng thành con sẽ là một người giống như thầy".

Các em học sinh vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã dành tình cảm như vậy đối với thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ, giáo viên Trường PTDTBT Vừa A Dính, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Với nhiều lứa học sinh ở vùng đất này, thầy Vỹ như người cha tinh thần, đồng hành cùng các em trên con đường đến lớp còn lắm nhọc nhằn.

Hơn 20 năm trước, chàng trai trẻ Nguyễn Trần Vỹ vừa ra trường. Anh nhận công tác ở những điểm trường xa xôi trên các thôn, nóc tại huyện nghèo Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Thầy Nguyễn Trần Vỹ nhớ lại, những năm đầu đi dạy lắm gian nan, cả thầy và trò phải đi bộ nhiều cây số để đến trường. Những lớp học tạm bợ nằm giữa núi đồi, mây giăng trắng xóa, mái lợp bằng tranh, thưng vách bằng cây rừng. Mùa nắng, ngồi trong lớp có thể thấy cả mặt trời, mùa mưa nước dột xuống, trời lạnh thì gió lùa vào lớp học, thầy trò phải nhóm lửa giữa lớp để sưởi ấm. Trang thiết bị đồ dùng lại vô cùng thiếu thốn, thầy Nguyễn Trần Vỹ nhớ những lần thức khuya soạn giáo án là sáng hôm sau mặt thầy cô giáo lại lem luốc khói đèn dầu...  

“Lúc đó điều kiện rất khó khăn, phải đi bộ hơn 5 giờ đồng hồ mới tới được trường. Khi đó tôi là giáo viên chủ nhiệm nên tìm đến từng nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh các em. Khi lên đó tôi chứng kiến cuộc sống các em quá khó khăn, thậm chí áo quần không đủ, tóc bù xù, mặt nhem nhút nhưng mỗi khi đến lớp thì các em vẫn rất ngoan ngoãn. Những tình cảm đó đã thôi thúc và giữ chân tôi làm việc tại đây”.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, thầy Vỹ đã gắn bó với vùng cao hơn 20 năm. Thương học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thầy Vỹ đã thành lập và làm Chủ nhiệm "Câu lạc bộ Kết nối yêu thương" huyện Nam Trà My. Ngày đầu thành lập chỉ với 23 thành viên là các giáo viên, cán bộ trong huyện cùng nhau kêu gọi xây dựng, sửa chữa các điểm trường học lụp xụp. Anh Hồ Đào Phước, phụ huynh học sinh xã Trà Vân, huyện Nam Trà My nhớ lại, cách đây 3 năm, điểm trường làng ông Ruộng ở thôn 3, xã Trà Vân thiếu thốn trăm bề. Nhờ sự kết nối của thầy Vỹ, nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ xây mới điểm trường này với diện tích 500m2, gồm 1 phòng học, 1 phòng ở, khu vui chơi và nhà ăn cho học sinh, tổng kinh phí 370 triệu đồng.

Anh Hồ Đào Phước nói: “Thầy Vỹ vừa làm một người thầy nhưng vừa làm việc kết nối yêu thương nữa. Thầy vừa làm việc trường, vừa làm từ thiện. Từ khi thầy lên đây thầy giúp nhiều từ việc làm các điểm trường tại xã, sân chơi cho con em chúng tôi. Nhờ đó mà học sinh ở đây đến trường, đến lớp ngày càng đông hơn nữa. Là phụ huynh tôi rất cảm động, cảm ơn chân thành”.

Qua kết nối của thầy Vỹ và Câu lạc bộ, đã có khoảng 60 điểm trường với khoảng 140 phòng học được xây mới; hàng chục nhà công vụ, nhà bếp, nhà vệ sinh khu nội trú được nâng cấp khang trang hơn; nhiều hoạt động an sinh xã hội, giúp người dân thoát nghèo đã được thực hiện… Tổng kinh phí được huy động là hơn 100 tỷ đồng. Cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Trường mầm non Họa Mi, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều đồng nghiệp ở vùng cao Nam Trà My cảm phục tấm lòng của thầy Nguyễn Trần Vỹ nên đã tham gia Câu lạc bộ Kết nối yêu thương, cùng nhau lan tỏa  tình yêu thương học trò.

“Thầy Vỹ đã quan tâm đến mấy em nhỏ, giúp cho các em có được ngôi trường mới. Cũng là giáo viên giống như tôi nhưng thầy Vỹ đã làm được nhiều việc rất ý nghĩa”.

Không chỉ dừng lại ở việc giúp thầy cô và các em học sinh vùng cao Nam Trà My có được trường lớp khang trang hơn, những việc làm của thầy Nguyễn Trần Vỹ còn góp phần vun đắp niềm tin và tinh thần vượt khó ở các thế hệ học sinh miền núi. Thầy Vỹ cho biết, có thời điểm 2, 3 tháng không thể về thăm nhà, do công việc chuyên môn bận rộn và đến cuối tuần lại vác ba lô lặn lội đến những bản làng xa xôi nhất để kết nối yêu thương, giúp đỡ người dân và học sinh nghèo khó.

“Là một người thầy giáo mình cố gắng hết sức mình để một phần giúp đỡ bà con trong quá trình công tác, để trường học, lớp học được khang trang hơn. Mục tiêu lớn hơn là mình muốn kêu gọi các mạnh thường quân mở những con đường đến những bản làng, đến những điểm trường xa xôi mà đường đi quá cách trở như hiện nay”.

Ông Lê Thanh Hưng, Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có nhiều học sinh Nam Trà My sau khi tốt nghiệp Đại học ra trường về công tác tại địa phương, trở thành đồng nghiệp và là người đồng hành với thầy Vỹ trên hành trình gieo chữ ở vùng cao còn nhiều khó khăn.

“Thầy Vỹ rất tâm huyết với nghề nghiệp và yêu thương con em học sinh. Thầy thấy được những khó khăn cần được kết nối, kêu gọi thì thầy lặn lội tìm những hình ảnh, thông tin để kêu gọi hỗ trợ con em khó khăn vươn lên trong học tập”.

Tình yêu thương học sinh và tâm huyết với nghề dạy học của thầy Nguyễn Trần Vỹ đã lan tỏa đến nhiều thế hệ học sinh nơi rẻo cao Nam Trà My. Nhiều học sinh cũ của thầy trưởng thành, trở thành cán bộ, giáo viên cũng đã quay trở lại vùng đất này công tác.

Những cá nhân như thày Vỹ đã và đang góp phần phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó kết hợp với các chương trình, dự án ở địa phương từng bước nâng cấp các điểm trường, kiên cố lớp học thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021-2030.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhìn những em nhỏ vùng cao, nhiều cô giáo từ bỏ ý định về xuôi công tác
Nhìn những em nhỏ vùng cao, nhiều cô giáo từ bỏ ý định về xuôi công tác

VOV.VN - Nhìn những đôi mắt trong veo, gương mặt lem luốc của học sinh vùng cao, nhiều cô giáo từ bỏ ý định chuyển về công tác dưới xuôi dù có cơ hội.

Nhìn những em nhỏ vùng cao, nhiều cô giáo từ bỏ ý định về xuôi công tác

Nhìn những em nhỏ vùng cao, nhiều cô giáo từ bỏ ý định về xuôi công tác

VOV.VN - Nhìn những đôi mắt trong veo, gương mặt lem luốc của học sinh vùng cao, nhiều cô giáo từ bỏ ý định chuyển về công tác dưới xuôi dù có cơ hội.

Tết của giáo viên vùng cao Lai Châu
Tết của giáo viên vùng cao Lai Châu

VOV.VN - Việc về quê ăn Tết hay ở lại trường luôn là nỗi trăn trở của mỗi giáo viên miền xuôi đang công tác trên biên giới. Ai cũng có một nơi để nhớ, một chốn để về, nhưng vì nhiều lý do, hoàn cảnh, trong đó có việc huy động, níu chân học sinh quay trở lại trường lớp ngay sau tết, nhiều thầy cô đã tình nguyện ở lại đón xuân trên biên giới.

Tết của giáo viên vùng cao Lai Châu

Tết của giáo viên vùng cao Lai Châu

VOV.VN - Việc về quê ăn Tết hay ở lại trường luôn là nỗi trăn trở của mỗi giáo viên miền xuôi đang công tác trên biên giới. Ai cũng có một nơi để nhớ, một chốn để về, nhưng vì nhiều lý do, hoàn cảnh, trong đó có việc huy động, níu chân học sinh quay trở lại trường lớp ngay sau tết, nhiều thầy cô đã tình nguyện ở lại đón xuân trên biên giới.

Chuyển giáo viên nhiều cống hiến về vùng thấp để giữ chân “người gieo chữ” vùng cao
Chuyển giáo viên nhiều cống hiến về vùng thấp để giữ chân “người gieo chữ” vùng cao

VOV.VN - Tỉnh Yên Bái trong 2 năm qua đã điều chuyển gần 100 giáo viên đang công tác ở các huyện vùng cao và các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn về các huyện, thị xã, thành phố vùng thấp hơn.

Chuyển giáo viên nhiều cống hiến về vùng thấp để giữ chân “người gieo chữ” vùng cao

Chuyển giáo viên nhiều cống hiến về vùng thấp để giữ chân “người gieo chữ” vùng cao

VOV.VN - Tỉnh Yên Bái trong 2 năm qua đã điều chuyển gần 100 giáo viên đang công tác ở các huyện vùng cao và các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn về các huyện, thị xã, thành phố vùng thấp hơn.