Hơn 2.000 con sông ở nước ta có nguy cơ trở thành dòng sông chết

VOV.VN - Nhiều sông ở nước ta có nguy cơ trở thành dòng sông chết do bị khai thác bừa bãi, lấp sông, ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái và cộng đồng dân cư...

Với 2.372 con sông có chiều dài hơn 10km, đây là lợi thế của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều năm trở lại đây, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông đang diễn ra khá sôi động.

Sông Tô Lịch ở Hà Nội biến thành dòng sông chết.

Thực tế dễ dàng thấy các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đều gắn với các lưu vực sông lớn như: Hệ thống sông Hồng - Thái Bình, hệ thống sông Đồng Nai, Mê Công... và các cửa sông ven biển, đã đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của cả đất nước. 

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển này cũng đã và đang gây ra khá nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, trong đó có môi trường nước trên các lưu vực sông. 

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng xử lý nước thải ở các khu công nghiệp chỉ được 65%, đô thị 15%, nông nghiệp 0%. TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, tất cả lượng nước thải không qua xử lý hoặc qua xử lý nhưng có thải lượng ô nhiễm lớn được đổ thẳng vào các hệ thống sông tiêu rồi ra dòng sông chính hoặc đổ thẳng xuống dòng chính. Khả năng tự làm sạch các sông có giới hạn – hầu hết các sông đô thị ở các thành phố lớn, nhỏ của Việt Nam đã trở thành những “dòng sông chết”.

"Tài nguyên nước của Việt Nam bị đe dọa, suy thoái và cạn kiệt do phát triển không bền vững. Hạ tầng cơ sở trên sông, ven sông gây ô nhiễm môi trường nước do xả thải từ rất nhiều nguồn và đặc biệt có những bất cập trong quản lý. Phải nói rằng tổng kết rất buồn là 95% nước tại các đô thị là không được xử lý, trong khi khoảng 70 triệu người ở đô thị mà xả xuống thì không sông nào chịu được", TS Tứ nói.

Hơn 2.000 con sông ở nước ta có nguy cơ trở thành dòng sông chết.

Mặc dù Việt Nam đã có hẳn 1 hệ thống luật pháp liên quan đến bảo vệ các dòng sông như Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy lợi, Luật phòng chống thiên tai,... nhưng tình trạng suy thoái nguồn nước tại các lưu vực sông vẫn không hề được cải thiện. 

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, quy định của pháp luật thì đã có nhưng quan trọng nhất là thực thi luật pháp như thế nào.

"Về cơ bản các luật đủ hết. Vấn đề áp dụng, sử dụng quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Đây là điều rất quan trọng. Thực thi này là có vấn đề là quản lý theo pháp luật thôi. Thế nhưng mà quan trọng nhất tôi đặt vấn đề hôm nay có lẽ rộng lớn hơn đó là vấn đề liên quan đến chiến lược sử dụng tài nguyên nước. Từ chiến lược đó đẻ ra một cái cơ chế chính sách thực thi cái này như thế nào mới là quan trọng".

Đồng tình với quan điểm này, đa số ý kiến đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng, sự phân tán và chồng chéo trong thể chế quản lý tài nguyên nước nói chung và quản lý các dòng sông nói riêng đã góp phần không nhỏ vào sự suy thoái của các dòng sông. Ngoài ra, năng lực thực thi các chính sách pháp luật cũng khiến cho công tác quản lý tài nguyên nước chưa có hiệu quả, nguồn tài nguyên nước vẫn bị đe dọa, suy thoái và cạn kiệt. 

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Chủ tịch CLB cựu đại biểu quốc hội cho rằng, cần phải quy trách nhiệm người chịu trách nhiệm chính về xử lý vấn đề này.

"Nếu quy trách nhiệm những vấn đề này thì ai chịu trách nhiệm chính? Phải có bộ nào chứ? ông bộ trưởng nào? Những vấn đề này rõ ràng rất là bức xúc nhưng luật pháp chúng ta chưa đầy đủ. Rõ ràng vấn đề về mặt luật pháp có vấn đề. Tôi nghiêng về phía tức là phải nghiên cứu sâu các luật đã có và những tồn tại. Đây là cái gốc, rất nhiều vấn đề là phải quy trách nhiệm", ông Mão cho hay.

Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các dòng sông như cần phải có chế tài thật mạnh xử lý các cơ sở, doanh nghiệp xả thải trái phép vào các dòng sông; sửa Luật bảo vệ môi trường năm 2014; quy hoạch lại các công trình xây dựng trên các dòng sông và cần được xem xét cẩn trọng; đặc biệt Chính phủ cần có những kiến tạo, hành động, biện pháp kiên quyết mới có thể giữ gìn và trả lại được môi trường trong sạch cho các dòng sông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều con sông ở Việt Nam có nguy cơ thành dòng sông chết
Nhiều con sông ở Việt Nam có nguy cơ thành dòng sông chết

VOV.VN - Chất lượng nước trên các con sông đang bị ô nhiễm ở mức báo động do các nguồn nước thải.

Nhiều con sông ở Việt Nam có nguy cơ thành dòng sông chết

Nhiều con sông ở Việt Nam có nguy cơ thành dòng sông chết

VOV.VN - Chất lượng nước trên các con sông đang bị ô nhiễm ở mức báo động do các nguồn nước thải.

Những dòng sông “chết” ở Hà Nội liệu có sống lại?
Những dòng sông “chết” ở Hà Nội liệu có sống lại?

VOV.VN - Sau gần 1 năm Hà Nội quyết tâm làm "sống lại" những con sông chết thì tình trạng ngập rác thải, nước đen kịt, bốc mùi trên sông vẫn xảy ra.

Những dòng sông “chết” ở Hà Nội liệu có sống lại?

Những dòng sông “chết” ở Hà Nội liệu có sống lại?

VOV.VN - Sau gần 1 năm Hà Nội quyết tâm làm "sống lại" những con sông chết thì tình trạng ngập rác thải, nước đen kịt, bốc mùi trên sông vẫn xảy ra.