Hơn 30.000 người ở Bình Dương nhận gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp

VOV.VN -Hơn 30.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ở Bình Dương sẽ được nhận gộp một lần lương của hai tháng 4 và 5/2020.

Sáng 8/4, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hơn 30.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội ở Bình Dương sẽ được nhận gộp một lần lương của hai tháng 4 và 5/2020. Người nhận có thể đăng ký nhận tại nhà hoặc qua thẻ ATM để tránh tụ tập, phòng chống dịch Covid-19.

Việc chi trả lương hưu, trợ cấp qua bưu điện, thẻ ATM sẽ tránh tập trung đông người.

Theo đó, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 4 và tháng 5/2020 sẽ gộp vào cùng một kỳ chi trả, theo 2 hình thức: Chi trả qua tài khoản ATM đối với người đã đăng ký ATM và chi trả bằng tiền mặt qua bưu điện. Việc chi trả qua tài khoản cá nhân thực hiện trước 10/4; chi trả bằng tiền mặt từ ngày 16/4 đến ngày 10/5.

Việc chi trả tiền mặt cho các đối tượng sẽ thông qua việc nhận tiền tại các điểm chi trả của bưu điện và tại nhà. Bưu điện thực hiện việc chi trả tại nhà đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo trợ xã hội từ 80 tuổi trở lên; người hưởng dưới 80 tuổi ốm đau, đi lại khó khăn, không tự đến hoặc không ủy quyền cho người khác nhận lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội tại các điểm giao dịch bưu điện; người hưởng bị bệnh mãn tính đang được điều trị ngoại trú. Nhân viên bưu điện chủ động điện thoại từng đối tượng để xếp lịch chi trả thuận tiện nhất theo yêu cầu của người hưởng.

Người lao động đến thực hiện các giao dịch tại Bảo hiểm xã hội thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương được hướng dẫn rửa tay, đeo khẩu trang.

Với tinh thần phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cũng đã công bố số điện thoại nhân viên tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa các cơ quan bảo hiểm trong tỉnh. Khi có nhu cầu giao dịch, người dân, công nhân lao động liên hệ trước để nhận lịch hẹn nhằm phân luồng thời gian, tránh tập trung đông người đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh và khoảng cách tối thiểu trong phòng chờ giao dịch.

Bà Nguyễn Thu Nguyệt (64 tuổi), người dân phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đồng tình với cách làm này.

 “Nếu được chi trả tại nhà đã thể hiện được sự chăm lo rất chu đáo cho các đối tượng nhận lương hưu, bảo trợ xã hội. Bản thân mình đã phòng, chống cho bản thân nhưng không phải ai cũng hiểu hết nên tới chỗ đông người nhận tiền rất sợ”- bà Nguyệt nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên