Hơn 450 vụ tai nạn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết
VOV.VN - Tại bệnh viện Việt Đức Hà Nội ngày hôm nay (3/2), 90% chuyển vào cấp cứu đều là bị tai nạn giao thông.
458 vụ tai nạn giao thông, 212 người chết, 481 người bị thương trong 7 ngày nghỉ Tết âm lịch vừa qua. Đây là con số thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. So với năm ngoái thì năm nay tăng mạnh về số vụ tai nạn và số người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tình trạng người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3, kẹp 4, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều và đặc biệt là tình trạng say rượu, bia khi đi xe máy vẫn phổ biến ở cả nông thôn và các thành phố lớn.
Bệnh viện Việt Đức Hà Nội ngày hôm nay (3/2), 90% chuyển vào cấp cứu đều là bị tai nạn giao thông. Một người thân của bệnh nhân bị tai nạn giao thông cho biết: “Cháu nó đi ngày Tết, cháu uống rượu vào, không biết đường tránh nên lao vào lan can cầu. Bây giờ chẳng biết làm sao, chắc không thể qua được”.
Riêng phòng hồi sức 1, từ sáng đến chiều đã tiếp nhận hơn 20 ca và đều trong tình trạng nguy kịch. Rất nhiều nạn nhân trẻ chỉ từ 20 đến 22 tuổi. PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết: “Riêng mổ cấp cứu thì bệnh viện Việt Đức đã mổ 216 ca và chỉ có hơn 10 trường hợp là bệnh lý còn chủ yếu là tai nạn. Có 20 trường hợp chết và cho về để chết do tai nạn giao thông. Đây cũng là con số mà cần phải tính toán để làm thế nào để giảm thiểu hơn nữa”.
Phần đông nạn nhân là người dân nông thôn ở các tỉnh xa chuyển về. Tình trạng người dân, đặc biệt là thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu là những hình ảnh quen thuộc những ngày này. Họ thường nghĩ rằng: Làm cả năm, chơi mấy ngày Tết và luật lệ giao thông như không tồn tại ở đây.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng: "Chúng tôi muốn nói đến trách nhiệm của các chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường. Ngoài việc tuyên truyền, vận động, giáo dục đến người dân cho hiệu quả thì những lực lượng trong đó có công an xã và các lực lượng khác phải tham gia vào trực Tết cũng như là nhắc nhở, tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm ở trên địa bàn của mình. Có như thế thì chúng ta mới có thể ngăn chặn và giảm được tai nạn giao thông trong dịp Tết".
49 người chết vì tai nạn trong ngày hôm nay, ngày thứ 7 của kỳ nghỉ Tết âm lịch, cao nhất so với mấy ngày vừa qua. Trước mắt, những ngày của mùa lễ hội vẫn còn rất dài và vào thời điểm này vẫn còn hàng ngàn người dân vẫn đang đổ về các chùa lễ phật cầu may. Nhưng những chuyến du xuân cầu mày rất có thể chở thành cầu rủi bởi sự bất cẩn khi tham gia giao thông. Nhớ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, kiểm soát tốc độ cũng như không uống rượu bia khi tham gia giao thông và lời chúc “Thượng lộ bình an” chưa bao giờ thừa trong mỗi dịp Tết.
Để đảm bảo an toàn giao thông trong các ngày còn lại của kỳ nghỉ Tết, từ ngày mùng 5/2 đến 7/2/2014 (tức từ mùng 6 đến hết mùng 8 Tết) và những nơi diễn ra lễ hội xuân, Phó thủ tướng, chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai, chỉ đạo một số biện pháp sau:
Chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố huy động tối đa các lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng công an khác, cảnh sát trật tự, công an xã, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe, chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người quy định, đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4 người.
Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tăng cường quản lý, siết chặt mọi hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, kiểm soát chặt chẽ phương tiện và người lái, các điều kiện an toàn trước khi xuất bến, kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé quá quy định, ô tô chở vượt số người quy định; Áp dụng biện pháp tước phù hiệu xe hoặc tước giấy phép kinh doanh nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng.
Đồng thời xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân về trật tự an toàn giao thông và các hoạt động vận tải khác qua số điện thoại đường dây nóng phục vụ Tết; Chỉ đạo chính quyền địa phương cấp cơ sở tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm an toàn giao thông, điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn, đồng thời tăng cường quản lý an toàn đường thủy tại bến khách ngang sông, các điểm chở khách du lịch, kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, chở quá số người quy định, thiếu dụng cụ cứu sinh./.