Hơn 500 phụ nữ tử vong mỗi ngày liên quan tới mang thai và sinh nở
VOV.VN -Theo UNFPA, mỗi ngày có 507 phụ nữ tử vong do các biến chứng liên quan tới mang thai và sinh nở tại các quốc gia có tình trạng bất ổn định.
"Báo cáo Tình trạng Dân số thế giới năm 2015” Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), phối hợp với Trung ương Đoàn và Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình công bố ngày 4/12 cho thấy: Thế giới hiện có hơn 100 triệu người đang cần được cứu trợ nhân đạo. Khoảng 26 triệu trong số đó là phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên trong độ tuổi sinh sản.
Mỗi ngày, có 507 phụ nữ tử vong do các biến chứng liên quan tới mang thai và sinh nở tại các quốc gia có tình trạng bất ổn định. 3 trong 5 trường hợp tử vong mẹ xảy ra tại những nơi có thiên tai hay xung đột.
26 triệu phụ nữ và trẻ em gái cần được hỗ trợ nhân đạo
Báo cáo với tựa đề “Chốn bình yên sau cơn bão” cho thấy, trong số 100 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo trên khắp thế giới hiện nay thì có khoảng 26 triệu người là phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên trong độ tuổi sinh sản.
Các đại biểu tại lễ công bố Tình trạng dân số thế giới năm 2015 ngày 4/12 tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: UNFPA |
Theo báo cáo, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên trên toàn thế giới chưa được coi là vấn đề ưu tiên trong các hoạt động hỗ trợ nhân đạo sau thảm họa, thiên tai hay xung đột.
Thực tế cho thấy, tính mạng của phụ nữ và các trẻ em gái vị thành niên sau mỗi cuộc khủng hoảng thường phụ thuộc vào việc họ có được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) hay không, chẳng hạn như các dịch vụ hộ sinh và phòng chống HIV.
Tiến sỹ Babatunde Osotimehin, Giám đốc điều hành UNFPA cho biết: “Chúng ta không nên xem vấn đề chăm sóc SKSS/SKTD và quyền của phụ nữ như là một hoạt động thứ yếu trong hỗ trợ nhân đạo. Đối với những phụ nữ mang thai sắp tới kỳ sinh nở, hoặc đối với trẻ em gái bị xâm hại tình dục thì các dịch vụ y tế giúp cứu sống tính mạng họ sẽ đóng vai trò quan trọng không kém gì thức ăn, nước uống và nhà ở”.
Nếu không có sự bảo vệ thường xuyên của gia đình và cộng đồng, phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục, có thai ngoài ý muốn và có nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh qua đường tình dục, bao gồm HIV. Các nhu cầu cơ bản liên quan tới sinh đẻ an toàn, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc SKSS hầu như chưa được đáp ứng vì phụ nữ và trẻ em gái chưa được ưu tiên trong hệ thống chăm sóc y tế.
Bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ và trẻ em gái
Báo cáo cũng cho thấy, hiện nay xung đột và thiên tai đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, do đó UNFPA đang gia tăng các hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Trong năm 2015, UNFPA đã hỗ trợ ứng phó với khủng hoảng tại 38 quốc gia.
Theo báo cáo, trong năm 2014, Liên Hợp Quốc cần một con số kỷ lục là khoảng 19,5 tỷ USD cho hỗ trợ nhân đạo, nhưng số tiền thiếu hụt cũng ở mức kỷ lục là 7,5 tỷ USD. Việc thiếu ngân sách có thể gây nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe của hàng triệu người. Năm 2015, UNFPA chỉ nhận được chưa tới một nửa kinh phí cần thiết để đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong chăm sóc SKSS/SKTD cho phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên.
Vì chúng ta không thể đáp ứng được nhu cầu cần thiết dành cho hỗ trợ nhân đạo, nên cần phải có một phương pháp tiếp cận mới tập trung vào công tác dự phòng, chuẩn bị và xây dựng tốt khả năng thích ứng cho quốc gia, cộng đồng, các cơ quan đoàn thể, cũng như mỗi cá nhân.
Báo cáo kết luận “Chỉ có sự phát triển công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người, bảo vệ các quyền của con người, bao gồm quyền sinh sản mới có thể giúp con người thích ứng và phục hồi sau thảm họa hay thiên tai".
Theo bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam: “Việt Nam là một trong các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương dễ bị ảnh hưởng do thiên tai. 70% dân số Việt Nam sống ở ven biển và là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể ứng phó hiệu quả khi thiên tai xảy ra, đồng thời đảm bảo các nhu cầu quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên không bị bỏ qua".
Bà Nacken kêu gọi Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để bảo vệ sức khỏe và các quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Bằng việc tập trung sự ưu tiên vào vấn đề chăm sóc sức khỏe, các quyền và khuyến khích phụ nữ, các em gái vị thành niên và thanh niên tham gia một cách toàn diện và đầy đủ vào đời sống xã hội, chúng ta có thể góp phần mang lại một thế giới tốt đẹp hơn, hòa bình và ổn định hơn./.