Hơn 5.500 phật tử dự Đại lễ cầu siêu nạn nhân tai nạn giao thông
VOV.VN -Đại lễ cầu nguyện cho linh hồn những nạn nhân chết vì tai nạn giao thông sớm siêu thoát thông qua phần nghi lễ tâm linh...
Sáng 9/11, tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm, quận 3, TP HCM, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông năm 2014. Dự và cầu siêu cho các nạn nhân có Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cùng lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đông đảo chư vị tăng ni, phật tử và gia đình nạn nhân tai nạn giao thông.
Tại buổi lễ trang nghiêm và xúc động, hơn 500 nhà sư cùng hơn 5.000 tăng ni, phật tử và nhân dân thập phương quy tụ cầu nguyện cho linh hồn những nạn nhân chết vì tai nạn giao thông sớm siêu thoát thông qua phần nghi lễ tâm linh gồm: cúng phật tấu, phật đại khoa, tiếp chân linh, triệu chân linh, cơm chân linh hay cúng giải oan.
Dự lễ cầu siêu cho người thân và những nạn nhân xấu số, bà Đỗ Thị Ngân, ở phường 6, quận 3, TP HCM nói: “Được Đảng và Nhà nước quan tâm tổ chức lễ cầu siêu như thế này rất có ý nghĩa cho những gia đình có người thân bị mất vì tai nạn giao thông”.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền, ở quận Bình Tân thật không may mắn khi gần đây gia đình có 5 người lần lượt qua đời, trong đó có người con trai duy nhất chết vì tai nạn giao thông. Bà cũng như hàng nghìn phật tử, gia đình những người bị nạn đều cảm thấy ấm lòng khi lễ cầu siêu được tổ chức trọng.
Bà Nguyễn Minh Hiền tâm sự: “Chồng tôi mới chết, con tôi bị tai nạn giao thông cũng chết, mẹ tôi già thì cũng chết, bác tôi thì bị tai biến và ngã, chết cách đây 7 ngày. Nhà nhiều người chết lắm. Tôi cứ đi lễ cầu siêu, đọc tên người đã mất để họ được siêu sinh tịnh độ”.
Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, việc tổ chức Đại lễ cầu siêu để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông; bày tỏ sự chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ. Đại lễ còn là cơ hội nhắc nhở chính mỗi người, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc phải chủ động góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho mình và mọi người. Cũng từ đó, các chư tăng ni và gia đình các nạn nhân nén những đau thương mất mát, vượt qua khó khăn để tiếp tục xây dựng cuộc sống và xã hội ngày càng an lành, tốt đẹp, hạn chế tối đa tai nạn giao thông; cầu nguyện cho vong linh sớm siêu thoát về cảnh giới an lành. Thêm nữa là cho gia đình nạn nhân xấu số được yên tâm, thanh thản hơn, cảm thấy được sự quan tâm của nhà nước, giáo hội phật giáo. Đại lễ cầu siêu cũng nhắc nhở lái xe, những người tham gia giao thông đừng uống rượu, đi phải cẩn thận.
Nhân dịp này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kêu gọi toàn thể nhân dân hãy nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông, chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát đối với các nạn nhân và gia đình nạn nhân không may bị tai nạn giao thông.
Đại lễ cầu siêu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông kéo dài đến 22h đêm 9/11./.