Hợp pháp quyền đổi giới tính tại Việt Nam: Người chuyển giới nói gì?
VOV.VN -Một người chuyển giới cho biết: “Hy vọng việc này sẽ thúc đẩy xã hội có cái nhìn đúng đắn và công bằng hơn với những người chuyển giới”.
Như VOV.VN đã thông tin, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa chính thức biểu quyết thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi). Trong đó, quyền chuyển đổi giới tính được chính thức hợp pháp hóa tại Việt Nam.
"Thời điểm lịch sử" của người chuyển giới
Ngay sau khi nhận được thông tin này, Nguyễn Huỳnh Tố An, một người chuyển giới nữ ở TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đã đợi quá lâu. Nhiều thế hệ người chuyển giới đã phải sống trong sự vô hình của pháp luật, sự không thừa nhận của xã hội. Quy định mới mang lại rất nhiều niềm vui cho chúng tôi.
Nhóm các bạn trẻ tại Hà Nội thuộc cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) bày tỏ vui mừng trước Nhà Quốc hội (Ảnh: iSEE) |
Mong rằng sẽ sớm có các quy định hướng dẫn cụ thể để người chuyển giới có thể thay đổi họ tên, giới tính mình mong muốn. Tôi cũng hy vọng việc này sẽ thúc đẩy xã hội có cái nhìn đúng đắn và công bằng hơn với những người chuyển giới”.
Trần Duy Linh, một người chuyển giới nam ở Hà Nội cho biết: “Đối với người chuyển giới từ nữ sang nam, em mong muốn có thể thay đổi giấy tờ mà không cần phải trải qua phẫu thuật tạo hình bộ phận sinh dục, vì phẫu thuật này rất tốn kém, nguy hiểm và thành công không cao. Hy vọng khi luật được thực thi sẽ tạo thuận lợi hơn cho người chuyển giới, từ giấy tờ, tới hôn nhân. Đây đúng là một thời điểm lịch sử. Em cảm thấy rất tự hào”.
Bà Lương Minh Ngọc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), cho biết: “Theo một khảo sát năm 2014, cứ 5 người chuyển giới tại Việt Nam thì có 4 người mong muốn phẫu thuật chuyển giới. Trong đó 11% đã phẫu thuật thay đổi ít nhất một bộ phận trên cơ thể, đa phần làm ở nước ngoài.
Việc thừa nhận chuyển đổi giới tính không chỉ giúp người chuyển giới từ nay có thể thực hiện phẫu thuật với chi phí hợp lý, an toàn ngay tại Việt Nam, mà còn là một bước tiến quan trọng của pháp luật trong việc thừa nhận sự tồn tại và bình đẳng của người chuyển giới được sống là chính mình”.
Người chuyển giới cảm ơn đại biểu Quốc hội
Việc chuyển đổi giới tính được quy định tại Điều 37 của Bộ luật dân sự (sửa đổi): “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị định 88/2008/NĐ-CP hiện đang nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính và không thừa nhận giới tính mới của những người đã phẫu thuật chuyển giới. Điều này gây rất nhiều khó khăn, phân biệt đối xử tới cuộc sống hàng ngày của người chuyển giới.
Ở nhiều nước, việc thay đổi giới tính trên giấy tờ không phụ thuộc vào đã phẫu thuật hay chưa, mà chỉ cần chứng nhận tâm lý của bác sĩ chuyên môn, và 12 tháng dùng hoóc-môn liên tục là được.
Hiện có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới, thứ 11 tại châu Á cho phép việc thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân.
Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, sẽ cần có thêm văn bản pháp luật hướng dẫn trước khi người chuyển giới có thể thực hiện được quyền này của mình.
Hành trình đau đớn để được “sống thật” của những người chuyển giới
Trong ngày 24/11, ngay sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi), nhóm các bạn trẻ tại Hà Nội thuộc cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) và những người ủng hộ đã đón đoàn xe của đại biểu Quốc hội để gửi thông điệp cảm ơn, vì đã thông qua Bộ luật Dân sự, chính thức hợp pháp hóa chuyển đổi giới tính.
Sau đó, các bạn đã tới trước cửa Nhà Quốc hội để chụp hình với thông điệp ủng hộ người chuyển giới, cũng như ủng hộ quyết định quan trọng này./.