Hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng mở rộng 2014
VOV.VN-Công tác tiêm chủng mở rộng đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp và nỗ lực hơn nữa của đội ngũ cán bộ.
Sáng 26/4, tại thành phố Thái Bình, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) và Sở Y tế Thái Bình tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Tiêm chủng” do Tổ chức Y tế thế giới phát động từ 21 đến 27/4.
Chủ đề của Tuần lễ tiêm chủng năm nay là “Tiêm chủng cho một tương lai khỏe mạnh: biết, kiểm tra và bảo vệ” với mục đích khuyến cáo người dân biết về các loại vaccine có sẵn để bảo vệ cơ thể trước các bệnh truyền nhiễm và thúc đẩy tiêm chủng của mỗi gia đình.
Tại Việt Nam, Dự án Tiêm chủng mở rộng có 11 loại vaccine được đưa vào sử dụng, trong đó 10/11 loại vaccine được sản xuất trong nước. Số lượng vaccine sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trung bình hàng năm khoảng 45 đến 50 triệu liều.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành công thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi, tiêm vaccine uốn ván cho phụ nữ, tiêm vaccine viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn tiếp tục được duy trì ở mức cao. Hiện nay, tỷ lệ bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh đều giảm đáng kể đang tiến tới thanh toàn bệnh sởi vào năm 2017.
Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Dự án tiêm chủng mở rộng cho biết, công tác tiêm chủng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc nâng cao chất lượng tiêm chủng, duy trì các thành tự to lớn đã đạt được. Công tác tiêm chủng mở rộng đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp và nỗ lực hơn nữa của đội ngũ cán bộ làm tiêm chủng ở các tuyến để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn tới.
Ảnh hưởng của các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan, đúng đắn để không làm ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng đến tiêm chủng, làm giảm tỉ lệ tiêm chủng và ảnh hưởng trực tiếp đén sức khỏe của trẻ em Việt Nam.
Mục tiêu của Dự án Tiêm chủng mở rộng năm này là phấn đấu tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B và Hib cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 85%. Triển khai tiêm vaccine sởi mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90% và giảm tỷ lệ bệnh sởi dưới 0,1% bệnh nhân/100.000 người dân./.