Kênh mương bị cây lục bình bao phủ dày đặc khiến giao thông thủy bế tắc
VOV.VN - Gần đây, khi cống đầu kênh Nguyễn Tấn Thành đóng kín, nước đọng bên trong làm môi trường thuận lợi cho cây lục bình sinh sôi, nảy nở gây cản trở lưu thông đường thủy, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Chính quyền địa phương chưa có giải pháp nào xử lý cây lục bình hữu hiệu.
Ông Nguyễn Văn Mười cũng như nhiều tài công khi điều khiển phương tiện thủy đi ngang địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang rất khổ sở khi cây lục bình xuất hiện dày đặc trên hệ thống kênh rạch. Nhiều đám lục bình vây kín mặt nước, phương tiện rất khó lưu thông.
"Lưu thông khó khăn lắm bởi lục bình bao phủ quá dày đặc. Nếu dùng thuốc xịt thì sau một buổi cây lục bình có héo dần, nhưng ảnh hưởng đến môi trường. Vì thế tôi mong muốn UBND xã hỗ trợ chút kinh phí để thuê kobe cào lên", ông Mười nói.
Cây lục bình xuất hiện dày đặc trên hầu hết các tuyến kênh mương thủy lợi ở huyện Tân Phước trong nhiều năm qua, nhưng đến mùa hạn mặn như hiện nay khi cống ngăn mặn đóng kín thì mật độ dày đặc nhiều hơn. Ở những tuyến kênh khi có nhiều cây lục bình thì phương tiện thủy rất khó lưu thông, người dân khi thu hoạch khóm phải vận chuyển bằng đường bộ chi phí tăng cao vì phải đưa hàng nông sản qua nhiều công đoạn.
Ông Nguyễn Văn Đạt, nông dân trồng khóm tại huyện Tân Phước nói: “Mấy kênh này lưu thông mà lục bình như vầy không đi được. Nói chúng là phải thông thương kênh cho bà con đi lại thuận tiện. Mấy năm trước huyện có tổ chức vớt cây lục bình bằng kobe còn mấy năm nay thì bỏ luôn, mình phải chịu vậy".
Thời gian qua, huyện Tân Phước chưa có công trình, dự án, giải pháp nào khả thi để xử lý cây lục bình theo hướng có lợi mà người dân xem loại cây này là vấn nạn, cản trở dòng chảy, lưu thông. Ở một số địa bàn người dân kém ý thức đã phun chất hóa học tiêu diệt cây lục bình, gây tác động xấu đến môi trường.
Chủ trương của huyện Tân Phước thì đối với các tuyến kênh có mặt ngang trên 6 mét thì huyện có trách nhiệm trục vớt cây lục bình còn dưới 6 mét thì cấp xã trục vớt. Tuy nhiên một năm qua, huyện Tân Phước chưa tổ chức một đợt nào làm công tác này; riêng cấp xã nguồn lực, kinh phí khó khăn chưa thể trục vớt hết mà cây lục bình ngày càng tấn cộng mạnh.
Ông Hồ Tấn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước cho biết: "Trước mắt địa phương tuyên truyền cho bà con trong xã nhận thức, sau đó UBND xã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể trục vớt và vận động bà con cùng trục vớt cây lục bình trên các tuyến kênh của xã, làm sao tạo dòng chảy lưu thông cho ghe tàu đi mua khóm thuận tiện hơn. Xã cũng có đề nghị với huyện vớt tuyến kênh 500 khoảng 4m, huyện cũng đã tiến hành khảo sát rồi”.
Cùng với đường bộ thì giao thông đường thủy ở huyện Tân Phước giữ vai trò rất quan trọng nhất là phục vụ vận chuyển vật tư, lúa, khóm sau khi thu hoạch. Do đó, tình trạng cây lục bình dày đặc ở kênh rạch nơi đây rất cần các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm, có giải pháp xử lý triệt để.