Khám, chữa bệnh từ xa vẫn còn nhiều vướng mắc
VOV.VN - “Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai khám, chữa bệnh từ xa chính là vấn đề về pháp lý. Bên cạnh đó, vẫn chưa có bất kỳ nguồn thu nào trong quá trình triển khai”- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Đại học Y Hà Nội chia sẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Đề án án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 tại Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với quan điểm chủ đạo là: “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”.
Mục tiêu của Đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Đây là một giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Việc người dân được hưởng các dịch vụ và chăm sóc y tế ngay tại tuyến dưới giúp tiết kiệm chi phí, tăng cường sự hài lòng người bệnh. Người bệnh cũng hiểu rõ hơn những hoạt động chuyên môn đòi hỏi tập trung trí tuệ, sức lực của cán bộ y tế.
Sáng 24/9, chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí về lễ khánh thành kết nối 1000 bệnh viện khám, chữa bệnh từ xa, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế đã khẳng định, giải pháp khám chữa bệnh từ xa là công cụ để giúp nước ta chống dịch, chiến thắng dịch Covid-19.
“Khi dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh việc các thầy thuốc trực tiếp điều trị bệnh nhân thì sự chi viện từ những cuộc hội chẩn qua khám, chữa bệnh từ xa đã giúp quá trình điều trị có hiệu quả. Điển hình là trường hợp bệnh nhân 91 mắc Covid-19 đã khỏi bệnh và bệnh nhân này cũng mong muốn quay trở lại làm phi công”- PGS Khuê cho biết.
Cũng theo PGS Khuê, hiệu quả của công nghệ thông tin trong thời đại 4.0 sẽ được ứng dụng vào hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Hệ thống này nhằm giúp mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương.
Còn nhiều vướng mắc
Tại buổi họp mặt báo chí, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, Bệnh viện đã triển khai tư vấn, khám chữa bệnh từ xa từ tháng 4/2020. Sau 5 tháng triển khai, Bệnh viện đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn; 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối. Bệnh viện tổ chức định kỳ tiến hành 1 tuần 2 buổi Telehealth (vào thứ Ba và thứ Năm). Mỗi buổi, sẽ có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến.
Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, đến giai đoạn 2, Bệnh viện sẽ mở phòng khám trực tuyến. Giai đoạn 3, các bác sĩ tại Bệnh viện sẽ khám trực tiếp tại gia đình cho bệnh nhân. Tuy nhiên, PGS Hiếu cho rằng, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai khám, chữa bệnh từ xa chính là vấn đề về pháp lý. Bởi Luật Khám, chữa bệnh vẫn chưa được sửa đổi, đặc biệt, việc ký đơn thuốc từ xa cũng còn nhiều vướng mắc.
“Điển hình là trường hợp bệnh nhân người Lào điều trị ở Bệnh viện 199 của Đà Nẵng đang khám trực tuyến với bệnh viện. Mặc dù bác sĩ của Bệnh viện 199 khám bệnh cùng bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhưng khi xuất đơn thuốc thì bác sĩ của Bệnh viện 199 ký. Nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra thì Bệnh viện 199 phải chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến vai trò của bác sĩ ở bệnh viện hạt nhân sẽ giảm đi. Vì vậy, tôi nghĩ thời gian tới cần phải thay đổi Luật Khám chữa bệnh”- PGS Hiếu nêu rõ.
Bên cạnh đó, PGS Hiếu cũng cho rằng, hiện nay quá trình triển khai khám, chữa bệnh từ xa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chưa có bất kỳ một nguồn thu nào, BHYT chưa có hướng dẫn chi trả. Vì vậy, cần sớm có giải pháp để ngoài Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các đơn vị bảo hiểm khác, trong đó có bảo hiểm tư nhân được quyền tham gia vào để việc thực hiện khám, chữa bệnh từ xa đạt hiệu quả.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, một trong những khó khăn khi triển khai khám, chữa bệnh từ xa của các bệnh viện tuyến trên là vấn đề kết nối với tuyến dưới. Bởi tuyến dưới có đến 1000 điểm cầu khác nhau và thực trạng công nghệ thông tin ở các điểm cầu cũng cần phải có điều tra, thăm dò cụ thể để có thể đưa ra hình thức phù hợp nhất.
PGS Điển cho biết, thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã bắt đầu đưa khám, chữa bệnh từ xa trở thành thường quy, giúp bệnh nhân hưởng lợi. Bệnh viện đã kết nối với các bệnh viện giúp đỡ tuyến dưới để đưa ra chẩn đoán chính xác và chiến lược điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, các bác sĩ còn nâng cao được kiến thức thông qua những ca bệnh lâm sàng./.