Kháng thuốc gia tăng do lạm dụng kháng sinh trong y tế và nuôi trồng
VOV.VN - Thế giới mỗi năm có hàng chục nghìn người tử vong do kháng thuốc và phải chi hàng chục tỷ USD để đối phó với kháng thuốc hay kháng kháng sinh.
Chiều 21/11, hơn 300 đại biểu đã tham dự sự kiện hưởng ứng Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc. Đây là sự kiện thường niên, quy tụ lãnh đạo từ nhiều ngành, lĩnh vực nhằm kêu gọi tất cả cùng hành động chống lại kháng thuốc, trong đó có các dược sĩ, bác sĩ, bác sĩ thú y, những người làm việc trong ngành nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm và cả những người nông dân…
Họp báo Lễ mít tinh lần thứ 5 hưởng ứng tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc. |
Kháng thuốc đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu và là mối hiểm họa nhiều mặt với cuộc sống con người, với sức khỏe cộng đồng, với kinh tế xã hội và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đặc biệt, kháng thuốc làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị. Nguyên nhân là do sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu sự kiểm soát trong ngành y tế, ngành chăn nuôi và trồng trọt.
Đáng báo động hơn, kháng thuốc xâm nhập vào môi trường sinh thái chung. Do vậy, Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tổng hội Y học Việt Nam cùng các tổ chức quốc tế như WHO, FAO và các bệnh viện đã chung tay tổ chức Lễ mít tinh lần thứ 5 hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do WHO phát động hàng năm trên toàn thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại, là mối hiểm họa nhiều mặt khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái. Việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ nay, dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng”.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh (Bộ Y tế). |
Từ năm 2013, Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” và là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020.
Ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, đây là Kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết thực hiện của tất cả các Bộ/ngành liên quan, sự phối hợp hưởng ứng của các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng của ngành y tế.
Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã bắt đầu đánh giá lại Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc để đảm bảo sự hợp tác điều phối giữa các ban ngành trong việc phát triển kế hoạch hành động cho năm tới.
Để ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong việc phòng chống kháng thuốc, TS. Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và TS. Albert T.Lieberg - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực phòng chống kháng thuốc.
TS. Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện. |
“Trong những năm tới, WHO sẽ tập trung củng cố vai trò của các cán bộ y tế trong cuộc chiến chống lại việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích. Chúng tôi rất hoan nghênh việc Tổng hội Y học Việt Nam đã trở thành đối tác mới của chúng tôi để thực hiện việc giáo dục và khuyến khích bác sĩ và dược sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý”, TS. Kidong Park nói.
Cũng tại sự kiện này, WHO và Tổng hội Y học Việt Nam đã ra tuyên bố chung để khẳng định cam kết của mình sẽ hợp tác trong việc phòng chống kháng thuốc./.
Việt Nam đối mặt nguy cơ không có kháng sinh trị bệnh
Kháng thuốc vì mua bán kháng sinh không cần đơn