Khanh Rông, người thày giáo- họa sĩ đầy nghị lực

Bị hỏng một mắt và cụt hai tay từ nhỏ, nhưng Khanh Rông vẫn vượt khó khăn, học tập để trở thành họa sĩ, thày giáo của trẻ em người Kh’mer ở Sóc Trăng

Căn nhà đơn sơ của thầy giáo Khanh Rông ở ấp Trương Hiền, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng gồm ba người. Người đàn ông, trụ cột của gia đình bị dị tật từ nhỏ, hỏng một mắt và cụt hai tay. Thế nhưng, họ đang sống thật là hạnh phúc, niềm hạnh phúc đơn sơ mà nhiều người đủ đầy hơn vẫn không có được.

Do bị trái đạn nổ, tai nạn giáng xuống cậu bé Khanh Rông, bỗng dưng trở thành tàn phế, khó khăn lúc đó tưởng chừng không vượt qua nổi. Vậy mà cậu vẫn quyết tâm đi học, mặc dù 12 tuổi mới bước vào lớp 1.

Thế rồi, không những Khanh Rông học được mà còn say sưa tập vẽ trong điều kiện hết sức khó khăn.

Họa sĩ, thày giáo Khanh Rông

Anh kể: “Lúc còn thơ, xem tranh có gì đó lãng mạn, nhìn tranh thấy vui vui, tôi mới nghĩ sao mình không thử vẽ. Thế là tôi đã làm…”. Đôi bàn tay không còn, anh vẽ bằng cùi tay kết hợp với chân.

Khanh Rông đã khai thác nguồn đề tài từ những phong cảnh chùa chiền, làng quê, lễ hội truyền thống của dân tộc Kh’mer. Anh say mê cái đẹp của kiến trúc Kh’mer, đọc những bài nghiên cứu rồi thể hiện những ngôi tháp, chùa với nét độc đáo riêng có. Khanh Rông rất thích vẽ tranh phong cảnh.

Họa sĩ Khanh Rông còn sáng tác tranh cổ động. Trên bức vách đơn sơ bên chiếc bàn nước bằng gỗ mộc tiếp khách, anh treo những bức tranh cổ động được giải và một số bức vẽ tuỳ hứng.

Khó có thể hình dung nổi một người tàn tật hỏng một mắt, cụt cả hai tay mà lại có được những tác phẩm hội họa nhiều ý tưởng đến thế.

Năm 2007, thầy giáo - họa sĩ khuyết tật Khanh Rông đã được mời ra Hà Nội dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật và người bảo trợ người khuyết tật toàn quốc. Ấn tượng đẹp về Hà Nội chắc cũng là nguồn cảm hứng vô tận đối với người con dân tộc Kh’mer như anh.

Lao động miệt mài với bất cứ công việc nào, từ làm ruộng, dạy học, giúp vợ bán hàng tạp hoá, nhưng niềm say mê cuối cùng của anh vẫn là vẽ. Những ngày nghỉ hè, anh tham dự những lớp tập huấn của tỉnh, huyện để sáng tác. Là thày giáo, Khanh Rông còn tận tụy truyền những kiến thức về hội họa của mình cho thế hệ trẻ. Học trò của anh, rất nhiều em đã đoạt giải trong các cuộc thi Hoa phượng đỏ.

Thành công và niềm hạnh phúc của người thầy - họa sĩ Khanh Rông có được còn bởi sự thương yêu, chia sẻ và hy sinh của người vợ hiền. Chị Nguyễn Thị Cẩm quê ở Thanh Hoá, gặp anh vào thời gian anh đi thực tập. Chị kể: “Nhìn anh, thấy tội nghiệp, tôi thương anh, nể anh rồi về với anh mặc dù gia đình phản đối. Lương thực tập của anh lúc đó có 20.000 đồng, tôi nuôi thêm một con heo, xoay trở đủ thứ, dành dụm mãi mới làm được ngôi nhà…”

Chị cũng đã được đền bù bằng niềm hạnh phúc gia đình yên ấm mà anh đem lại. Mọi người trong làng xã quý mến anh, học trò kính nể anh, chị cũng vui cùng.

Hạnh phúc lớn nhất của anh chị là cậu con trai Nhi Tâm, học lớp 4 trường tiểu học Thạnh Trị 1. Cậu bé xinh trai, khoẻ khoắn và rất chăm ngoan. Nhi Tâm luôn tự hào về người cha và ước mong sẽ nối nghiệp cha./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên