Khánh thành di tích hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu

(VOV) -Căn hầm lịch sử đã được phục hồi lại và mở cửa phục vụ khách tham quan.

Sáng 20/12, tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội đã diễn ra lễ khánh thành và mở cửa tham quan di tích Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Đây là căn hầm có những đóng góp to lớn làm nên các chiến thắng lịch sử như: đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” và chiến tranh không quân, hải quân phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Hầm chỉ huy tác chiến nằm tại khu A Hoàng thành Thăng Long, cửa phía Tây thông với nhà làm việc của Cục tác chiến, cửa phía Nam thông với khu Đoan Môn. Căn hầm được xây dựng ngay từ những ngày đầu Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất cuối năm 1964 đầu năm 1965, do Trung đoàn 259 – Cục Công binh thiết kế và thi công.

Hầm có diện tích 64m2, được đúc bằng bê tông cốt thép nguyên khối, nóc hầm nhô lên khỏi mặt đất dày 1,5m và chia làm 3 lớp, giữa đổ cát dày nửa mét chống được sức công phá của bom tấn và tên lửa không đối đất cũng như bom nguyên tử và vũ khí hóa học, vi trùng. Cửa hầm làm bằng thép tấm, 2 lớp, chống được sức ép nguyên tử và tia phóng xạ cũng như hơi độc. Được đánh giá là hiện đại nhất lúc bấy giờ, hầm được trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ bằng hơi nước và thông hơi, lọc độc, chống nhiễu từ…

Hầm có 3 phòng chính: Phòng giao ban tác chiến, phòng trực ban tác chiến và phòng đặt trang thiết bị động cơ.  Phòng giao ban tác chiến là nơi làm việc của trực ban trường, có nhiệm vụ tổng hợp tình hình mới nhất của các Bộ, báo cáo tình hình với cấp trên, nhận mệnh lệnh và phát lệnh. Phòng trực ban tác chiến là nơi làm việc liên tục 24/24 giờ mỗi ngày của kíp trực ban tác chiến do Cục Tác chiến- Bộ Tổng tham mưu đảm nhiệm. Đây là nơi tổng hợp, báo cáo tin tức mỗi ngày, mỗi tuần, đồng thời tổ chức thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ và truyền lệnh chính xác, kịp thời, bí mật tới các cơ quan, đơn vị có liên quan. Phòng đặt trang thiết bị, động cơ là nơi vận hành các hệ thống thông hơi, lọc độc, làm mát, điện đàm… đảm bảo kỹ thuật cho 28 máy điện thoại trong hầm liên lạc thông suốt và kíp trực ban sinh hoạt suốt ngày đêm.

Lặn lội từ thị trấn Thanh Hà- tỉnh Hải Dương lên Hà Nội tham dự lễ khánh thành căn hầm, người lính từng làm tại Tổ tiêu đồ vẽ năm 1973 ở đây- bác Nguyễn Đức Khách rơm rớm nước mắt: “Hôm nay, được trở lại nơi mình đã làm việc cách đây 40 năm tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Được gặp lại đồng đội xưa, được nhìn lại những chiếc bàn, chiếc bản đồ, chiếc điện thoại năm nào… cảm thấy như mình đang được sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc”.


 

Bác Nguyễn Đức Khách - một người lính từng làm việc tại căn hầm

Chị Nguyễn Thị Luyến, cán bộ phòng hướng dẫn thuyết minh Trung tâm bảo tồn di sản hoàng thànhThăng Long- Hà Nội cũng xúc động nghẹn ngào: “Bình thường công việc của tôi là thuyết minh về các di tích lịch sử cho khách tham quan. Hôm nay, tôi lại được chính những nhân chứng lịch sử, những người đã sống, chiến đấu, đã làm nên lịch sử ở đây kể cho nghe các câu chuyện của họ. Tôi thực sự cảm động và tự hào”.

Đại diện Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội chia sẻ: “Ý tưởng khôi phục lại di tích này đã được thai nghén từ lâu. Nhưng vì nhiều lý do, đến 2010, chúng tôi mới có thể chính thức bắt tay vào thực hiện việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật, gặp gỡ nhân chứng… để thiết kế, trùng tu lại khu di tích này. Hai năm qua, chúng tôi đã cố gắng hết sức để tái hiện lại di tích gốc nhằm phục vụ khách tham quan. Ngày hôm nay, các nhân chứng đã đến đây và cảm thấy như được nhìn lại quá khứ, đó là niềm vui lớn nhất với chúng tôi”./.

Một số hình ảnh căn hầm:

Cửa hầm

 

Điện thoại, điện đàm

 

 

Bộ lọc độc

Đồng đội gặp nhau tại căn hầm lịch sử

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên