Khi đàn ông làm công tác dân số

VOV.VN -Không ít nơi bản làng miền núi, nông thôn hay vùng biển của tỉnh Quảng Ninh nhiều cán bộ làm công tác dân số là nam giới với những cách làm sáng tạo

Nhiều người vẫn nghĩ công tác dân số - kế hoạch hóa (DS-KHH) gia đình là công việc tế nhị thường do nữ giới đảm nhận. Thế nhưng tại không ít bản làng miền núi, nông thôn hay vùng biển của tỉnh Quảng Ninh đang có nhiều cán bộ làm công tác dân số là nam giới với những cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Anh Nguyễn Việt Hưng đã có 10 năm làm công tác dân số tại xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Xã Liên Hòa nằm trên đảo Hà Nam (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) hiện có khoảng 2.000 hộ dân với trên 8.200 nhân khẩu. Đàn ông chủ yếu làm nghề chài lưới với những chuyến đi biển dài ngày nên tâm lý của hầu hết người dân nơi đây đều mong muốn có nhiều con và nhiều con trai để theo nghề biển. Và đây cũng chính là khó khăn đầu tiên đối với những cán bộ làm công tác dân số...

Đã gần 10 năm nay, anh Nguyễn Việt Hưng (SN 1990) quen thuộc với các chị em các thôn xóm trong vai trò cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình. Là thanh niên chưa vợ nên khi nhận nhiệm vụ đi tuyên truyền công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, Nguyễn Việt Hưng từng rất bối rối và e ngại: “Khi đi xuống hộ dân phần lớn người đàn ông đi làm xa không có nhà, tôi thường gặp những người phụ nữ trong gia đình hơn. Khi tuyên truyền đến các biện pháp tránh thai cũng có phần tế nhị, bản thân mình là nam nhiều khi cũng không trôi chảy được như các cán bộ là phụ nữ. Nhưng tôi vẫn cố gắng hết khả năng để người dân hiểu...”.

Nhờ những cán bộ năng nổ và nhiệt huyết như anh Nguyễn Việt Hưng mà những năm gần đây, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã Liên Hòa có xu hướng giảm dần. Anh Trần Văn Sáng (xóm 4, xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên) là một trong những điển hình về thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình ở địa phương nói: “Chị em hội phụ nữ và anh em trạm y tế đến một lần trong năm vận động viên, tuyên truyền. Vợ chồng tôi cũng sinh được hai cháu nên giờ thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Tôi cũng cho rằng không nên sinh thêm để có điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con cái tốt hơn.”

Với đồng bào dân tộc thiểu số, việc vận động không sinh con thứ 3 có những khó khăn, vất vả riêng. Xã Nam Sơn là một trong những điểm “nóng” về tỷ lệ sinh con thứ ba của huyện Ba Chẽ. Phần lớn người dân là đồng bào dân tộc Dao, tư tưởng phải có con trai nối dõi đã ăn sâu trong tiềm thức. Ông Tằng A Lộc trú tại thôn Bằng Lau (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) đã có gần 6 năm làm cộng tác viên dân số ở vùng cao. Vốn là người địa phương, lại là nam giới nên ông Tằng A Lộc có lợi thế trong việc gặp gỡ, chuyện trò và thuyết phục chính những người đàn ông dân tộc Dao thay đổi quan niệm trong việc sinh con trai, con gái: “Anh em làm công tác dân số thường xuyên cũng trao đổi với nhau. Trước tiên phải gặp người chồng trước, hỏi thăm tâm tư nguyện vọng gia đình thế nào. Sau đó mới gặp người vợ để vận động, tuyên truyền rằng con trai hay con gái cũng là ruột thịt của mình, nam hay nữ  thì xã hội bây giờ đã bình đẳng rồi...”.

Bằng những cách thức tuyên truyền đơn giản, gần gũi và dễ hiểu, những cán bộ dân số là nam giới như anh Nguyễn Việt Hưng hay ông Tằng A Lộc đang nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi gia đình về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số đối với việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên