Khiếu nại tố cáo giảm 3 mặt nhưng… ngày càng gay gắt

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết điều này khi trả lời về một số câu hỏi về về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, sáng 13/6.

Giảm 3 mặt nhưng tăng tính phức tạp

Về tình hình khiếu nại tố cáo của công dân, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, sơ kết 4 năm (2008-2011), bình quân hàng năm có khoảng 400.000 lượt người đi khiếu nại và các cơ quan Nhà nước các cấp đã nhận 160.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo.

Cũng trong thời gian trê, số vụ khiếu nại giải quyết đạt 88%, tố cáo đạt 84%. Từ tháng 9/2011 đến nay, các cơ quan hành chính đã tiếp trên 92.000 lượt người, 974 lượt đoàn đông người và tiếp nhận trên 52.000 lượt đơn. So với cùng kỳ năm trước, khiếu nại tố cáo giảm cả 3 mặt: Số lượng công dân đi khiếu kiện, số lượt đoàn và lượng đơn khiếu nại tố cáo.

Tuy nhiên, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, thống kê cho thấy giảm 3 mặt nhưng tình hình khiếu nại tố cáo thời gian qua lại nổi lên rất phức tạp, và ngày càng gay gắt, đông người, vượt cấp. Có một số vụ dẫn đến chống đối người thi hành công vụ, thậm chí đe dọa cán bộ tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

Về những nội dung khiếu nại, tố cáo, thống kế cho thấy, nội dung về đất đai chiếm 70%. Từ tháng 9/2011 đến nay, lượng đơn khiếu nại tố cáo về đất đai tăng lên chiếm 79%, trong đó, về bồi thường khi thực hiện thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội chiếm trên 50%.

Số còn lại là khiếu nại đòi lại đất cũ, tranh chấp chưa giải quyết kịp, đòi lại đất cho thuê cho mượn, ở nhờ; khiếu nại về thực thi chính sách xã hội.

“Việc khiếu nại về đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất chiếm tỷ lệ rất cao, gây phức tạp kéo dài, đông người, thậm chí căng thẳng, gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.

Trước tình hình trên, cuối 2011, Thanh tra Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức các hội nghị đánh giá giải quyết khiếu nại tố cáo ở các vùng: Miền Bắc, Trung- Tây Nguyên, Tây Nam Bộ- Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở hội nghị 3 vùng để tổ chức hội nghị toàn quốc, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến vào 5/2/2012.

Rà soát lại số liệu của năm 2011 cho thấy số vụ tồn đọng là 528 vụ. Nhưng trong số vụ này không phải hoàn toàn chưa giải quyết, vì có những vụ đã giải quyết nhiều lần, qua nhiều cấp thẩm quyền nhưng người dân chưa đồng tình với cách giải quyết của chính quyền.

Sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã thành lập 12 tổ công tác, các bộ ngành Trung ương thành lập 6 tổ công tác đi rà soát ở tất cả 63 tỉnh thành. Kết quả cho thấy có 50 tỉnh, thành có vụ việc tồn đọng.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đến đầu tháng 6/2012, còn 904 vụ việc tồn đọng, trong đó thuộc thẩm quyền Trung ương là 380 vụ, ở các tỉnh, thành phố còn 524 vụ.

Biện pháp giải quyết?

Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, trên cơ sở chủ động rà soát tồn đọng, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ cùng với các địa phương phối hợp giải quyết cơ bản dứt điểm những vụ việc tồn đọng.

Theo đó, quá trình giải quyết được chia thành 2 đợt: Từ đầu tháng 6 đến 30/7 sẽ giải quyết tương đối, từ đầu tháng 9 đến cuối năm giải quyết căn bản. Riêng vụ việc thuộc thẩm quyền của địa phương, các tổ công tác của Trung ương sẽ cùng địa phương phối hợp đưa ra các bước và hướng giải quyết.

“Chúng tôi rà soát thường xuyên và hiện nay các tổ công tác đang hoạt động ở các địa bàn để tiến hành giải quyết. Hiện nay diễn biến giải quyết các vụ việc khá tốt; đưa được ra những giải pháp giải quyết được cả những vụ tồn đọng và những vụ phát sinh mới đang diễn biến phức tạp”, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết thêm.

Cũng theo Tổng thanh tra Chính phủ, song song với các giải pháp cụ thể trên là điều chỉnh cơ chế chính sách. Hiện nay, Quốc hội, Chính phủ cũng đang điều chỉnh một số chính sách cho phù hợp với công tác quản lý, sử dụng đất đai, trên cơ sở phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và  quán triệt giải quyết khiếu nại tố cáo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên