Không chờ "thưởng nóng"

Nếu mỗi người dân đều có ý thức vì một Hà Nội văn minh, trước hết là với nơi mình đang sống, thì không phải chờ đến một thông báo “thưởng nóng” cho những ai phát hiện hành vi quảng cáo, rao vặt.

Vừa qua, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có thông báo sẽ thưởng nóng cho những ai phát hiện hành vi dán quảng cáo, rao vặt hoặc bắt được người vi phạm. Mức thưởng được thông báo là 300.000 đồng/lần cho những người phát hiện ra các hành vi dán quảng cáo rao vặt và 500.000 đồng cho ai bắt được người vi phạm. Đây cũng là một trong những việc làm có ý nghĩa nhằm góp phần làm thay đổi diện mạo Hà Nội, khi nơi trái tim của cả nước đang có những dự án, công trình văn hóa - xã hội chào mừng Đại lễ 1.000 năm được gấp rút hoàn thiện.

Tuy nhiên, để phát hiện ra người vi phạm không khó, nhưng 500.000 đồng mỗi lần cho những ai “bắt” được người vi phạm có vẻ không mấy khả thi khi phần lớn người dân ngại “dính dáng” đến những thành phần cố tình vi phạm này.

Thông báo này khiến tôi nhớ tới một nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội. Tôi từng được nghe ông kể lại chuyện 4 năm trời ròng rã “tuyên chiến” với tệ nạn “khoan cắt bê tông”, quảng cáo rao vặt này như thế nào mà không phải chờ đến các phong trào mừng Đại lễ mới thực hiện, để cuối cùng phần thắng thuộc về “ông già lắm mưu” này.

Ông hóm hỉnh kể, nhà ông ở mặt tiền của một con phố lớn của Hà Nội, nơi hình ảnh rất dễ đập vào mắt hàng ngàn người qua lại mỗi ngày. Người già thường hay dậy sớm. Đều đặn, mỗi buổi sáng thức dậy là ông ra mở cổng và quét dọn. Thường đập vào mắt ông là dòng chữ “khoan cắt bê tông” hay mẩu giấy rao vặt khiến bức tường nhà của ông và cả khu phố rất không đẹp mắt.

Ban đầu, ông mua vài chiếc sim điện thoại rồi gọi đến số điện thoại được ghi kèm theo mẩu quảng cáo đó, nói rằng có nhu cầu theo như nội dung quảng cáo tại một... địa chỉ không có thực. Ông bảo: Mình đã nghiên cứu nhiều về các con phố Hà Nội, nên rõ từng ngõ ngách, và biết địa chỉ nào là không có thực.

Mỗi ngày, ông gọi hàng chục cú điện thoại tới những số điện thoại trên tường với mục đích “để họ mất công đi lại mà không được việc”. Nhưng cuối cùng, sáng nào ông cũng vẫn thấy thêm một vài số điện thoại quảng cáo mới được in, dán. Ông liền nghĩ ra một chiêu mới, vừa để không tốn tiền gọi điện thoại nữa, vừa khiến những người đi rao vặt phải “ngán”.

Hàng sáng, từ rất sớm, lần thì cần mẫn bóc tờ quảng cáo ấy đi, lần thì quét sơn đè lên hoặc lấy dao hì hụi cạo đi số điện thoại trên tường, để trong ngày hôm đó, nếu ông chủ của những người dán rao vặt này lượn qua các địa điểm để đếm sản phẩm trả lương, họ không trông thấy nữa. Vậy là sau rất nhiều lần mất công in, dán quảng cáo lên tường nhà ông mà không được tính tiền, chủ nhân của những mẩu quảng cáo này đã phải chấm dứt hành động này trên bức tường trước nhà ông.

Câu chuyện của ông đã khiến bất cứ một người yêu Hà Nội nào cũng phải để tâm tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên