Không khí lạnh gây mưa to, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông

Dự báo trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, bộ phận không khí lạnh có cường độ khá mạnh đã báo hiện đang tràn xuống các tỉnh Bắc Bộ nước ta, sẽ lan xuống Bắc Trung Bộ và tới tận Trung Trung Bộ. Do không khí lạnh kết hợp với dải tụ nên gây mưa to trên phạm vi cả nước. Mặt khác, đêm 6/11, một vùng áp thấp ở phía Tây Nam quần đảo Philippine đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Từ ngày 6/11, không khí lạnh đã gây mưa to ở vùng núi phía Tây Bắc Bộ và kéo dài đến hết ngày 7/11; Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuất hiện đợt mưa keó dài từ ngày 7 đến ngày 8/11, tổng lượng mưa phổ biến từ 50-150mm, một số nơi trên 200mm; Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ có mưa to và rất to trở lại từ ngày 7-10/11, trong đó lượng mưa ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến từ 200-300mm, một số nơi trên 300mm; lượng mưa ở Nam Bộ từ 100-200mm, có nơi trên 200mm; Tây Nguyên có mưa rào và dông, lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 100mm. Do các hình thái thời tiết phức tạp xảy ra đồng thời, nên ngoài mưa lớn, một số vùng có thể xuất hiện lốc xoáy, dông mạnh và mưa đá.

Hồi 1h ngày 7/11, vị trí vùng tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 120,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50-61km một giờ), giật trên cấp 8. Dự báo trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 1h ngày 8/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật trên cấp 8.

Trong khoảng 24-48h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 20-25km. Đến 1h ngày 9/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật trên cấp 8. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa Biển Đông có gió xoáy mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Hà Nội di chuyển dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngày 6/11, UBND thành phố Hà Nội có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố Hà Đông và Sơn Tây, yêu cầu chính quyền các cấp tổ chức kiểm tra các khu nhà ở, các khu chung cư trên địa bàn, xem xét cụ thể hiện trạng các khu chung cư cũ đã xuống cấp.

Đối với các khu chung cư xuống cấp nghiêm trọng do bị ảnh hưởng của mưa lũ trong thời gian qua, không bảo đảm an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân, thành phố chỉ đạo phải kịp thời di chuyển nhân dân và tài sản ra khỏi khu vực nhà ở nguy hiểm và bố trí nhà ở cho các hộ dân di chuyển.
Trường hợp không di chuyển được, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các thành phố phải báo cáo UBND thành phố Hà Nội để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Trước đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đi thị sát nhà C1 tập thể Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình). Đây là công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ rất cao sau đợt úng ngập dài ngày vừa qua.

Tính đến ngày 7/11, cơn mưa to lịch sử trút xuống Hà Nội đã được đúng một tuần. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều khu vực, nước vẫn chưa rút hết. Người dân ở toà nhà 22 tầng Hà Thành Plaza (102 phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) - một trong những khu nhà được coi là hiện đại ở Hà Nội vẫn đang phải chịu cảnh mất điện, mất nước do ngập lụt. Tầng hầm rộng gần 2000 mét vuông của toà nhà này đang dần rút nước nhờ nỗ lực của 2 chiếc máy bơm nhỏ.

Tại thời điểm Hà Nội ngập trong nước những ngày vừa qua, thì giai đoạn 2 của dự án thoát nước cũng bắt đầu triển khai được 1 tháng. Giai đoạn 1 của dự náy từ năm 1996 – 2000, tiêu tốn 200 triệu USD để đảm bảo vận hành hệ thống thoát nước. Theo các chuyên gia, gặp mưa lớn như vậy, ngập là không tránh khỏi, vì khả năng thoát nước hiện nay của Hà Nội chỉ phù hợp với lượng mưa khoảng 175mm/2 ngày.

Dự án thoát nước giai đoạn 2 đang triển khai là một dự án lớn. Kinh phí khoảng 300 triệu USD. Đây là một dự án trải dài nhiều huyện, quận. Trọng tâm nhất là khu vực các quận Cầu Giấy, Đống Đa. Dự kiến năm 2010 sẽ hoàn thành để chào mừng đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Nếu theo đúng kế hoạch, khi hoàn thành, năng lực thoát nước của Hà Nội sẽ tăng gấp đôi hiện nay. Do vậy, nếu tái diễn trận mưa như thế này, Hà Nội “ngập vẫn hoàn ngập”.

Qua sự việc lần này, có thể thấy hệ thống thoát nước Hà Nội vừa thiếu lại vừa yếu. Ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, để giải quyết vấn đề này, Hà Nội cần thực hiện nhóm giải pháp quy hoạch tổng thể

Theo ông Phạm Sỹ Liêm - Tổng thư ký hiệp hội xây dựng Việt Nam, trước hết thành phố Hà Nội cần gấp rút hoàn thành dự án thoát nước giai đoạn 2, thành phố cũng nên tính xem có cần tăng năng lực thoát nước lên nữa hay không bởi giai đoạn 2 cũng mới triển khai, dễ dàng thay đổi. Đồng thời rà soát lại quy hoạch tổng thể đô thị sao cho quy hoạch hệ thống thoát nước không tách rời với quy hoạch chung thành phố, nhất là trong khâu thực hiện. Quy hoạch xong, phải phân ra thứ tự ưu tiên, chứ không phải theo kiểu cái nào có tiền thì làm trước hay mạnh ai người nấy thực hiện. Ví dụ như Cần tránh chuyện đường xá hết bị đào lên lại lấp xuống, gây rối loạn trong vận hành đô thị và đảo lộn cuộc sống người dân, mà ngập lụt vẫn hoàn ngập lụt.

Xây dựng phương án bảo vệ an toàn các tuyến đê

Trên các tuyến đê sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy của tỉnh Nam Định, có 25 vị trí xung yếu, được xác định là trọng điểm, chống lụt bão.

Để chủ động phòng chống lụt bão, kịp thời xử lý các sự cố về đê điều, Nam Định xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm phòng chống lụt bão, lập phương án hộ đê toàn tuyến và chuẩn bị điều kiện, phương tiện, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”. Trước mùa mưa bão năm nay, tỉnh thi công 5 cống thoát nước qua đê; hoàn thiện  hạng mục bảo vệ đê điều. Hiện toàn bộ các địa phương ở Nam Định triển khai phòng chống lụt bão tại cấp cơ sở; tập huấn, diễn tập hộ đê, gia cố những đường cống xung yếu qua đê; xây dựng hệ thống tuần tra, kiểm tra, canh gác nghiêm ngặt ở toàn bộ xã, huyện có đê nhằm kịp thời phát hiện sự cố, chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết… bảo vệ an toàn các tuyến đê trước bão lũ.

** Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ, tại bờ sông xã Trị Quận, huyện Phù Ninh, thuộc tuyến đê hữu sông Lô mấy ngày qua bị sạt lở khoảng 1 km. Vị trí sạt lở nguy hiểm nhất dài 200 m, tại khu dân cư số 10, có 21 hộ dân sinh sống. Trước mắt, tỉnh Phú Thọ phân công lực lượng theo dõi diễn biến sạt lở. Đồng thời, chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, huy động lực lượng, vật tư hoành triệt cống Cầu Đen khi nước sông lên cao. Về lâu dài, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ đề nghị tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khảo sát và đề xuất phương án khắc phục triệt để.

** Mưa lớn kéo dài liên tục trong những ngày qua ở tỉnh Bắc Ninh gây úng ngập nặng. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê sông, Công ty khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Đuống, phải ngừng hoạt động trạm bơm tiêu ra sông Ngũ Huyện Khê và vận hành trạm bơm Trịnh Xá, Hiền Lương, Thái Hoà, Kim Đôi 2, cùng hàng chục máy bơm cục bộ của các hợp tác xã suốt ngày, đêm.

** Tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, trận mưa lớn kéo dài liên tiếp trong những ngày qua khiến gần 3 nghìn 600 héc ta cây trồng, cây vụ đông bị ngập hoàn toàn. Diện tích cây vụ đông có khả năng bị mất trắng là hơn 3 nghìn hécta, trong đó, có hơn 1 nghìn 200 hécta rau, cây ăn quả và cây cảnh. Trước mắt, huyện đã trích ngân sách mua 3 tấn hạt giống rau các loại để phát cho bà con nông dân kịp thời gieo trồng trên những diện tích bị thiệt hại khi nước rút. Bà Nguyễn Thị Lý, trưởng phòng nông nghiệp huyện Khoái Châu cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các xã hỗ trợ nhân dân đồng thời chỉ đạo cả lực lượng dân quân xuống dưới xã để trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo tại chỗ. Nước cạn đến đâu phun nước rửa lá đến đó. Hai là xẻ rãnh sâu để thoát mức nước ngầm ra làm sao không bị úng rễ. Khẩn trương phun kích phát tố để cây chóng phục hồi. Trước mắt là không được tưới bón gì dưới gốc cả”.

** Ngành Y tế tỉnh Hà Tĩnh vừa thành lập 10 đội cơ động, đến 74 xã bị lũ lụt nặng điều trị bệnh, hướng dẫn dân cách xử lý môi trường, phòng chống bệnh. Tiến hành khử khuẩn giếng đào bị ngập nước bằng cloramin B. Bệnh viện tuyến huyện điều trị miễn phí cho người mắc các bệnh về đường tiêu hoá, đau mắt đỏ đến từ vùng lũ. Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế dự phòng, lập các đội cấp cứu chi viện cho tuyến dưới, điều trị bệnh ngay từ lúc mới phát hiện, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Đội đặc nhiệm của Trung tâm y tế dự phòng cắm chốt tại những địa bàn trọng điểm bị ngập sâu, cô lập ở các huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê và hoạt động theo phương châm “nước rút đến đâu, xử lý môi trường, điều trị bệnh đến đó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên