Không nên tự mua và sử dụng thuốc chữa cúm A/H1N1

Đến 14/9, Việt Nam ghi nhận 4.902 trường hợp dương tính, trong đó có 6 ca tử vong. Trong khi đó, nhiều ổ cúm A/H1N1 được phát hiện tại các trường học 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế đã xác nhận, tính đến 17h ngày 14/9, Việt Nam ghi nhận 4.902 trường hợp dương tính, trong đó có 6 ca tử vong do cúm A/H1N1. Riêng ngày 14/9, đã ghi nhận thêm 238 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Khu vực phía Nam phát hiện nhiều ca nhiễm mới nhất: 170 ca; khu vực miền Bắc: 40; khu vực miền Trung: 19 ca và khu vực Tây Nguyên: 9 ca. Số bệnh nhân đã khỏi ra viện là 4.481, các trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Hiện nay tình hình dịch cúm A/H1N1 tiếp tục diễn biến phức tạp, số người nhiễm mới tăng cao hàng ngày, trong đó đã có 6 ca tử vong. Ca tử vong mới nhất do cúm A/H1N1 ngày 12/9 là bệnh nhân nữ tại Bến Tre, khởi bệnh từ ngày 3/9 và đã tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Do vậy, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Nếu có biểu hiện bệnh (sốt, ho, đau họng…) thì chủ động cách ly vào phòng riêng và thông báo cho cơ quan y tế để được khám, chữa trị kịp thời. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.

* Tại Nam Định, chỉ sau 7 ngày kể từ khi phát hiện những trường hợp đầu tiên có dấu hiệu của cúm A/H1N1 đến nay (từ ngày 7 đến 14/9), huyện Giao Thuỷ đã có 122 bệnh nhân bị cúm A/H1N1, 22/22 xã, thị trấn trong huyện đều có người mắc bệnh. Hiện nay, các trường hợp bị dương tinh đang được điều trị tại Trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã. Ngày 14/9, 100% trường học trên địa bàn huyện đã phải nghỉ học để làm vệ sinh, phun thuốc khử trùng, kiểm tra sức khoẻ của học sinh, tập huấn phòng chống dịch cho giáo viên...

Trên địa bàn tỉnh Nam Định, ngoài huyện Giao Thuỷ và TP.Nam Định có người bị nhiễm cúm A/H1N1 (TP.Nam Định 2 trường hợp), tại huyện Hải Hậu cũng có 20 học sinh của trường THPT Hải Hậu B xuất hiện triệu chứng cúm A/H1N1 nhưng chưa có kết qủa xét nghiệm chính thức.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh, Nam Định đã và đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ người dân như: Tổ chức tập huấn phòng chống dịch cho 100% cán bộ y tế (từ thôn, xóm trở lên), 100% giáo viên (từ mầm non trở lên); tỉnh cấp đủ kinh phí để ngành y tế và các huyện mua Cloramin B 5% phun khử trùng tại nơi có dịch, mua khẩu trang phát cho 100% cán bộ, nhân viên, giáo viên làm công tác phòng chống dịch và phục vụ nhân dân có nhu cầu; trang bị nhiệt kế cho 100% trường học để đo thân nhiệt cho học sinh, sớm phát hiện trường hợp nghi nhiễm dịch để cách ly, điều trị... Tỉnh chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng thành lập bệnh viện giã chiến để thu dung, điều trị cho bệnh nhân khi cần thiết.

* Tại Bến Tre, chiều 14/9, Ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1 tỉnh họp mở rộng đánh giá tình hình dịch trên địa bàn và cho biết: hiện nay, dịch cúm A/H1N1 đã lây lan ra 9 huyện, thị trong tỉnh với 382 trường hợp được cách ly, giám sát, trong số này có 80 ca dương tính, đã ra viện 55 ca, đang điều trị 24 ca và một ca tử vong. Hiện nay, Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu tiếp nhận và điều trị 130 – 150 ca/ngày, gây ra tình trạng quá tải và mệt mỏi đối với đội ngũ thầy thuốc. Tình trạng thiếu thuốc Tamiflu điều trị có nguy cơ xảy ra, nếu số người bệnh tiếp tục tăng cao. Không chỉ thiếu thuốc, ngành y tế còn thiếu nơi để cách ly, giám sát bệnh nhân nghi nhiễm cúm A(H1N1). Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Y học cổ truyền Trần Văn An lập thêm phòng và mua 100 chiếc ghế xếp để tiếp nhận bệnh nhân khi cần. Sở cũng chỉ đạo lắp đặt cấp tốc điện, nước cho Bệnh viện Lao của tỉnh, đang xây ở xã Hữu Định (Châu Thành ), làm nơi thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1, nếu dịch bùng phát mạnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã đề nghị UBND tỉnh ra quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 1 ở Bệnh viện Y học cổ truyền Trần Văn An và huy động các sinh viên y năm thứ ba của trường Trung học y tế Bến Tre tham gia chống dịch cúm A/H1N1.

* Tại Tây Ninh, chỉ trong hai ngày 12 và 13/9, toàn tỉnh đã ghi nhận thêm 33 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, chủ yếu là học sinh tại các trường học, nâng tổng số ca nhiễm cúm tính đến ngày 13/9 lên 170 người, chưa kể trên 400 ca là học sinh có biểu hiện nghi ngờ, đang được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế.

Trước tình hình dịch cúm lan nhanh trong các trường học, Sở Y tế Tây Ninh khuyến cáo, đối với các giáo viên, các bậc cha mẹ có con em đang theo học tại các trường học có học sinh nhiễm cúm A/H1N1 hoặc những người có tiếp xúc gần với số học sinh nhiễm cúm A/H1N1, nếu có các triệu chứng như sốt, đau họng, sổ mũi... cần báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. UBND tỉnh Tây Ninh cũng chỉ đạo 2 ngành Y tế và Giáo dục tỉnh thường xuyên bám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của học sinh và giáo viên trong trường học; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và cơ số thuốc; đồng thời sẵn sàng mở thêm bệnh viện “dã chiến” tại cơ sở mới của Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội tỉnh để tiếp nhận, điều trị kịp thời người bệnh trong trường hợp bệnh dịch tiếp tục bùng phát nhanh trong thời gian tới.

* Tại Hải Dương, chiều 14/9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch nguy hiểm ở người tỉnh Hải Dương họp triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch cúm A/H1N1. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm nguy hiểm ở người tỉnh Hải Dương đã quyết định tạm đóng cửa trường THCS Ngô Gia Tự (thành phố Hải Dương), sau khi 9 học sinh lớp 8A1 của trường nhiễm cúm A/H1N1. Cũng tại cuộc họp, ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đã công bố thêm 4 học sinh khối lớp 9 của trường THCS Vĩnh Tuy (huyện Bình Giang) có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1. Tính đến chiều 14/9, Hải Dương đã có 15 học sinh của 3 trường (THCS Ngô Gia Tự, THCS Vĩnh Tuy và Cao đẳng Công nghiệp Sao Đỏ) nhiễm cúm A/H1N1.

Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trên diện rộng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch nguy hiểm ở người tỉnh Hải Dương đã đề một số biện pháp phòng chống dịch như: Thực hiện nghiêm túc hướng dẫn chẩn đoán và phác đồ điều trị cúm A/H1N1 mới của Bộ Y tế cho toàn cán bộ y tế trong địa bàn tỉnh. Chuyển các trường hợp mắc bệnh nặng lên điều trị tại khoa truyền nhiễm Bệnh viên Đa khoa tỉnh và các huyện, thành phố lập danh sách học sinh có biểu hiện cúm giao cho Trạm y tế xã, phường theo dõi và điều trị tại nhà. Tiến hành khử trùng toàn bộ các trường có học sinh mắc cúm, gia đình các bệnh nhân bằng dung dịch Cloramin B 3% và các biện pháp khử khuẩn khác theo qui định của Bộ Y tế. Bệnh viên Đa khoa tỉnh lập kế hoạch thiết lập bệnh viên dã chiến cấp 1. Ngành Y tế phối hợp với Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo các trường trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H1N1. Tổ chức tuyên truyền các phòng dịch cúm A/H1N1 trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và tổ chức xe tuyên truyền lưu động, phát các tờ rơi hướng dẫn về phòng chống cúm tại các khu đông người, chợ, bến xe.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên