Không nên tùy tiện sử dụng thuốc kháng virus khi mắc cúm B

VOV.VN - Người dân không nên tùy tiện sử dụng thuốc kháng virus khi mắc cúm B nếu chưa có chỉ định vì thuốc khá độc hại, dễ ảnh hưởng đến chức năng gan thận.

Dịch cúm B năm nay diễn biến bất thường hơn mọi năm

Thấy con bị sốt, ho, chị Hoàng Ngọc Anh (ở Hà Nội) nghĩ con bị cúm đơn giản. Chị tự cho con uống thuốc cảm cúm như thường lệ, tuy nhiên, sau 2 ngày uống thuốc, cháu nhỏ mệt hơn, đến lúc thấy con mê sảng, đi không vững chị mới tá hỏa gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện. Bé được xác định mắc cúm B. Rất may được phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên con chị đã hồi phục tốt.

“Khi cháu có dấu hiệu bị cúm, tôi nghĩ cháu cũng bị nhẹ như mọi người trong nhà, chỉ cần uống thuốc cảm cúm thường tự khỏi. Không ngờ cháu lại bị nặng, tới bệnh viện xét nghiệm mới ra là cúm B. Thế mới thấy không thể chủ quan được, nhất là với trẻ nhỏ”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Thông thường, giai đoạn thời tiết giao mùa, số trẻ đến khám vì mắc bệnh hô hấp rất đông, trong đó nhiều trẻ bị cúm nặng. Ghi nhận tại bệnh viện Nhi Trung ương, sau đợt cúm A bùng phát mạnh vừa qua, từ tháng 9 - tháng 10 lại bắt đầu xuất hiện nhiều trẻ mắc cúm B.

TS.BS Nguyễn Mai Hoàn, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm nay dịch cúm B có nhiều điểm khác so với mọi năm. Cụ thể tỷ lệ nhiễm cúm B tăng cao hơn, lây lan mạnh, tập trung nhiều ở nhóm trẻ lớn và người lớn.

“Nếu mọi năm cúm B chỉ là virus cúm thông thường thì năm nay, biểu hiện ở các trẻ mắc cúm B có vẻ nặng nề hơn như: Trẻ sốt cao hơn, những trẻ này khi xét nghiệm đã có bội nhiễm, trong đó chủ yếu là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Đặc biệt các trường hợp này đều lây lan mạnh, đa số các trẻ mắc cúm B nhập viện đều có cả gia đình, lớp học cũng bị lây nhiễm”, TS.BS Nguyễn Mai Hoàn cho hay.

Mọi năm, cúm B thường chỉ xuất hiện lẻ tẻ trên một vài cá thể, nhưng năm nay xuất hiện trong từng gia đình, nhóm đông người; người bệnh có biểu hiện nặng nề hơn. Đặc biệt với những trẻ nhập viện có bệnh nền hoặc có yếu tố cơ địa đều bị nhiễm cúm B rất nặng nề.

“Triệu chứng cúm A và cúm B có nhiều điểm giống như: Sốt cao, viêm long đường hô hấp… Tuy nhiên, mọi năm cúm A vẫn được chú trọng nhiều hơn vì cúm A thường gây sốt cao và lây lan mạnh; tuy nhiên năm nay, cúm B cũng có biểu hiện gần giống cúm A, nên người dân cần phải cẩn thận hơn”, TS.BS Nguyễn Mai Hoàn cảnh báo.

Theo BS. Nguyễn Mai Hoàn, tỷ lệ mắc cúm B tăng cao như năm nay có thể do nhiều nguyên nhân như: Virus cúm hay xảy ra ở những cơ thể có yếu tố dịch tễ tiếp xúc nơi đông người; sau thời gian người dân phải cách ly do dịch bệnh; khi trẻ quay trở lại trường nên có biểu hiện mạnh hơn. Đặc biệt, sau khi cơ thể nhiễm virus, nhiễm cúm cũng làm cho hệ miễn dịch của trẻ giảm hơn, sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn khi mắc cúm.

Phòng tránh lây lan

Theo các chuyên gia y tế, cả cúm A và cúm B đều là cúm mùa, nên đa số bệnh nhân tự phục hồi, nhưng có một số trường dễ biến chứng nặng, nhất là những trẻ có nguy cơ cao như: Trẻ dưới 2 tuổi, trẻ mắc bệnh mãn tính (béo phì, phổi mãn tính, hen, rối loạn miễn dịch, dùng thuốc ức chế miễn dịch…). Vì vậy các ca mắc cúm B chủ yếu được chăm sóc tại nhà; các trường hợp trở nặng mới phải nhập viện.

Một số trường hợp mắc cúm B có biến chứng sẽ được sử dụng các thuốc kháng virus giống như cúm A. Người dân không nên tùy tiện sử dụng thuốc kháng virus khi mắc cúm B nếu chưa có chỉ định vì thuốc khá độc hại, dễ ảnh hưởng đến chức năng gan thận…

Bác sĩ cũng khuyến cáo, với các trường hợp mắc cúm B điều trị tại nhà, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ vì bệnh gây sốt cao, viêm long đường hô hấp… Cần cho trẻ ở trong phòng thoáng; sử dụng thuốc hạ sốt nếu sốt trên 38,5 độ, có thể hạ sốt bằng cách chườm ấm cho trẻ, nới rộng quần áo… Trẻ mắc cúm sẽ rất mệt mỏi, ăn uống kém, nên cần được bổ sung các dưỡng chất bằng cách bù dịch đầy đủ, ăn đồ ăn lỏng, chia thành nhiều bữa…

Với các trẻ mắc cúm cần cách ly, tránh đưa đến lớp để không lây chéo sang người xung quanh…

Để phòng lây nhiễm cúm, người dân cần tuân thủ rửa tay khử khuẩn, vệ sinh bề mặt để hạn chế lây nhiễm khi virus phát tán; tránh đưa trẻ đến nơi đông người.

Hiện nay đã có vaccine phòng cúm A, cúm B tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở nên, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng để phòng bệnh tốt nhất. Với trẻ mắc cúm B, cha mẹ cần theo dõi, nếu thấy các dấu hiệu như:  Sốt cao liên tục trên 39,5 độ, sốt cao kéo dài nhiều ngày chưa có dấu hiệu thuyên giảm… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám.

Một số dấu hiệu nặng khi mắc cúm như: Trẻ không chịu chơi, quấy khóc, có trẻ có rối loạn nhịp thở (khó thở, thở khò khè, thở rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng), chân tay lạnh, nhịp tim tăng, da tái, có biểu hiện mất nước, không ăn uống được, trẻ mệt lả…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dịch cúm B trong các trường học tại Bắc Kạn đã được kiểm soát
Dịch cúm B trong các trường học tại Bắc Kạn đã được kiểm soát

VOV.VN - Dịch cúm B trong các trường học tại Bắc Kạn đã được kiểm soát nhưng việc tăng cường các biện pháp phòng dịch từ các thôn bản, tổ dân phố vẫn được tiếp tục chú trọng.

Dịch cúm B trong các trường học tại Bắc Kạn đã được kiểm soát

Dịch cúm B trong các trường học tại Bắc Kạn đã được kiểm soát

VOV.VN - Dịch cúm B trong các trường học tại Bắc Kạn đã được kiểm soát nhưng việc tăng cường các biện pháp phòng dịch từ các thôn bản, tổ dân phố vẫn được tiếp tục chú trọng.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc cúm B gặp biến chứng, cần đưa ngay đến bệnh viện
Dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc cúm B gặp biến chứng, cần đưa ngay đến bệnh viện

VOV.VN - Phần lớn bệnh cúm B nhẹ tự khỏi, tuy nhiên, virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn.

Dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc cúm B gặp biến chứng, cần đưa ngay đến bệnh viện

Dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc cúm B gặp biến chứng, cần đưa ngay đến bệnh viện

VOV.VN - Phần lớn bệnh cúm B nhẹ tự khỏi, tuy nhiên, virus cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn.

Cúm B có nguy hiểm?
Cúm B có nguy hiểm?

VOV.VN - Thời tiết lạnh của mùa đông xuân là điều kiện phát triển mạnh các bệnh đường hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nhiều bệnh lý đã được định danh như cúm (A,B), COVID-19, Adenovirus… Trong đó, nhiều ca mắc cúm B được ghi nhận và có khả năng gia tăng.

Cúm B có nguy hiểm?

Cúm B có nguy hiểm?

VOV.VN - Thời tiết lạnh của mùa đông xuân là điều kiện phát triển mạnh các bệnh đường hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nhiều bệnh lý đã được định danh như cúm (A,B), COVID-19, Adenovirus… Trong đó, nhiều ca mắc cúm B được ghi nhận và có khả năng gia tăng.