Khuyến cáo người dân không làm lúa vụ 3 để tránh thiệt hại do hạn mặn
VOV.VN - Đợt hạn mặn mùa khô 2019-2020 đã làm chết và ảnh hưởng hơn 4.000 ha lúa vụ 3 (Đông Xuân muộn), tỉnh Sóc Trăng đã khuyến cáo người dân không xuống giống lúa vụ 3, tránh bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Lực, nông dân ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề cho biết, nhờ chính quyền địa phương tích trữ nước, nên việc sản xuất lúa Đông Xuân sớm năm nay thuận lợi, đủ nước tưới tiêu. Kết hợp thời tiết ổn định, lúa có giá nên khả năng nông dân có lời cao. Gia đình ông Lực sản xuất trên 1 ha giống Đài thơm 8 và sẽ thu hoạch trong những ngày tới.
Ông Lực cho biết thêm, dù hiện nay nước vẫn đầy đồng, nhưng theo dự báo, thời gian tới hạn mặn sẽ gay gắt hơn, nên ông sẽ không làm lúa vụ 3 để tránh bị thiệt hại.
Còn ông Lê Văn Long, ở xã Long Đức, huyện Long Phú, cho biết, vụ Đông Xuân sớm năm nay, lúa của ông vừa trúng mùa, vừa có giá nên thu lãi lớn. Tuy nhiên, cả gia đình ông và các hộ dân xung quanh đều chắc chắn sẽ không sản xuất lúa vụ 3 để tránh những thiệt hại đã được dự báo trước.
Hiện nay, nhiều diện tích lúa Đông Xuân sớm tại huyện Long Phú đang thu hoạch và trong giai đoạn chín. Để tránh tình trạng bà con tiếp tục xuống giống vụ tiếp theo, nguy cơ thiệt hại do hạn mặn, ông Nguyễn Thanh Hùng, Bí thư Huyện ủy huyện Long Phú cho biết, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của các cấp ủy, chính quyền địa phương là tăng cường tuyên truyền đến người dân trên địa bàn, để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người dân “xé rào” làm lúa vụ Đông Xuân muộn. Bà con nên thay bằng việc đưa màu xuống chân ruộng để vừa tránh thiệt hại, vừa đảm bảo có thu nhập trong mùa khô.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến cáo, đối với một số diện tích ở xã Trường Khánh, một số hộ đang chuẩn xuống giống, chúng tôi chỉ đạo cho các đoàn thể, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân, không nên sản xuất lúa Đông Xuân muộn. Vì những năm 2016, 2019, thiệt hại rất lớn, cho nên Đảng bộ Long Phú tiếp tục tuyên truyền khuyến cáo người dân không nên làm lúa vụ Đông Xuân muộn, bà con nên xuống màu để có thêm thu nhập”, ông Nguyễn Thanh Hùng nói.
Trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên có trên 8.000ha lúa vụ Đông Xuân đang trong giai đoạn trổ chín đến thu hoạch. Do giá lúa cao, nông dân tại địa phương nhiều khả năng tính toán sản xuất lúa vụ 3. Trước tình hình này, chính quyền huyện đã tăng cường chỉ đạo, phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền đến người dân không gieo sạ vụ tới, thay vào đó là tích cực đưa cây màu xuống chân ruộng như trồng dưa hấu, bầu, bí…để hài hòa lợi ích kinh tế và tránh được thiệt hại do hạn mặn.
Ông Đào Đắc Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Muốn người dân có nhận thức tốt thì cần tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Khuyến cáo người dân không nên sản xuất lúa vụ 3, nếu sản xuất thì sẽ thiệt hại rất lớn. Nếu không sản xuất lúa vụ 3 thì cần khuyến khích người dân đưa màu xuống chân ruộng”.
Là địa phương nằm cuối nguồn sông Hậu, tỉnh Sóc Trăng luôn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết cực đoan, đó là nước biển tấn công và nước ngọt từ thượng nguồn đổ về ít. Trong mùa khô năm 2019-2020 vừa qua, mặc dù đã có sự chủ động và quyết liệt ứng phó, nhưng vẫn có hơn 4.000ha lúa vụ 3 tại địa phương bị mất trắng do người dân xé rào sản xuất.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con ở vùng Long Phú - Tiếp Nhựt cũng như các vùng có nguy cơ cao khẩn trương tận dụng các cơ sở, thiết bị trữ nước sẵn có trong gia đình như ao, hồ, kênh, rạch để tích nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trong thời gian sắp tới. Tỉnh tuân thủ tốt các giải pháp ứng phó hạn, mặn theo tinh thần Chỉ thị 36 của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Ông Đạo cho biết thêm, hiện nay, tình hình mặn xâm nhập tại tỉnh đã diễn ra hơn 10 ngày nay và sẽ xâm nhập sâu hơn trong những ngày tới. Khu vực mặn tăng cao đã được đóng cống, đồng thời, các lực lượng điều tiết cống tiếp tục canh trực để khi độ mặn xuống thấp, tranh thủ lấy nước ngọt tích trữ phục vụ sản xuất, sinh hoạt đời sống của người dân.
“Đối với diện tích đã thu hoạch, bà con nên cân nhắc, không nên làm tiếp vụ 3. Vì hiện nay, theo dự báo của cơ quan chức năng, năm nay, mặn vẫn tiếp tục xâm nhập ở mức độ cao. Tuy không bằng 2019-2020, nhưng hiện nay độ mặn trên sông rạch rất cao. Các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn cao, bà con không nên tiến hành sản xuất lúa vụ 3”, ông Phạm Tấn Đạo khuyến cáo.
Từ khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương cùng những tác động từ thực tế ảnh hưởng của hai đợt hạn hán và mặn xâm nhập khốc liệt 2015-2016 và 2019-2020 vừa qua, nhận thức của đa phần người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhất là các địa phương ở vùng ven biển đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ dân cho rằng, chỉ sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc, mùa khô phơi đất để chờ sản xuất vụ sau hoặc thay thế cây màu, chứ không “xé rào” làm lúa vụ 3 như những năm trước, không đảm bảo an toàn./.