Kiên Giang: Công trình nhà ở tuyến dân cư vượt lũ bị ‘rút ruột’?

Một trận mưa dông bất chợt đã làm “lộ” chất lượng công trình nhà ở tuyến dân cư vượt lũ ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang.

Tại hiện trường, hàng chục căn nhà dân cư vượt lũ đổ nát. Nhà vừa mới xây dựng xong, chưa kịp đưa dân vào ở, vậy mà chỉ vài đám mưa, những viên gạch trên tường đã bục và nhão ra như đất. 

Các bức tường lỗ chỗ trông như cái rổ. Cột nhà tiếng là đổ bê tông nhưng  chỉ cần rơi xuống là vỡ nát như thủy tinh. Có những căn chỉ cần dùng tay xô mạnh là tường rung rinh.

Mái nhà còn thê thảm hơn. Tôn lợp lên nhưng không có đinh ốc bắt lại mà chỉ có vài thanh sắt nhỏ dựa hờ hững vào tường. Bởi vậy, chỉ cần cơn gió nhẹ thổi vào là các mái tôn rung lên bần bật và sẵn sàng bay lên bất cứ lúc nào nếu có gió mạnh.

Ông Lê Văn Út (ấp Tân Hoà A, xã Tân An) nhận xét: “Nếu mình làm cột nhà phải có 4 cây sắt, thì ở đây có 3 cây sắt thôi. Một bao xi măng trộn 8 thùng cát thì ở đây trộn 10 thùng nên chất lượng thấp là phải rồi. Đợt mưa dông vừa rồi, mấy người nuôi vịt định trú mưa nhưng thấy nhà như vậy nên họ không dám vô mà che lều ở ngoài bờ kênh”.

Sở Xây dựng Kiên Giang tiến hành lấy mẫu kiểm tra

Cũng theo ông Út dự đoán, để xây một căn nhà ở đây chỉ mất khoảng 10 triệu đồng.

Xã Tân Hòa có 85 căn thì có đến 15 căn bị sập hoàn toàn, 7 căn tốc mái 100% và 8 căn bị tốc mái phân nửa. Không chỉ có lần này mà trước đây, ở cụm dân cư của xã cũng có nhiều căn bị sập.

Thấy chất lượng công trình quá thấp, không đảm bảo an toàn cho người dân vào ở nên xã Tân Hòa đến nay vẫn chưa đồng ý nghiệm thu 14 căn đã hoàn thành trước đây gần nửa năm nay và cả 85 căn lần này.

Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã thẳng thắn nói: “Nếu tình hình vẫn không được cải thiện, xã dứt khoát không đồng ý nghiệm thu đợt này và sẽ dứt khoát không cho dân vào ở”.

Cũng theo ông Khanh, những căn nhà trước đây do Viconaxx xây dựng cũng với giá 10 triệu đồng nhưng chắc chắn, có bão không sập. Còn bây giờ chất lượng xây dựng không đảm bảo, cát nhiều hơn xi măng.

“Tôi đã nói nhiều lần trong hội nghị với thường trực ủy ban. Các đoàn xuống làm việc với xã, dân cũng có kiến nghị, nhưng ban quản lý chỉ hứa, không thấy có chuyển biến gì. Đồng chí Bí thư cũng đã vào kiểm tra, lúc gió lớn, tôi phải đẩy đồng chí ra ngoài vì sợ sập nhà. Ban quản lý yêu cầu nghiệm thu nhưng thấy chất lượng không đảm bảo nên tôi không cho nghiệm thu. Nhà thầu xây dựng yêu cầu xã bố trí dân vào ở, sẽ hỗ trợ cho dân vài triệu đồng/căn, nhưng tôi không đồng ý. Dù có hỗ trợ nguyên căn tôi cũng không cho dân vào. Nếu sập, chết dân ai chịu trách nhiệm đây”, ông Khanh nói.

Toàn bộ dự án án xây dựng tuyến dân cư vượt lũ kênh Đòn Dông có 360 căn nhà được xây dựng dọc theo bờ kênh qua địa bàn 2 xã: Tân An và Tân Hoà B.

Mỗi căn có diện tích 32m2 với chiều ngang 4 m và chiều dài 8m. Hiện nay, dự án đã lắp dựng hoàn chỉnh 300 căn nhà, nhưng chưa tiến hành nghiệm thu, bàn giao vì còn chờ các xã chốt danh sách hộ dân vào ở.

Dự án này được giao cho Doanh nghiệp Tư nhân Ba Sẵn đăng ký kinh doanh tại huyện Giồng Riềng thi công. Khi sự cố xảy ra, chúng tôi nhiều lần liên lạc với Doanh nghiệp Tư nhân Ba Sẵn nhưng đều không liên lạc được hoặc từ chối làm việc.

Tường của nhà ở tuyến dân cư vượt lũ bị thủng lỗ

Sự việc xảy ra, thay vì đi kiểm tra chất lượng công trình thì Ban chỉ đạo xây dựng cụm – tuyến dân cư huyện Tân Hiệp đã vội làm tờ trình xin chủ trương của UBND tỉnh cho phép hỗ trợ đơn vị xây dựng là Doanh nghiệp Tư nhân Ba Sẵn vì nhà sập do thiên tai.

Lý do được ban chỉ đạo đưa ra là “Do trong dự toán xây dựng không có phần bảo hiểm công trình vì mức đầu tư mỗi căn nhà chỉ có 20 triệu đồng, dự toán không tính phần thiết kế cơ bản khác để nâng cao giá trị công trình”. Vì vậy xin hỗ trợ cho nhà thầu tổng số tiền 216,5 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Ông Nguyễn Thành Hiển – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Tân Hiệp - Phó ban chỉ đạo xây dựng cụm – tuyến dân cư huyện Tân Hiệp lý giải: “Do mức đầu tư thấp, có 20 triệu đồng/căn nên thiết kế phải theo giá tiền. Khi lập dự toán không có phần chi phí quản lý dự án hay chi phí khác mà chỉ lập dự toán đến phần chi phí xây dựng thôi. Thiết kế không có, giám sát không có và bảo hiểm công trình cũng không có”.

Đối với việc công trình bị tốc mái do mưa dông, ông Hiển phân tích: “Tại mình chỉ xây được hai vách, ở trên thì lợp mái, tạo ra như một cánh buồm nên khi gió thổi vào sẽ bị tốc mái. Khi bàn giao cho dân vào ở thì người dân làm cửa và hai vách còn, nhà sẽ kín, gió không tốc mái, không sập nhà được”. 

Nhà chất lượng quá thấp, thi công cẩu thả. Nhiều người nhận xét giá trị xây dựng mỗi căn nhà này không bao giờ tới 20 triệu đồng/căn. Tuy nhiên hàng trăm căn nhà được xây dựng kiểu như thế này vẫn được Ban quản lý dự án đầu tư - xây dựng huyện cho làm các thủ tục nghiệm thu.

Các ý kiến phản ánh của địa phương, của dân về chất lượng nhà ở vẫn không được quan tâm và hậu quả là sập nhà.

Điều bất ngờ là đơn vị đầu tư lại xin tiền hỗ trợ cho nhà thầu thi công để khắc phục hậu quả. Dư luận băn khoăn nếu những căn nhà này đã được nghiệm thu và bàn giao cho dân vào ở, không biết hậu quả sẽ như thế nào? Nhưng chắc một điều rằng, lúc này nguyên nhân chính vẫn sẽ là do thiên tai và người dân sẽ phải tự mình khắc phục hậu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên